Phát hiện gây sốc: Tế bào ung thư có thể di căn nhanh nhất khi con người đang ngủ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tốc độ lây lan của ung thư phụ thuộc vào thời gian. Đã bao giờ bạn thắc mắc khi nào thì các tế bào ung thư lây lan nhanh nhất? Câu trả lời sẽ khiến nhiều người cảm thấy sốc: Khi con người đang ngủ vào ban đêm!

Thủ phạm chính trong sự di căn của ung thư

Trong hơn một thập kỷ qua, nghiên cứu lâm sàng về ung thư tập trung chủ yếu vào vấn đề di căn.

Di căn là đặc điểm nguy hiểm nhất của ung thư. Ví dụ, tỷ lệ sống sót sau 5 năm đối với bệnh ung thư vú giai đoạn đầu gần 100%; tuy nhiên, khi ung thư vú di căn đến những nơi khác như phổi và xương, tỷ lệ sống sót giảm mạnh xuống còn khoảng 30%. Hơn 90% ca tử vong do ung thư là do di căn.

Trong quá trình ung thư di căn, có một loại tế bào đóng vai trò then chốt gọi là tế bào ung thư tuần hoàn (CTC).

Các tế bào ung thư tuần hoàn được mô tả lần đầu tiên vào năm 1869 bởi bác sĩ người Úc Thomas Ashworth, người đã quan sát thấy "một số tế bào" trong máu của một bệnh nhân bị ung thư di căn có hình dạng tương tự như các tế bào ung thư ở vị trí ban đầu.

Những tế bào này tách ra khỏi khối u ban đầu, chẳng hạn như ung thư vú, và đi vào máu. Khi máu lưu thông, chúng di chuyển đến các bộ phận khác nhau trong cơ thể.

Chúng duy trì khả năng sống sót và tăng sinh nhất định, có thể bám trụ và phát triển thành khối u ở vị trí mới. Điều này hơi giống như hạt bồ công anh rời khỏi cây, bay theo gió và sau đó mọc lên những bông bồ công anh mới.

Gần đây, các nhà khoa học phát hiện ra rằng tế bào ung thư di căn nhanh nhất trong khi con người đang ngủ.

Nghiên cứu: Khi bệnh nhân ngủ, tế bào ung thư lại tỉnh thức

Các nhà nghiên cứu tại Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ ở Zurich (Thụy Sĩ), đã tiến hành các thí nghiệm lâm sàng và trên động vật về bệnh ung thư vú.

Họ phát hiện ra rằng lượng tế bào ung thư vú lưu thông trong máu không cố định; ngược lại, có một khoảng thời gian nhất định để các tế bào này tách ra khỏi khối u và đi vào hệ thống tuần hoàn.

Quá trình này hoạt động rất tích cực trong khi ngủ ở người và động vật, nhưng không hoạt động khi thức.

"Các khối u thức dậy trong khi người bệnh đang ngủ", trưởng nhóm nghiên cứu Nicola Aceto, giáo sư ung thư phân tử tại Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ cho biết.

Lần đầu tiên họ phát hiện ra tình trạng này ở những con chuột bị ung thư vú: Khi chuột ngủ, có nhiều tế bào ung thư lưu thông trong máu hơn, nhưng khi chuột hoạt động, số lượng tế bào ung thư lưu thông trong máu giảm xuống.

Sau đó, các nhà nghiên cứu đã tiến hành xét nghiệm máu của 30 bệnh nhân nữ mắc ung thư vú vào các thời điểm khác nhau. Thời điểm lấy máu lần lượt là 4 giờ sáng và 10 giờ sáng - tương ứng với thời gian nghỉ ngơi và thức giấc.

Kết quả cho thấy, phần lớn tế bào ung thư tuần hoàn đến từ mẫu máu lấy lúc 4 giờ sáng với tỷ lệ 78,3%, cao hơn nhiều so với mẫu máu lấy lúc 10 giờ sáng là 21,7%.

Trong thử nghiệm trên chuột, dữ liệu thậm chí còn cao hơn, đạt 87% – 99,2%. Qua các phương pháp tính toán khác nhau, người ta phát hiện rằng khi chuột nghỉ ngơi, số lượng tế bào ung thư lưu hành trong máu có thể cao gấp 6 – 88 lần so với khi chúng hoạt động.

Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng các hormone có liên quan chặt chẽ đến nhịp sinh học, chẳng hạn như melatonin, có thể là tín hiệu thúc đẩy sự phát tán của các tế bào ung thư.

Họ tin rằng các tế bào ung thư tuần hoàn không tiếp tục tách ra mà chúng chủ yếu được sản sinh trong khi ngủ.

Trong thời gian nghỉ ngơi, khối u mới dễ hình thành hơn

Điều đáng chú ý là các tế bào ung thư lưu thông trong máu có khả năng hình thành khối u khác nhau ở những thời điểm khác nhau.

Các nhà nghiên cứu đã thu thập các tế bào ung thư đang nghỉ ngơi và đang lưu hành từ chuột, thêm các dấu hiệu huỳnh quang khác nhau và tiêm chúng trở lại chuột.

Người ta phát hiện ra rằng, hầu hết các khối u mới phát triển từ các tế bào ung thư tuần hoàn được thu thập trong khi chuột đang nghỉ ngơi. Nghĩa là, không chỉ có nhiều tế bào ung thư tuần hoàn hơn từ giai đoạn nghỉ ngơi mà chúng còn có nhiều khả năng hình thành các khối u mới.

Ngủ ít, nhịp sinh học không đều, nguy cơ ung thư cao hơn

Vậy phải chăng bệnh nhân ung thư nên ngừng ngủ?

Yves Dauvilliers và các học giả khác tại Bệnh viện Đại học Montpellier ở Pháp cho rằng có nhiều nguyên nhân khiến giấc ngủ và nhịp sinh học ảnh hưởng đến ung thư. Nghiên cứu nói trên chưa tìm hiểu rõ ràng và cần được làm rõ thêm.

Dovilier còn chỉ ra rằng giấc ngủ đều đặn và nhịp sinh học thực sự có thể cải thiện khả năng miễn dịch và chống lại bệnh ung thư.

Nhịp sinh học và giấc ngủ là các quá trình sinh học cơ bản điều chỉnh sinh lý và hành vi, bao gồm tiết hormone, trao đổi chất, sửa chữa DNA và apoptosis.

Nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, những người mắc bệnh ung thư thường ngủ ít hơn 7 tiếng mỗi đêm có nguy cơ tử vong cao hơn. Nhịp sinh học khỏe mạnh là rất quan trọng để hạn chế tình trạng viêm do ung thư gây ra.

Năm 2007, Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) đã phân loại rối loạn nhịp sinh học do làm việc theo ca là chất gây ung thư Loại 2A, có khả năng gây ung thư ở người.

Làm việc ca đêm thường được chứng minh là có liên quan đến sự xuất hiện của ung thư vú và ung thư tuyến tiền liệt, khi thời gian làm việc ca đêm tăng lên, nguy cơ này cũng tăng theo.

Ví dụ, so với những y tá không làm ca đêm kể từ khi tốt nghiệp trường điều dưỡng, những y tá làm ca đêm từ 30 năm trở lên có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn 2,21 lần so với những y tá không làm ca đêm.

Ngoài ra, một phân tích tổng hợp cho thấy làm việc ca đêm có liên quan đến việc tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng - cứ sau 5 năm làm việc ca đêm, tỷ lệ mắc ung thư đại trực tràng tăng 11%.

Nhịp sinh học ảnh hưởng tới nồng độ hormone và sự di căn của ung thư

Mặc dù các nhà nghiên cứu tại Viện Kỹ thuật Liên bang Thụy Sĩ phát hiện ra rằng melatonin có thể là tín hiệu thúc đẩy sự phát tán của các tế bào ung thư, nhưng melatonin cũng đã được chứng minh là có tác dụng ức chế sự phát triển của khối u trong nhiều nghiên cứu.

Các nghiên cứu đã chứng minh rằng, ánh sáng ban ngày giúp tăng cường tác dụng ức chế của melatonin vào ban đêm đối với sự phát triển của ung thư tuyến tiền liệt, ung thư gan và ung thư vú; trong khi ánh sáng ban đêm lại tiêu thụ melatonin, kích thích sự phát triển của các loại ung thư và tăng khả năng kháng thuốc.

Giảm tiết melatonin do gián đoạn giấc ngủ có thể làm tăng tổn thương oxy hóa DNA và làm suy yếu quá trình sửa chữa tổn thương oxy hóa DNA.

Tương tự như melatonin, glucocorticoids cũng được coi là hormone chống ung thư và đạt mức cao nhất vào buổi sáng. Nó có tác dụng toàn thân lên quá trình trao đổi chất và chức năng miễn dịch.

Thuốc Glucocorticoid rất hiệu quả trong điều trị bệnh bạch cầu, ung thư hạch, v.v., đồng thời cũng được chứng minh là làm giảm sự tăng sinh và phát triển của khối u ác tính.

Những thay đổi trong nhịp sinh học có thể ảnh hưởng đến biểu hiện gen - công việc thay đổi ca có thể tạo ra những thay đổi biểu sinh trong DNA.

So với những người làm ca ngày, những người làm ca đêm cho thấy những thay đổi trong quá trình methyl hóa DNA: quá trình methyl hóa tăng lên ở một số nơi và giảm ở những nơi khác, điều này có thể có nghĩa là các gen cụ thể được bật hoặc tắt.

Chọn thời điểm thích hợp có thể chống ung thư hiệu quả

Về nghiên cứu được đề cập ban đầu, các nhà nghiên cứu khác viết rằng khả năng di căn của ung thư bị ảnh hưởng bởi tác động của hormone điều chỉnh nhịp sinh học, vì vậy nếu thời gian điều trị ung thư như ung thư vú được điều chỉnh cho phù hợp - ví dụ: điều chỉnh thời gian điều trị vào thời gian ngủ, có thể "phát huy tối đa tác dụng chống ung thư".

Dovillier tin rằng trong mọi trường hợp, việc điều trị ung thư nên phát triển theo hướng y học chính xác, "cung cấp cho bệnh nhân cụ thể loại thuốc phù hợp vào thời điểm thích hợp nhất - dù ngày hay đêm".

Theo Qingfeng Li - The Epoch Times
Bảo Vy



BÀI CHỌN LỌC

Phát hiện gây sốc: Tế bào ung thư có thể di căn nhanh nhất khi con người đang ngủ