Lệnh cấm iPhone của Bắc Kinh: Hành động trả đũa hay con bài mặc cả?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Toà Bạch Ốc cho rằng động thái cấm iPhone của Bắc Kinh là một phần trong các hành vi trả đũa hung hãn từ phía Trung Quốc. Một chuyên gia lại cho rằng, đây có thể là một cách để Bắc Kinh thương lượng với Mỹ về vấn đề thuế quan.

Vào ngày 13/09, Tòa Bạch Ốc đã bày tỏ lo ngại về thông tin Bắc Kinh ra lệnh cho công chức tại một số cơ quan chính phủ ngừng mang iPhone của Apple tới văn phòng.

“Chúng tôi đang theo dõi sự việc này với sự quan ngại”, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia John Kirby nói với các phóng viên trong cuộc họp báo hôm thứ 4 (13/09).

Ông Kirby cho biết: “Rõ ràng, đây là một phần của kiểu trả đũa hung hãn và không thích hợp đối với các công ty Mỹ mà chúng tôi từng thấy từ Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa trong quá khứ”.

“Sự thật là chúng tôi không có cái nhìn rõ ràng về chính xác những gì họ đang làm và tại sao”.

Ông Kirby kêu gọi chính quyền Trung Quốc “minh bạch hơn”.

Bình luận của Tòa Bạch Ốc được đưa ra cùng ngày Bắc Kinh đưa ra phản hồi công khai đầu tiên về thông tin hạn chế iPhone được báo cáo.

“Trung Quốc không ban hành bất kỳ văn bản luật, quy định hay chính sách nào cấm mua và sử dụng điện thoại di động của các thương hiệu nước ngoài, chẳng hạn như iPhone”, bà Mao Ninh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nói với các phóng viên trong cuộc họp báo.

Bà Mao cho biết Bắc Kinh đã xem "các báo cáo trên phương tiện truyền thông" về cái mà bà gọi là "sự cố bảo mật" của thiết bị này và không nêu chi tiết thêm.

Bà lưu ý rằng chế độ này “rất coi trọng an ninh mạng và thông tin”, đồng thời nói rằng các công ty điện thoại hoạt động ở Trung Quốc phải tuân thủ luật pháp và quy định của nước này.

Tuần trước, tờ Wall Street Journal đưa tin Bắc Kinh đã chỉ thị cho nhân viên nhà nước và quan chức tại một số cơ quan chính phủ không được sử dụng iPhone và các loại điện thoại di động nước ngoài khác để làm việc. Bloomberg đưa tin lệnh cấm iPhone có thể sẽ được mở rộng tới các cơ quan nhạy cảm và doanh nghiệp nhà nước.

Vào ngày 08/09, các quan chức địa phương từ ba tỉnh nói với The Epoch Times rằng họ đã được yêu cầu không mang iPhone và điện thoại di động nước ngoài đến các cuộc họp quan trọng. Những quan chức này, giấu tên vì sợ bị trả thù, lưu ý rằng không có tài liệu chính thức nào liên quan đến lệnh đó.

Một quan chức ở tỉnh Hồ Nam, cho biết các hạn chế đối với điện thoại di động nước ngoài như iPhone đã được ban hành trong những tháng gần đây. Quan chức này không muốn nêu tên vì sợ bị trả thù.

Một nhân viên của một cơ quan chính phủ nhạy cảm ở thành phố Thâm Quyến cho biết, việc hạn chế sử dụng công nghệ nước ngoài đã tồn tại được một năm. Ông nói với The Epoch Times rằng iPhone bị cấm trong các cuộc họp quan trọng, trong khi xe Tesla bị hạn chế đi vào các khu nhà của chính phủ. Ông cũng yêu cầu được giấu tên vì sợ bị trả thù.

Một nhân viên chính phủ khác ở tỉnh ven biển Sơn Đông, người phát biểu với điều kiện giấu tên, nói rằng cơ quan của ông đã nhận được lệnh hạn chế tương tự đối với việc sử dụng iPhone và Tesla tại nơi làm việc.

Lệnh cấm iPhone của Bắc Kinh: Hành động trả đũa hay con bài mặc cả?
Khách hàng xem iPhone 14 mới tại một cửa hàng Apple ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, vào ngày 16/9/2022. (Ảnh: Getty Images)

Không có gì đáng ngạc nhiên

Các nhà quan sát bên ngoài cho rằng động thái mới nhất của Bắc Kinh không có gì đáng ngạc nhiên.

“Đảng Cộng sản Trung Quốc [ĐCSTQ] đã khuyến khích các cơ quan chính thức và công ty nhà nước của Trung Quốc thay thế các công nghệ nước ngoài, như máy tính, hệ điều hành và phần mềm, bằng những công nghệ trong nước mà họ có thể kiểm soát”, ông Zhong Shan, một nhà quan sát Trung Quốc và kỹ sư mạng đã từng làm việc ở Thung lũng Silicon, nói với The Epoch Times.

Ông liên hệ lệnh cấm iPhone với những nỗ lực kéo dài hàng thập kỷ của ĐCSTQ nhằm thắt chặt kiểm soát người dân. Bắc Kinh đã đổ nguồn lực khổng lồ vào việc xây dựng hệ thống giám sát toàn quốc, trấn áp các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, đồng thời trừng phạt bất kỳ ai mà họ cho là đe dọa an ninh quốc gia. Theo phân tích của Nikkei Asia dựa trên dữ liệu chính thức, số tiền mà chính quyền Trung Quốc chi cho việc kiểm soát toàn xã hội đã vượt quá ngân sách quốc phòng dưới thời nhà lãnh đạo tối cao Tập Cận Bình.

Để tăng cường hơn nữa khả năng kiểm soát, ông Zhong lưu ý rằng một số thành phố của Trung Quốc, như Trường Sa, đã bắt đầu trả lương cho nhân viên chính phủ bằng đồng nhân dân tệ kỹ thuật số.

Ông nói, điều mà ĐCSTQ muốn đạt được là “giám sát kỹ thuật số ở khắp mọi nơi”.

Con bài thương lượng

Tổng thống Joe Biden nói rằng những hạn chế đối với điện thoại di động của phương Tây là một phần trong nỗ lực của chính quyền Trung Quốc nhằm thay đổi luật chơi.

Tổng thống đưa ra nhận xét này khi được hỏi về những chỉ trích của Bắc Kinh đối với Washington tại cuộc họp báo trong chuyến thăm Việt Nam vào ngày 10/9.

Theo một thông cáo báo chí, ông nói: “Trung Quốc đang bắt đầu thay đổi một số luật chơi về mặt thương mại và các vấn đề khác”. “Ví dụ, một trong những điều chúng tôi đã nói đến là giờ đây họ đang nói về việc đảm bảo rằng… không ai trong chính phủ Trung Quốc có thể sử dụng điện thoại di động của phương Tây”.

Các quan chức Trung Quốc đã đặt câu hỏi về “sự chân thành” của chính quyền Biden, đồng thời cho rằng Mỹ đang thúc đẩy các cuộc đàm phán ngoại giao trong khi lại đang kiềm chế Trung Quốc.

Tổng thống Biden bác bỏ tuyên bố cô lập Trung Quốc, nói rằng: "Tôi chân thành đối với việc giải quyết ổn thỏa mối quan hệ".

Nhưng ông chỉ ra các hoạt động thương mại không công bằng của Bắc Kinh.

Tuần trước, cổ phiếu của Apple đã sụt giảm, dẫn đến việc doanh nghiệp này mất khoảng 200 tỷ USD giá trị, sau các thông tin liên quan đến lệnh cấm iPhone tại Trung Quốc, một trong những thị trường lớn nhất của gã khổng lồ công nghệ Mỹ.

Theo Davy J. Wong, một nhà phân tích kinh tế làm việc tại Mỹ, kinh nghiệm của Apple minh họa những rủi ro đối với các doanh nghiệp nước ngoài phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc khi căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington đang âm ỉ. Ông mô tả chỉ thị hành chính từ Bắc Kinh là “không thể kiểm soát và không thể đoán trước”.

Ông Wong lưu ý về thời điểm Trung Quốc có thể đã ban hành lệnh cấm iPhone, thứ diễn ra trong bối cảnh chính quyền Biden đang thảo luận về việc phải làm gì với thuế quan của Mỹ đối với hàng hóa trị giá hơn 300 tỷ USD của Trung Quốc.

Các mức thuế này được cựu Tổng thống Donald Trump áp đặt như một phần trong nỗ lực của chính quyền ông nhằm chống lại các hoạt động thương mại không công bằng của chế độ này, thứ đã khiến nền kinh tế Mỹ thiệt hại hàng tỷ USD.

Tổng thống Biden đã giữ nguyên thuế quan, ít nhất là cho đến thời điểm hiện tại. Việc đánh giá lại thuế quan thương mại thời Trump của Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ dự kiến sẽ được hoàn thành vào cuối năm nay.

Ông Wong nói với The Epoch Times rằng không thể loại trừ khả năng Bắc Kinh coi iPhone là một "con bài thương lượng", một cách để thuyết phục Mỹ giảm bớt thuế quan thương mại thời Trump.

Lệnh cấm iPhone của Bắc Kinh: Hành động trả đũa hay con bài mặc cả?
Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai phát biểu trong cuộc họp báo tại Câu lạc bộ Phóng viên Nước ngoài Nhật Bản ở Tokyo, Nhật Bản, vào ngày 20/4/2023. (Ảnh: Kazuhiro Nogi/AFP qua Getty Images)

Giám đốc thương mại của Tổng thống Biden, bà Katherine Tai, đã gia hạn việc miễn trừ thuế đối với hơn 300 mặt hàng nhập khẩu của Trung Quốc cho đến cuối năm nay. Văn phòng của bà cho biết trong một tuyên bố rằng việc gia hạn sẽ "tạo điều kiện cho việc cân nhắc thêm".

Về việc đánh giá thuế quan vào tháng 6, bà Tai nói với NPR: “Tôi không thể cho bạn biết chính xác chúng tôi sẽ đi đến đâu vì chúng tôi cần phải để quy trình diễn ra theo đúng tiến trình của nó”.

“Tôi có thể nói rằng một câu hỏi then chốt thực sự quan trọng mà chúng tôi cần xem xét là: Trung Quốc đã làm gì trong vài năm qua khiến chúng tôi phải thay đổi cơ cấu thuế quan này?”

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Lệnh cấm iPhone của Bắc Kinh: Hành động trả đũa hay con bài mặc cả?