Nắng nóng gây hại cho cơ thể như thế nào?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thời tiết oi bức kèm bức xạ mặt trời khiến hầu hết chúng ta đều cảm thấy nóng rát và khó chịu. Ngoài việc gây tổn hại cho da, nắng nóng còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ khác đối với sức khoẻ và cơ thể, đặc biệt những người có hệ miễn dịch yếu, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, người lớn tuổi hoặc những người làm việc ngoài trời / khu vực nóng / môi trường làm việc bí bách đều có thể gặp rủi ro cao.

Tác hại của nắng nóng

  • Mất nước: Chóng mặt, mệt mỏi, khó chịu, khát, nước tiểu màu vàng đậm, chán ăn, ngất.
  • Kiệt sức do nắng nóng: Mệt mỏi, da nhợt nhạt, nhịp tim nhanh và thở yếu, thở nhanh và nông, yếu cơ hoặc chuột rút, mệt mỏi, chóng mặt, nhức đầu, buồn nôn hoặc nôn, ngất xỉu
  • Phát ban nhiệt: Xuất hiện các mụn nhọt hoặc mụn nước nhỏ, đặc biệt là ở cổ hoặc trên ngực, hoặc có xu hướng nổi nhiều ở phần háng, khuỷu tay và dưới ngực
  • Đột quỵ do sốc nhiệt: Nhiệt độ cơ thể tăng đột ngột, đỏ, da khô nóng, thở dốc, khát nước, nhức đầu, nôn mửa, chóng mặt, phối hợp kém, mất ý thức, động kinh hoặc hôn mê.

Do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, các chuyên gia khí tượng dự báo nền nhiệt trung bình trên phạm vi toàn quốc từ tháng 1 - 6/2024 sẽ cao hơn khoảng 1-1,5 độ C so với nhiều năm.

Hiện tại, thời tiết các tỉnh phía Nam đang ở trong giai đoạn hạn hán nghiêm trọng, nền nhiệt trung bình từ 12 giờ trưa đến 15 giờ chiều dao động trong khoảng 36 - 38 độ C.

Nắng nóng kèm theo tình trạng bê tông hoá và thiếu cây xanh ở các khu vực đô thị, cùng với nạn chặt phá rừng, có thể đẩy nhiệt độ lên đến 40 - 41 độ C, dẫn đến nguy cơ đột quỵ do sốc nhiệt (còn gọi là say nắng).

Có thể chia sốc nhiệt thành hai dạng gồm:

  • Sốc nhiệt kinh điển: Thường gặp ở người già, cơ thể suy nhược, người có bệnh nền, người tiếp xúc với môi trường nhiệt độ cao kéo dài (nhiều giờ hoặc nhiều ngày) nhưng không bổ sung đủ nước, dẫn đến mất nước, rối loạn điện giải và sốc.
  • Sốc nhiệt gắng sức: Thường gặp ở người trẻ, khoẻ mạnh, chức năng điều hoà nhiệt độ cơ thể bình thường nhưng do hoạt động thể lực quá sức dẫn đến sinh nhiệt trong cơ thể, kèm theo nhiệt độ cao ở môi trường ngoài gây sốc.

Thống kê cho thấy, kể từ mốc 35 độ C, cứ tăng lên 1 độ, thì nguy cơ đột quỵ có thể tăng thêm 10%. Sốc nhiệt thường gặp ở người già, người bệnh tim mạch, cao huyết áp, đái tháo đường, người làm việc ngoài trời kéo dài thiếu trang phục bảo hộ, người tiếp xúc đột ngột với nhiệt độ cao, người uống nhiều rượu bia, béo phì…

Vào thời điểm bắt đầu xuất hiện các triệu chứng bất thường, nếu nạn nhân được đưa vào nghỉ ngơi trong môi trường có nhiệt độ vừa phải (từ 30 độ C trở xuống) và uống đủ nước, thì họ có thể tự khỏi.

Tuy nhiên, trong trường hợp nạn nhân có sẵn bệnh nền, hệ miễn dịch yếu thì khả năng đột quỵ lại càng cao. Biểu hiện ban đầu thường là mặt đỏ bừng, môi, da khô, mạch nhanh, thở nhanh, đau đầu, chóng mặt, vã mồ hôi, hoa mắt, khó thở, thở gấp; tiếp đó là trụy mạch, sốt cao từ 39 độ C, tự té ngã và hôn mê…

Nạn nhân có thể gặp biến chứng nghiêm trọng như liệt nửa người, co giật, tê yếu chân tay, méo miệng, khó nói, rối loạn ngôn ngữ, tiêu cơ vân, suy thận, tổn thương thần kinh không hồi phục, tàn phế vĩnh viễn hoặc thậm chí tử vong nếu không được ứng cứu kịp thời.

Làm gì khi gặp người bị sốc nhiệt?

  • Nhanh chóng đưa người bị sốc nhiệt vào nơi mát mẻ, nếu có quạt máy thì mở ra.
  • Đặt nạn nhân xuống và cởi bớt quần áo. Dùng khăn nhúng nước lạnh đắp vào vùng sau gáy, đồng thời đắp khăn nhúng nước lên trán, ngực, cứ khoảng 10 phút thay khăn một lần.
  • Trong trường hợp người bị sốc nhiệt không nôn mửa và còn tỉnh táo, bổ sung nước và gọi xe cấp cứu để chuyển đến cơ sở y tế gần nhất. Lúc trên xe, nên mở điều hoà hoặc cửa sổ xe, đồng thời đắp khăn lạnh lên cơ thể bệnh nhân để giúp làm mát và hạ nhiệt.

Biện pháp phòng chống sốc nhiệt

  • Mặc áo chống nắng khi ra ngoài, đặc biệt khi trời nắng gắt. Nếu không có áo chống nắng, có thể mặc áo khoác dài tay làm bằng sợi bông (cotton), tránh áo khoác sợi nylon vì nó ngăn cản mồ hôi bốc hơi làm mát da. Đội mũ rộng vành, mũ lưỡi trai hoặc che ô. Người dân cũng có thể dùng khăn quấn ngang đầu, cổ, đặc biệt là vùng gáy, đeo kính sậm màu để bảo vệ mắt và nhớ bổ sung nước đầy đủ.
  • Đối với những người làm việc ngoài trời, cần tránh làm việc vào khoảng thời gian nắng nóng cao điểm (từ 12 giờ trưa đến 14 giờ chiều). Ngoài ra, người dân có thể chuẩn bị sẵn những chai nước điện giải theo công thức 2 muỗng đường (loại muỗng nhỏ dùng để pha cà phê) và nửa muỗng muối, pha chung với 1 lít nước (không pha với nước trà, nước trái cây hay nước ngọt các loại), uống khi khát hoặc lúc cảm thấy mệt.
  • Nếu có điều kiện thì bôi kem chống nắng nhưng cần lựa chọn những loại kem có chỉ số SPF từ 30 đến 50, có thể chống tia UBV đến 98% và PA+++, có thể chống tia UAV đến 90%.

Hoàng Tuấn (tổng hợp)



BÀI CHỌN LỌC

Nắng nóng gây hại cho cơ thể như thế nào?