Bộ não của chúng ta phản ứng như thế nào khi nghe được giọng nói lạ trong lúc ngủ?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bạn đã bao giờ quan sát một con vịt và tự hỏi làm thế nào mà nó vẫn mở một mắt khi ngủ? Vịt, giống như nhiều loài chim khác, ngủ với một nửa não vẫn hoạt động trong khi nửa còn lại rơi vào trạng thái nghỉ. Đây được gọi là "giấc ngủ đơn bán cầu", cho phép các loài chim theo dõi môi trường xung quanh để đề phòng những kẻ săn mồi trong khi vẫn nhận được sự nghỉ ngơi cần thiết...

Những phát hiện khoa học về giấc ngủ cho thấy não người cũng theo dõi môi trường xung quanh trong khi ngủ. Tuy nhiên, vì mắt chúng ta nhắm nghiền nên việc theo dõi này chủ yếu phải dựa vào thính giác.

Để bảo vệ giấc ngủ, bộ não của chúng ta phải ngăn chặn những âm thanh vô hại, chẳng hạn như tiếng người bạn đời của bạn trở về nhà muộn hoặc tiếng hạt mưa rơi trên mái nhà. Nhưng nó phải sẵn sàng đánh thức bạn nếu nghe thấy những loại tiếng ồn tiềm ẩn nguy hiểm.

Một nghiên cứu mới được công bố trên Tạp chí Khoa học Thần kinh cho thấy rằng não bộ phân biệt âm thanh an toàn và có khả năng gây hại bằng cách phản ứng khác nhau đối với những âm thanh này.

Trong nghiên cứu nói trên, các nhà khoa học tại Đại học Salzburg ở Áo đã tuyển chọn 17 tình nguyện viên để họ ngủ qua đêm trong phòng thí nghiệm về giấc ngủ.

Trong khi các tình nguyện viên đang ngủ, các nhà khoa học sẽ ghi lại hoạt động trong não của họ thông qua điện não đồ (EEG).

Trong suốt đêm, các nhà nghiên cứu đã phát các đoạn ghi âm. Các đoạn ghi âm sẽ phát ra một giọng nói đọc to tên, bao gồm tên riêng của tình nguyện viên và các tên khác. Đôi khi giọng nói đó là một người quen thuộc với họ, chẳng hạn như cha mẹ hoặc bạn đời của họ, và đôi khi đó là một giọng nói xa lạ.

Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy sự khác biệt trong phản ứng của não đối với những giọng nói quen thuộc và xa lạ. Họ xác định được hai phản ứng của não thay đổi tùy thuộc vào mức độ quen thuộc của giọng nói: phức hợp K (K-complex) và thức giấc ngắn (micro-arousals).

Phức hợp K là những tín hiệu sóng sắc nét được nhìn thấy trong điện não đồ khi con người ngủ và kéo dài khoảng nửa giây. Bộ não có thể tạo ra chúng một cách tự phát, nhưng hầu hết chúng xảy ra sau khi có sự xáo trộn đến từ bên ngoài, chẳng hạn như ai đó chạm nhẹ vào bạn khi bạn ngủ. Chúng được cho là có tác dụng bảo vệ giấc ngủ bằng cách ngăn bạn thức giấc nếu sự xáo trộn có thể là vô hại.

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những giọng nói xa lạ gây ra nhiều phức hợp K hơn những giọng nói quen thuộc. Họ cho rằng những âm thanh có khả năng đe dọa cao hơn có khả năng đánh thức bạn, vì vậy não phải làm việc nhiều hơn để ngăn chặn chúng.

Điều thú vị là sự khác biệt trong tổ hợp âm thanh giữa giọng nói quen thuộc và không quen thuộc đã biến mất vào nửa sau của đêm. Điều này cho thấy não biết rằng giọng nói lạ là an toàn.

Vịt ngủ với một mắt mở giúp chúng vẫn có thể theo dõi môi trường để đề phòng những kẻ săn mồi. (Ảnh: Josue Michel / Unsplash)
Vịt ngủ với một mắt mở giúp chúng vẫn có thể theo dõi môi trường để đề phòng những kẻ săn mồi. (Ảnh: Josue Michel / Unsplash)

Giọng nói không quen thuộc cũng gây ra nhiều phản ứng thức giấc ngắn hơn là giọng nói quen thuộc. Thức giấc ngắn là một phần bình thường của giấc ngủ và xuất hiện trong điện não đồ như một sự kết hợp ngắn giữa hoạt động não giống như thức và ngủ. Giống như phức hợp K, phản ứng thức giấc ngắn có thể xảy ra một cách tự phát hoặc sau một sự xáo trộn bên ngoài. Chúng có thể kéo dài trong vài giây nhưng thường không khiến con người tỉnh dậy.

Các nhà khoa học hiện vẫn chưa hiểu rõ về chức năng của phản ứng thức giấc ngắn. Nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng chúng có thể đóng một vai trò trong việc xử lý thông tin từ môi trường để xác định xem nó có thể gây hại hay không.

Những phản ứng của não bộ này có ý nghĩa gì?

Mặc dù đây là một nghiên cứu nhỏ, nhưng phát hiện này bổ sung bằng chứng cho các lý thuyết hiện có giải thích cách bộ não con người bảo vệ chúng ta khỏi nguy hiểm trong khi ngủ. Các nhà khoa học trước đây đã đề xuất rằng não đi vào “chế độ chờ” trong khi chúng ta ngủ.

Điều này có nghĩa là bộ não tiếp tục theo dõi các sự kiện trong môi trường, ngay cả khi ý thức của chúng ta mất dần trong lúc chìm sâu vào giấc ngủ. Các thông tin đến được xử lý để quyết định xem nó có liên quan và gây nguy hiểm hay không. Tùy thuộc vào kết quả đánh giá, não sẽ bảo vệ giấc ngủ hoặc đánh thức chúng ta.

Kết quả của nghiên cứu này cho thấy rằng giọng nói là một dấu hiệu tiềm ẩn cho sự nguy hiểm: những giọng nói quen thuộc được coi là an toàn, trong khi những giọng nói không quen có thể gây ra mối đe dọa.

Nhưng rất khó để chứng minh rằng các phản ứng phức hợp K và đánh thức ngắn tăng lên khi phản ứng với những giọng nói lạ cho thấy não bộ dự báo nguy hiểm có thể xảy ra. Nguyên nhân cũng có thể đơn giản là những giọng nói mới thu hút nhiều sự chú ý hơn từ não bộ.

Tóm lại, nếu bạn phải vật lộn để có được một giấc ngủ ngon trong một môi trường mới như phòng khách sạn, thì bây giờ bạn đã biết tại sao. Giống như con vịt đang mở một mắt, bộ não đang ngủ của bạn bận rộn với việc làm quen với môi trường xung quanh mới, tạo ra nhiều tín hiệu phức hợp K và đánh thức ngắn hơn bình thường. Nhưng nó cũng đang tìm hiểu về môi trường xung quanh và sẽ sớm điều chỉnh.

Văn Thiện

Theo The Conversation

Khoa học Nhân thể


BÀI CHỌN LỌC

Bộ não của chúng ta phản ứng như thế nào khi nghe được giọng nói lạ trong lúc ngủ?