Thủ tướng Úc kỳ vọng về xuất khẩu trở lại rượu vang sang Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Căng thẳng về thương mại giữa Úc và Trung Quốc dường như đang dần dần được giải quyết. Thủ tướng Úc tự tin việc xuất khẩu rượu vang phục vụ lợi ích cho cả Úc và Trung Quốc. Các mức thuế quan và lệnh cấm của Trung Quốc đối với các sản phẩm từ Úc vốn được nhìn nhận như là một hành vi cưỡng bức kinh tế.

Thủ tướng Úc Anthony Albanese tin rằng xuất khẩu rượu vang của Úc sang Bắc Kinh cuối cùng có thể được tiếp tục trở lại trong tương lai gần.

Năm 2020, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã áp đặt mức thuế lên tới 212% đối với rượu vang Úc, cùng với các rào cản thương mại đối với một loạt sản phẩm khác bao gồm thịt bò, tôm hùm và lúa mạch….

Ông Albanese cho biết rượu vang sẽ quay trở lại Trung Quốc trong tương lai gần trong một cuộc phỏng vấn ở Adelaide vào ngày 17/1.

“Tôi mong đợi một nghị quyết sẽ sớm cho phép rượu vang quay trở lại Trung Quốc. Tôi đã chỉ ra rất rõ ràng khi ở Trung Quốc rằng đó là vì lợi ích của Úc và cũng là vì lợi ích của Trung Quốc”, ông nói.

"Bạn biết tại sao không? Bởi vì đó là rượu hết sức ngon. Đó là một sản phẩm tốt. Úc sản xuất những sản phẩm tốt với giá tốt và việc tiếp nhận chúng là có lợi cho thế giới. Việc tạo ra những công việc đó [làm rượu] chắc chắn có lợi cho Úc”.

Vào tháng 10, Úc và ĐCSTQ đã đồng ý tạm dừng cuộc tranh chấp tại Tổ chức Thương mại Thế giới về thuế rượu vang trong lúc Bắc Kinh tiến hành “xem xét lại nhanh” về mức thuế này, một quá trình dự kiến kéo dài một số tháng.

Thủ tướng Úc kỳ vọng về xuất khẩu trở lại rượu vang sang Trung Quốc
Bộ trưởng Thương mại Úc Don Farrell (trái) nói chuyện với Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào trong cuộc họp qua hội nghị trực tuyến tại Tòa nhà Quốc hội ở Canberra, Úc, hôm Thứ Hai, ngày 06/02/2023. (Ảnh: Lukas Coch - Pool/Getty Images)

Chính quyền Úc tự tin

Tại Adelaide vào ngày 17/1, ông Albanese bày tỏ tin tưởng việc xem xét lại sẽ kết thúc vào cuối tháng 3 và khẳng định chính phủ Úc đã nói chuyện trực tiếp với ĐCSTQ.

“Chúng tôi muốn đảm bảo rằng thị trường đó được mở cửa trở lại và thuế quan được giảm bớt. Chúng tôi đã thảo luận rất trực tiếp với Trung Quốc về vấn đề đó. Quá trình xem xét lại sẽ kết thúc vào cuối tháng 3 và chúng tôi rất tin tưởng rằng nó sẽ mang lại lợi ích cho Úc”, ông Albanese cho biết.

“Chúng ta đã thấy sự khác biệt to lớn mà nó tạo ra cho thương mại của chúng ta và tôi bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với ông Don Farrell, Bộ trưởng Thương mại vĩ đại từ Nam Úc, vì sự khác biệt mà ông đã tạo ra”.

Nam Úc được biết đến với các vùng rượu vang ở Barossa, Thung lũng McLaren, Thung lũng Clare và Đồi Adelaide.

Một loại rượu vang nổi tiếng ở Adelaide là Penfolds, thuộc sở hữu của Treasury Wine Estates (TWE), một công ty được niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Úc.

Vào tháng 10, Treasury Wine Estates đã hoan nghênh việc “xem xét lại nhanh” thuế quan đối với rượu vang Úc nhập khẩu vào Trung Quốc.

Công ty cho biết họ có kế hoạch “xây dựng lại hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc” nếu thuế quan được dỡ bỏ, bao gồm cả việc xây dựng lại hệ thống phân phối danh mục sản phẩm xa xỉ của Penfolds tại Trung Quốc.

Trong thông báo chứng khoán, công ty cho biết: “Nếu thuế quan được dỡ bỏ, các biện pháp này sẽ được thực hiện một cách bền vững và nhằm mục đích phát triển hoạt động kinh doanh ở Trung Quốc, nhưng không làm mất đi cơ hội tăng trưởng dài hạn ở các thị trường trọng điểm khác”.

“TWE có điều kiện thuận lợi để xây dựng lại hoạt động kinh doanh của mình tại Trung Quốc nếu thuế quan được dỡ bỏ vào cuối giai đoạn xem xét lại, thông qua một loạt kế hoạch sẽ được thực hiện dần dần theo thời gian”.

Thủ tướng Úc kỳ vọng về xuất khẩu trở lại rượu vang sang Trung Quốc
Người dân nếm thử rượu vang đỏ từ Úc tại Triển lãm Thực phẩm và Nông sản ở Thượng Hải, Trung Quốc, vào ngày 5/11/2020. (Ảnh: STR/AFP qua Getty Images)

Trước thông tin về khả năng dỡ bỏ thuế quan, người phát ngôn ngoại giao của phe đối lập Simon Birmingham cho biết vào ngày 22/10/2023 rằng “thuế quan lẽ ra không bao giờ nên được áp dụng ngay từ đầu”.

“Đó là một nỗ lực cưỡng bức kinh tế của Trung Quốc. Các mức thuế quan chưa bao giờ là hợp lẽ”, ông nói trong một cuộc phỏng vấn với ABC Insiders.

Bắc Kinh cũng áp dụng mức thuế 80,5% đối với lúa mạch Úc vào năm 2020. Mức thuế này đã được dỡ bỏ vào nửa cuối năm 2023.

Thiếu thực phẩm, Bắc Kinh dỡ bỏ lệnh cấm 3 hãng thịt của Úc

Trước đó, vào tháng 12/2023, Úc đã thông báo rằng các lệnh cấm từ phía Trung Quốc đối với các sản phẩm từ các công ty thịt của Úc bao gồm Teys, Australia Lamb Company và JBS đã được dỡ bỏ.

Lệnh cấm ban đầu được đưa ra giữa một loạt các hành động cưỡng chế thương mại vào năm 2020 nhắm vào các nhà xuất khẩu Úc nhằm đáp trả việc chính phủ cũ của ông Morrison kêu gọi một cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc của Covid-19.

Các lệnh trừng phạt đã quét qua một loạt hàng xuất khẩu sang Trung Quốc bao gồm rượu vang, thịt bò, lúa mạch và tôm hùm với các lệnh trừng phạt ước tính khiến các công ty Úc thiệt hại 20 tỷ AUD (13 tỷ USD).

Tuy nhiên, đồng thời, nó thúc đẩy các chính phủ dân chủ bắt đầu áp dụng chiến lược “đa dạng hóa thương mại” nhằm giảm sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, giảm nguy cơ bị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) gây áp lực.

Phản ứng trước việc dỡ bỏ lệnh cấm thịt bò đối với ba lò mổ, Bộ trưởng Thương mại Don Farrell cho biết đây là một “bước tích cực” khác hướng tới ổn định quan hệ với Bắc Kinh.

Thủ tướng Úc kỳ vọng về xuất khẩu trở lại rượu vang sang Trung Quốc
Thịt bò Úc tại một siêu thị ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 12/5/2020 (Ảnh: Greg Baker/AFP qua Getty Images)

Ông nói trong một tuyên bố: “Chính phủ Albanese sẽ tiếp tục thúc đẩy việc loại bỏ những trở ngại thương mại còn lại càng sớm càng tốt”.

Bộ trưởng Thương mại Úc cũng cho biết: “Quan hệ thương mại với Trung Quốc đang trên một quỹ đạo tích cực nhờ cách tiếp cận chín chắn của chính phủ này đối với quan hệ quốc tế”.

Chính phủ đảng Lao động của Úc đang quảng bá cho cách tiếp cận quan hệ quốc tế của mình như là điểm khác biệt chính so với chính phủ Quốc gia - Tự do trước đây, vốn đã công khai chỉ trích Bắc Kinh vì vi phạm nhân quyền và vi phạm các chuẩn mực quốc tế.

“Tôi chờ đợi việc loại bỏ thuế nhập khẩu đối với rượu vang Úc sau khi Trung Quốc hoàn tất quá trình xem xét lại; và tôi sẽ tiếp tục thúc đẩy việc tái nhập khẩu tôm hùm sống và thịt đỏ của Úc vào Trung Quốc”, ông Farrell nói.

Việc dỡ bỏ lệnh cấm 3 hãng thịt của Úc từ phía Trung Quốc diễn ra khi Trung Quốc được cho là đang vật lộn với tình trạng thiếu thực phẩm.

Trung Quốc ‘ăn miếng trả miếng’ EU

Tại một diễn biến khác, chính quyền Trung Quốc hồi đầu tháng này đã khởi xướng một cuộc điều tra chống bán phá giá đối với rượu mạnh (brandy) nhập khẩu từ Liên minh châu Âu (EU), một động thái được coi là phản ứng “ăn miếng trả miếng” trước cuộc điều tra của EU về trợ cấp của Trung Quốc cho xe điện (EV).

Ủy ban Châu Âu đã tiến hành một cuộc điều tra chống trợ cấp đối với hàng nhập khẩu xe điện của Trung Quốc vào tháng 9/2023, cáo buộc các khoản trợ cấp lớn của nhà nước Trung Quốc đã làm giảm giá xe điện một cách giả tạo và do đó làm bóp méo sự cạnh tranh trên thị trường.

Cuộc điều tra của EU có thể sẽ dẫn đến các mức thuế trừng phạt đối với xe điện của Trung Quốc.

Đáp trả động thái của EU, Bộ Thương mại Trung Quốc hôm 5/1 thông báo rằng cuộc điều tra chống bán phá giá đối với rượu do EU sản xuất đã được bắt đầu vào cùng ngày và dự kiến kéo dài tới 24 hoặc 30 tháng. Nó tuyên bố rõ ràng rằng cuộc điều tra này được thực hiện theo yêu cầu của Hiệp hội đồ uống có cồn Trung Quốc, tổ chức được cho là đã nộp đơn kiến nghị vào cuối năm ngoái.

Thủ tướng Úc kỳ vọng về xuất khẩu trở lại rượu vang sang Trung Quốc
Các thùng gỗ sồi, bình chiết rượu và chai trong hầm của Chateau Laballe, nơi sản xuất Armagnac ở Parleboscq, Tây Nam nước Pháp, vào ngày 6/9/2023. (Ảnh: Gaizka Iroz/AFP qua Getty Images)

Nhà bình luận thời sự Xing Tianxing làm việc tại Mỹ nói với The Epoch Times vào ngày 9/1 rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang nhắm mục tiêu vào rượu mạnh brandy của châu Âu như một biện pháp trả đũa nghiêm túc đối với EU vì brandy là mặt hàng xuất khẩu quan trọng của các nước Châu Âu.

Từ tháng 1 đến tháng 11 năm 2023, Trung Quốc đã nhập khẩu 1,57 tỷ USD rượu vang chưng cất, chẳng hạn như rượu cognac và rượu mạnh (brandy), 99% trong số đó có nguồn gốc từ Pháp.

Theo ông Xing, các biện pháp trả đũa tương tự thường được sử dụng để chống lại các quốc gia khác như một biện pháp cưỡng bức kinh tế của ĐCSTQ, trong đó Úc là một ví dụ rõ ràng.

Ông Xing cũng cho biết, để thống trị thị trường xe điện quốc tế, ĐCSTQ đã bơm một lượng đáng kể tiền quỹ của nhà nước vào các khoản trợ cấp để thúc đẩy ngành công nghiệp xe điện giá rẻ nhằm chiếm lĩnh thị trường toàn cầu, đây là hành vi “man rợ” nhằm chèn ép các quốc gia khác.

Bảo Nguyên tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Thủ tướng Úc kỳ vọng về xuất khẩu trở lại rượu vang sang Trung Quốc