Bệnh rối loạn lưỡng cực: Thông tin cơ bản về triệu chứng, nguyên nhân và các phương pháp điều trị

Giúp NTDVN sửa lỗi

Rối loạn lưỡng cực, trước đây gọi là bệnh hưng trầm cảm là một căn bệnh khá phổ biến. Cứ mỗi 100 người thì sẽ có một người được chẩn đoán căn bệnh này vào một thời điểm nào đó trong đời.

Rối loạn lưỡng cực, trước đây gọi là bệnh hưng trầm cảm là một căn bệnh khá phổ biến. Trên toàn cầu, cứ mỗi 100 người thì sẽ có 1 người được chẩn đoán căn bệnh này vào một thời điểm nào đó trong đời. Số liệu thống kê ở Hoa Kỳ cao hơn, với gần 3% dân số mắc rối loạn này hàng năm. Gần 83% các trường hợp là ở mức độ nặng. Mặc dù tỷ lệ mắc căn bệnh này hiện chưa rõ ràng nhưng rối loạn lưỡng cực thường được chẩn đoán ở độ tuổi từ 15 đến 19 và hiếm khi được chẩn đoán sau 40.

Một khó khăn trong việc chẩn đoán rối loạn lưỡng cực là phần đánh giá tâm lý, hỏi kỹ các triệu chứng, tiền sử gia đình và tình trạng sức khỏe tâm thần chung. Nhiều câu trả lời của bệnh nhân thường mang tính chủ quan và không trực tiếp có liên quan đến chẩn đoán rối loạn lưỡng cực.

Có những loại rối loạn lưỡng cực nào?

Có nhiều loại rối loạn lưỡng cực. Đây là một căn bệnh làm thay đổi cảm xúc, năng lượng và chức năng của một người, nên những người mắc rối loạn này thường có những giai đoạn cảm xúc quá mức. Yếu tố chính để phân biệt giữa dao động về tâm trạng và rối loạn lưỡng cực là độ dài các giai đoạn, theo đó rối loạn lưỡng cực sẽ có sự thay đổi cảm xúc trong nhiều ngày ở mỗi giai đoạn.

Rối loạn lưỡng cực 1

Khi mắc bệnh rối loạn lưỡng cực 1 bệnh nhân sẽ có các giai đoạn hưng cảm. Trong giai đoạn hưng cảm, bệnh nhân sẽ gia tăng mức năng lượng và khí sắc trong thời gian ít nhất một tuần. Những thay đổi này thường ảnh hưởng đến công việc, đời sống gia đình và nhiều chức năng khác. Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể có các giai đoạn trầm cảm, kéo dài ít nhất hai tuần. Sau những giai đoạn trầm cảm có thể có những giai đoạn hưng cảm nhẹ. Đây là là giai đoạn người bệnh có mức tăng lượng cao, tăng tự tin nhưng những triệu chứng này ở mức độ nhẹ và chỉ kéo dài vài ngày.

Rối loạn lưỡng cực 2

Những người mắc chứng rối loạn lưỡng cực 2 sẽ có ít nhất một giai đoạn trầm cảm nặng và một giai đoạn hưng cảm nhẹ. Giai đoạn hưng cảm nhẹ ở những bệnh nhân này nhẹ hơn so với giai đoạn hưng cảm ở những người mắc chứng rối loạn lưỡng cực

Rối loạn khí sắc chu kỳ

Đây là một dạng rối loạn lưỡng cực nhẹ liên quan đến tình trạng thay đổi khí sắc với cả triệu chứng hưng cảm nhẹ và trầm cảm. Những người mắc chứng rối loạn khí sắc chu kỳ thường có nhiều giai đoạn tăng và giảm cảm xúc nhưng các triệu chứng ít nghiêm trọng hơn so với những người mắc chứng rối loạn lưỡng cực loại 1 hoặc 2. Các triệu chứng lặp đi lặp lại trong ít nhất hai năm và trong khoảng thời gian này không có giai đoạn nào dài hơn 2 tháng mà bệnh nhân không có biểu hiện thay đổi khí sắc.

Rối loạn lưỡng cực khác hoặc không biệt định

Một người không đáp ứng được các tiêu chí của các loại rối loạn lưỡng cực nhưng lại biểu hiện thay đổi khí sắc bất thường trên lâm sàng sẽ được xếp loại vào nhóm này.

Các triệu chứng và dấu hiệu ban đầu của rối loạn lưỡng cực

Dấu hiệu hay triệu chứng chính của rối loạn lưỡng cực là các giai đoạn hưng cảm kéo dài ít nhất một tuần và có thể có các giai đoạn hưng cảm nhẹ.

Triệu chứng bệnh sẽ khác nhau ở từng người. Tuy nhiên, các triệu chứng sau đây thường gặp trong giai đoạn hưng cảm:

  • Có những thay đổi hằng định về khí sắc
  • Trạng thái cảm xúc cực độ, cả cao và thấp.
  • Thay đổi tâm trạng đột ngột và nghiêm trọng.
  • Bồn chồn.
  • Lời nói và suy nghĩ nhanh.
  • Tăng năng lượng.
  • Giảm khả năng phán đoán
  • Tăng tính bốc đồng.
  • Hành vi liều lĩnh.
  • Tự cao
  • Loạn thần

Các triệu chứng sau đây thường gặp trong giai đoạn hưng cảm nhẹ:

  • Cảm giác tích cực và/hoặc năng suất hơn.
  • Thay đổi khí sắc

Dưới đây là các triệu chứng phổ biến trong giai đoạn trầm cảm:

  • Cảm giác rất buồn.
  • Ít năng lượng.
  • Thiếu động lực.
  • Cảm thấy vô giá trị và vô vọng.
  • Khó tập trung.
  • Cáu gắt.
  • Gia tăng nhu cầu ngủ.

Rối loạn lưỡng cực thường được xem là có yếu tố di truyền. Tuy nhiên, dù là do yếu tố gen hay yếu tố môi trường, khi xuất hiện triệu chứng vẫn nên thường xuyên tầm soát bệnh lý này ở những người có nguy cơ.

Nguyên nhân của bệnh rối loạn lưỡng cực

Nguyên nhân chính xác của bệnh rối loạn lưỡng cực vẫn chưa được biết rõ. Tuy nhiên, có một số yếu tố được xem là nguyên nhân gây ra rối loạn này, gồm có:

  • Di truyền: Rối loạn lưỡng cực có liên quan đến gen và có thể di truyền trong gia đình. Đây là một trong những rối loạn tâm thần có khả năng di truyền cao nhất đã được xác định - dù là do môi trường hay do gen. Hơn ⅔ bệnh nhân có ít nhất một người thân mắc rối loạn này.
  • Mất cân bằng hoặc thay đổi các vùng của não: Mất cân bằng các chất hóa học trong não có thể gây ra chứng rối loạn lưỡng cực. Các chất dẫn truyền thần kinh trong não, như serotonin, norepinephrine và dopamine, có thể thay đổi và gây ra triệu chứng. Chất xám hoặc khối lượng hồi hải mã cũng có thể giảm ở người mắc chứng rối loạn lưỡng cực.

Mặc dù nguyên nhân của rối loạn lưỡng cực vẫn chưa được biết rõ nhưng có một số yếu tố kích hoạt như:

  • Căng thẳng: ví dụ như vấn đề trong các mối quan hệ, lạm dụng, bệnh tật, kinh tế và/hoặc cái chết của người thân.
  • Các bệnh lý cơ thể
  • Rối loạn giấc ngủ

Mặc dù nguyên nhân chính xác của chứng rối loạn lưỡng cực vẫn chưa được biết rõ nhưng các chuyên gia cho rằng rối loạn này có thể là do sự mất cân bằng các chất hóa học trong não, những bất thường về cấu trúc não, di truyền hoặc các yếu tố môi trường. Sự kết hợp của các yếu tố này cũng có thể là nguyên nhân. (Ảnh minh họa từ Shutterstock/ Do The Epoch Times thiết kế)

Đối tượng nào có khả năng cao mắc chứng rối loạn lưỡng cực

Như đã đề cập ở trên, chứng rối loạn lưỡng cực có thể được kích hoạt bởi nhiều yếu tố khác nhau như di truyền, căng thẳng và sự mất cân bằng. Nguyên nhân của chứng rối loạn lưỡng cực trùng lặp với các yếu tố nguy cơ.

Tỷ lệ rối loạn lưỡng cực ở cả nam và nữ gần tương đương nhau và không có đủ nghiên cứu để xác định yếu tố chủng tộc có đóng vai trò làm khả năng mắc bệnh hay không. Dưới đây là những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc rối loạn này:

  • Tiền sử gia đình: Có người thân trực hệ mắc chứng rối loạn lưỡng cực sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
  • Tuổi: Rối loạn lưỡng cực có thể khởi phát ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến nhất ở những người từ 18 đến 29 tuổi.
  • Các bệnh lý tâm thần khác: Những người mắc chứng rối loạn cảm xúc theo mùa dễ mắc bệnh rối loạn lưỡng cực hơn. Nhiều người mắc chứng rối loạn lưỡng cực cũng đồng mắc bệnh rối loạn lo âu và khoảng một nửa số bệnh nhân rối loạn lưỡng cực có bệnh lý tâm thần đồng mắc.
  • Nghiện ma túy hoặc nghiện rượu: Có mối liên hệ giữa lạm dụng chất gây nghiện và chứng rối loạn lưỡng cực, với khoảng 60% bệnh nhân có biểu hiện nghiện ma túy hoặc nghiện rượu.
  • Sự kiện căng thẳng hoặc đau buồn: Những người có mức độ căng thẳng cao hoặc có một sự kiện đau buồn, ví dụ như cái chết của người thân, có nhiều khả năng mắc rối loạn này hơn.

Bệnh rối loạn lưỡng cực được chẩn đoán như thế nào?

Mặc dù có nhiều test để sàng lọc và chẩn đoán bệnh rối loạn lưỡng cực, nhưng thông thường, chúng ta sẽ chỉ sàng lọc ở những người có triệu chứng. Ở những đối tượng này, có thể thực hiện những phương pháp kiểm tra dưới đây để xác định và/hoặc loại trừ chẩn đoán:

  • Khám thực thể và kết quả xét nghiệm: Bước này sẽ giúp loại trừ các bệnh lý tiềm ẩn có thể gây ra triệu chứng.
  • Đánh giá tâm thần: Thông thường, bác sĩ sẽ thực hiện đánh giá tâm thần nếu bệnh nhân có tiền sử gia đình rối loạn lưỡng cực, đồng thời đánh giá tình trạng sức khỏe tâm thần hiện tại. Các câu hỏi sẽ xoay quanh việc thời gian xuất hiện, kéo dài và mức độ nặng của triệu chứng. Quá trình đánh giá cũng sẽ hỏi đến thói quen sinh hoạt của người bệnh, quá trình sử dụng ma túy và/hoặc rượu. Bác sĩ cũng sẽ có thể phỏng vấn thêm bạn bè và gia đình của người bệnh.
  • Lập biểu đồ cảm xúc: Đôi khi, trong quá trình đánh giá, bác sĩ sẽ yêu cầu bệnh nhân theo dõi cảm xúc, giấc ngủ, các triệu chứng, v.v. để tìm ra loại rối loạn lưỡng cực và kế hoạch điều trị phù hợp.

Những vấn đề liên quan của bệnh rối loạn lưỡng cực

Rối loạn lưỡng cực có thể ảnh hưởng đến chức năng hằng ngày của người bệnh do tình trạng thay đổi khí sắc. Dưới đây là một số vấn đề thường gặp nhất:

  • Lạm dụng chất: Do những tác động về sức khỏe tâm thần ở một số bệnh nhân rối loạn lưỡng cực, một số bệnh nhân có thể sử dụng chất gây nghiện đối phó với triệu chứng. Nếu bạn hoặc một người quen của bạn đang phải vật lộn với bệnh rối loạn lưỡng cực và/hoặc tình trạng lạm dụng chất gây nghiện, cần tham khảo ý kiến của chuyên gia y tế có trình độ để có kết quả điều trị tốt nhất.
  • Các vấn đề sức khỏe tâm thần khác: Người mắc chứng rối loạn lưỡng cực có thể mắc thêm các rối loạn tâm thần khác như lo âu và/hoặc trầm cảm do rối loạn lưỡng cực.
  • Bệnh đồng mắc: Một số nghiên cứu chỉ ra rằng những người mắc chứng rối loạn lưỡng cực còn mắc các bệnh đồng mắc khác như tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, béo phì, đái tháo đường và tăng huyết áp. Bởi vì tình trạng sức khỏe tâm thần thường thường tương quan đến cách chăm sóc cơ thể, nên các chuyên gia phát hiện rằng có mối liên hệ rõ giữa sức khỏe tâm thần kém và/hoặc rối loạn lưỡng cực và tình trạng sức khỏe thể chất kém.
  • Tự sát: Khoảng 1 trong 5 người mắc chứng rối loạn lưỡng cực thực hiện hành vi tự sát.

Các phương pháp điều trị rối loạn lưỡng cực

Các phương pháp điều trị chứng rối loạn lưỡng cực khác nhau tùy theo độ tuổi, triệu chứng và mức độ nghiêm trọng ở từng bệnh nhân. Các phương pháp điều trị thông thường gồm có dùng thuốc, trị liệu tâm lý hoặc kết hợp cả hai.

Thuốc

Thuốc điều trị rối loạn lưỡng cực thường dùng nhất là nhóm thuốc ổn định khí sắc. Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý chính là tất cả các loại thuốc đều có tác dụng phụ và phải được bác sĩ kê đơn và theo dõi để đảm bảo tính hiệu quả và an toàn. Các loại thuốc ổn định khí sắc sau đây có thể được sử dụng trong điều trị rối loạn lưỡng cực:

  • Lithium là một loại thuốc ổn định khí sắc có hiệu quả cho những người có triệu chứng hưng cảm và trầm cảm.
  • Các loại thuốc chống động kinh có tác dụng ổn định khí sắc gồm có divalproex natri, lamotrigine và axit valproic.
  • Các loại thuốc chống loạn thần có thể sử dụng như olanzapine, risperidone, quetiapine, lurasidone, aripiprazole và asenapine.
  • Thuốc chống trầm cảm như thuốc ức chế tái hấp thu serotonin (SSRI), thuốc ức chế tái hấp thu norepinephrine và serotonin (SNRI), thuốc ức chế monoamine oxidase (MAOIs) và thuốc chống trầm cảm ba vòng. Những loại thuốc này có thể làm cơn hưng cảm nặng hơn, vì vậy thường được sử dụng cùng với các loại thuốc khác để giảm thiểu tác dụng này.
  • Các thuốc benzodiazepin như alprazolam, chlordiazepoxide, clonazepam, diazepam và lorazepam, thường sử dụng vì có đặc tính giảm lo âu.

Trị liệu tâm lý

Phương pháp này thường được sử dụng trong kế hoạch điều trị cùng với thuốc. Một số liệu pháp tâm lý có thể sử dụng như liệu pháp giáo dục tâm lý giúp người bệnh hiểu thêm về chứng rối loạn lưỡng cực, liệu pháp nhận thức hành vi nhận thức (CBT) giúp giảm các triệu chứng trầm cảm và/hoặc liệu pháp gia đình được áp dụng vào mối quan hệ trong gia đình của người bệnh.

Cách suy nghĩ sẽ ảnh hưởng đến chứng rối loạn lưỡng cực như thế nào?

Do rối loạn lưỡng cực là một rối loạn sức khỏe tâm thần, nên việc duy trì một lối suy nghĩ tích cực sẽ có vai trò rất quan trọng.

Các nghiên cứu chỉ ra rằng tỷ lệ tái phát trong bệnh rối loạn lưỡng cực ở những người có niềm tin bi quan sẽ cao hơn hơn so với những người cố gắng giữ quan điểm tích cực. Các bệnh nhân mắc chứng rối loạn lưỡng cực thường cảm nhận giai đoạn trầm cảm nhiều hơn so với giai đoạn hưng cảm, vì vậy việc điều chỉnh lối suy nghĩ rất quan trọng.

Do việc chẩn đoán mắc rối loạn lưỡng cực đôi khi có thể khó khăn cho người bệnh nên cần xây dựng một đội ngũ chăm sóc toàn diện và phù hợp để tối ưu hóa hoạt động chăm sóc sức khỏe nói chung.

Dưới đây là một số mối quan tâm thường gặp ở những người mắc chứng rối loạn lưỡng cực:

  • Những người khác sẽ nhìn nhận căn bệnh này như thế nào
  • Căn bệnh này sẽ ảnh hưởng đến hoạt động hàng ngày của người bệnh như thế nào.
  • Lo lắng rằng bệnh sẽ di truyền cho con cái.
  • Bệnh sẽ ảnh hưởng đến việc hẹn hò, kết hôn và cuộc sống cá nhân như thế nào

Mặc dù nhận chẩn đoán rối loạn lưỡng cực có thể khiến bạn cảm thấy nặng nề, tuy nhiên việc tìm một đội ngũ chăm sóc sức khỏe đủ năng lực, trong đó bao gồm cả bác sĩ và nhà trị liệu, là điều hết sức quan trọng. Tham gia các nhóm hỗ trợ và tìm cách kết nối với những người có vấn đề tương tự cũng có thể là một cách giúp bạn nhận được nhiều sự trợ giúp.

Các phương pháp điều trị tự nhiên được áp dụng cho bệnh rối loạn lưỡng cực

Thuốc và liệu pháp tâm lý là những phương pháp thường dùng để điều trị rối loạn lưỡng cực. Tuy nhiên vẫn có một số phương pháp tự nhiên có thể giúp bạn kiểm soát triệu chứng.

Thực phẩm bổ sung

  • Omega-3: Một số nghiên cứu chỉ ra rằng bổ sung đủ dầu cá có thể giúp giảm các triệu chứng ở những người mắc chứng rối loạn lưỡng cực. Dầu cá chứa omega-3 có thể tương tác với các chất dẫn truyền thần kinh liên quan đến khí sắc, giúp cải thiện quá trình liên kết và truyền tín hiệu, từ đó có thể ổn định khí sắc. Người mắc chứng rối loạn lưỡng cực có thể nhận được nhiều lợi ích khi thường xuyên bổ sung dầu cá chất lượng cao. Axit béo omega-3 cũng có tác dụng làm giảm viêm.
  • NAC: N-acetyl-L-cysteine (NAC) là một chất bổ sung đã được nghiên cứu ở những người mắc chứng rối loạn lưỡng cực. Tuy rằng cần có nhiều nghiên cứu hơn nhưng NAC vẫn được xem là có tác dụng giống chống oxy hóa, hỗ trợ giải phóng dopamine và tăng quá trình sinh thần kinh trong não.
  • Inositol: Dù được gọi là vitamin B8 nhưng inositol không phải là vitamin. Chất này đã được chứng minh là có khả năng làm giảm các triệu chứng ở một số người mắc chứng rối loạn lưỡng cực do có quá trình thiếu hụt inositol xảy ra ở với những người điều trị rối loạn lưỡng cực bằng thuốc. Bổ sung inositol vẫn là một phương pháp đầy hứa hẹn với những người mắc chứng rối loạn lưỡng cực, dù vẫn cần thêm nhiều nghiên cứu. Bổ sung inositol khi sử dụng lithium hoặc axit valproic vẫn còn tranh cãi và cần thảo luận với bác sĩ trước khi sử dụng.
  • Choline: Một nghiên cứu hệ thống cho thấy liệu pháp điều trị bằng vitamin choline tan trong nước có thể làm giảm đáng kể các triệu chứng hưng cảm ở 5 trong 6 bệnh nhân lưỡng cực chu kỳ nhanh và 4 người đã giảm các triệu chứng trầm cảm và hưng cảm.

Thay đổi lối sống

Như tôi đã đề cập ở trên, chăm sóc cơ thể sẽ giúp cải thiện sức khỏe tinh thần. Tập thể dục thường xuyên, ngủ đủ giấc và chế độ ăn uống cân bằng sẽ giúp ổn định sinh lý chung của cơ thể. Tập thể dục thường xuyên giúp ổn định cảm xúc và giải phóng dopamine tự nhiên. Giấc ngủ hỗ trợ quá trình phục hồi não và giúp giảm bớt sự khó chịu. Chế độ ăn uống cân bằng bao gồm các axit béo omega-3 và chất chống oxy hóa chống viêm sẽ hỗ trợ nuôi dưỡng não và tích cực thúc đẩy sự cân bằng hóa học.

Một liệu pháp tâm lý tên là Liệu pháp hài hòa tương quan xã hội (IPSRT) cho thấy nhiều hứa hẹn trong điều trị các triệu chứng rối loạn lưỡng cực. IPSRT hướng đến các rối loạn theo nhịp sinh học, cung cấp các buổi trị liệu tâm lý và hướng dẫn bệnh nhân cách tuân thủ điều trị bằng thuốc tốt hơn. Một nghiên cứu đời thực có đối chứng cho thấy phương pháp này giúp giảm gánh nặng triệu chứng của bệnh nhân trong thời gian hơn sáu tháng.

Làm thế nào để phòng ngừa chứng rối loạn lưỡng cực

Mặc dù không có cách nào đảm bảo có thể loại bỏ hoàn toàn nguy cơ mắc chứng rối loạn lưỡng cực, bạn vẫn có thể thực hiện một số bước để giảm nguy cơ bệnh tiến triển đến mức không kiểm soát được.

Dưới đây là một số phương pháp thay đổi lối sống giúp giảm nguy cơ bệnh tiến triển nặng:

  • Luôn chú ý: Nếu bạn có nguy cơ mắc chứng rối loạn lưỡng cực do di truyền hoặc lo lắng sự xuất hiện triệu chứng, cần thường xuyên chú ý đến các dấu hiệu cảnh báo. Nếu bắt đầu xuất hiện triệu chứng, điều trị sớm sẽ mang lại kết quả tốt hơn. Hãy cố gắng tận dụng sự giúp đỡ của bạn bè, gia đình và/hoặc cơ sở y tế để giúp bạn theo dõi triệu chứng tốt hơn.
  • Duy trì các thói quen lành mạnh: Thường xuyên chăm sóc bản thân như tập thể dục và ăn uống lành mạnh là một phương pháp quan trọng để giảm nguy cơ mắc và/hoặc làm nặng thêm chứng rối loạn lưỡng cực. Ngoài ra, cần tránh sử dụng ma túy và rượu, vì những chất này có thể làm các triệu chứng trầm trọng hơn và/hoặc làm tăng nguy cơ tái phát triệu chứng.
  • Chế độ ăn với thức ăn tươi và đầy đủ chất dinh dưỡng: Nghiên cứu cho thấy những người ăn nhiều loại protein chất lượng, rau củ quả, các loại đậu, ngũ cốc nguyên cám và hạt có nguy cơ mắc các rối loạn khí sắc thấp hơn so với những người ăn theo chế độ ăn phương Tây giàu các loại thực phẩm chế biến sẵn. Duy trì hệ vi sinh đường ruột đa dạng và khỏe mạnh có thể giúp bạn ngăn ngừa các bệnh lý tâm thần.
  • Duy trì sử dụng thuốc: Dùng thuốc thường xuyên và theo chỉ dẫn của bác sĩ là một yếu tố rất quan trọng để kiểm soát tỷ lệ tái phát triệu chứng. Dừng thuốc trước mà không có sự giám sát của bác sĩ có thể khiến các triệu chứng nặng hơn hoặc tái phát bệnh.

Theo The Epoch Times

Đức Nhân biên dịch

Tác giả: Jordan Stachel

Cô Jordan Stachel là chuyên gia dinh dưỡng có chứng chỉ hành nghề ở cơ sở phòng khám tư nhân, nơi cô giúp khách hàng qua việc cung cấp thông tin dinh dưỡng dựa trên bằng chứng.



BÀI CHỌN LỌC

Bệnh rối loạn lưỡng cực: Thông tin cơ bản về triệu chứng, nguyên nhân và các phương pháp điều trị