Huawei trở lại thách thức lệnh cấm của Mỹ, trong khi ông chủ thừa nhận là ‘fan của Apple'

Giúp NTDVN sửa lỗi

Những động thái gần đây của Huawei đang rất gây được chú ý. Trong khi đó, ông chủ của Huawei thừa nhận gã khổng lồ công nghệ coi Apple là thầy.

Chiếc điện thoại di động 5G mới ra mắt gần đây của Huawei sử dụng chip 7 nanomet đã gây ra các cuộc thảo luận sôi nổi, giữa lúc Công ty con HiSilicon của Huawei đang bán chip giám sát. Huawei bị cáo buộc quay trở lại thị trường và phá vỡ lệnh cấm của Mỹ. Trong khi đó, người sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi thừa nhận ông là "fan của Apple" và cho rằng Apple là thầy của Huawei.

Fan của Apple

Theo thông tin từ truyền thông Trung Quốc đại lục vào ngày 20/9, biên bản cuộc trò chuyện giữa người sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi và tổ chức ICPC (Cuộc thi lập trình đại học quốc tế), các huấn luyện viên và sinh viên đoạt huy chương vàng đã bị tiết lộ.

Trong biên bản, ông Nhậm Chính Phi nói về các lệnh trừng phạt của Mỹ: "Các lệnh trừng phạt của Mỹ thực sự là áp lực đối với chúng tôi, nhưng áp lực cũng là động lực. Trước khi bị đàn áp, chúng tôi đã xây dựng nền tảng cơ bản của mình ở Mỹ. Sau khi bị Mỹ đàn áp, chúng tôi buộc phải chuyển đổi nền tảng này sang nền tảng khác, điều đó thật khó khăn”.

Ông còn nói rằng Apple là thầy của Huawei. Khi ông Nhậm Chính Phi được một sinh viên hỏi liệu ông có phải là "fan của Apple" hay không, ông Nhậm trả lời: "Vì con gái tôi đang du học ở Mỹ nên sẽ rất bất tiện khi đến lớp nếu không sử dụng Apple. Chúng tôi không muốn bài ngoại. Chúng tôi cũng thường xuyên tìm hiểu xem tại sao sản phẩm của Apple lại tốt đến vậy". “Chà, chúng tôi cũng có thể thấy khoảng cách giữa chúng tôi và Apple. Thật hạnh phúc khi có một người thầy, người đem lại cho ta cơ hội học hỏi và so sánh. Sẽ không quá lời khi nói rằng tôi là một fan của Apple từ những góc độ này".

Huawei trở lại thách thức lệnh cấm của Mỹ, trong khi ông chủ thừa nhận là ‘fan của Apple'
Một người đi bộ nói chuyện điện thoại khi đi ngang qua cửa hàng Huawei Technologies Co. ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 29/1/2019. (Ảnh: Kevin Frayer/Getty Images)

Chip giám sát và HiSilicon

Huawei gần đây thường xuyên có những động thái đáng chú ý và thế giới bên ngoài đang để ý đến sự trở lại của họ trong lĩnh vực chip và việc lệnh cấm của Mỹ bị vô hiệu hoá.

Theo bài báo của Reuters ngày 20/9, hai nguồn tin cho biết công ty con HiSilicon của Huawei đang bán chip mới cho camera giám sát sản xuất tại Trung Quốc.

HiSilicon là công ty thiết kế mạch tích hợp trực thuộc Tập đoàn Huawei. Nó được thành lập vào tháng 4/2004 và có trụ sở tại Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Nó hiện là công ty thiết kế chất bán dẫn không có xưởng chế tạo lớn nhất ở Trung Quốc. Sản phẩm chính của hãng là chip truyền thông không dây. Tiền thân của HiSilicon là Trung tâm thiết kế mạch tích hợp Huawei, được thành lập vào năm 1991.

Một nguồn tin quen thuộc với chuỗi cung ứng của ngành công nghiệp camera giám sát cho biết: “So với bộ xử lý điện thoại thông minh, những con chip giám sát này tương đối dễ sản xuất”, đồng thời cho biết thêm rằng động thái của HiSilicon sẽ làm rung chuyển thị trường.

Thông tin quan trọng ở đây là công ty dường như đã vượt qua được các hạn chế của Mỹ đối với chip. Huawei công bố vào tháng 3 rằng họ đã đạt được bước đột phá về công cụ thiết kế chip dành cho sản xuất ở quy trình 14 nanomet (nm) trở lên, đây là một bước tiến đối với Huawei mặc dù chậm hơn hai đến ba thế hệ so với công nghệ dẫn đầu.

HiSilicon chủ yếu cung cấp chip cho thiết bị Huawei nhưng cũng có các khách hàng bên ngoài như Dahua Technology và Hikvision. Trước khi có các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ, đây là nhà cung cấp chip chính cho ngành công nghiệp camera giám sát. Công ty môi giới Southwest Securities của Trung Quốc ước tính rằng thị phần toàn cầu của họ đã đạt 60% vào năm 2018.

Theo dữ liệu từ công ty tư vấn Frost & Sullivan, thị phần toàn cầu của HiSilicon sẽ giảm mạnh xuống chỉ còn 3,9% vào năm 2021.

Vào tháng 5/2019, Huawei bị Mỹ đưa vào danh sách đen thương mại do lo ngại về an ninh quốc gia, buộc các nhà cung cấp tại Mỹ của Huawei và các công ty khác phải có giấy phép đặc biệt để vận chuyển hàng hóa sang Trung Quốc. SMIC cũng được thêm vào danh sách vào tháng 12/2020 do lo ngại SMIC có thể chuyển giao công nghệ tiên tiến cho ngành quân sự.

Các hạn chế áp đặt đối với Huawei và SMIC bao gồm các sản phẩm trực tiếp nước ngoài và nhằm mục đích cấm bất kỳ công ty nào trên thế giới sử dụng các công cụ của Mỹ để sản xuất chip cho Huawei.

Tuy nhiên, các nhà cung cấp cho Huawei và SMIC đã có được một số giấy phép bán công nghệ của Mỹ cho các công ty Trung Quốc này. Được biết, khoảng 90% sản phẩm và dịch vụ được cấp phép được bán cho SMIC.

Con chip 7 nanomet mới

Huawei gần đây đã phát hành một điện thoại thông minh, dòng điện thoại di động 5G Mate 60 Pro, gây ra nhiều cuộc thảo luận sôi nổi. Con chip mà nó được trang bị là phiên bản công nghệ nội địa tiên tiến nhất của Trung Quốc tính đến thời điểm hiện tại.

TechInsights, có trụ sở tại Ottawa, Canada, đã tháo rời chiếc điện thoại này và phát hiện ra rằng Mate 60 Pro được trang bị chip HiSilicon Kiri 9000s độc quyền của họ, được sản xuất bởi SMIC, nhà sản xuất chip hợp đồng hàng đầu của Trung Quốc, sử dụng công nghệ 7 nanomet (nm) tiên tiến.

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Marie Raimondo ngày 19/9 cho biết Mỹ không có bằng chứng nào cho thấy Huawei có thể sản xuất hàng loạt điện thoại thông minh được trang bị chip tiên tiến.

Các lệnh trừng phạt của Mỹ hạn chế việc HiSilicon sử dụng phần mềm tự động hóa thiết kế điện tử (EDA) của Cadence Design Systems Inc và Synopsys Inc, cũng như đơn vị Mentor Graphics của Siemens. Sản phẩm của ba công ty chiếm ưu thế trong thiết kế chip, tạo ra các bản thiết kế cho chip trước khi sản xuất hàng loạt.

Nhà phân tích Dan Hutcheson của TechInsights cho biết phân tích của họ về Mate 60 Pro và các thành phần khác như chip nguồn RF cũng cho thấy Huawei có quyền truy cập vào các công cụ EDA phức tạp “mà họ không nên có” và “chúng tôi không biết liệu họ có lấy được những công cụ này một cách bất hợp pháp hay không”.

Huawei trở lại thách thức lệnh cấm của Mỹ, trong khi ông chủ thừa nhận là ‘fan của Apple'
Một logo được chiếu sáng bên ngoài gian hàng Huawei tại gian hàng viễn thông SK vào ngày đầu tiên của Đại hội Thế giới Di động GSMA ở Barcelona, Tây Ban Nha, vào ngày 28/2/2022. (Ảnh: David Ramos/Getty Images)

Lách luật trừng phạt với chip của SK Hynix

Ngoài ra, sau khi Mate 60 Pro bị tháo rời, một chip LPDDR5 dành riêng cho điện thoại thông minh và chip flash NAND do gã khổng lồ chip Hàn Quốc SK Hynix sản xuất cũng được tìm thấy. Cũng không rõ bằng cách nào Huawei có được chip SK Hynix.

SK Hynix tuyên bố rằng sau khi Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt đối với Huawei, công ty đã tuân thủ đầy đủ các hạn chế xuất khẩu của chính phủ Mỹ và đã ngừng kinh doanh với Huawei. Công ty cũng cho biết họ đã báo cáo vụ việc lên Cục An ninh và Công nghiệp thuộc Bộ Thương mại Mỹ và đã mở một cuộc điều tra.

Chính phủ Hoa Kỳ đã khởi động một cuộc điều tra chính thức về chip tiên tiến do Trung Quốc sản xuất trong điện thoại di động mới của Huawei, trong khi những tiếng nói nhằm thắt chặt lệnh trừng phạt đối với chip Trung Quốc đã xuất hiện tại Quốc hội Mỹ.

Mỹ có cần lo lắng vì con chip 7 nanomet?

Trung Quốc ca ngợi động thái ra mắt điện thoại với con chip 7 nanomet của Huawei là “sự trở lại đầy thắng lợi” và một hành động đánh bại các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ.

Tin tức về sự thành công của Trung Quốc ở cấp độ 7 nanomet, một chỉ số về sức mạnh tính toán của chip, được một số người coi là một cú sốc và một đòn giáng nặng nề lên Mỹ.

Nhưng những người khác nói rằng sự việc đã được đánh giá quá cao. Rốt cuộc, Trung Quốc đã phá vỡ rào cản 7 nanomet 5 năm sau công ty dẫn đầu thế giới là Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan (TSMC). TSMC đã đạt được mục tiêu sản xuất hàng loạt chip 3 nanomet - loại chip tiên tiến nhất thế giới. IPhone 15 mới sẽ được phát hành vào cuối tháng này được nhiều người dự đoán sẽ là thiết bị đầu tiên sử dụng con chip này.

Ông Ray Yang, một chuyên gia kỳ cựu trong ngành bán dẫn và là giám đốc của Viện Nghiên cứu Công nghệ Công nghiệp (ITRI), một tổ chức tư vấn có ảnh hưởng ở Đài Loan, là một trong số đó.

Ông Yang nói với The Epoch Times rằng mặc dù chip 7 nanomet là một thành tựu quan trọng nhưng nếu không được tiếp cận với thiết bị và công nghệ xử lý tiên tiến, sự phát triển của Huawei sẽ bị đình trệ.

Ông nói rằng những diễn biến mới sẽ tiếp tục diễn ra khi Apple và các đối thủ nội địa của Huawei sử dụng chip Qualcomm của Mỹ với những con chip nhanh hơn và mạnh hơn.

“Nhưng Huawei sẽ dừng lại ở quy trình 7 nanomet. Không có hy vọng về bất kỳ sự tiến triển nào”, ông nói.

Nếu không được tiếp cận với máy in thạch bản tia siêu cực tím (EUV), thiết bị sản xuất chip tiên tiến nhất thế giới do ASML sản xuất độc quyền, bước tiếp theo của Trung Quốc nhằm có được chip 5 nanomet sẽ khó khăn hơn nhiều. Việc xuất khẩu công nghệ này sang Trung Quốc đã bị hạn chế kể từ năm 2019.

Ông Yang cho biết Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sẽ tiếp tục cố gắng sản xuất chip 5 nanomet và 3 nanomet bằng thiết bị DUV, vì quyền truy cập của họ vào các hệ thống EUV cao cấp hơn bị chặn.

Chuyên gia này ví cuộc đua chip giống như cuộc đua leo núi. Những người có bình oxy, lều và các thiết bị tiên tiến có thể lên tới đỉnh và quay trở lại một cách an toàn. Tỷ lệ thành công đối với những người không có thiết bị phù hợp sẽ thấp hơn nhiều, khiến hoạt động này không bền vững.

Theo ông, tỷ lệ năng suất – tỷ lệ chip chất lượng trong số tất cả các chip được cắt từ tấm bán dẫn silicon – đối với chip 5 nanomet do DUV sản xuất có thể thấp tới 10 đến 20%. Tỷ lệ sản lượng của chip 3 nanomet do DUV sản xuất có thể bằng 0.

Nhưng tỷ lệ năng suất thấp như vậy sẽ không ngăn cản được ĐCSTQ, do họ khao khát những con chip tiên tiến dành cho các ứng dụng quân sự. Ông Yang dự đoán chế độ này sẽ tiếp tục cố gắng sản xuất chip 5 nanomet, thứ cần thiết cho một loạt công nghệ quân sự, bao gồm các linh kiện máy bay chiến đấu và siêu máy tính giúp cải tiến thiết kế máy bay.

Bảo Nguyên tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Huawei trở lại thách thức lệnh cấm của Mỹ, trong khi ông chủ thừa nhận là ‘fan của Apple'