Ông Tập ‘ve vãn’ lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Kinh tế suy yếu, Bắc Kinh tìm cách thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt là từ Mỹ. Tuy nhiên, các nhà phân tích hoài nghi sự chân thành trong nỗ lực này.

Nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình đã ‘ve vãn' các lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ ở Bắc Kinh - nỗ lực mới nhất của Trung Quốc nhằm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài trong bối cảnh niềm tin về nền kinh tế lớn thứ hai thế giới ngày càng suy giảm.

Tại hội trường ở rìa phía tây của Quảng trường Thiên An Môn, ông Tập đã gặp khoảng 20 giám đốc điều hành và học giả Mỹ, đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp tiếp tục đầu tư vào Trung Quốc trong khi nhấn mạnh rằng nền kinh tế nước này chưa đạt đỉnh.

Trong số những người tham dự có ông Stephen Schwarzman, Giám đốc điều hành của công ty cổ phần tư nhân Blackstone; ông Raj Subramaniam, Giám đốc điều hành và Chủ tịch FedEx; ông Cristiano Amon, chủ tịch hãng sản xuất chip Qualcomm; ông Evan Greenberg, Giám đốc điều hành của công ty bảo hiểm Chubb; ông Graham Allison, Chủ nhiệm khoa, nhà sáng lập Trường Chính phủ John F. Kennedy của Harvard và cựu trợ lý bộ trưởng quốc phòng dưới thời chính quyền Clinton; và ông Mark Carney, Chủ tịch của Brookfield Asset Management và Bloomberg Inc.

Các đoạn clip và thông tin do phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc công bố cho thấy ông Tập mỉm cười nói với những người tham gia rằng triển vọng tăng trưởng của Trung Quốc dưới thời Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) là “tươi sáng”, trong khi các đại biểu Hoa Kỳ chăm chú ghi chép.

Ông Tập ‘ve vãn’ lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ
Người dân đi bộ giữa các tòa nhà tại một trung tâm mua sắm ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 18/10/2018. (Ảnh: Greg Baker/AFP qua Getty Images)

Cuộc họp, được tổ chức bởi nhiều nhóm thân Bắc Kinh của Hoa Kỳ tại thời điểm sau khi kết thúc Diễn đàn Phát triển Trung Quốc hàng năm, diễn ra sau một năm đi xuống của kinh tế Trung Quốc và một đợt tháo chạy đáng kể của các nguồn vốn nước ngoài. Luật chống gián điệp, lệnh cấm xuất cảnh, các vụ đột kích vào các công ty Mỹ và căng thẳng Mỹ-Trung chỉ làm tăng thêm lo lắng của các nhà đầu tư.

Trong năm 2023, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp nhất trong 30 năm là 33 tỷ USD, đánh dấu mức giảm 82% so với năm trước. Dòng tiền chảy vào Trung Quốc từ tháng 1 đến tháng 2 thấp hơn gần 1/5 so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Tập, trong bài phát biểu đêm giao thừa, đã đưa ra sự thừa nhận hiếm hoi về những khó khăn kinh tế của đất nước, bao gồm cả việc doanh nghiệp đang gặp khó khăn và những người tìm việc phải vất vả tìm việc làm. Trong bài phát biểu vào đầu tháng 3 trước cơ quan lập pháp của Trung Quốc, Thủ tướng Lý Cường cho biết “nền tảng cho sự phục hồi kinh tế bền vững là không đủ vững chắc”, chỉ ra các vấn đề như ngân sách chính quyền địa phương eo hẹp, đổi mới công nghệ yếu kém, những bất ổn bên ngoài và “nhiều rủi ro và nguy hiểm tiềm ẩn”.

Thủ tướng đã không tổ chức phiên họp hội đồng vào cuối diễn đàn vào ngày 25/3, phá vỡ truyền thống kéo dài hơn 20 năm. Một cuộc họp báo thường niên dự kiến diễn ra sau cuộc họp quốc hội cũng bị hủy bỏ mà không có lời giải thích.

Cuộc gặp của ông Tập với các giám đốc điều hành Hoa Kỳ cũng diễn ra sau khi kết thúc Diễn đàn Phát triển Trung Quốc hàng năm, nơi quy tụ khoảng 100 nhà lãnh đạo thế giới, bao gồm cả những người đứng đầu Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới, tại thủ đô của Trung Quốc. Truyền thông nhà nước Trung Quốc lưu ý rằng 1/3 trong số họ đến từ Hoa Kỳ.

Chính quyền ĐCSTQ đã tăng cường nỗ lực thu hút thêm đầu tư nước ngoài trong những tháng gần đây. Hội đồng Nhà nước vào giữa tháng 3 đã ban hành một biện pháp hứa hẹn mang lại nhiều ưu đãi cho các nhà đầu tư nước ngoài về nhà ở, đào tạo ngôn ngữ và giáo dục cho con cái họ.

Một số nhà phân tích Trung Quốc tỏ ra hoài nghi về tính chân thành trong những nỗ lực của Bắc Kinh.

Giáo sư danh dự Ding Shuh-fan tại Đại học Quốc gia Chengchi của Đài Loan, nói với The Epoch Times: “Bạn không thể chỉ nghe những gì ông ấy nói”. “Bạn hãy xem họ làm gì.”

Ông Phùng Sùng Nghĩa (Feng Chongyi), phó giáo sư nghiên cứu về Trung Quốc tại Đại học Công nghệ, cảnh báo rằng quỹ đạo chung của tâm lý toàn cầu đang không có lợi cho ĐCSTQ.

Ông nói, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp chạy theo đồng tiền, và chi phí cũng như rủi ro tại thị trường Trung Quốc đều quá lớn để khiến họ ở lại.

Trong bối cảnh chế độ ngày càng giám sát chặt chẽ việc kiểm soát dữ liệu và hoạt động gián điệp, Bắc Kinh vào tháng 2 đã mở rộng luật bí mật nhà nước để thắt chặt kiểm soát những gì được coi là thông tin nhạy cảm, đưa ra khái niệm “bí mật công việc” khiến các doanh nghiệp nước ngoài càng thêm lo lắng.

Năm ngoái, chính quyền cũng đã đột kích văn phòng của các công ty tư vấn Hoa Kỳ và bắt giữ nhân viên của họ, sau đó phạt văn phòng Bắc Kinh của công ty thẩm định Mintz vì tham gia vào “các cuộc điều tra thống kê liên quan đến nước ngoài” mà không có sự chấp thuận của chính quyền.

Ông Tập ‘ve vãn’ lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ
Văn phòng đóng cửa của Tập đoàn Mintz được nhìn thấy trong một tòa nhà văn phòng ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 24/3/2023. (Ảnh: Greg Baker/AFP qua Getty Images)

Vào tháng 5/2023, Bắc Kinh đã kết án chung thân một người Mỹ 78 tuổi vì tội gián điệp. Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã xác nhận cáo buộc gián điệp trước đó đối với một doanh nhân người Anh vào tháng 1. Theo một báo cáo cùng tháng, lệnh cấm xuất cảnh của Trung Quốc đã cấm khoảng hai chục công dân Mỹ rời khỏi Trung Quốc trong khoảng thời gian từ năm 2019 đến năm 2021.

Theo ông Lai Jung-wei, giảng viên quan hệ quốc tế và nghiên cứu Đông Á tại Đại học Khoa học và Công nghệ Lunghwa ở Đài Loan, một loạt các cuộc đàn áp, cùng với tỷ lệ thanh niên thất nghiệp cao kỷ lục của Trung Quốc và đấu tranh chính trị leo thang, đã gửi tín hiệu trái ngược đến các doanh nghiệp nước ngoài.

“[Họ] liên tục bảo chúng ta đầu tư vào Trung Quốc”, ông nói với The Epoch Times. “Nhưng chúng ta phải xem liệu có hệ thống nào chống đỡ cho sự đảm bảo của họ hay không”.

Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Nicholas Burns mới đây cũng bày tỏ quan điểm tương tự với ông Lai.

“Một số quan chức cấp cao của chính phủ Trung Quốc nói rằng đầu tư của khu vực tư nhân được chào đón ở Trung Quốc, khoản đầu tư của bạn sẽ được bảo vệ. Nhưng sau đó, những công ty này cũng đang nghe thấy một thông điệp khác”, ông nói trong một cuộc phỏng vấn truyền thông. “Tôi nghĩ những tiếng nói mà họ đang nghe từ chính phủ tại đây ở Trung Quốc về an ninh quốc gia là những tiếng nói mạnh mẽ và lớn nhất hiện nay”.

Ông Tập ‘ve vãn’ lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ
Đại sứ Hoa Kỳ tại Trung Quốc Nicholas Burns phát biểu trong cuộc thảo luận bàn tròn về tài chính khí hậu tại đại sứ quán Hoa Kỳ ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 8/7/2023. (Ảnh: MARK SCHIEFELBEIN/POOL/AFP qua Getty Images)

Các cuộc thăm dò gần đây dường như đã xác nhận những quan sát này.

Vào tháng 1, hai tháng sau khi hàng nghìn lãnh đạo doanh nghiệp chi hàng nghìn USD để ăn tối với ông Tập Cận Bình trong hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Trung ở San Francisco, hơn 100 thành viên của Phòng Thương mại Mỹ có trụ sở tại Bắc Kinh cho biết trong một cuộc khảo sát rằng họ không có kế hoạch tăng đầu tư vào Trung Quốc.

Nhiều người được hỏi cho biết họ nhìn nhận Trung Quốc ít chào đón các doanh nghiệp hơn và 1/3 trong số 343 người được hỏi cho biết họ bị đối xử bất công so với các đối thủ nội địa tại Trung Quốc.

Đánh giá về các điều kiện kinh tế và quy định hiện tại của ĐCSTQ, ông Lai nói rằng việc rời khỏi Trung Quốc có vẻ là “xu hướng chủ đạo” hơn.

Ở Trung Quốc, “chính trị thống trị mọi thứ” và nền kinh tế chỉ đứng thứ 2, ông nói.

Ông nói thêm: “Vậy họ hy vọng cải thiện nền kinh tế Trung Quốc như thế nào?”

Ông Tập ‘ve vãn’ lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ
Một người đàn ông đi dạo trên Bến Thượng Hải dọc theo sông Hoàng Phố với các tòa nhà ở quận Phố Đông ở phía sau, khu vực đang bị phong tỏa do COVID-19, vào ngày 28/03/2022 ở Thượng Hải. Hàng triệu người ở trung tâm tài chính của Trung Quốc đã buộc phải ở trong nhà vào ngày 28/03 khi nửa phía đông của Thượng Hải bị phong tỏa để kiềm chế đợt bùng phát COVID-19 lớn nhất của quốc gia. (Ảnh: HECTOR RETAMAL / AFP qua Getty Images)

Vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục rời đi

Đầu tư nước ngoài tiếp tục rút khỏi Trung Quốc trong bối cảnh nền kinh tế suy thoái, bất chấp ĐCSTQ đã đưa ra các biện pháp khuyến khích mới.

Bộ Thương mại của ĐCSTQ công bố dữ liệu mới vào ngày 22/3, cho thấy đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chảy vào Trung Quốc từ tháng 1 đến tháng 2 là 215,1 tỷ CNY (nhân dân tệ) (30 tỷ USD), giảm 19,9% so với cùng kỳ năm ngoái. FDI của Trung Quốc đã giảm tháng thứ 8 liên tiếp. Mức giảm này lớn hơn đáng kể so với con số được công bố vào tháng 1, giảm 11,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bộ Thương mại đã cố gắng hạ thấp ý nghĩa của sự sụt giảm, cho biết vào hôm thứ 6 (22/3) rằng dữ liệu mới nhất đã bị ảnh hưởng bởi mức cao kỷ lục một năm trước đó, đồng thời nói thêm rằng “đầu tư nước ngoài là một hành vi của thị trường và biến động dữ liệu là bình thường và phù hợp với quy luật thị trường”.”

ĐCSTQ gần đây đã đưa ra các kế hoạch mới để thu hút đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, các chuyên gia chỉ ra rằng chế độ do nhà lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình dẫn dắt đã ưu tiên quyền lực chính trị hơn phát triển kinh tế và đã chính trị hóa môi trường kinh doanh, gây ra nỗi sợ hãi sâu sắc trong giới doanh nhân nước ngoài.

Ông Tập ‘ve vãn’ lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ
Cảnh sát bán quân sự Trung Quốc tại Sân bay Quốc tế Đại Hưng ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 28/09/2019. (Ảnh: Noel Celis /AFP qua Getty Images)

Ông Huang Shicong, một nhà kinh tế và nhà bình luận chính trị người Đài Loan, nói với The Epoch Times rằng dưới áp lực của cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc đã chậm lại và hầu hết các nhà đầu tư đã chuyển vốn sang Ấn Độ hoặc các nước ASEAN.

Ông nói: “Dòng vốn nước ngoài liên tục chảy ra ngoài rất có hại cho nền kinh tế và đầu tư của Trung Quốc, và họ [ĐCSTQ] đã nhận ra điều này”.

“Điều quan trọng là thái độ của ĐCSTQ đối với đầu tư nước ngoài. Nó đã điều tra và trừng phạt rất nhiều công ty tư vấn nước ngoài, và môi trường chính trị giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ quá tồi tệ. Đây là những lý do quan trọng cản trở đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc”.

Về việc liệu kế hoạch hành động mới nhằm thu hút đầu tư nước ngoài của ĐCSTQ có hiệu quả hay không, ông Huang nói: “Cho đến nay, ông Tập Cận Bình dường như vẫn chủ trương đối đầu với Hoa Kỳ. Bầu không khí chung này không hề thay đổi. Làm thế nào để thực hiện những kế hoạch này? Điều gì sẽ xảy ra nếu một ngày nào đó việc mở cửa những thị trường này xung đột với cái gọi là vấn đề an ninh quốc gia? Bạn sẽ giải quyết nó như thế nào? Đây là mối quan tâm lớn nhất của các nhà đầu tư nước ngoài. Vì vậy, cái gọi là kế hoạch mở rộng đầu tư này không giải quyết được những nghi ngờ cơ bản mà mọi người có”.

Ông Wang cho rằng nguyên nhân chính dẫn đến việc rút vốn đầu tư nước ngoài là do ĐCSTQ. “Đầu tiên là luật chống gián điệp, và thứ hai là sự chú trọng của chế độ đối với các doanh nghiệp công nghiệp quân sự và doanh nghiệp nhà nước, tất cả đều gây nguy hiểm cho các công ty có vốn đầu tư nước ngoài”.

Ông Wang chỉ ra: “Vấn đề cơ bản là ông Tập Cận Bình muốn phát triển kinh tế và ổn định chế độ nên đã tăng cường hơn nữa sự kiểm soát của Đảng đối với vốn nước ngoài và các công ty nước ngoài. Vốn ngoại cũng phải nghe theo lời và mệnh lệnh của Đảng".

Ông nói: “Nếu các chính sách của ĐCSTQ không thay đổi và môi trường không thay đổi, thì cho dù bạn có đưa ra bao nhiêu ưu đãi cho các doanh nghiệp có vốn nước ngoài hay mở cửa bao nhiêu thị trường, thì nó cũng sẽ không hiệu quả”.

Bảo Nguyên tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Ông Tập ‘ve vãn’ lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ