Tòa Bạch Ốc muốn người dân tin vào câu chuyện huyền thoại về kinh tế

Giúp NTDVN sửa lỗi

Dưới thời Tổng thống Biden, Toà Bạch Ốc liên tục nói với người Mỹ rằng họ đang tận hưởng nền kinh tế tốt nhất trong nhiều năm. Tuy nhiên, dữ liệu lại cho thấy điều ngược lại.

Vào tháng 6/2022, Tổng thống Joe Biden tuyên bố Mỹ là “nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới”. Điều này hoàn toàn vô nghĩa. Trong quý II năm 2023, GDP của Mỹ tăng 2,4%. Tăng trưởng của Ấn Độ từ đầu năm đến nay là khoảng 6%. Albania, Bỉ, Bolivia, Cameroon và một loạt quốc gia khác có tốc độ tăng trưởng GDP nhanh hơn Mỹ.

Các kênh truyền thông chính thống cho rằng chỉ có đảng Cộng hòa mới tin rằng nền kinh tế Mỹ đang tồi tệ và đang hướng tới suy thoái. Tuy nhiên, các dữ liệu xác nhận rằng các con số tăng trưởng không phải là điều duy nhất mà ông Biden đã nhầm lẫn và rằng Mỹ đang rất gần với suy thoái.

Kể từ khi Tổng thống Biden nhậm chức vào tháng 1/2021, lạm phát tích lũy đã ở mức gần 13%. Nhưng đó chỉ là mức trung bình. Giá một số sản phẩm còn tăng mạnh hơn thế. Giá xăng là 2,42 USD/gallon vào năm 2021; bây giờ nó có giá 3,95 USD, tăng 63%. Trước đây, giá trứng là 1,67 USD/tá, nhưng vào tháng 4, giá trung bình là 3,27 USD, có nơi báo cáo giá trứng lên tới 7 USD. Thịt bò xay có giá 3,89 USD một pound vào năm 2021; bây giờ nó là 4,96 USD. Và chỉ trong năm vừa qua, ô tô mới đã tăng gần 20%, thực phẩm đông lạnh hơn 12%, thức ăn trẻ em tăng 10% và tiền thuê nhà tăng hơn 8%.

Khi báo cáo việc làm tháng 5 được công bố, Tổng thống Biden tuyên bố: “Chúng tôi hiện đã tạo ra hơn 13 triệu việc làm kể từ khi tôi nhậm chức. Đó là số việc làm trong 28 tháng nhiều hơn bất kỳ tổng thống nào đã tạo ra trong cả nhiệm kỳ 4 năm”. Tuyên bố này thật hoang đường. Trên thực tế, 72% trong số những công việc được cho là mới này chỉ là những người quay trở lại làm việc sau đại dịch. Con số việc làm thực tế do chính quyền Biden tạo ra là 3,7 triệu.

Trước đại dịch, Tổng thống khi đó là ông Donald Trump đã tạo ra 6,7 triệu việc làm. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động dưới thời Tổng thống Biden thấp hơn 0,7 điểm phần trăm so với chính quyền trước đó. Điều chỉnh theo mức tăng trưởng dân số, điều này có nghĩa là hiện nay có thêm khoảng 2 triệu người Mỹ thất nghiệp so với thời Tổng thống Trump.

Sau khi đóng cửa nền kinh tế để đối phó với đại dịch, chính quyền Biden đã tiến hành chi tiêu mạnh tay cho Kế hoạch Giải cứu Nước Mỹ và các sáng kiến khác, tạo ra khoản nợ bổ sung trị giá 4,8 nghìn tỷ USD. Cuối cùng, Tổng thống Biden có vẻ rất hài lòng với chính mình vì đã tìm ra cách “băng bó vết thương". Một trong những điều luật mỉa mai nhất là Đạo luật Giảm lạm phát. Khi ông ký thành luật vào tháng 8/2022, lạm phát đang ở mức cao nhất trong 40 năm. Đạo luật kêu gọi chi tiêu bổ sung, thứ bổ sung thêm vào nguồn cung tiền, và đồng thời làm tăng lạm phát.

Toà Bạch Ốc muốn người dân tin vào câu chuyện huyền thoại về kinh tế
Một phụ nữ mua sắm tại một siêu thị ở Thành phố New York vào ngày 14/12/2022. (Ảnh: Yuki Iwamura/AFP qua Getty Images)

Hầu hết mọi người nghĩ rằng lạm phát có nghĩa là giá cả đang tăng lên. Trên thực tế, giá cao hơn chỉ là kết quả. Lạm phát là sự mất giá trị đối với đồng tiền của bạn do lãi suất thấp giả tạo và hoạt động vay mượn và chi tiêu của chính phủ. Các chương trình chi tiêu của chính quyền Biden đã bổ sung thêm hàng nghìn tỷ USD vào nguồn cung tiền, làm giảm sức mua đồng USD. Việc Cục Dự trữ Liên bang (Fed) tăng lãi suất đang bắt đầu hạn chế nguồn cung tiền, đó là lý do tại sao lạm phát đang giảm dần. Tuy nhiên, lãi suất cao sẽ gây tổn hại cho những gia đình muốn mua ô tô, vay tiền hoặc vay thế chấp. Ngoài ra, chúng ta sẽ không bao giờ cần đến những đợt tăng lãi suất này nếu chính quyền không khiến nền kinh tế ngập trong nợ nần và chi tiêu.

Gần đây, chính quyền Biden đã giành lấy công lao trong việc làm giảm lạm phát và nói rằng Đạo luật Giảm lạm phát đã có hiệu quả. Nhưng như đã nói ở trên, Tổng thống Biden đã không làm giảm được lạm phát. Chi tiêu nhiều hơn không làm giảm lạm phát và quan trọng nhất là Đạo luật trên không làm giảm lạm phát - việc tăng lãi suất của Fed đã làm được điều đó.

Ngoài ra, khi người dân ở Mỹ và các nơi khác quay trở lại làm việc, và các nhà máy và hoạt động vận chuyển trở lại trạng thái bình thường, mặt bằng giá đã giảm xuống. Lãi suất của Fed là lãi suất nhân tạo, không phải lãi suất thị trường. Nó được đặt ở mức thấp giả tạo trong thời kỳ đại dịch, điều này đã góp phần gây ra lạm phát. Bây giờ, nó cao một cách giả tạo, điều này đang làm nền kinh tế chậm lại. Nếu cơ quan quản lý tiền tệ không cẩn thận, nền kinh tế có thể chậm lại quá mức, đẩy đất nước vào suy thoái. Nước Mỹ sẽ không đứng trên bờ vực suy thoái nếu không có kinh tế học Biden.

Một điểm quan trọng nữa là giá chưa giảm. Tỷ lệ lạm phát là 7% vào năm 2021, 6% vào năm 2022 và 3,2% trong năm nay. Mức 3,2% không chỉ cao hơn so với mục tiêu thông thường là 2-3% do Fed đặt ra mà những con số này, cho dù là 7% hay 3,2%, cũng phản ánh việc giá cả đang tăng. Vì vậy, chính quyền Biden đã không thực sự hạ được mặt bằng giá. Chính quyền Biden cũng không ngăn được giá tăng cao hơn. Họ chỉ làm chậm lại tốc độ gia tăng. Nếu đây được coi là một chiến thắng thì cần ta cần phải có một thước đo mới.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTD Việt Nam.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch

 

Tiến sĩ Antonio Graceffo là nhà phân tích kinh tế Trung Quốc đã có hơn 20 năm làm việc tại châu Á. Ông tốt nghiệp Đại học Thể thao Thượng Hải và có bằng MBA của Đại học Giao thông Thượng Hải; và hiện đang theo học ngành quốc phòng tại Đại học Quân đội Mỹ. Ông là tác giả của cuốn sách: Beyond the Belt and Road: China’s Global Economic Expansion (Đằng sau Vành đai và Con đường: Sự mở rộng kinh tế toàn cầu của Trung Quốc).



BÀI CHỌN LỌC

Tòa Bạch Ốc muốn người dân tin vào câu chuyện huyền thoại về kinh tế