Áp lực học hành thi cử: Nhiều học sinh trầm cảm và mắc bệnh tâm thần

Giúp NTDVN sửa lỗi

Mắc bệnh tâm thần vì áp lực học hành

Tần Tần, là học sinh năm hai ở một trường cao trung tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc (tương đương lớp 11 ở Việt Nam). Để chuẩn bị cho kỳ thi cuối kỳ, Tần Tần học tập ngày đêm nên đầu óc luôn trong tình trạng căng thẳng.

Nhưng sau khi làm xong 6 bộ đề thi trong một đêm, nữ sinh này bắt đầu xuất hiện hành vi hoang tưởng, miệng không ngừng nói nhảm. Thấy con gái bất ổn, gia đình vội vàng đưa Tần Tần đến khoa phục hồi chức năng tâm lý của một bệnh viện gần đó.

Nhưng sau khi dùng thuốc hướng thần được một tuần, tình trạng không những không cải thiện mà còn xuất hiện các triệu chứng như sốt, không thể giao tiếp với người khác, tê bì mặt và tay chân. Lo lắng, cha mẹ Tần Tần buộc phải đưa con đi cấp cứu tại Bệnh viện Hán Khẩu ở Vũ Hán.

Kết quả, Tần Tần được chẩn đoán mắc bệnh não tự miễn dịch, đó là một bệnh viêm não do kháng thể kháng thụ thể NMDA tương đối nghiêm trọng.

Đây là một căn bệnh rất hiếm và nghiêm trọng, nếu không được điều trị kịp thời, có thể gây ra những hậu quả khó lường, khiến các tế bào miễn dịch nhầm mô não của chính mình thành kháng nguyên lạ và tấn công.

Cơ chế bệnh sinh cụ thể của bệnh não tự miễn dịch vẫn chưa rõ ràng, tuy nhiên quá mệt mỏi, giảm sức đề kháng và khả năng miễn dịch thấp đều là những yếu tố có thể gây ra bệnh. Sau khi mắc bệnh, bệnh nhân có thể gặp phải những bất thường về thần kinh, chẳng hạn như ảo giác, động kinh và rối loạn ý thức.

Tần Tần đã phải chịu áp lực trong một thời gian dài lại thức khuya dẫn đến tinh thần kiệt quệ, khả năng miễn dịch giảm sút, cơ thể dễ bị các bệnh tự miễn dịch tấn công.

Không chỉ Tần Tần, một nữ sinh 17 tuổi khác tại đất nước này cũng bị áp lực học hành dẫn đến nảy sinh vấn đề tâm lý, xuất hiện chứng hoang tưởng.

Nữ sinh này suốt ngày mơ tưởng rằng mình đã đỗ vào Đại học Thanh Hoa - trường đại học top đầu của Trung Quốc nói riêng và châu Á nói chung. Thấy tình trạng bất thường của con, bố mẹ nữ sinh này mới vội vàng đưa vào bệnh viện. Tại đây, bác sĩ chẩn đoán nữ sinh mắc bệnh tâm thần phân liệt.

Trong thời gian bạn bè đi học, vui chơi, thì nữ sinh này phải đến bệnh viện điều trị bệnh. Khi phóng viên đến gặp, em đang nhảy lò cò ở hành lang bệnh viện y hệt như một đứa trẻ vài tuổi. Ngày nào nữ sinh này cũng chạy ra ngoài nhảy lò cò như vậy. Đây quả thật là một bi kịch, có thể nói áp lực học hành quá lớn, cộng với áp lực từ cha mẹ đã khiến nữ sinh này choáng ngợp.

Trầm cảm vì áp lực học hành

Việt Nam cũng có tình trạng tương tự, nhiều trẻ em có áp lực học hành lớn dẫn tới ảnh hưởng đến sức khỏe trầm trọng.

Một nữ sinh 12 tuổi bị trầm cảm vì áp lực học hành, đến Bệnh viện Nhi Trung ương Hà Nội khám và phải nhập viện trong tình trạng mệt mỏi, căng thẳng, luôn hoảng sợ.

Theo người nhà, bệnh nhân có tính cách hiền lành, ngoan ngoãn, học lực giỏi. Tuy nhiên, thời gian gần đây, do áp lực phải đạt được vị trí đứng đầu lớp mới được vào đội tuyển đi thi học sinh giỏi của trường, khiến nữ sinh luôn cảm thấy mệt mỏi, căng thẳng và mất ngủ.

Tình trạng này kéo dài khiến em cảm thấy sợ đi học và không dám đến trường học. Mỗi lần nghĩ tới chuyện đi học bệnh nhi lại cảm thấy căng thẳng và sợ hãi. Điều này ngày càng khiến cho em mất ngủ, không tập trung vào học, học lực giảm sút.

Kết quả học tập giảm lại càng khiến bệnh nhi cảm thấy lo lắng vì bị bạn bè chê cười, xem thường và thầy cô giáo khiển trách. Bệnh nhi cảm thấy chán nản và không còn thiết tha mọi thứ trong cuộc sống.

Một trường hợp khác là một nữ sinh lớp 9, ở Hà Nội, nhập viện trong tình trạng bồn chồn không yên, khó ngủ, lo lắng, hay khóc… tình trạng này diễn ra liên tục khi kỳ thi đến gần khiến phụ huynh vô cùng lo lắng và đã đưa trẻ đến khám và điều trị.

Bác sĩ Vinh, Phó Trưởng Khoa Sức khỏe Vị thành niên Bệnh viện Nhi Trung ương đang tư vấn cho trẻ vị thành niên. (Ảnh: benhviennhitrunguong.gov.vn)

Bác sĩ Vinh, Phó Trưởng Khoa Sức khỏe Vị thành niên Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết, trong năm 2022, khoa Sức khỏe Vị thành niên đã tiến hành nghiên cứu về các rối loạn tâm lý ở học sinh tại một số trường trung học cơ sở tại Hà Nội (từ lớp 6 đến lớp 9) cho thấy các biểu hiện lo âu ở trẻ chiếm tỉ lệ 38%, tiếp theo là stress với 33% và trầm cảm là 26,1%.

Trong các trẻ đến khám và điều trị vì các biểu hiện lo âu, trầm cảm và căng thẳng có nhiều trẻ được đánh giá ngoan, có thành tích học tập khá giỏi.

Bác sĩ Vinh nói: "Những trẻ này thường hay tự tạo áp lực với bản thân mình để giữ hình ảnh với bạn bè, gia đình, thầy cô, khiến trẻ nỗ lực không ngừng. Điều này khiến trẻ dễ bị căng thẳng, lo lắng, mệt mỏi thậm chí trầm cảm nhất là khi không đạt được kỳ vọng như mong muốn.

Nguyên nhân của rối loạn trên thường là do: khối lượng kiến thức quá nhiều, trẻ chuẩn bị cho kỳ thi chưa tốt, tâm lý chưa vững vàng và áp lực từ nhà trường, bố mẹ…".

Những câu chuyện trên là lời cảnh tỉnh đối với nhiều phụ huynh và học sinh. Cha mẹ nào cũng mong những điều tốt đẹp cho con của mình, nhưng cũng có phụ huynh sốt ruột khi điểm số của con chưa cao, lo lắng khi con không được vào top học sinh giỏi trong lớp và gây áp lực lại lên chính các con.

Các bậc phụ huynh không nên kỳ vọng quá nhiều vào con vì điều này vô tình tạo áp lực lớn cho con mình. Cha mẹ nên hiểu rõ về năng lực, sở trường của con để đặt ra mục tiêu, chọn trường, chọn lớp phù hợp.

Bên cạnh đó, cha mẹ cần lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của con mình để đưa ra những tư vấn cũng như định hướng đúng đắn giúp trẻ giải tỏa được những áp lực về học tập – thi cử.

Tuyết Nhi (tổng hợp)



BÀI CHỌN LỌC

Áp lực học hành thi cử: Nhiều học sinh trầm cảm và mắc bệnh tâm thần