Những câu chuyện về nhà sáng lập Pháp Luân Công - Đại sư Lý Hồng Chí (Phần 1)

Giúp NTDVN sửa lỗi

“Nếu một bác sĩ chữa khỏi căn bệnh nan y của tôi, tôi sẽ biết ơn ông ấy suốt đời; nếu một người thầy dạy cho tôi ý nghĩa thực sự của cuộc đời, tôi sẽ luôn kính trọng vị ấy; nếu một người cứu tôi khỏi bờ vực của sự hủy diệt, tôi sẽ mãi mãi không bao giờ quên ân đức của người ấy, và Thầy chính là vị ân nhân ấy!”

Trên đây là những gì mà một học viên Pháp Luân Công Trung Quốc đã viết trên tấm thiệp nhân ngày sinh nhật của Đại sư Lý Hồng Chí, cũng đại biểu cho khoảng 100 triệu học viên Pháp Luân Công trên toàn thế giới muốn gửi đến vị ân nhân của mình - Đại sư Lý Hồng Chí.

Đại sư Lý Hồng Chí, người sáng lập Pháp Luân Công, quê ở thành phố Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc. Ngày 13 tháng 5 năm 1992, Đại sư tổ chức lớp học Pháp Luân Công đầu tiên tại thành phố Trường Xuân và lần đầu tiên truyền dạy Pháp Luân Công ra công chúng. Vì tác dụng chữa bệnh và nâng cao đạo đức kỳ diệu của công pháp này nên Hiệp hội Nghiên cứu Khoa học Khí công ở nhiều địa phương đã gửi thư mời Đại sư Lý Hồng Chí đến truyền giảng. Đại sư Lý Hồng Chí đã giảng Pháp và truyền công ở nhiều nơi trên khắp Trung Quốc, tổng cộng có 56 lớp học, mỗi lớp học kéo dài từ 7 đến 10 ngày, ước tính tổng cộng khoảng 60.000 người đã tham dự các lớp học do Đại sư Lý Hồng Chí trực tiếp truyền giảng. Kể từ đó, Pháp Luân Công đã được phổ truyền khắp Trung Quốc, người truyền người, tâm truyền tâm. Trong bảy năm từ tháng 5 năm 1992 đến tháng 7 năm 1999, theo điều tra nội bộ của Bộ Công an Trung Quốc, số người tập Pháp Luân Công ở Trung Quốc đã lên tới khoảng 70 triệu đến 100 triệu người.

Vào tháng 3 năm 1995, Đại sư Lý Hồng Chí đến Paris, Pháp giảng Pháp truyền công ở nước ngoài lần đầu tiên, và kể từ đó Đại sư đã đi khắp thế giới. Cho đến nay, Pháp Luân Công đã phổ truyền đến hơn 100 quốc gia và khu vực bao gồm Hoa Kỳ, Úc, Đức, Canada và Thụy Sĩ… được đông đảo người dân các dân tộc hoan nghênh. Cuốn sách chính của Pháp Luân Công, Chuyển Pháp Luân, đã được dịch ra 50 ngôn ngữ và xuất bản trên toàn thế giới. Đại sư Hồng Chí đứng đầu danh sách "100 thiên tài đương đại" người Hoa năm 2007, và đã bốn lần được đề cử giải Nobel Hòa bình.

Những học viên Pháp Luân Công đã trực tiếp tham dự các bài giảng trực tiếp của Đại Sư Lý Hồng Chí đã trải qua những thay đổi to lớn về thể chất và tinh thần. Họ cũng đã trực tiếp chứng kiến ​​những lời nói và việc làm của Đại sư Lý Hồng Chí khi ông giảng Pháp, và chứng kiến ​​sự giản dị, chính trực, khiêm tốn, tốt bụng của Đại sư Lý Hồng Chí, cũng như sự quan tâm và lòng từ bi to lớn của Ông đối với các học viên.

Gió mưa bão táp đã chứng thực cho sự trường tồn của “Chân-Thiện-Nhẫn”. Lời nói và việc làm của Đại sư Lý Hồng Chí và thực hành theo “Chân-Thiện-Nhẫn” đã giúp hàng trăm triệu học viên Pháp Luân Công trải qua 24 năm “phản bức hại” và các học viên Pháp Luân Công vẫn kiên trì đến ngày nay.

Sau đây là hồi ức của một số học viên Pháp Luân Công đã tham dự lớp học trực tiếp của Đại sư Lý Hồng Chí.

Lớp học Pháp Luân Công đầu tiên ở thành phố Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc

Vào ngày 13 tháng 5 năm 1992, sinh nhật lần thứ 41 của Đại sư Lý Hồng Chí, Pháp Luân Công vốn được dự định truyền từ một năm trước, cuối cùng đã vượt qua muôn vàn khó khăn, lớp học đầu tiên được tổ chức tại giảng đường của Trường Trung học Ngũ Trung, với khoảng 180 người tham dự.

Chứng chỉ lớp học Pháp Luân Công. (Ảnh: Minghui.org)
Thẻ học viên lớp học Pháp Luân Công. (Ảnh: Minghui.org)

Sau đây là hồi ức của một học viên trong lớp học Pháp Luân Công đầu tiên ở Trường Xuân.

Sư phụ giảng bài rất đúng giờ, khi giảng bài không có giáo án, chỉ có một tờ giấy nhỏ ghi chú rất ngắn gọn những gì cần giảng. Sau khi giảng Pháp xong, Sư phụ bắt đầu dạy các bài công pháp. Trong buổi học đầu tiên, mọi người được phát một cuốn sách nhỏ "Pháp Luân Công", dày 12 trang, nhỏ hơn tạp chí hiện tại, và tất cả đều là các bài tập được vẽ bằng nét đơn giản. Khi Sư phụ dạy các bài công pháp, Sư phụ trực tiếp cầm tay chỉ dạy, trong khi dạy các động tác, Sư phụ đồng thời thanh lý thân thể cho mọi người.

Lúc đó tôi không hiểu gì cả, sau vài buổi học người tôi nhẹ hẳn đi, khi đi lên cầu thang cảm giác như có ai đẩy lên, đi bao xa cũng không thấy mệt.

Vào thời điểm đó, có rất nhiều trường phái khí công khác nhau, khi Sư phụ truyền công, những người được gọi là ‘khí công sư’ đó cũng đến nghe, trong hội trường họ nói chuyện ầm ĩ, ồn ào. Một học viên mang theo một bé gái hơn 10 tuổi. Khi Sư phụ đang giảng bài, bé đã khóc rất to. Các bài giảng của Sư phụ không thể tiếp tục được nữa. Một vị "khí công sư" đứng dậy đến điều chỉnh thân thể, tư thế là muốn khoe khoang trước mặt người khác, nhưng không có tác dụng. Lại thêm hai ba “khí công sư” ra hiệu một lúc nhưng vẫn không được. Sư phụ bước xuống sân khấu, đến bên đứa bé và dùng tay vỗ vào đầu bé ba lần, bé lập tức nín khóc. Trong hội trường tiếng hò reo, sau đó là tiếng vỗ tay như sấm. Lại xuất hiện một vài can nhiễu, Sư phụ dùng ngón tay gõ vào bàn vài cái, và mọi thứ trở nên yên tĩnh...

Sau khi buổi học đầu tiên kết thúc, trong người tôi có hai điều kỳ lạ rõ ràng nhất: một là trên mặt đất bằng phẳng tôi bị ngã, hai là không vấp mà lại ngã, tôi đã ngã hơn chục lần liên tiếp mà không bị vấp hay có bất kỳ đau đớn hoặc thương tích. Tình cờ, tôi phát hiện ra rằng chính Sư phụ đang trị bệnh cho tôi. Tôi đã từng bị viêm sụn sườn, xương sườn của tôi phồng lên và cơ thể của tôi bị lệch sang một bên. Những cú ngã như này khiến cơ thể tôi thẳng ra và xương của tôi trở nên ổn định.

Còn một việc khác nữa, đó là khi trở về nhà ngồi thiền, ngồi đơn bàn trên đất, vừa nhắm mắt lại, thân thể tôi liền xoay quanh phòng, chân và mông vẫn chưa rời khỏi mặt đất, nhưng mở mắt nhìn, thấy đã xoay sang bên kia phòng, một lúc sau quay lại, tình trạng này kéo dài hơn 20 ngày mỗi khi tôi ngồi thiền. Khi luyện đến phần “lưỡng trắc bão luân” đầu liền cảm giác như đang quay, quay như trống lúc lắc, tiếng trống vẫn văng vẳng bên tai. Vừa hạ tay xuống, đầu không quay nữa, tai của tôi không còn nghe tiếng trống nữa. Trước đây tôi bị thoái hóa đốt sống cổ thứ 3 và vì thế dây thần kinh bị chèn ép gây ra đau đầu, nhưng sau khi tu luyện Pháp Luân Công, bệnh thoái hóa đốt sống cổ của tôi đã được chữa khỏi...

Trong vòng chưa đầy nửa năm kể từ khi tôi tu luyện Pháp Luân Công, hơn chục căn bệnh đã được chữa khỏi, và con mắt thứ ba của tôi đã được khai mở. Hơn nữa, một người luyện công cả gia đình hưởng lợi! Con gái tôi bị u tuyến yên, sau khi phẫu thuật, bác sĩ nói khả năng sinh sản của con gái tôi rất thấp, sau 8 năm kết hôn vẫn chưa có con. Sau khi tôi luyện công, con gái tôi đã sinh một bé gái, cả gia đình đều rất vui mừng và ngưỡng mộ sự thần kỳ của Đại Pháp. Đứa trẻ rất thông minh, ba tuổi rưỡi đã biết đọc Chuyển Pháp Luân, rất cung kính Sư phụ, hiện cháu đang học cấp 2, làm bài rất tốt. Chứng kiến ​​tất cả những gì Sư phụ đã làm cho chúng tôi, tôi bắt đầu hiểu rằng Sư phụ đã truyền Pháp “không điều kiện, không giá cả, không tính công, không kể thưởng, không ghi danh” tất cả xuất phát từ “lòng từ bi”.

Cảnh luyện công của các học viên Pháp Luân Công trước khi bị bức hại. (Ảnh: Minghui.org)
Cảnh luyện công của các học viên Pháp Luân Công trước khi bị bức hại. (Ảnh: Minghui.org)

Học viên Pháp Luân Công Trường Xuân: Bị ống sắt đập vào đầu nhưng không bị làm sao

Tôi là học viên lớp đầu tiên khi Sư phụ Lý Hồng Chí bắt đầu truyền Pháp. Vào mùa xuân năm 1992, gần Hầu Sơn trong Công viên Thắng Lợi ở Trường Xuân, Sư phụ bắt đầu truyền công giảng Pháp. Khi đó, Sư phụ mặc một chiếc áo len cũ màu xám, mặc quần áo cũ, dẫn theo đứa trẻ, tay xách hộp cơm.

Lúc đầu là nơi nắng ấm phía nam Hầu Sơn, từ đầu có năm sáu người luyện, rồi mấy chục người, rồi mở lớp dạy. Có một giáo viên từ trường trung học số 5 Trường Xuân đã mượn một phòng học từ trường trung học số 5, nơi tổ chức lớp học đầu tiên của Sư phụ. Vào thời điểm đó, một vé là mười nhân dân tệ. Khi đó, cha tôi vừa qua đời, vào ngày thứ ba sau khi ông qua đời, tôi đến tham dự một khóa giảng, tôi nói với Sư phụ: “Con không có tiền, con chỉ có vài tệ”. Sư phụ nói: “Không cần đâu”.

Vào mùa xuân năm 1992 không có quá nhiều người, nhưng vào năm 1993 thì có nhiều người hơn. Phía nam, đông và tây của Hầu Sơn đều chật kín người và có rất nhiều học viên mới. Sư phụ lại tổ chức các lớp học, tôi nhớ rằng tại Câu lạc bộ Hàng không và tại Nhà máy ô tô đều mở lớp, tôi đã tham dự cả hai. Khi đó trên lầu dưới lầu đều có người, học viên từ nơi khác đến cũng không ít, học viên nước ngoài mang theo người phiên dịch đến. Lúc đó, nhà khách Không quân gần Công viên Thắng Lợi đã kín chỗ.

Một ngày nọ, một phụ đạo viên đã dẫn một nữ học viên hơn 20 tuổi người Mỹ đến gặp tôi, người học viên này nhìn tôi trái phải, trước sau, rồi hợp thập. Vào thời điểm đó, nhiều người đã đến gặp tôi khi họ nghe nói rằng tôi đã bị đập bởi một ống sắt, vì vậy tôi đã kể lại việc tôi bị đập như thế nào và Pháp Luân đã bảo vệ tôi như thế nào.

Lúc đó gia đình tôi sống gần phân cục 4, gần nhà tôi có một tòa nhà đang xây. Một hôm tôi đi ngang qua đó bỗng có một ống sắt từ trên cao lao xuống đập thẳng vào đầu tôi, nó đập vào đầu tôi rồi rơi cắm thẳng xuống đất không bị đổ, đầu tôi bị lõm một chỗ, nhưng nó không chảy máu hay đau. Tôi nói ai đã vỗ đầu tôi? Tôi ngước lên nhìn và thấy một Pháp Luân lớn màu trắng đang quay lên phía trên!

Vào thời điểm đó, cứ hai hoặc ba giờ sáng, tôi rời nhà với một cây chổi hoặc một cái xẻng và đi bộ đến Công viên Thắng Lợi để luyện công. Khi trời tối, đường không một bóng người, công viên càng tối, tôi không sợ gì cả, không cầm đèn pin. Nhiều khi tôi là người đi luyện công sớm nhất, đến công viên là luyện công, đến lúc trời sáng tôi cầm chổi quét sân cùng mọi người. Vào thời điểm đó, nhiều học viên đều làm như vậy. Có một bà lão sống ở Thiết Bắc, nửa đêm 12 giờ từ nhà đến luyện công, và một bà lão sống ở Kim Tiền Bảo đến luyện công lúc 3 giờ sáng (Kim Tiền Bảo cách xa thành phố Trường Xuân). Mùa đông tuyết rơi dày, mọi người ngồi thiền và luyện công khi tuyết rơi, điều kiện lúc đó không tốt, không có áo khoác lông mà chỉ có áo khoác bông và quần bông.

Sau đó lớp học tính phí 20 nhân dân tệ, nhưng một người từ Hiệp hội khí công đã hỏi Sư phụ: “Tại sao Sư phụ chỉ tính phí 20 nhân dân tệ trong khi những người khác tính phí 50 nhân dân tệ?”

Sư phụ nói: “Tôi chỉ thu phí để in sách”.

Nhưng hiệp hội khí công không đồng ý, và cuối cùng đưa ra mức giá 30 nhân dân tệ. Vào thời điểm đó, các lớp khí công khác đã bị Hiệp hội khí công bỏ qua vì họ đòi nhiều tiền, nhưng chỉ có Pháp Luân Công được quản lý bởi Hiệp hội khí công vì chúng tôi yêu cầu ít tiền hơn.

Tôi bị đau đầu, khi không có việc gì làm tôi sẽ ngủ, và tôi vừa ngủ vừa nghe Sư phụ giảng bài trên lớp. Sư phụ nói: “Đừng thấy các vị ngủ, nguyên thần của các vị đều rất tỉnh táo, đang ôm đầu nghe ở đó”. Sư phụ nói cần phải thanh lý não bộ và cần phải đưa vào trạng thái gây mê, nếu không chúng tôi sẽ không thể chịu đựng được.

Con trai tôi cảm thấy lớp học rất tốt. Khi lớp học kết thúc, Sư phụ bước đến gần nó, và nó nói với Thầy: “Bài giảng của Thầy thật hay!” Vẻ mặt của Sư phụ rất bình thản.

Ngày 9 tháng 8 là ngày Chủ nhật, Sư phụ làm báo cáo tại Câu lạc bộ Hàng Không Trường Xuân, chữa bệnh miễn phí cho mọi người, ai có bệnh đều có thể đến. Cả nhà tôi đều đến. Ngày hôm đó, sau khi Sư phụ bước vào hội trường, một bệnh nhân được khiêng trên cáng lên trên sân khấu, Sư phụ cũng không động thủ, liền kiến cô ấy ngồi dậy khỏi cáng, rồi cô ấy đứng dậy, đi 1 vòng, rồi chạy vài vòng trên sân khấu. Chỉ vài phút, một người bị liệt đã khỏe lại liền khiến khán giả vô cùng phấn khích! Lúc đó thiên mục của con gái tôi đã mở, và nó nhìn thấy Sư phụ đang ngồi trên sân khấu, đối diện với sân khấu có một vị Phật lớn đối diện với Sư phụ, bên ngoài còn có một vị Phật lớn, vi Phật cao hơn cả một tòa nhà. Sư phụ giảng bài một lúc rồi xuất công để chữa bệnh cho mọi người, có quá nhiều người thấy được kết quả, thân thể cả nhà chúng tôi cũng có biến hóa ở các mức độ khác nhau.

Học viên Pháp Luân Công ở Trường Xuân: Ngôi nhà của Sư phụ mà tôi đã thấy

Vào mùa hè năm 1992, tôi có may mắn được nghe buổi thông báo của Sư Phụ hai lần. Tôi nhớ rằng các đồng tu đã đưa tôi và con tôi đến nhà của Sư phụ ngay sau khi nghe thông báo về bài công pháp của Sư phụ. Sư phụ sống trong một tòa nhà rất cũ trên tầng bốn, không có hệ thống sưởi.

Ngôi nhà của Đại sư Lý Hồng Chí sống với mẫu thân ở căn hộ trên tầng 4 một chung cư ở Trường Xuân (bên trái); Cửa ngôi nhà bị niêm phong năm 1999 (bên phải. Ảnh do người dân Trung Quốc chụp vào tháng 3 và 4 năm 2000 - Minh Huệ.

Khi chúng tôi bước vào nhà của Sư phụ, điều đầu tiên chúng tôi nhìn thấy là một hành lang, và có một căn bếp nhỏ ở bên phải, với một vài đồ dùng nhà bếp đơn giản, nhưng rất sạch sẽ. Từ hành lang đi vào phòng trong là một dãy phòng, phòng ngoài là phòng khách, phòng trong là phòng ngủ, đều không lớn lắm. Chúng tôi thấy một số học viên Pháp Luân Công trong nhà đang nói chuyện với Sư phụ, vì vậy chúng tôi đợi trong phòng khách.

Tôi nhìn kỹ hơn vào phòng khách của Sư phụ, và tôi bị thu hút sâu sắc bởi những bức tranh treo trên tường, một là chân dung một vị Phật nữ với nhiều tầng tòa sen, ngồi thẳng và phát ra ánh sáng, bức kia là một bức tranh Đạo giáo. Các bức chân dung mặc trang phục Đạo giáo cũng phát ra ánh sáng giống như ngọn lửa quanh cơ thể, còn có một bức chân dung của Tôn Ngộ Không. Lúc này, một đồng tu nói với tôi: “Những bức tranh này đều do Sư phụ vẽ bằng bút màu”. Tôi rất ngạc nhiên và hỏi: “Có phải chúng được vẽ bằng màu sáp không?” Người đồng tu nói đúng. Tôi thực sự không dám tin được, sao bức tranh lại có thể tinh xảo và sống động như vậy, đôi mắt được vẽ rất sống động như thể người sống, trong lòng tôi vô cùng kính trọng Sư phụ.

Một số đồng tu đã ra khỏi nhà cùng với Sư phụ, chúng tôi sợ ảnh hưởng đến Sư phụ nên chúng tôi cùng đồng tu và đứa trẻ ra ngoài đợi. Sư phụ đứng trước mặt tôi và đứa trẻ, nhìn qua đầu tôi và đứa trẻ, và nói: “Khá lắm”.

Vào thời điểm đó, Pháp Luân Công được dạy dưới hình thức khí công, và lúc đầu tôi biết rất ít về Sư phụ, tôi chỉ nghĩ rằng Sư phụ là một khí công sư rất chính trực, điều này khác với bất kỳ khí công sư nào khác.

Một học viên Pháp Luân Công ở Trường Xuân: “Nhìn trộm” các bài giảng của Sư phụ

Trong lớp giảng dạy Pháp Luân Đại Pháp lần thứ ba ở Trường Xuân, người tổ chức đã yêu cầu tôi rót nước cho Sư phụ, vì vậy tôi may mắn được ở bên cạnh Sư phụ thường xuyên.

Vào ngày đầu tiên Sư phụ giảng, ngay khi Ngài bước vào giảng đường, các học viên đều đứng dậy chào đón người Thầy kính yêu nhất của chúng tôi bằng những tràng pháo tay như sấm. Mọi người chăm chú nhìn Sư phụ bước lên bục giảng, tiếng vỗ tay không ngớt một lúc lâu. Sư phụ mỉm cười chào mọi người rồi bảo mọi người ngồi xuống nghe Pháp.

Tôi lập tức đi rót nước cho Sư phụ, và thấy Sư phụ lấy ra một mảnh giấy trắng nhỏ từ túi áo vest, trên đó có viết các ký tự lớn nhỏ khác nhau, cũng như các ký hiệu tượng trưng khác nhau... Tôi nhìn vào tờ giấy, cố gắng xem Sư phụ đang nói gì, nhưng không hiểu gì cả. Mảnh giấy này là “giáo án” để Sư phụ giảng Pháp. Khóa học kéo dài mười ngày, ngoại trừ ngày cuối cùng Sư phụ trả lời các câu hỏi của học viên, tôi thấy Sư phụ đã sử dụng “giáo án” này để giảng Pháp cho học viên trong chín ngày còn lại. Lúc đó tôi không hiểu rằng Sư phụ đã giảng rất nhiều Pháp lý thâm sâu và vĩ đại như vậy, vậy tại sao Ngài chỉ sử dụng một mảnh giấy này?

Sau đó, thông qua học Pháp và tu luyện, tôi hiểu ra: Đại Pháp thuộc về Sư phụ, và Pháp ở trong tâm Sư phụ. “Giáo án” này là biểu tượng trí huệ vô biên của Sư phụ.

Một lần, trong lúc Sư phụ đang giảng bài, điện bị cúp do bị can nhiễu. Những người phụ trách khán phòng chạy tới chạy lui, hỏi han tình hình để tìm hiểu nguyên nhân, lúc này học viên Đại Pháp phụ trách ghi hình đã nhanh chóng nghĩ ra một cách, lắp vài cục pin vào máy ghi âm để dùng làm loa phát các bài giảng của Sư phụ.

Hội trường hơn một nghìn người trật tự và im lặng. Sư phụ rất trầm tĩnh và tiếp tục giảng Pháp như không có chuyện gì xảy ra, giọng nói lớn của Sư phụ vang vọng trong hội trường, giống hệt như thể không có sự cố mất điện. Sư phụ đang giảng Pháp trong khi tiêu trừ can nhiễu, khoảng 20 phút sau, điện có trở lại.

Các nhân viên trong hội trường đều nói: “Điện bị cắt, các bài giảng vẫn không ngừng, âm thanh được phát ra từ máy ghi âm rất rõ ràng, hội trường hoàn toàn im lặng, điều này chưa từng xảy ra ở nơi chúng tôi!"

Người đàn ông 60 tuổi chống nạng đã có thể đi lại tại chỗ

Mùa xuân năm 1994, tôi vinh dự được tham dự khóa học thứ bảy của Sư phụ tại Trường Xuân. Vì số lượng người muốn tham dự lớp học đặc biệt lớn, khoảng 3.000 người, nên lớp học được chia thành lớp ban ngày và lớp buổi tối, tổng cộng là mười ngày.

Ngày đầu tiên chúng tôi đi xe điện đến điểm hẹn, nhưng giữa chừng bị cúp điện, chúng tôi xuống xe đi bộ, mất khoảng ba cây số mới đến được địa điểm - Thính phòng Đại học Cát Lâm. Thính phòng rất chật, ai cũng sợ trễ nên vội vã lên đường. Trong đó có một bệnh nhân bị phì đại cột sống cổ và bị chèn ép các dây thần kinh não, ông ấy đã ở Trường Xuân hơn một tháng, chi hơn 1.000 tệ vào bệnh viện để chữa trị nhưng bệnh tình không khỏi. Thật đáng kinh ngạc khi một người đang phải chịu đựng những cơn đau không thể chịu nổi, đã đi lại nhanh như những người khác, và ông ấy không cảm thấy đau ở đầu, tất cả các triệu chứng đều biến mất, và ông ấy đã bình phục sau khi vào lớp! Hóa ra là Sư phụ đã điều chỉnh cơ thể cho ông. Sau mười ngày trên lớp ông như người bình thường.

Trong những ngày diễn ra lớp học, một số học viên của chúng tôi đứng xung quanh Sư phụ để gặp Sư phụ sau giờ học giải lao. Sư phụ có khí chất phi phàm, khác người, mặc âu phục màu xám, áo sơ mi trắng, nhìn rất trẻ. Thầy luôn tươi cười nói chuyện với học viên, cuối mỗi buổi học các học viên không muốn ra về, luôn muốn được ở bên Thầy một lúc để được gặp Thầy nhiều hơn. Mỗi lần chúng tôi đợi Sư phụ lên xe buýt trước khi chúng tôi rời địa điểm.

Sáng ngày 1 tháng 5, người tổ chức đề nghị các học viên chụp ảnh tập thể với Sư phụ, và Sư phụ sẵn sàng đồng ý. Học viên từng khu vực đứng theo thứ tự. Sư phụ chụp ảnh với chúng tôi hết nhóm này đến nhóm khác, khi chụp ảnh với nhóm ở khu Tân Hà, một trong số họ là một kỹ sư cao cấp ngoài sáu mươi tuổi bị huyết khối não, và đang ngồi trên ghế chống gậy. Sư phụ đến bảo: “Hãy vứt nạng đi, hạ ghế xuống”.

Nghe vậy, ông ấy từ từ đứng dậy, đẩy ghế ra, vứt nạng đi, cố cử động đôi chân rồi bước đi. Sau đó, ở trước cửa hội trường đi vài vòng, ông cười sung sướng và khóc đầy xúc động. Chứng kiến ​​cảnh tượng kỳ diệu này, đám đông đều thốt lên: “Thật tuyệt vời!”

Ông ây đã tự bước lên bậc thềm và bước vào giảng đường để nghe giảng, kể từ đó, ông có thể đi lại mà không cần nạng.

Hình ảnh ông lão đã có thể đi lại được ngay tại chỗ. (Ảnh: Minh Huệ)
Thư cảm tạ của vợ ông lão Lý Phượng Minh. (Ảnh: Minghui.org)

Vợ ông đã thay mặt ông - Lý Phượng Minh, viết một lá thư cảm ơn Sư phụ vào đêm hôm đó, thay mặt cả gia đình cảm ơn Sư phụ, quyết tâm tu luyện Pháp Luân Công thật tốt và báo đáp ân đức của Sư phụ.

"Sư phụ chỉ cười rất bình thản và tường hòa"

Có một câu chuyện khác: Trưa hôm đó, một người đàn ông trạc 50 tuổi, mặc đồng phục đường sắt, đột nhiên lao ra khỏi đám đông, chắp tay chạy về phía trước, rồi quay người chạy ngược lại. Ông ấy chạy đến bên chân Sư phụ, quỳ xuống và lạy đi lạy lại, nước mắt chảy dài trên mặt. Ông cao hứng nhặt chiếc nạng to tướng của mình, chạy ra khu vườn của giảng đường và đập nó trên nền xi măng, nói rằng từ nay sẽ rời khỏi chiếc nạng và chứng huyết khối não của ông đã được chữa khỏi.

Người đàn ông ngoài 50 mặc đồng phục đường sắt vứt bỏ nạng đi lại bình thường. (Ảnh: Minh Huệ)

Đối mặt với cảnh tượng như vậy, Sư phụ chỉ mỉm cười một cách bình thản và an hòa.

Học viên Pháp Luân Công ở Trùng Khánh nhớ lại lời Sư phụ: “Tất cả các chư vị đều là đệ tử của tôi!”

Lần đầu tiên nhìn thấy Sư phụ, tôi đã khóc vì xúc động, mấy chục năm tìm kiếm danh sư, nay cuối cùng gặp được, tôi mừng không thể diễn tả được.

Khi Sư phụ biết rằng tôi đang gặp khó khăn về tài chính, Ngài đã hoàn trả một nửa học phí của tôi, 25 nhân dân tệ, ở ngay nơi công cộng. Tôi không nhận, nhưng Sư phụ cứ bắt tôi phải nhận, tôi đã bật khóc và nói: “Thầy Lý, nghe Thầy giảng xong, con nên trả học phí, nếu Thầy không nhận tiền của con, có nghĩa Thầy đã không nhận con là đệ tử”.

Sư phụ bước lên bục giảng và nói với mọi người: “Tất cả chư vị đều là đệ tử của tôi!”. Ngay lập tức, khán giả vỗ tay như sấm.

Vào năm 1993 và 1994, Sư phụ đã đến Trùng Khánh hai lần để dạy công và giảng Pháp, và mỗi lần đều ở trong những khách sạn rẻ tiền. Nhân viên khách sạn cảm thấy khó hiểu, bèn hỏi Sư phụ: “Lý tiên sinh, Ngài cũng là một khí công sư nổi tiếng, Ngài nên ở khách sạn cao cấp, Ngài sao lại ở khách sạn đơn sơ như vậy?”. Sư phụ khẽ cười, không nói gì.

Bữa ăn của Sư phụ rất đơn giản, không bao giờ ăn thịnh soạn cả, thỉnh thoảng chỉ là một bát mỳ nhỏ. Người dân Trùng Khánh thích ăn ớt và họ cho ớt vào mì, súp và các món ăn khác. Có một lần Sư phụ ăn một loại mì sợi nhỏ trong bữa trưa, ông chủ quán không biết Sư phụ là người miền Bắc không ăn được ớt nên đã cho rất nhiều ớt vào mì. Sư phụ bị cay đến mức mồ hôi đầm đìa, lặng lẽ ăn hết bát mì mà không nói lời nào.

Một lần khi Sư phụ đang dùng bữa trong một nhà hàng tư nhân nhỏ, Sư phụ bóc một hạt thóc ở trong bát cơm và ăn. Vào thời điểm đó, nhiều học viên Pháp Luân Công đã nhìn thấy hành động của Sư phụ, họ đã không vứt bỏ thức ăn thừa như trước nữa.

Học viên Pháp Luân Công Quảng Châu: “Sư phụ đã ban cho tôi cuộc đời thứ hai”

Từ ngày 19 đến ngày 25 tháng 7 năm 1994, Sư phụ lại đi về phía Nam đến Quảng Châu để tổ chức khóa học Pháp Luân Công lần thứ 4. Tôi may mắn được trực tiếp nghe Sư phụ dạy các bài công pháp. Sư phụ vừa giảng Pháp vừa thị phạm và đôi khi chữa bệnh cho học viên, mỗi khi nghĩ đến việc Sư phụ chữa bệnh cho học viên, tôi lại không kìm được nước mắt, cảm ơn Sư phụ đã ban cho tôi một cuộc đời thứ hai.

Tôi đã bị bệnh từ khi còn nhỏ, đặc biệt là bệnh gan và bệnh tim, cho đến trước khi tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, gan của tôi trở nên sưng to và thường xuyên bị đau thắt ngực.

Tôi nhớ đó là ngày 21 tháng 7 năm 1994. Hôm đó khi kết thúc bài giảng, Sư Phụ đứng trên bục giảng nói: “Các học viên chú ý, hôm nay tôi sẽ chữa bệnh tim cho các vị, hãy ngồi tại chỗ và đừng cử động, đừng suy nghĩ lung tung bất cứ điều gì”.

Ngay lập tức, hàng nghìn học viên trong giảng đường hậu cần của Quân khu Quảng Châu hoàn toàn im lặng, trên lầu, dưới lầu thậm chí rơi một cây kim cũng có thể nghe thấy, chỉ trong chốc lát, Sư phụ nói xong rồi. Vào lúc đó, tim, ngực và lưng của tôi thực sự không còn đau nữa, và tôi không còn cảm thấy hồi hộp nữa, tôi hạnh phúc không thể diễn tả được, bác sĩ nói rằng tôi chỉ có thể sống đến 8 năm do căn bệnh này, và tôi sẽ phải uống thuốc suốt đời, nhưng ngay lúc đó, căn bệnh đã biến mất.

Vài ngày sau, trong lúc giảng Pháp, Sư phụ lại giảng, những người bị bệnh gan nên chú ý, hôm nay tôi sẽ chữa bệnh gan cho mọi người, khi mọi người đã bình tĩnh lại, Sư phụ nói: “Được rồi.” Căn bệnh gan hành hạ tôi đã hơn mười năm đã không cánh mà bay, tại chỗ gan bệnh cũng không có sưng, không có đau, rất dễ chịu. Nghe xong bài giảng hôm đó, tôi đạp xe trên đường như bay lên, đến lúc này tôi mới cảm nhận được chính xác cảm giác của một người khỏe khoắn, nhẹ nhàng. Từ ngày đó đến nay, sau bao nhiêu năm, tôi chẳng những không cần nhờ đến thuốc để duy trì sự sống mà còn khỏe mạnh và vui vẻ, điều này làm sao không gọi là kỳ tích?

Người xưa nói: “Một ngày làm thầy, cả đời làm cha”. Ý nghĩ này đã ăn sâu vào tâm khảm tôi từ ngày tôi bước vào lớp học. Khi tôi ở trong lớp tẩy não của ĐCSTQ, những người cố gắng chuyển hóa tôi đã hỏi tôi tại sao tôi cứ khăng khăng tu luyện Pháp Luân Công, vì vậy tôi đã nói với họ mọi điều đã viết ở trên, và thêm một câu, đây là trải nghiệm cá nhân tôi, họ không có gì khác để nói.

Sự thật thắng ngàn lời nói. Cho dù những tin đồn và bôi nhọ Pháp Luân Công của ĐCSTQ như thế nào, nó sẽ không thay đổi niềm tin của tôi vào Đại Pháp, bởi vì cuộc sống của tôi là do Sư phụ và Đại Pháp ban cho. Ở đây tôi chỉ muốn nói với tất cả những người có duyên biết sự thật, Pháp Luân Công là để cứu người, đây là Thiên lý, mọi người sẽ đều đến học, đây là lời chân thành của tôi.

Học viên Pháp Luân Công từ Hồ Bắc: Sư phụ bước tới và là người đầu tiên bắt tay tôi.

5000 học viên Pháp Luân Công ở Vũ Hán luyện công xếp hình năm 1998. (Ảnh Minh Huệ)

Gia đình tôi sống ở một ngôi làng hẻo lánh ở tỉnh Hồ Bắc, trước khi học hết tiểu học, tôi đã biết đến bùn đất và bắt đầu làm công việc đồng áng. Sau đó, tôi được người ta giới thiệu học Thiền tông. Tu tới tu lui, chỉ biết ngồi kiết già, mơ mơ hồ hồ tu hành 18 năm, cảm thấy mình không tiến bộ bao nhiêu. Nhưng tôi luôn cảm thấy thế giới thật rộng lớn, giữa biển người mênh mông, tôi luôn có thể chờ đợi một ngày Sư phụ xuất hiện.

Ngày ấy cuối cùng đã đến. Vào một ngày nửa đầu năm 1994, trời nắng đẹp, tôi tình cờ biết được Pháp Luân Đại Pháp từ một người bạn, đó là Phật Pháp chân chính. Bạn tôi cũng nói rằng Sư phụ Lý Hồng Chí sẽ sớm giảng Pháp tại Quảng Châu, và đó sẽ là buổi học cuối cùng. Tôi nghĩ: Đây là thứ mình đang tìm, bỏ lỡ cơ hội này thì sẽ không còn có được nữa. Vì vậy, không nói một lời nào, anh bạn về nhà với một số tiền, lấy hai bộ quần áo để thay và lên đường.

Khi đến Quảng Châu, chúng tôi đã tìm đúng nơi. Bởi vì đây là lần cuối cùng Sư phụ giảng Pháp nên rất nhiều người đến từ khắp nơi trên cả nước, bao gồm cả những người từ Đông Bắc Trung Quốc, Bắc Kinh, Tân Cương và Vũ Hán... Các tầng trên và tầng dưới của hội trường đều chật kín người, thậm chí cả tầng trên cùng, hành lang ngoài cửa cũng chật kín, tôi chưa bao giờ thấy cảnh hàng nghìn người như vậy. Bất chấp đám đông, mỗi khi Sư Phụ thuyết pháp, khán giả luôn giữ trật tự. Sư phụ giảng nội dung sâu sắc, lời lẽ đơn giản, dễ hiểu và các học viên được tắm trong ánh sáng của Phật Pháp như nước cam lộ sau một cơn hạn hán dài.

Điều khiến tôi ấn tượng nhất là Sư phụ đã chỉ rõ: Nếu muốn tăng công, thì phải tu tâm và thực hành đạo đức theo “Chân Thiện Nhẫn”. Đó là chữ “tu” trong tu luyện.

Trong khoảng thời gian này, tôi đã tận mắt chứng kiến ​​cách Sư phụ giảng dạy bằng việc lấy mình làm gương. Sư phụ nhẹ nhàng như một người cha yêu thương con, chưa bao giờ đến muộn hay tùy ý kéo dài thời gian, cho dù cần kéo dài thời gian, Sư phụ cũng sẽ xin ý kiến ​​của ban tổ chức trước. Sư phụ ăn những bữa ăn bình thường và ở trong những căn phòng bình thường như những học viên Pháp Luân Công khác. Tôi rất vui vì mình đã lĩnh hội được Đại Pháp cao thượng và cuối cùng đã tìm được một Minh Sư chân chính.

Vào ngày lớp học kết thúc, ban tổ chức lớp học đã sắp xếp cho các học viên chụp ảnh tập thể với Sư phụ. Tôi là một nông dân chân chất, nhìn thấy bao nhiêu anh chàng thành thị đẹp trai, tôi có một cảm giác tự ti vô hình. Khi mọi người xếp hàng để chụp ảnh, tôi có ý thức ngả người ra sau. Khi chụp ảnh thì một điều bất ngờ đã xảy ra.

Sư phụ từ trong đám đông bước đến gần tôi, chìa tay về phía tôi như một người cha và nói: “Ta biết con đến từ nông thôn, và con đã lặn lội đường xa để đắc Pháp…”

Người đầu tiên Sư phụ đến bắt tay là tôi! Nắm tay Sư phụ, tôi cảm thấy một luồng nhiệt ấm từ đỉnh đầu tuôn xuống và thấm vào toàn thân. Tôi đã học Thiền tông 18 năm, nhưng tôi không biết quán đỉnh là như thế nào, nhưng bây giờ tôi đã được trải nghiệm điều đó. Sư phụ thật tuyệt vời! Tôi choáng ngợp trước lòng từ bi vĩ đại và sự dễ gần của Sư phụ, và tôi rất vui mừng vì cuối cùng tôi đã tìm thấy một Sư phụ sau rất nhiều năm.

Là một nông dân ở một làng quê, tôi chưa bao giờ mơ rằng trong đời mình sẽ may mắn được tham dự các khóa học được đích thân Sư phụ truyền công giảng Pháp. Bất cứ khi nào tôi nhớ lại những câu chuyện cảm động của Sư phụ hay nhìn vào bức ảnh chụp với Sư phụ, tôi không thể cầm được nước mắt. Chính vì niềm tin kiên định của tôi vào Sư phụ và Đại Pháp mà tôi giống như các đệ tử Đại Pháp khác, đã trải qua những thăng trầm, mưa gió cho đến khi tôi có được ngày hôm nay.

(Còn tiếp)

Nguồn gốc từ trang web Minghui.org

Diệp Phong - Epochtimes
Lý Ngọc dịch

Xem tiếp:



BÀI CÙNG CHUYÊN ĐỀ

BÀI CHỌN LỌC

Những câu chuyện về nhà sáng lập Pháp Luân Công - Đại sư Lý Hồng Chí (Phần 1)