Hoa Kỳ có xứng đáng bị hạ bậc tín nhiệm?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Việc bị hạ bậc tín nhiệm giống như một hồi chuông báo động. Mối nguy hiểm là có thật, và thị trường ngày nay không thích sự thật cho lắm. Trên thực tế, Mỹ vốn đã ở trong tình trạng vỡ nợ. Chiếc máy in tiền là ngụy trang duy nhất cho tình trạng đó.

Xếp hạng trái phiếu là một công cụ kinh tế cực kỳ quan trọng. Chúng báo hiệu cho các nhà đầu tư về chất lượng của một công cụ nợ dựa trên khả năng nó sẽ được thanh toán. Xếp hạng càng cao, nó càng an toàn và càng chắc chắn đó là một khoản đầu tư đáng tin cậy. Nó càng thấp, bạn càng có nhiều rủi ro. Ví dụ, trái phiếu rác có thể kiếm được khoản lợi nhuận khổng lồ nhưng người ta không bao giờ biết chắc liệu những người nắm giữ nó có bao giờ nhận được lợi nhuận đó hay không.

Có ba công ty xếp hạng trái phiếu lớn ở Mỹ. Một trong số họ, Fitch, vừa hạ cấp nợ chính phủ Mỹ. Kết quả, chúng ta được chứng kiến sự giận dữ tuyệt đối từ chính quyền Biden. Hãy nhớ rằng việc hạ cấp này là mức nhỏ nhất có thể tưởng tượng được: từ AAA xuống AA+. Điều đó gần như chẳng là gì nhưng nó gửi đi một tín hiệu quan trọng rằng các khoản nợ của Mỹ - thứ an toàn nhất trên thế giới đến mức mọi người coi nó giống như tiền mặt trong ngân hàng - đột nhiên bị nghi ngờ.

Cơ quan này cho biết: “Các bế tắc chính trị liên tục lặp lại về giới hạn nợ và các giải pháp vào phút cuối đã làm xói mòn niềm tin vào hoạt động quản lý tài chính”. Chà, còn rất nhiều điều sai trái khác, cụ thể là việc Washington mất đi ý thức về cách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tất cả mọi động thái đều hướng tới sự kiểm soát và can thiệp nhiều hơn.

Mỹ có xứng đáng bị hạ cấp tín nhiệm?
Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) gặp Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy tại Phòng Bầu dục của Tòa Bạch Ốc ở Washington, DC, Mỹ, vào ngày 09/05/2023. (Ảnh: BRENDAN SMIALOWSKI/AFP qua Getty Images)

Tại sao mọi người lại lo lắng?

Người ta có thể coi đây là một bước lùi tạm thời và thực sự không có gì to tát. Nhưng họ đã không coi nó như vậy, và tại sao? Đó là bởi vì có một quan điểm rộng rãi ở Phố Wall, trong thế giới tài chính, trong thế giới doanh nghiệp và công chúng nói chung rằng những ngày tươi đẹp nhất của nước Mỹ đã qua.

Đôi khi có cảm giác như cả nước Mỹ đang chìm trong khó khăn. Người Mỹ đang phải đối mặt với sự điên rồ ở biên giới, việc kiểm duyệt trên các phương tiện truyền thông, sự cai trị của nhà nước hành chính, một hệ thống phương tiện truyền thông và chính phủ mà không còn ai tin tưởng nữa, các quyền lợi bị xâm phạm, sự suy đồi của hệ thống pháp quyền, sự suy tàn của các thành phố, sự sụp đổ của sức khỏe, giáo dục sa sút, số người đi lễ nhà thờ sụt giảm trầm trọng, và một món nợ khổng lồ không trả được.

Tình hình tồi tệ tới mức hầu như không có ai có địa vị sẵn sàng nói ra sự thật.

Trump và Biden

Một cơ quan xếp hạng trái phiếu cuối cùng đã bước ra nói lên một chút sự thật và mọi người bắt đầu la hét. Có một lý do cho vấn đề. Trên thực tế có hai lý do: Trump và Biden. Tất nhiên họ đang đổ lỗi cho nhau. Như thường lệ ở Washington, cả hai bên nói chung đều đúng về nhau. Đây là một đòn đánh lưỡng đảng vào sức khỏe kinh tế Mỹ.

Mỹ có xứng đáng bị hạ cấp tín nhiệm?
Bức ảnh được tổng hợp này được tạo ra vào ngày 22/10/2020 cho thấy Tổng thống Donald Trump, bên trái và ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ Joe Biden trong cuộc tranh luận tổng thống cuối cùng tại Đại học Belmont ở Nashville, Tennessee, Mỹ, vào ngày 22/10/2020. (Ảnh: Brendan Smialowski và Jim Watson / AFP qua Getty Images)

Người phát ngôn Tòa Bạch Ốc Karine Jean-Pierre cho biết “rõ ràng là chủ nghĩa cực đoan của các quan chức đảng Cộng hòa - từ việc cổ vũ cho việc vỡ nợ, đến phá hoại sự quản trị và nền dân chủ, đến việc tìm cách mở rộng các ưu đãi thuế thổi bùng thâm hụt dành cho người giàu và các tập đoàn - là mối đe dọa liên tục đối với nền kinh tế của chúng ta”.

Được rồi, đó là điều hoàn toàn ngớ ngẩn. Ông Trump chưa bao giờ làm suy yếu hoạt động quản trị. Với các đợt phong tỏa vào năm 2020, công tác quản trị chưa bao giờ tốt như vậy. Đối với ưu đãi thuế, cắt giảm thuế không có gì sai, vấn đề là ở việc mở rộng chi tiêu. Lịch sử nước Mỹ chưa bao giờ chứng kiến bất cứ điều gì giống như thâm hụt của Trump. Nhưng tại sao ông Biden không kết thúc điều đó? Thay vào đó, ông mở rộng vấn đề và thậm chí còn tạo thêm nợ? (Hãy nhớ rằng thâm hụt là sự thay đổi hàng năm của nợ.)

Mỹ có xứng đáng bị hạ bậc tín nhiệm?

Bây giờ, sự hạ cấp tín nhiệm là xứng đáng đến mức độ nào? Chà, đó là một câu hỏi phức tạp.

Chúng ta hãy hướng sự chú ý tới trái phiếu tiểu bang của Mỹ. Hãy nhớ rằng các bang không có ngân hàng trung ương để trả nợ nếu không có tiền. Họ phải cân đối ngân sách của mình hàng năm và khoản nợ mà họ gánh chịu chỉ được đảm bảo bằng các khoản thu thuế trong tương lai cộng với bất kỳ khoản lợi nhuận nào họ nhận được từ các khoản đầu tư khác nhau. Do đó, trái phiếu tiểu bang cung cấp cái nhìn thực tế nhất về tình hình định giá trái phiếu.

Hiện nay, xếp hạng trái phiếu ở cấp tiểu bang đang hoàn toàn hỗn loạn.

Những tiểu bang nào có xếp hạng AAA? Arizona, Delaware, Florida, Georgia, Indiana, Iowa, Maryland, Missouri, Nebraska, Bắc Carolina, Ohio, Nam Dakota, Tennessee, Texas, Utah và Virginia. Xin chúc mừng! Những tiểu bang có xếp hạng tồi tệ nhất? New Jersey (BBB+), Connecticut (A), Illinois (A-), Kentucky (A), Pennsylvania (A+) và California (AA-).

Những con số này lên xuống thất thường trong nhiều năm, mặc dù một số luôn luôn tuyệt vời, chẳng hạn như Florida, Delaware, Georgia và Utah. Xếp hạng lên rồi xuống và không ai đặc biệt hoảng sợ đơn giản vì người mua có thể lựa chọn và cảnh giác. Một số thích rủi ro và những người khác thì không. Nhưng không ai nghi ngờ tính chính xác của xếp hạng đơn giản vì không tiểu bang nào trong số này có ngân hàng trung ương.

Đồng thời, không một tiểu bang nào ở Mỹ đang trải qua thảm họa tài chính như của chính phủ liên bang. Thậm chí hoàn toàn không. Chúng ta có thể hỏi điều gì sẽ xảy ra nếu khoản nợ của Mỹ được đánh giá một cách công bằng và được đánh giá theo các tiêu chuẩn thị trường chân chính. Điều đó sẽ xảy ra nếu Fed tuyên bố sẽ không bao giờ có gói cứu trợ (nó tồn tại một phần là để đảm bảo cho khoản nợ của Mỹ) hoặc Fed bị bãi bỏ hoàn toàn để chính phủ liên bang hoạt động theo cùng tiêu chuẩn kế toán như của các tiểu bang.

Mỹ có xứng đáng bị hạ cấp tín nhiệm?
Ông Jerome Powell, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, điều trần trước Ủy ban Các vấn đề Đô thị, Nhà ở và Ngân hàng Thượng viện ngày 22/06/2022 tại Washington, DC, Mỹ. (Ảnh: Win McNamee / Getty Images)

Kết quả sẽ là như thế nào? Điều gì sẽ xảy ra với xếp hạng nợ của Mỹ khi hoàn toàn không có sự hiện diện của Fed? Đây hoàn toàn là suy đoán nhưng tôi nghĩ sẽ có rắc rối.

  • CCC—hiện dễ bị mất khả năng thanh toán
  • C—rất dễ bị tổn thương với rủi ro không thể thanh toán
  • D—vỡ nợ

Những xếp hạng trên được coi là trái phiếu rác. Đó rất có thể là xếp hạng của trái phiếu Kho bạc Mỹ. Rõ ràng, đây sẽ hoàn toàn là một thảm họa đối với nền tài chính và khiến mọi nhà đầu tư điên cuồng săn lùng tài sản có giá trị. Vàng sẽ tăng vọt và Bitcoin, đất đai, dầu mỏ, mọi thứ và bất cứ thứ gì bạn có thể chạm tay vào cũng vậy.

Theo quan điểm của tôi, đây sẽ là một cảnh tượng đầy thích thú. Mặc dù thảm họa sẽ xảy ra ngay lập tức, nhưng nó cũng sẽ là tạm thời theo nghĩa là thị trường sẽ buộc Washington phải vận hành theo đúng khả năng của mình. Điều đó cũng có nghĩa là Mỹ sẽ là trung tâm của một rủi ro tín dụng khủng khiếp trong một thời gian và các chính phủ nước ngoài sẽ bán tháo các khoản nợ bằng USD một cách tích cực hơn bao giờ hết.

Bạn sẽ không cần biện pháp điều chỉnh để cân bằng ngân sách. Nó sẽ tự động xảy ra, giống như ở các tiểu bang không có ngân hàng trung ương!

Chắc chắn là, trong ngắn hạn, điều này không thể xảy ra. Nhưng chỉ cần nghĩ về thí nghiệm tinh thần nhỏ này cũng đủ để hiểu bản chất của vấn đề. Lý do duy nhất khiến khoản nợ của Mỹ được (hoặc đã) xếp hạng AAA+ là do lời hứa chắc chắn về việc in tiền ra vô hạn. Nếu bạn đưa cho con trai mình một thẻ tín dụng được đảm bảo với hạn mức tín dụng hàng tỷ USD, nó sẽ rất được yêu quý ngay cả khi không có việc làm. Đây là cách chính phủ Mỹ vận hành ngày nay.

Đồng thời, đây cũng là một tình cảnh đầy rủi ro, đặc biệt là với khoản nợ chiếm 118% GDP khi nó mới chỉ vượt qua 100% vào năm 2019. Điều đó đơn giản là không bền vững khi ta có cỗ máy in tiền thần kỳ của Fed.

Đây là lý do tại sao các thị trường rất lo lắng về việc hạ xếp hạng từ những tổ chức xếp hạng trái phiếu quan trọng. Nó giống như hồi chuông báo động. Mối nguy hiểm là một sự thật, và thị trường ngày nay không thích sự thật cho lắm. Trên thực tế, Mỹ đã ở trong tình trạng vỡ nợ. Chiếc máy in tiền là ngụy trang duy nhất cho tình trạng đó.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTD Việt Nam.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch

Tác giả Jeffrey A. Tucker là nhà sáng lập và Chủ tịch của Viện Brownstone, đồng thời là tác giả của hàng nghìn bài báo trên các tờ báo học thuật và phổ thông, cũng như tác giả của 10 cuốn sách viết bằng 5 thứ tiếng với cuốn sách gần đây nhất là “Liberty or Lockdown”. Ông cũng là biên tập viên của The Best of Mises. Ông viết các bài bình luận về kinh tế cho The Epoch Times và nói chuyện về nhiều chủ đề như kinh tế, công nghệ, triết học xã hội và văn hóa.



BÀI CHỌN LỌC

Hoa Kỳ có xứng đáng bị hạ bậc tín nhiệm?