Bí quyết thay đổi cuộc sống nhờ cải thiện tần số rung động (Phần 2): Giải được “Nhục” chỉ có “Nhẫn”

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chữ "Nhẫn" rất cao, chữ "Nhục" rất thấp. "Nhẫn" có thể hóa giải "Nhục" như thế nào?...

Tựa: Công trình của Hawkins là sự kết hợp giữa tinh thần nghiên cứu khoa học nghiêm túc và trình độ nhận thức tâm linh của một tín hữu tu tập có thành tựu, cũng là một gạch nối giữa khoa học chân chính hiện đại với lời dạy của các Thánh giả, hiền nhân xa xưa. Độc giả có thể xem chi tiết trong cuốn “Power vs Forces”. Mục đích của loạt bài viết này là minh họa, giải thích kết quả nghiên cứu trên bằng Văn hóa Thần truyền Á Đông - ngược lên đến đầu nguồn của nó chính là Đạo - qua những câu chuyện sinh động, đồng thời gợi ý những giải pháp, những ứng dụng của chúng trong đời sống. Qua đó chúng ta có thể nhận thức sâu hơn về trí huệ “sâu khó mà dò” của cổ nhân mà đến nay đang được khoa học chân chính tái khám phá.

Xem lại: Bí quyết thay đổi cuộc sống nhờ cải thiện tần số rung động (Phần 1): Tần số rung động có ý nghĩa gì?

Tầng năng lượng 20 - Nhục nhã - và tác hại của nó

Tầng năng lượng này xếp hạng thấp nhất trong “Bản đồ ý thức” của David R. Hawkins, là một tầng nguy hiểm nhất.

Một chút xấu hổ khi sai lầm có thể phần nào tác động tích cực đối với những người có lòng tự trọng, ví như là động lực để sửa sai hoặc vươn lên trong cuộc sống. Nhưng triền miên trong nỗi nhục nhã gây áp lực cực lớn đến sức khỏe tâm lý, sinh lý của con người.

Chàng, Đàn Ông, Mọi Người, Tối, Bóng, Tay, Buồn
Triền miên trong nỗi nhục nhã gây áp lực cực lớn đến sức khỏe tâm lý, sinh lý của con người. (Ảnh: Pixabay)

Trong tác phẩm “Power vs Forces”, tiến sĩ Hawkins viết:

“Tầng Nhục nhã cận kề đến mức nguy hiểm với cái chết, người ta có thể vì nhục nhã mà cố ý tự tử, hoặc tự tử một cách tinh vi hơn: không làm gì nhằm duy trì đời sống, gọi là “tự tử thụ động”. Phổ biến nhất là chết trong những vụ tai nạn mà đáng lẽ ra có thể tránh được. Tất cả chúng ta, ở mức độ nào đó, đều nhận thức được về nỗi đau ‘mất thể diện’, mất uy tín hoặc cảm thấy mình là ‘người chẳng ra gì’. Ở tầng Nhục nhã, người ta gục đầu xuống và lẩn lút, ước mong mình trở thành vô hình. Trục xuất khỏi cộng đồng thường đi kèm với nhục nhã, trong các xã hội nguyên thủy - tất cả chúng ta đều từ đó mà ra - trục xuất cũng chẳng khác gì chết...”

Về mặt sinh lý, nhục nhã có thể gây bệnh cho cơ thể. Về mặt tâm lý, nỗi nhục nhã có thể khiến nạn nhân sống khép mình, nhút nhát, thụ động, trầm cảm, cuộc đời u ám tiêu cực. Trầm trọng hơn nữa, nó có thể tước đoạt ham muốn được sống hoặc biến đổi tâm lý nạn nhân thành méo mó, cực đoan, có người vì vậy mà phạm những tội ác kinh khủng.

Chẳng hạn, những người quý tộc Châu Âu thời Trung Cổ, Cận đại coi trọng danh dự hơn cả tính mạng có thể tự sát vì bị nhục nhã mà không có cơ hội để rửa nhục, như là vỡ nợ không trả nổi hay bị lăng mạ, làm nhục thân thể mà không thể thách đấu để rửa nhục.

Ở một trạng thái cực đoan khác, một người phụ nữ tên là Juana Barraza ở Mexico đã bị bắt và kết tội vì giết chết gần 50 phụ nữ lớn tuổi trong thời gian từ 2003 - 2006. Người này khi còn nhỏ đã bị mẹ đẻ ngược đãi, bán bà ta cho một người đàn ông lớn tuổi để lấy tiền mua bia rượu uống. Juana bị cưỡng hiếp và bị bắt làm nô lệ tình dục trong suốt 5 năm, cuộc đời từ đó cũng gặp vô vàn bất hạnh, chìm ngập trong đau đớn nhục nhã. Đó là lý do Juana nhắm vào mục tiêu là những người phụ nữ có độ tuổi như mẹ của mình.

Chịu nhục nhã, những nạn nhân/hung thủ này không lý giải được tại sao tai họa hay nghịch cảnh lại xảy đến với mình hoặc chìm đắm trong nỗi thống khổ tự trách và không biết từ nay phải đối xử với lòng tự trọng bị tổn thương ra sao, từ đó mà rơi vào vòng luẩn quẩn của cuộc sống. Mâu thuẫn quá lớn không thể hóa giải có thể khiến đương sự đi đến những quyết định cực đoan đã đề cập.

Đó là chuyện xứ người, còn xứ mình thì sao?

Học sinh sinh viên tự tử, đa phần vì xấu hổ, thất vọng, nhục nhã

Thời gian gần đây liên tiếp có những vụ học sinh sinh viên tự tử hết sức đau lòng và đáng báo động.

Cuối tháng 3/2022, một nữ sinh lớp 9 đã tử vong sau khi rơi từ tầng 26 chung cư ở Hà Nội; một nữ sinh lớp 8 khác ở Bắc Ninh treo cổ tại nhà. Nguyên nhân tự tử của các em đều có liên quan đến học hành.

Ngày 1/4/2022, một nam sinh học lớp 10 ở một trường chuyên ở Hà Nội gieo mình xuống từ tầng cao chung cư. Trước khi chết em để lại lá thư tuyệt mệnh, nói rằng cuộc sống quá căng thẳng, mệt mỏi và thất vọng vì không đáp ứng được kỳ vọng của bố mẹ.

Ngày 5/4/2022, một nam sinh ở thị xã Nghi Sơn, Thanh Hóa gieo mình xuống hồ nước sâu tự tử, trên bờ còn để lại lá thư tuyệt mệnh.

Ngày 6/4/2022, một nữ sinh lớp 8 ở thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk tự tử trong nhà bếp sau khi bị mẹ mắng vì chơi game. Em cũng để lại một lá thư tuyệt mệnh nói về áp lực cuộc sống và gia đình.

Sáng 23/4/2022, ở cùng một khu chung cư cao cấp ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, một nữ sinh 19 tuổi rơi từ tầng 25 của tòa nhà xuống đất vào lúc khoảng 2h sáng. Sau đó, khoảng 9h sáng cùng ngày, một nam sinh 13 tuổi tiếp tục rơi xuống từ tầng 35 xuống đất tử vong. Nguyên nhân vụ việc đang được cơ quan điều tra làm rõ.

Hầu hết những vụ việc này đều do tổn thương tâm lý, các em học sinh tâm sự về những áp lực quá lớn trong cuộc sống và việc học hành, nỗi xấu hổ, nhục nhã thất vọng, cảm thấy mình như người bỏ đi… vì không đáp ứng được yêu cầu của cha mẹ và nhà trường.

Cậu Bé Nhỏ, Cửa Sổ, Đang Chờ Đợi, Chán, Mệt Mỏi
các em học sinh tâm sự về những áp lực quá lớn trong cuộc sống và việc học hành, nỗi xấu hổ, nhục nhã thất vọng, cảm thấy mình như người bỏ đi… (Ảnh: Pixabay)

Con người ta chẳng phải đến thời đại này mới phải chịu nhục, người xưa cũng trải nghiệm điều tương tự, nhưng cổ nhân đã ứng xử với nó ra sao, đó lại là một vấn đề thuộc về tu dưỡng và liên quan đến truyền thống văn hóa.

Giải được “Nhục”, chỉ có “Nhẫn”

Sách "Thuyết văn" viết: Nhẫn là khả năng.

Sách "Quảng Nhã" viết: Nhẫn là chịu đựng. “Leo núi phải chịu được sườn dốc, đạp tuyết phải chịu được cầu trơn". Nại cũng là Nhẫn.

Đại thể các sách đều nói "Nhẫn" thực chất là "có thể chịu đựng", là tố chất, bản sự, là thể hiện năng lực tinh thần và thể chất của một người.

Nhục là trạng thái tâm lý bị xung kích, cảm giác về sự thấp kém giảm giá trị của bản thân khiến người ta khó chịu đựng nổi nên sinh ra những biến hóa bất thường về tâm lý, cần phải có Nhẫn để khắc chế, từ đè nén nó đến hóa giải hoàn toàn nó. Nhẫn cũng có các cấp độ hay cảnh giới khác nhau như những minh họa dưới đây.

Các cảnh giới của Nhẫn

Hồi 93 Tam Quốc Diễn Nghĩa có câu chuyện Gia Cát Lượng mắng chết Vương Lãng. Khi hai bên Thục, Ngụy dàn trận, Vương Lãng mời Gia Cát Lượng ra nói chuyện với ý đồ chiêu hàng, chẳng dè Gia Cát dùng mưu tâm lý chiến, mắng Vương Lãng là kẻ hèn đớn vô liêm sỉ, phản bội Hán triều, theo hùa nghịch tặc, tội ác chồng chất, trời đất không dung. Vương Lãng vốn không phải người xấu mà là một người có lòng tự trọng, nhưng Khổng Minh dùng đạo lý về “tận trung - trung thần không thờ hai chủ” để trách mắng Vương Lãng khiến ông ta thấy nhục nhã phẫn uất, thổ huyết mà chết ngay chiến trường. Chi tiết này trong Tam Quốc Diễn Nghĩa có thể không phải sự thực lịch sử, nhưng phù hợp để minh họa cho cấp độ thấp nhất của chữ Nhẫn. “Nhẫn” hoàn toàn thất thủ trước “Nhục”.

“Nhẫn” cao hơn một mức có sự kiềm chế bên ngoài, nhưng nỗi “Nhục” trong nội tâm vẫn còn nguyên. Tệ hơn là nó có thể chuyển thành nỗi oán hận và sự trả thù.

Trong tiểu thuyết “The Godfather” của nhà văn Mario Puzo có đoạn mô tả về phương châm sống của nhân vật Bố Già Vito Corleone: “phải tự an ủi rằng nếu biết ẩn nhẫn chờ thời thì thế nào cũng có một ngày một kẻ hèn yếu vẫn trả thù được những đứa có quyền thế”. Đây là cái “Nhẫn” nguy hiểm, không chừng sẽ chuyển thành sự tàn nhẫn. Nuôi dưỡng sự thù hận là năng lượng tiêu cực phá hủy thân tâm, như nuôi thú dữ trong lòng, và đương sự là người bị cắn trước.

“Nhẫn” ở cảnh giới cao hơn nữa là cái “Nhẫn” vì đại cuộc, “Nhẫn” vì còn sứ mệnh phải hoàn thành nên không thể buông thả làm điều dại dột.

Như Tư Mã Thiên chịu oan ức bị cung hình như thái giám, còn nhục nhã đau đớn hơn xử tội chết, nỗi đau như tràn trề từng câu chữ trong lá thư ông gửi Nhâm An, nhưng vẫn ẩn nhẫn để viết nên kiệt tác Sử Ký, cũng là làm tròn tâm nguyện của người cha Tư Mã Đàm trước lúc lâm chung.

Như Hàn Tín binh Tiên vô địch, tài ba trùm đời, lòng ôm chí lớn mà thân chịu khuất nhục, chui háng tên bán thịt hèn hạ, bị thiên hạ khinh bỉ xa lánh vẫn không đổi chí, về sau trở thành một trong “Hán sơ Tam Kiệt - ba hào kiệt có công lao lớn nhất đầu thời Hán”. Hàn Tín sau khi công thành danh toại không nhớ thù xưa, còn ban thưởng cho tên đồ tể.

Như Hàn Tín binh Tiên vô địch, tài ba trùm đời, lòng ôm chí lớn mà thân chịu khuất nhục, chui háng tên bán thịt hèn hạ, bị thiên hạ khinh bỉ xa lánh vẫn không đổi chí. (Ảnh: Baike.baidu.com)

Như Tư Mã Ý cố thủ không ra đánh, cắn răng chịu nhục khi Gia Cát Lượng gửi cho ông chiến thư kích động và khăn yếm, áo váy đàn bà. Nhờ vậy có thể đẩy lui quân Thục trong cuộc chiến Kỳ Sơn lần thứ 4.

Như Tổng thống Abraham Lincoln bị chế giễu là con ông thợ giày trước đám đông cử tọa trong ngày nhậm chức, mà vẫn có thể điềm tĩnh mỉm cười, bình thản giải thích, lại thể hiện lòng tự hào về người cha đầy trách nhiệm với công việc. Kẻ kích bác kia lại chính là kẻ phải hổ thẹn.

Đại học giả Tô Thức thời Bắc Tống từng nói: “Thất phu chịu nhục, tuốt kiếm tương đấu, động thân mà đánh. Đây không phải là hành vi của người dũng cảm. Người dũng cảm thật sự, là khi anh ta đột nhiên bị xúc phạm mà vẫn giữ được bình tĩnh, không tranh không đấu, dùng thái độ nhường nhịn để hóa giải mâu thuẫn, giúp cho đối phương có đường lui, cho dù gặp phải những lời xúc phạm vô cớ, cũng có thể linh hoạt đối đãi một cách thản nhiên.”

“Nhẫn” đạt đến cảnh giới này đã rất cao trong người thường. Cái “Nhục” tức thời vẫn có thể khiến người ta động tâm, nhưng không thể khiến họ chùn bước, lại có thể bị “Nhẫn” hóa giải theo thời gian, lâu hay mau tùy người.

“Nhẫn” ở cảnh giới cao nhất mà con người từng may mắn được biết là cái “Nhẫn” của các bậc Giác Giả, xem “Vinh - Nhục” như không tồn tại, không mảy may chạm được đến nội tâm, đây là cái đích hướng đến của những người chân tu.

Như đức Chúa Jesus dạy rằng: “nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa…” (Matthew 5:38 - 42)

Như đức Phật Thích Ca mỉm cười gặng hỏi sau khi một người Bà La Môn đã sỉ mạ Ngài đến hụt hơi: “Thí Chủ! Xin hỏi, khi một người tặng đồ vật cho người, mà người đó không nhận thì đồ vật ấy là thuộc về ai?”... Thí chủ đã một mực nguyền rủa ta đến bây giờ. Nếu ta không chấp nhận lời nguyền rủa của thí chủ, vậy ai sẽ nhận những lời nguyền rủa đó?”

Như đức Lão Tử bình thản trả lời học giả Sỹ Thành Ỷ: “Cái gì Thánh nhân với chẳng Thánh nhân, loại danh hiệu này, tôi đã vứt đi như vứt chiếc giày rách từ lâu rồi. Nếu tôi có được thực chất của đại Đạo thì có liên quan gì việc ông chửi tôi là trâu, là ngựa, hay là chuột? Tôi vẫn là tôi”.

Và còn có cái “Nhẫn” của người tu luyện.

Người tu luyện hiểu rằng mọi việc trên đời đều có Nhân - Quả, người gây ra nỗi nhục và người chịu nhục là có mối quan hệ duyên nợ tiền kiếp, nếu không đã chẳng can hệ đến nhau. Khi người bị người bị chỉ trích, nói xấu, gièm pha, hạ nhục… đều là từ ân oán kiếp trước của họ. Nợ thì phải trả, trả hết rồi thôi, nếu người đòi nợ lấy quá đi, thì sau họ sẽ phải trả lại, Thiên lý là công bằng. Vì vậy nhẫn được là tốt nhất, nhẫn một lúc sóng êm gió lặng, lùi một bước biển rộng trời cao.

Chẳng hạn những người chân tu Pháp Luân Công có một tôn chỉ, đại thể là: bị đánh không đánh trả, bị mắng chửi cũng không nói lại, giữ tâm bất động sóng gió sẽ qua. Đó là khi sự việc chỉ tác động đến cá nhân họ. Nhưng tại sao họ luôn kiên nhẫn giải thích về chân tướng cuộc bức hại Pháp Luân Công của Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ)? Là vì hảo ý để con người thế gian biết được sự thật, không tin nghe lời dối trá bịa đặt của ĐCSTQ, mới tránh được vô ý phạm tội bức hại Phật Pháp và phải chịu báo ứng nặng nề. Đó cũng là một cảnh giới khác của “Nhẫn”.

Hướng dẫn tu luyện pháp luân công | Khoa học và Tu luyện
Ảnh học viên Pháp Luân Công đang tập bài công pháp số 5 của Pháp Luân Đại Pháp.

Chữ “Nhẫn” là tài sản tinh thần vô giá mà nhân loại cần lưu giữ và phát huy

“Nhẫn” là một trong những mỹ đức mang tính đặc trưng của văn hóa truyền thống Á Đông, chịu ảnh hưởng của Tam giáo Nho - Phật - Lão. Chữ “Nhẫn” đã góp phần tạo nên những vĩ nhân, Thánh giả phương Đông.

Nếu trong xã hội, người người có thể nhẫn nhịn với nhau, hòa ái với nhau ắt hẳn cuộc sống sẽ dễ chịu hơn nhiều. Nếu trẻ nhỏ, thanh thiếu niên được giáo dục chữ “Nhẫn”, tu dưỡng chữ “Nhẫn”, nội tâm sẽ mạnh mẽ để đối diện với nghịch cảnh, ắt hẳn sẽ không xảy ra những sự việc đau thương, tổn thất như trong thời gian qua.

Chữ “Nhẫn” hàm chứa một sức mạnh tinh thần to lớn, mới có thể khắc chế chữ “Nhục”, khả dĩ giúp một người thoát ra khỏi tầng năng lượng thấp nhất, tiêu cực nhất có mức hiệu chỉnh 20 trên “Bản đồ ý thức” của tiến sĩ David R. Hawkins.

Vượt qua tầng năng lượng 20 - Nhục nhã, người ta tiếp tục phải đối diện với chướng ngại tâm lý nào, nội dung này sẽ được phân tích trong kỳ sau.

(Bài viết chỉ là nghiên cứu của cá nhân tác giả, không nhất thiết là quan điểm của trang mạng NTDVN)

Nguyên Phong



BÀI CÙNG CHUYÊN ĐỀ

BÀI CHỌN LỌC

Bí quyết thay đổi cuộc sống nhờ cải thiện tần số rung động (Phần 2): Giải được “Nhục” chỉ có “Nhẫn”