Đức trở nên thù địch hơn, Trung Quốc thất vọng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đức đang bộc lộ ý định đối đầu Trung Quốc. Đặc biệt, đây lại là thời điểm Bắc Kinh đặt nhiều hy vọng vào mối quan hệ giữa hai nước.

Berlin đã điều chỉnh cách tiếp cận của mình đối với Bắc Kinh, thay thế lập trường dễ dãi và thông cảm trước đây bằng một thái độ cảnh giác và thù địch hơn.

Chắc chắn Washington sẽ tuyên bố rằng Đức đã đi theo sự dẫn dắt của Mỹ. Nhưng với cách tiếp cận toàn diện của Berlin, sản phẩm có được sau những sự thỏa hiệp đáng kể, người Đức dường như đang đóng vai trò dẫn dắt, giống như Nhật Bản đã làm tại các cuộc họp G7 gần đây ở Hiroshima.

Bản dịch tài liệu chiến lược dài 64 trang từ chính phủ liên minh của Thủ tướng Olaf Scholz tuyên bố rằng Đức phải thay đổi vì Trung Quốc đã thay đổi. Tài liệu khẳng định Bắc Kinh đang cố gắng phá hủy “trật tự quốc tế dựa trên luật lệ”, thứ mà Đức tuyên bố đã dàn xếp thương mại và tài chính quốc tế trong nhiều thập kỷ. Tài liệu chiến lược của Berlin cho biết thêm rằng Bắc Kinh đặt mục tiêu làm cho Trung Quốc độc lập với phần còn lại của thế giới, đồng thời khiến các nền kinh tế khác phụ thuộc vào Trung Quốc.

Mặc dù tài liệu chiến lược khẳng định rằng Trung Quốc vẫn là “đối tác” trong thương mại với Đức, nhưng nó cũng mô tả “sự cạnh tranh mang tính hệ thống” của Bắc Kinh là “ngày càng nổi bật”. Tài liệu chiến lược của Berlin cáo buộc thẳng thắn rằng Bắc Kinh sử dụng “sự phụ thuộc về kỹ thuật… để đạt được các mục tiêu chính trị” và kết hợp “chính sách dân sự và quân sự”. Những vấn đề này và nỗ lực của Bắc Kinh nhằm giành quyền bá chủ ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tạo thành các yêu sách chiến lược mới, một mối đe dọa đối với châu Âu và an ninh toàn cầu.

Đức trở nên thù địch hơn, Trung Quốc thất vọng
Một tàu container của China Shipping Line được chất hàng tại cảng container chính ở Hamburg, Đức, vào ngày 13/08/2007. Miền bắc nước Đức, với các cảng Hamburg, Bremerhaven và Kiel bận rộn, là một trung tâm vận chuyển quốc tế. Hamburg là một trong những cảng lớn nhất của châu u. (Ảnh: Sean Gallup/Getty Images)

Trong thời gian dài vừa qua, Washington ngày càng mất lòng tin và đôi khi thù địch với Bắc Kinh. Trên cơ sở diễn biến thời gian, có vẻ như Berlin đang theo sau Mỹ. Nhưng xét đến những chỉ trích trước đây của Berlin đối với Washington và phái đoàn thương mại của ông Scholz tới Trung Quốc chỉ mới gần đây, nhiều khả năng sự thay đổi của Đức phản ánh một quyết định độc lập. Một điều cũng đáng chú ý về vấn đề này là cơ quan tình báo của Đức chỉ gần đây mới coi Trung Quốc là “mối đe dọa lớn nhất liên quan đến hoạt động gián điệp kinh tế và khoa học cũng như đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Đức”.

Berlin đã nhận được một cảnh báo gián tiếp về tham vọng thống trị thương mại ngày càng tăng của Trung Quốc từ một báo cáo gần đây. Theo đó, vào năm 2022, xuất khẩu của Đức sang Trung Quốc chỉ tăng 3,1%. Tuy nhiên, nhập khẩu của nước này vẫn tăng ở mức khổng lồ 33,6%, khiến Đức có thâm hụt thương mại âm lên tới 100 tỷ euro.

Những thay đổi khiến Bắc Kinh thất vọng

Với những mối quan tâm này, chiến lược mới của Đức nhằm mục đích làm cho Đức “ít phụ thuộc hơn trong các lĩnh vực quan trọng”, chỉ ra các lĩnh vực như công nghệ y tế, sản phẩm thuốc và đất hiếm. Chiến lược mới cũng tìm cách sửa đổi luật để có thể tính đến “lợi ích an ninh” trong tất cả các thỏa thuận thương mại cũng như với các khoản đầu tư của Đức vào Trung Quốc. Nó sẽ phát triển một danh sách hàng hóa chịu sự kiểm soát xuất khẩu, với trọng tâm là giám sát và an ninh mạng. Chiến lược này còn nhằm mục đích “mở rộng quan hệ kinh tế của chúng tôi [Đức] với châu Á và hơn thế nữa”.

Chắc chắn, điều đặc biệt khiến Bắc Kinh khó chịu là cách mà chiến lược mới của Đức thể hiện một lập trường mạnh mẽ và dứt khoát đối với Đài Loan. Nó cam kết Berlin sẽ cải thiện quan hệ với hòn đảo, ủng hộ sự tham gia của Đài Loan vào các tổ chức quốc tế và nhấn mạnh rằng bất kỳ sự thống nhất nào với đại lục đều phải diễn ra một cách hòa bình và với “sự đồng ý của cả hai bên”. Tài liệu này cũng hưởng ứng với quan điểm của Mỹ nhằm gây sức ép buộc Trung Quốc từ bỏ tư cách “quốc gia đang phát triển” tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Người Đức không đề cập đến việc “tách rời” thương mại với Trung Quốc, một khái niệm đã trở nên phổ biến ở Washington. Thay vào đó, người Đức thích cụm từ “giảm rủi ro hơn”. Bằng cách này, Berlin thể hiện mong muốn theo đuổi các liên kết thương mại liên tục với Trung Quốc nhưng vẫn muốn có được sự bảo vệ khỏi sự phụ thuộc, sự bắt nạt của Trung Quốc và các hoạt động thương mại không công bằng. Nếu chiến lược này không tìm cách cắt đứt hai nền kinh tế với nhau, thì doanh nghiệp Đức được khuyến nghị nên đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ khỏi Trung Quốc. Khi được hỏi liệu Berlin có bắt buộc sự đa dạng hóa như vậy hay không, ông Scholz nói rõ rằng một bước đi như vậy là không cần thiết, vì các công ty Đức đang trong quá trình đa dạng hóa mà không có áp lực của chính phủ. Và chúng ta cũng biết rằng, điều này cũng đúng với các doanh nghiệp của Mỹ và Nhật Bản.

Không cần phải nói, Bắc Kinh không hài lòng về sự thay đổi này ở Đức. Hiện nay, khi Mỹ và Nhật Bản phản đối các hoạt động thương mại không công bằng và đôi khi mang tính lạm dụng của Bắc Kinh, người châu Âu, đặc biệt là người Đức, dường như mong muốn giành được lợi thế với Trung Quốc trong lúc người Mỹ và người Nhật đang tạo khoảng cách. Chỉ vài tháng trước, ông Scholz đã dẫn đầu một phái đoàn thương mại Đức đến Bắc Kinh, và chỉ vài tuần trước, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đã nhấn mạnh mối liên hệ chặt chẽ của Trung Quốc với Liên minh châu Âu và đặc biệt là “mối quan hệ vững chắc” mà nước này có với Đức.

Chắc hẳn Bắc Kinh đã coi lập trường này của châu Âu như một hình thức bảo vệ khỏi sự thù địch của Mỹ và Nhật Bản. Với thỏa thuận G7 gần đây nhằm hạn chế sự phụ thuộc vào Trung Quốc và bây giờ là chiến lược mới của Berlin, tuyến bảo vệ đó đang biến mất. Cho đến nay, thế giới đã chứng kiến rất ít phản ứng đáp trả từ Bắc Kinh, nhưng thời gian vẫn còn sớm.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTD Việt Nam.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch

Tác giả Milton Ezrati là biên tập viên của The National Interest - một chi nhánh của Trung tâm Nghiên cứu Nguồn Nhân lực tại Đại học Buffalo (SUNY), và là nhà kinh tế trưởng của Vested - công ty truyền thông có trụ sở tại New York. Trước khi gia nhập Vested, ông từng là nhà chiến lược thị trường và nhà kinh tế trưởng cho Lord, Abbett & Co. Ông thường xuyên viết bài cho City Journal và viết blog cho Forbes. Cuốn sách mới nhất của ông có tựa đề "Thirty Tomorrows: The Next Three Decades of Globalization, Demographics, and How We Will Live" (30 mươi năm sau: Ba thập kỷ tiếp theo của toàn cầu hóa, nhân khẩu học, và cách chúng ta sẽ sinh sống).



BÀI CHỌN LỌC

Đức trở nên thù địch hơn, Trung Quốc thất vọng