Chuyên gia: Bắc Kinh cũng muốn tách rời khỏi kinh tế Mỹ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Với sự hưởng ứng của Bắc Kinh, quá trình tách rời của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới dường như sắp tăng tốc. Tuy nhiên, có thể Trung Quốc sẽ là bên chịu nhiều thiệt hại hơn, khi mà họ đang muốn tự cung tự cấp về mọi mặt.

Bắc Kinh dường như đồng ý với Washington rằng việc tách rời hai nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc là một ý tưởng hay. Đây là lời khẳng định trong bài báo “Trung Quốc đưa ra động thái tách rời của riêng họ", đăng ngày 22/3, trên tờ The Epoch Times, của tác giả Milton Ezrati. Tác giả Ezrati là nhà kinh tế trưởng của Vested, một công ty truyền thông có trụ sở ở New York.

Ông Ezrati cho biết, về phía Mỹ, Tổng thống Joe Biden không chỉ giữ nguyên mức thuế ban đầu của cựu Tổng thống Trump đối với hàng hóa Trung Quốc mà còn cấm bán chất bán dẫn tiên tiến cho Trung Quốc và cấm đầu tư của Mỹ vào công nghệ Trung Quốc.

Về phía Trung Quốc, lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình đã bắt đầu chiến dịch thay thế bất kỳ công nghệ nước ngoài nào, chủ yếu là công nghệ của Mỹ, ở Trung Quốc bằng công nghệ trong nước. Tốc độ tách rời dường như đã sẵn sàng để tăng tốc. Nếu không có sự tương tác qua lại, rất có thể thế giới – bao gồm cả Hoa Kỳ và Trung Quốc – sẽ mất đi những tiến bộ mà lẽ ra có thể xuất hiện. Trong đó, Trung Quốc có thể phải chịu nhiều thiệt hại hơn Mỹ.

Chính quyền Trung Quốc đã ưu tiên công nghệ cây nhà lá vườn trong một thời gian, nhưng gần đây, họ đã đẩy nhanh quá trình này bằng một chương trình có tên “Xóa A”. Chương trình yêu cầu các công ty nhà nước – chiếm ưu thế trong lĩnh vực tài chính, năng lượng và nhiều lĩnh vực quan trọng khác – phải thay thế phần mềm nước ngoài trong hệ thống công nghệ thông tin của họ và hoàn tất quá trình chuyển đổi vào năm 2027. Đây là một phần trong mục tiêu đã được tuyên bố của ông Tập nhằm giải phóng Trung Quốc khỏi bất kỳ sự phụ thuộc nào vào thực phẩm, công nghệ, năng lượng, tài chính và nguyên liệu thô của phương Tây; nói cách khác, làm cho Trung Quốc có thể tự cung tự cấp mọi thứ từ máy tính đến sản xuất lúa mì. Để hỗ trợ quá trình chuyển đổi công nghệ, Bắc Kinh đã tăng chi tiêu cho khoa học và công nghệ khoảng 10% trong năm nay lên tương đương 51 tỷ USD, một bước nhảy vọt so với mức tăng 2% của năm ngoái.

Các doanh nghiệp Mỹ có thể nhìn thấy những dấu hiệu. Mặc dù “Xóa A” là mới nhưng người Mỹ biết rằng quá trình tương tự đã diễn ra được một thời gian. Mới cách đây sáu năm, các sản phẩm của Mỹ đã nhận được nhiều sự chú ý từ Bắc Kinh và các công ty nhà nước. Còn bây giờ là một thế giới khác.

Các nhà sản xuất phần cứng như Dell, International Business Machines (IBM) và Cisco Systems đã thay thế phần lớn thiết bị của họ bằng các sản phẩm do Trung Quốc sản xuất. Cisco báo cáo rằng các đơn đặt hàng ở Trung Quốc đã giảm kể từ năm 2019. Thị phần của Dell tại Trung Quốc đã giảm một nửa kể từ năm 2015. Nhiều năm trước, Hewlett Packard Enterprise nhận được tới 14% doanh thu từ doanh số bán hàng tại Trung Quốc. Ở lần thống kê cuối cùng, con số này đã giảm xuống chỉ còn 4%. Adobe, Citrix và Salesforce đã rút hoàn toàn khỏi Trung Quốc hoặc đang cắt giảm quy mô một cách đáng kể. Hewlett Packard gần đây tuyên bố sẽ bán gần 50% cổ phần của mình trong một liên doanh Trung Quốc.

Bắc Kinh đã xác định được ba công ty để lấp đầy khoảng trống mà những nhà sản xuất Mỹ sắp bị cấm để lại. Họ là Tongfang, Alibaba và Huawei. Lệnh đã được ban xuống rằng trong mọi hoạt động của chính phủ, thiết bị của Tongfang sẽ thay thế tất cả các máy tính do nước ngoài sản xuất. Các nhà chức trách đã phải đối mặt với một số trở ngại vì phần mềm và máy móc nội địa của Trung Quốc không đạt tiêu chuẩn như sản phẩm của Mỹ.

Tuy nhiên, nếu lịch sử có thể nói lên điều gì, thì ta có thể dự đoán ĐCSTQ sẽ dễ dàng vượt qua khó khăn đó. Người ta có thể chắc chắn rằng các sản phẩm của Trung Quốc cuối cùng sẽ vượt lên để thách thức và cuối cùng Trung Quốc sẽ có thể đưa ra những sản phẩm tốt như của Microsoft, Oracle và những hãng khác giống như họ. Tuy nhiên, trong thời gian tạm thời, Trung Quốc sẽ phải chịu đựng sự chậm trễ và kém hiệu quả mà lẽ ra nước này sẽ không phải đối mặt.

Chuyên gia: Bắc Kinh cũng muốn tách rời khỏi kinh tế Mỹ
Công nhân Trung Quốc lắp ráp linh kiện điện tử tại nhà máy của gã khổng lồ công nghệ Đài Loan Foxconn ở thành phố Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, vào ngày 26/5/2010. (Ảnh: AFP/Getty Images)

Vì thái độ của Washington và Bắc Kinh, cả hai nền kinh tế sẽ mất đi các cơ hội. Tuy nhiên, về lâu dài, ĐCSTQ sẽ gây tổn hại lớn hơn cho nền kinh tế của mình. Vì lý do an ninh, Mỹ chỉ muốn hạn chế quyền lực và ảnh hưởng của Bắc Kinh trong các lĩnh vực cụ thể. Nó sẽ mất đi một số sự hiệu quả và cơ hội vì sự an toàn đó. Mặt khác, Hoa Kỳ sẽ vẫn mở cửa với thế giới. Nhưng ông Tập thì lại muốn tự cung tự cấp về mọi mặt; nói cách khác, hoàn toàn đoạn tuyệt với phương Tây và có lẽ cả Nhật Bản nữa.

Không có nền kinh tế nào, dù năng động đến đâu, có thể làm mọi việc tốt hơn tất cả các nền kinh tế khác. Nếu tham vọng của Trung Quốc mang lại tính an ninh, thì nước này sẽ phải trả giá bằng sự kém hiệu quả và sự suy giảm tính năng động kinh tế. Tình huống như vậy gần như sẽ đảm bảo rằng Trung Quốc sẽ tụt lại sau các nền kinh tế khác, bao gồm cả nền kinh tế Hoa Kỳ. Một câu hỏi bỏ ngỏ ở đây là liệu ông Tập và các đồng sự của ông ở Trung Nam Hải có nhận ra thực tế này hay không, ông Ezrati kết luận.

Chuyên gia: Bắc Kinh cũng muốn tách rời khỏi kinh tế Mỹ
Binh lính Trung Quốc diễu hành bên ngoài Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, trước khi Ban Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc, cơ quan ra quyết định hàng đầu của quốc gia, ra mắt vào ngày 25/10/2017. (Ảnh: Greg Baker/AFP qua Getty Images)

Quá trình tách rời thể hiện mạnh mẽ qua dữ liệu kinh tế

Những nỗ lực của Mỹ, Liên minh châu Âu và Nhật Bản trong việc tách rời khỏi sự phụ thuộc vào Trung Quốc dường như đang tạo ra các thành quả. Đây là nhận định trong bài báo “Quá trình tách rời Trung Quốc đang diễn ra thế nào", đăng ngày 18/2 trên tờ The Epoch Times, của tác giả Ezrati.

Ông Ezrati cho biết, một loạt dữ liệu gần đây cho thấy thành công tương đối trong những nỗ lực của Mỹ, Liên minh châu Âu và Nhật Bản trong việc đa dạng hóa nguồn cung ứng khỏi Trung Quốc. Thương mại của Trung Quốc với mỗi thị trường quan trọng này đã giảm đi đáng kể.

Những con số này có thể đã phóng đại mức độ thành công. Doanh nghiệp Trung Quốc đã tái thiết lập ở các nước thứ ba và chuyển hàng hóa qua các quốc gia khác để tránh thuế quan và các hạn chế khác do các quốc gia giàu có này áp đặt, và những hoạt động đó không được tính vào dữ liệu thương mại của Trung Quốc. Mặc dù thủ đoạn như vậy có thể làm xáo trộn dữ liệu thống kê, nhưng trên thực tế, sự khác biệt mà nó tạo ra là không quá lớn vì mục đích của việc tách rời - hay “giảm rủi ro” như người châu Âu hay nói - là giảm bớt khả năng dễ bị tổn thương trước sự bắt nạt của Bắc Kinh và việc chuyển hoạt động kinh doanh sang các nước thứ ba cũng tạo ra tác động tương tự theo cách riêng của nó.

Có lẽ bằng chứng nổi bật nhất trong hàng loạt dữ liệu gần đây là việc Trung Quốc đã mất đi niềm tự hào với vị trí là nước xuất khẩu lớn nhất sang Mỹ. Danh hiệu đó bây giờ thuộc về Mexico. Phần lớn điều này là do những nỗ lực độc lập của người mua Mỹ nhằm đa dạng hóa nguồn cung sản phẩm khỏi Trung Quốc. Những nỗ lực đó cũng đã nâng cao tầm quan trọng tương đối của các quốc gia khác.

Nhìn chung, số liệu của châu Âu chưa đầy đủ bằng, nhưng Berlin báo cáo rằng nhập khẩu của Đức từ Trung Quốc đã giảm khoảng 13% trong năm qua. Các báo cáo sơ bộ cho thấy, dù quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và Đức đã được phát triển trong thời gian dài nhưng Mỹ có thể đã vượt qua Trung Quốc để trở thành nước xuất khẩu lớn hơn sang Đức.

Nhật Bản và Hàn Quốc cũng cho thấy sự tách rời khỏi Trung Quốc. Bằng chứng thống kê phản ánh bản chất phức tạp của mối quan hệ giữa hai nền kinh tế này và Trung Quốc. Phần lớn thương mại giữa Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản xoay quanh các hoạt động kinh doanh của Nhật Bản và Hàn Quốc được thiết lập tại Trung Quốc. Nhật Bản và Hàn Quốc xuất khẩu các bộ phận, linh kiện và vật tư cho hoạt động của họ tại Trung Quốc và nhập khẩu thành phẩm trở lại thị trường nội địa. Dữ liệu cho thấy xuất khẩu của Nhật Bản và Hàn Quốc sang Trung Quốc đã giảm, cho thấy họ không còn chú trọng vào hoạt động tại Trung Quốc nữa. Điều cũng đáng chú ý là cùng lúc đó, xuất khẩu của Nhật Bản và Hàn Quốc sang Mỹ đã tăng lên và hiện đã vượt qua xuất khẩu của họ sang Trung Quốc.

Chuyên gia: Bắc Kinh cũng muốn tách rời khỏi kinh tế Mỹ
Một tấm biển ghi 'Đình chỉ bán tất cả các sản phẩm cá nhập khẩu từ Nhật Bản' tại một khu vực các nhà hàng Nhật Bản ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 27/8/2023. (Ảnh: Pedro Pardo / AFP qua Getty Images)

Các khu vực duy nhất mà thương mại của Trung Quốc có tăng trưởng là ở các nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu nguyên liệu thô và hàng nông sản. Do đó, thương mại của Brazil với Trung Quốc đã tăng mạnh. Xuất khẩu từ Brazil sang Trung Quốc đã tăng trong năm ngoái lên mức cao hơn khoảng 60% so với mức trước đại dịch, trong khi nhập khẩu của Brazil từ Trung Quốc đã tăng 50%, cả hai mức tăng đều có xuất phát điểm thấp.

Úc cũng đã chứng kiến thương mại của mình với Trung Quốc tăng lên. Xuất khẩu của nước này sang Trung Quốc đã tăng 17% vào năm 2023. Trên thực tế, số liệu này có thể chỉ phản ánh sự bắt kịp với mức độ thương mại cũ khi mà Bắc Kinh đã dỡ bỏ thuế trừng phạt áp lên hàng nhập khẩu của Úc vào năm 2020.

Nga cũng chứng kiến sự gia tăng thương mại với Trung Quốc, chủ yếu xuất khẩu năng lượng và nhập khẩu chủ yếu hàng tiêu dùng. Mối quan hệ thương mại của Trung Quốc với Nga có thể sẽ tiếp tục phát triển chừng nào phương Tây vẫn duy trì các biện pháp trừng phạt nghiêm ngặt đối với thương mại của Nga, vốn được áp dụng sau cuộc xâm lược Ukraine của Moscow.

Những diễn biến trên tạo ra một sự thay đổi rõ rệt trong cơ cấu thương mại của Trung Quốc. Theo Tổng cục Hải quan Trung Quốc, tỷ trọng thương mại của Trung Quốc - cả nhập khẩu và xuất khẩu - do Hoa Kỳ chiếm giữ đã giảm 2,5% trong khoảng thời gian từ năm 2018 đến năm 2023. Tỷ trọng của Nhật Bản đã giảm gần 2% và của Hàn Quốc giảm khoảng 1,5%. Tỷ trọng của châu Âu đã giảm khoảng 0,5%. Ngược lại, tỷ trọng của Nga đã tăng 2%, trong khi tỷ trọng của Brazil và Úc mỗi nước tăng 0,5%. Tỷ trọng của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã tăng khoảng 2,5%, nhưng con số này không hoàn toàn là do sự thay đổi về thái độ ưu tiên mà là do ASEAN đang có tốc độ tăng trưởng tương đối nhanh. Đây có thể chỉ là những thay đổi phần trăm nhỏ, nhưng theo góc nhìn từ hoạt động thống kê như vậy, đây là một bước thay đổi đáng chú ý trong thời gian tương đối ngắn.

Chuyên gia: Bắc Kinh cũng muốn tách rời khỏi kinh tế Mỹ
Các container hàng chồng lên nhau tại cảng Tú Thiên ở phía đông tỉnh Giang Tô, Trung Quốc ngày 26/3/2023. (STR/AFP qua Getty Images)

Bức tranh này, ở một chừng mực nào đó, chắc chắn nói lên một mức độ tách rời đáng kể khỏi Trung Quốc của một số nền kinh tế hùng mạnh nhất thế giới. Và việc tách rời không có khả năng sẽ bị sớm đảo ngược. Xu hướng này đã được xây dựng và bồi đắp trong nhiều năm. Mọi chuyện bắt đầu xảy ra với Mỹ vào năm 2018 khi Tổng thống lúc đó là ông Donald Trump áp đặt mức thuế cao đối với hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào nước này.

Nhật Bản đã cố gắng dẫn đầu một nỗ lực quốc tế để mua đất hiếm từ nơi khác chứ không phải từ Trung Quốc. Trong khi đó, Brussels đã thực hiện các bước để áp đặt hình phạt đối với Trung Quốc vì khiến xe điện giá rẻ tràn ngập thị trường châu Âu.

Không còn nghi ngờ gì nữa, các cơ sở kinh doanh của Trung Quốc sẽ tiếp tục, như đã từng xảy ra kể từ đợt thuế quan đầu tiên của ông Trump, lách qua những hạn chế như vậy bằng cách thiết lập hoạt động ở các nước thứ ba, như Mexico và Việt Nam, hoặc đơn giản là vận chuyển hàng hóa Trung Quốc qua các nước khác. Những hành động này có thể tránh được thuế quan, mặc dù Washington đang có hành động để ngăn chặn điều đó. Những hành động đó chắc chắn sẽ làm xáo trộn cách người ta giải thích các dữ liệu có sẵn. Nhưng dù sao thì chúng cũng làm suy yếu quyền lực của Bắc Kinh trong việc tác động đến dòng chảy của sản phẩm, mà xét cho cùng thì đây chính là mục đích của xu hướng tách rời. Xu hướng tách rời hoặc giảm rủi ro rõ ràng sẽ còn kéo dài một cách mạnh mẽ, ông Ezrati kết luận.

Bảo Nguyên tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Chuyên gia: Bắc Kinh cũng muốn tách rời khỏi kinh tế Mỹ