Nhiều quan chức Trung Quốc từng đàn áp Pháp Luân Công bị điều tra vì vi phạm pháp luật nghiêm trọng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong những năm gần đây tại Trung Quốc, những cuộc điều tra nhằm vào các quan chức hủ bại và các cục trưởng cục quản lý nhà tù cấp tỉnh đã phát hiện ra “nhiều hành vi vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc và pháp luật”, theo thông báo từ các cơ quan chống tham nhũng cấp tỉnh trực thuộc Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Cục quản lý nhà tù cấp tỉnh là cơ quan cấp cao hơn chịu trách nhiệm giám sát các trại giam trên địa bàn tỉnh. Luật pháp Trung Quốc quy định rằng các cơ quan tư pháp chịu trách nhiệm quản lý các nhà tù trong phạm vi quyền hạn của họ thông qua các cơ quan quản lý nhà tù.

Nhiều quan chức hủ bại và cục trưởng cục quản lý nhà tù cấp tỉnh đã/đang bị chính quyền điều tra này cũng nằm trong danh sách điều tra của Tổ chức Điều tra Quốc tế về Cuộc đàn áp Pháp Luân Công (WOIPFG). WOIPFG đang nỗ lực thu thập bằng chứng chống lại các tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về cuộc đàn áp Pháp Luân Công, đồng thời đang khởi động việc khởi kiện hình sự các tổ chức, cá nhân này bởi vai trò của họ trong cuộc đàn áp các học viên Pháp Luân Công.

WOIPFG là tổ chức phi chính phủ quốc tế có sứ mệnh khôi phục công lý bằng cách nghiên cứu và tổng hợp thông tin một cách có hệ thống về tất cả các cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan đến cuộc đàn áp Pháp Luân Công ở Trung Quốc.

Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là môn tu luyện cả tâm lẫn thân dựa trên giá trị phổ quát Chân, Thiện, Nhẫn. Theo Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp, sau khi được giới thiệu ra công chúng vào năm 1992, môn tu luyện này có khoảng từ 70 triệu đến 100 triệu người ở Trung Quốc theo học, tính đến trước tháng 7/1999.

Tháng 7/1999, cố lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân phát động cuộc đàn áp các học viên Pháp Luân Công. Dù ông Giang đã qua đời vào tháng 11/2022, chiến dịch bức hại vẫn tiếp diễn cho đến ngày nay, nhiều nạn nhân đã thiệt mạng trong khi bị giam giữ.

Xem thêm:

Một trong những nạn nhân mới nhất là anh Bàng Huân (Pang Xun) - phát thanh viên 30 tuổi ở Tứ Xuyên, người thường phát tờ rơi về Pháp Luân Công. Sau khi bị cảnh sát tùy tiện bắt giữ khi đang trên đường đi làm, anh Bàng bị giam tại Nhà tù Lạc Sơn và bị lính canh đánh đến chết trong vòng khoảng 4 tháng. Vụ việc của anh được công khai vào tháng 2/2023.

Đây là một trường hợp bi thảm khác của cuộc đàn áp các học viên Pháp Luân Công trong hệ thống nhà tù Trung Quốc. WOIPFG coi đây là vụ án giết người nghiêm trọng và có ý định theo đuổi một cuộc điều tra kỹ lưỡng.

Theo thông báo của WOIPFG, các thực thể và cá nhân chủ chốt liên quan đến vụ án này bao gồm: ông Lưu Chí Thành (Liu Zhicheng) - Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Tứ Xuyên; ông Trần Chí Lâm (Chen Zhilin) - Bí thư Đảng ủy kiêm Cục trưởng Cục Quản lý Nhà tù tỉnh Tứ Xuyên; ông Tần Khắc Bình (Qin Keqing) - Giám thị Trại giam Gia Châu tỉnh Tứ Xuyên; và ông Lưu Thủ Thành (Liu Shoucheng) - cựu Bí thư Đảng ủy Ủy ban Chính trị và Pháp luật thành phố Thành Đô, cùng những người khác. WOIPFG cho biết: “Các cuộc điều tra sâu rộng hơn đang được tiến hành để xác định thêm những cá nhân chịu trách nhiệm về vụ việc này”.

Nhiều quan chức Trung Quốc tham gia đàn áp Pháp Luân Công bị điều tra với cáo buộc vi phạm pháp luật nghiêm trọng
Tiến sĩ Uông Chí Viễn (Wang Zhiyuan) - Chủ tịch của Tổ chức Điều tra Quốc tế về Cuộc đàn áp Pháp Luân Công (WOIPFG) - phát biểu tại Berlin, Đức, ngày 28/10/2016. (Ảnh: Jason Wang/Epoch Times)

Ông Lý Cảnh Ngôn, tỉnh Quảng Đông

Ông Lý Cảnh Ngôn (Li Jingyan) - Cục trưởng Cục Quản lý Nhà tù tỉnh Quảng Đông - đã bị cách chức vào ngày 25/8.

Ông Lý từng đảm nhiệm nhiều chức vụ khác nhau trong Cục Quản lý Nhà tù tỉnh Quảng Đông từ cuối năm 2000.

Theo tài liệu trên Minghui.org - trang web chuyên đưa tin về cộng đồng các học viên Pháp Luân Công trên toàn thế giới, khi còn đương chức, ông Lý Cảnh Ngôn đã hết lòng ủng hộ cuộc đàn áp Pháp Luân Công của ĐCSTQ; và trong một số trường hợp, cuộc đàn áp vẫn tiếp tục xảy ra với các học viên Pháp Luân Công sau khi họ được thả khỏi tù.

Ví dụ, ông Giang Hán Toàn (Jiang Hanquan) đã bị cảnh sát Trung Quốc bắt cóc vào tháng 12/2014 vì treo trước cửa nhà chính mình các biểu ngữ dạng câu đối chứa đựng Chân, Thiện, Nhẫn - những giá trị phổ quát được các học viên Pháp Luân Công tôn vinh - trong dịp Tết Nguyên đán.

Ông Giang - là một nông dân và cũng là học viên Pháp Luân Công ở thành phố Phổ Ninh, tỉnh Quảng Đông - đã bị kết án tù oan 3 năm 6 tháng vào ngày 9/4/2015.

Sức khỏe của ông Giang suy giảm nghiêm trọng do sự ngược đãi mà ông phải chịu đựng trong suốt hơn 3 năm bị giam giữ. Theo WOIPFG, Ủy ban Chính trị và Pháp luật địa phương đã tiếp tục theo dõi và sách nhiễu ông sau khi ông được trả tự do vào cuối năm 2017, dẫn đến cái chết của ông vào tháng 1/2019.

Theo Minghui.org, từ tháng 1 đến tháng 7/2014, ít nhất 57 học viên Pháp Luân Công ở tỉnh Quảng Đông đã bị cảnh sát bắt cóc, bị xét xử và tuyên án trái pháp luật, bị đột nhập nhà, bị giám sát bởi chính quyền địa phương.

Ông Vu Ái Vinh, tỉnh Giang Tô

Hãng truyền thông Trung Quốc The Paper đưa tin rằng ông Vu Ái Vinh (Yu Airong) - cựu Cục trưởng Cục Quản lý Nhà tù tỉnh Giang Tô - đã nhận bản án 12 năm 6 tháng tù vào ngày 22/8 vì tội tham nhũng, nhận hối lộ và lạm dụng quyền hạn để cấp giấy ân xá trái phép.

Ông được bổ nhiệm làm Phó Cục trưởng vào tháng 8/1997, và Cục trưởng vào tháng 1/2001 của Cục quản lý Nhà tù tỉnh Giang Tô.

Trong nhiệm kỳ của ông Vu, ít nhất 16 học viên Pháp Luân Công ở nhiều nhà tù khác nhau trên khắp tỉnh Giang Tô đã mất đi mạng sống vì bị tra tấn trong tù. Theo Minghui.org, tính đến năm 2013, có tổng cộng 515 học viên Pháp Luân Công được ghi nhận là bị giam giữ bất hợp pháp tại các nhà tù và bệnh viện tâm thần khác nhau trên khắp tỉnh Giang Tô.

Nhiều quan chức Trung Quốc tham gia đàn áp Pháp Luân Công bị điều tra với cáo buộc vi phạm pháp luật nghiêm trọng
Các học viên Pháp Luân Công tập trung tại một buổi thắp nến tưởng niệm để tưởng nhớ những học viên Pháp Luân Công đã qua đời bởi cuộc đàn áp đã kéo dài 24 năm do Đảng Cộng sản Trung Quốc thực hiện, tại National Mall, Washington, Mỹ, ngày 20/7/2023. (Ảnh: Madalina Vasiliu/The Epoch Times)

Tháng 7/2004, ông Trần Quang Huy (Chen Guanghui) - là một học viên Pháp Luân Công, là quản lý kiêm Phó khoa Khoa học Máy tính tại Chi nhánh Liên Vân Cảng của Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc - đã bị bức hại ở Nhà tù Tô Châu, khiến ông rơi vào trạng thái thực vật. Trong hơn 2 năm, ông sống phụ thuộc chủ yếu vào truyền máu và thở oxy.

Ông Trần đã qua đời vào ngày 12/12/2006, khi 40 tuổi.

Ông Thạch Anh, tỉnh Hà Nam

Ông Thạch Anh (Shi Ying) - Ủy viên Đảng ủy Sở Tư pháp tỉnh Hà Nam, Bí thư Đảng ủy kiêm Cục trưởng Cục Quản lý Nhà tù tỉnh Hà Nam - đã phải đối mặt với cuộc điều tra về các vi phạm kỷ luật và pháp luật nghiêm trọng vào ngày 24/6/2022.

Ông Thạch đóng vai trò then chốt trong cuộc đàn áp Pháp Luân Công trong hệ thống nhà tù tỉnh Hà Nam, theo Minghui.org.

Tính đến tháng 12/2013, ít nhất 12 học viên Pháp Luân Công đã qua đời trong các nhà tù ở tỉnh Hà Nam. Từ năm 2015 đến năm 2021, 344 học viên Pháp Luân Công đã bị kết án và giam giữ bất hợp pháp trong các nhà tù ở Hà Nam, nhiều người đã chết trong thời gian ngồi tù, theo Minghui.org.

Ví dụ, bà Chu Dĩnh (Zhu Ying) - một học viên Pháp Luân Công 53 tuổi ở thành phố Tân Hương - đã qua đời trong khoảng thời gian chưa đầy 6 tháng sau khi bị giam giữ bất hợp pháp vào ngày 30/11/2010.

Bà Chu từng được chính thức vinh danh là hình mẫu lao động quốc gia và từng là đại biểu của cơ quan lập pháp Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc của Trung Quốc.

Cảnh sát bắt cóc bà vào ngày 2/4/2010, khi bà ở gần trung tâm thể thao thành phố. Bà bị kết án oan 8 năm vào tháng 10 năm đó.

Một số quan chức khác

Trong những cá nhân khác đang bị WOIPFG điều tra, đồng thời cũng bị chính quyền Trung Quốc đuổi khỏi bộ máy, có ông Mã Lâm (Ma Lin). Ông Mã nghỉ hưu vào năm 2016 sau khi giữ chức Bí thư Đảng ủy và Cục trưởng Cục Quản lý Nhà tù tỉnh Vân Nam. Theo Minghui.org, trong hơn một thập kỷ ông Mã nắm quyền, Nhà tù Số 1 tỉnh Vân Nam và Nhà tù nữ Số 2 tỉnh Vân Nam đã bức hại đến chết ít nhất 23 học viên Pháp Luân Công và gây thương tích vĩnh viễn cho nhiều người khác.

Ông Triệu Kim Thành (Zhao Jincheng) - Bí thư Đảng ủy kiêm Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Hắc Long Giang, Bí thư Đảng ủy Cục Quản lý Nhà tù tỉnh Hắc Long Giang, Chính ủy thứ nhất - đã bị điều tra với cáo buộc vi phạm pháp luật vào ngày 6/11/2021. Theo Minghui.org, ông Triệu phải chịu trách nhiệm về nhiều vụ bắt cóc trên quy mô lớn các học viên Pháp Luân Công. Năm 2006, khi là Bí thư Đảng ủy kiêm Giám đốc Sở Công an thành phố Mẫu Đơn Giang, ông Triệu đã được chuyển sang Sở Công an tỉnh Hắc Long Giang để giám sát việc bắt giữ hàng chục học viên Pháp Luân Công, Minghui.org cho biết.

Ông Từ Hoành Quang (Xu Hongguang) - cựu Phó Bí thư kiêm Cục trưởng Cục quản lý Nhà tù Nội Mông - đã trở thành đối tượng của một cuộc điều tra vào tháng 6/2020; ông chính thức bị bắt với cáo buộc về hối lộ vào tháng 1/2021, theo thông tin từ Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Nội Mông. Mỗi năm, có hàng chục, đôi khi hàng trăm học viên Pháp Luân Công, bị kết án bất hợp pháp và bị bức hại trong các nhà tù ở Khu tự trị Nội Mông, theo Minghui.org.

Theo The Epoch Times

Xuân Hoa biên dịch



BÀI CÙNG CHUYÊN ĐỀ

BÀI CHỌN LỌC

Nhiều quan chức Trung Quốc từng đàn áp Pháp Luân Công bị điều tra vì vi phạm pháp luật nghiêm trọng