Khủng hoảng lạm phát và mánh khóe cổ xưa của chính phủ Mỹ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sự thịnh vượng của người Mỹ vẫn tiếp tục bị hủy hoại thông qua lạm phát trong khi chính những kẻ gây ra cuộc khủng hoảng lại tự xưng là những người có thể giải quyết nỗi đau.

Cuộc khủng hoảng lạm phát thậm chí còn kéo dài hơn so với mức tôi hay bất kỳ ai đã nghĩ. Ngay cả các tờ báo dòng chính cũng không thể bào chữa cho tình hình. Chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ mới được công bố và không có dấu hiệu cải thiện so với tháng trước. Nó nằm ở mức 3,2% với động lực lạm phát mới là thực phẩm và thuốc men.

Chỉ số lạm phát dính cũng cao một cách khó chịu ở mức 5,4%.

Thay vì tuân theo kịch bản tuyên truyền về xu hướng giảm lạm phát, các bài báo đưa tin: lạm phát không được cải thiện. Đó thực sự đã trở thành điều bình thường mới.

Thật thú vị bởi vì bây giờ là tháng thứ 31 kể từ khi đợt lạm phát “tạm thời” này bắt đầu [chính phủ Mỹ đã từng gọi đợt lạm phát hiện nay chỉ là tạm thời]. Người Mỹ cũng đã trải qua một giai đoạn thời gian dài kể từ khi Cục Dự trữ Liên bang bắt đầu cuộc chiến chống lạm phát bằng cách tăng lãi suất ở mức nhanh nhất trong toàn bộ lịch sử của tổ chức này. Trong khi đó, tỷ lệ lãi suất quỹ liên bang thực vẫn chỉ cao hơn 0 một chút. Đó là bởi vì lạm phát vẫn đang làm rung chuyển nền kinh tế và ăn mòn sức mua của đồng USD.

Điều tích cực nhất mà bạn có thể nói là sức mua của đồng USD đang giảm với tốc độ chậm hơn so với một năm trước. Nhưng nó vẫn đang giảm và Fed đang không đạt được mục tiêu của mình. Giá cả còn xa mới quay trở lại mức năm 2019 mà thay vào đó, tất cả đều trở nên tồi tệ hơn. Người Mỹ hiện đã mất 16 xu so với giá trị của 1 đồng USD vào đầu năm cuối cùng trong nhiệm kỳ tổng thống của Trump. Việc in tiền điên cuồng đã gây ra một thiệt hại khủng khiếp. Toàn bộ giá trị của các khoản tài trợ tiền mặt cho người dân từ năm 2020 và 2021 đã hoàn toàn biến mất.

Khủng hoảng lạm phát và mánh khóe cổ xưa của chính phủ Mỹ
Biểu đồ: Sức mua của đồng USD. (Nguồn: Federal Reserve Economic Data [FRED], St. Louis Fed; Biểu đồ: Jeffrey A. Tucker)

Tất cả điều này rất thú vị bởi vì Fed đã làm mọi thứ mà họ biết để kiểm soát điều này. Fed chưa từng thừa nhận chính họ đã gây ra vấn đề ngay từ đầu bằng cách tài trợ cho một đợt chi tiêu điên cuồng được Quốc hội cho phép. Fed đã hấp thu tối đa những khoản nợ mới được tạo ra. Khi làm như vậy, nó đã gây ra một mớ hỗn độn.

Quan sát quá trình dọn dẹp mớ hỗn độn của Fed là một việc làm thích thú. Nó giống như đốt lửa trong bếp và sau đó đòi hỏi sự ghi nhận cho kỹ năng dọn dẹp tuyệt vời. Tệ hơn, việc dọn dẹp chưa thực sự hiệu quả. Tổng lượng tiền trong nền kinh tế thực sự đã giảm 5,4% kể từ khi cuộc chiến chống lạm phát bắt đầu. Nhưng ngay cả điều đó cũng không thể có tác dụng thuần hóa con quái vật.

Tại sao lạm phát vẫn dai dẳng?

Hãy cùng tìm kiếm lý do cho sự dai dẳng của lạm phát. Luôn có độ trễ giữa tiền và giá cả nhưng đó là 12 đến 18 tháng và người Mỹ thực sự đã vượt qua giai đoạn đó. Chúng ta nên thấy một tác động lớn hơn. Lẽ ra người Mỹ phải đạt được mục tiêu rồi. Nhưng hãy nghĩ về “phương trình trao đổi” cũ đã được các nhà lý thuyết tiền tệ sử dụng trong nhiều thế kỷ. Tác động của tiền đối với giá cả được giảm thiểu bởi một khái niệm gọi là vận tốc của tiền. [Phương trình đó là MV=PQ. M là lượng cung tiền, V là vận tốc của tiền, P là mức giá trung bình, Q là tổng lượng hàng hóa và dịch vụ].

Vận tốc là thước đo tốc độ tiêu tiền. Khi mọi người tích lũy tiền mà không tiêu, thước đo vận tốc giảm xuống. Điều này luôn xảy ra trong một cuộc khủng hoảng. Mọi người sợ hãi và giữ tiền mặt. Nó xảy ra vào thời điểm bắt đầu cuộc Đại khủng hoảng. Nó đã xảy ra vào năm 2008. Và nó đã xảy ra vào năm 2020 nhưng ở mức độ lớn chưa từng thấy. Mọi người rủng rỉnh tiền mặt và không có gì để tiêu, vì vậy nước Mỹ bước vào giai đoạn vận tốc âm.

Tốc độ suy giảm này tạo cơ hội cho Fed mở rộng hoạt động thị trường mở và mở rộng tín dụng thông qua hệ thống ngân hàng. Sự suy giảm cũng cho phép ngân hàng trung ương tránh được hậu quả lạm phát từ các chính sách của mình.

Tuy nhiên, Fed không thể kiểm soát vận tốc của tiền. Nó chỉ đơn thuần là thước đo tâm lý của công chúng đối với rủi ro và kỳ vọng. Trong khi đó, tốc độ của tiền ảnh hưởng sâu sắc tới giá trị của đồng tiền.

Theo thời gian, người dân và các tổ chức đã chuyển nhiều tiền hơn từ số dư tiền mặt sang việc mua hàng. Vận tốc đang tăng dần, chính xác như người ta dự đoán. Đó là điều không thể tránh khỏi. Tốc độ tiêu tiền này đang thúc đẩy sự tăng giá. Và sự thay đổi đó đang làm giảm tác động của việc thu hẹp tổng lượng tiền tệ trong nền kinh tế.

Khủng hoảng lạm phát và mánh khóe cổ xưa của chính phủ Mỹ
Biểu đồ: Nguồn cung tiền M2 và vận tốc tiền M2. Đường màu xanh: nguồn cung M2, biểu diễn theo cột bên trái. Đường màu đỏ: vận tốc tiền, biểu diễn theo cột bên phải. (Nguồn: Federal Reserve Economic Data [FRED], St. Louis Fed; Biểu đồ: Jeffrey A. Tucker)

Tất nhiên có hàng triệu yếu tố khác ảnh hưởng tới bức tranh lớn này. Nhưng bằng cách sử dụng cách tiếp cận giản lược của một phương trình đơn giản (trong đó tiền nhân với vận tốc bằng giá nhân với sản lượng), bạn có thể thấy rằng vẫn còn rất nhiều khoảng trống để giá tăng và tăng.

Trên thực tế, nếu tốc độ tiếp tục tăng như thế này, người Mỹ sẽ có các năm tăng giá ở mức 3% hoặc cao hơn, với giả định không có bất ngờ đột ngột.

Với tốc độ suy giảm hiện tại, chúng ta có thể kỳ vọng đồng USD năm 2020 sẽ tiếp tục giảm giá trị, do đó, nó sẽ chỉ còn một nửa giá trị vào thời điểm chúng ta đạt tới những năm 2030. Hãy nhớ rằng đây là loại thuế phá hoại mức sống của tầng lớp trung lưu và người nghèo trong khi làm giàu cho những người và tổ chức có khả năng chịu đựng cơn bão.

Mánh khóe cổ xưa

Người Mỹ đã quen với tất cả những điều này như thế nào? Đây là một điểm thú vị. Ví dụ, hiện tại giá xăng cao có khiến người Mỹ phát điên như cách đây hai năm không? Chắc là không. Đó là bởi vì người Mỹ đã bị thao túng bằng khái niệm gây sốc và sợ hãi của quân đội. Chính phủ Mỹ hủy hoại người dân tại một thời điểm và sau đó thả lỏng một chút để khiến người dân Mỹ biết ơn vì đã nỗi đau đã giảm bớt.

Khủng hoảng lạm phát và mánh khóe cổ xưa của chính phủ Mỹ
Một phụ nữ mua sắm tại một siêu thị ở Thành phố New York vào ngày 14/12/2022. (Ảnh: Yuki Iwamura/AFP qua Getty Images)

Đây chính xác là những gì đã xảy ra với giá xăng. Trong thời gian dài, nó chỉ làm mỗi việc là tăng giá nhưng hiện tại người Mỹ cảm thấy không tệ lắm. Điều này là hoàn toàn là vấn đề thuộc về tư tưởng. Còn trên thực tế, người Mỹ đang bị cướp bóc.

Giá xăng cuối cùng có thể đạt mức cao cũ (sau một giai đoạn giảm nhẹ) nhưng đến lúc này, người Mỹ sẽ bị bầm dập và bê bết đến mức không còn la hét trong đau đớn nữa. Nói tóm lại, những chủ nhân của nước Mỹ đang cố gắng khiến người dân Mỹ quen với sự đau khổ để họ không còn sức lực để phản đối.

Đây là cách “tạm thời” trở thành vĩnh viễn và tại sao cả một thế hệ đã quên mất cảm giác sống với giá cả giảm trong nhiều lĩnh vực trong khi thu nhập tăng đều đặn.

Những ngày đó dường như không còn nữa. Thu nhập của người Mỹ đang giảm ngay cả khi chính những tên trộm đã lấy đi sự thịnh vượng của nước Mỹ tiếp tục tự xưng là những người có thể giải quyết vấn đề do chính họ tạo ra. Nó được gọi là chính sách tiền tệ nhưng thực ra lại là một mánh khóe cổ xưa vẫn còn được sử dụng hiệu quả trong thế kỷ 21.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTD Việt Nam.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch

Tác giả Jeffrey A. Tucker là nhà sáng lập và Chủ tịch của Viện Brownstone, đồng thời là tác giả của hàng nghìn bài báo trên các tờ báo học thuật và phổ thông, cũng như tác giả của 10 cuốn sách viết bằng 5 thứ tiếng với cuốn sách gần đây nhất là “Liberty or Lockdown”. Ông cũng là biên tập viên của The Best of Mises. Ông viết các bài bình luận về kinh tế cho The Epoch Times và nói chuyện về nhiều chủ đề như kinh tế, công nghệ, triết học xã hội và văn hóa.



BÀI CHỌN LỌC

Khủng hoảng lạm phát và mánh khóe cổ xưa của chính phủ Mỹ