Dùng tàu cao tốc vượt biên đánh cá, 2 người Trung Quốc thiệt mạng, chuyên gia phân tích nguyên nhân

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chiều ngày 14/2, một tàu cao tốc của Trung Quốc đã vượt biên giới đến huyện đảo Kim Môn của Đài Loan để đánh cá nhưng bị Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Đài Loan đuổi đi. Tàu cao tốc bị lật khi cố gắng chạy đi, 2 người tử vong. Về vấn đề này, các quan chức Trung Quốc đã phản ứng thái quá, nhưng có thông tin cho rằng hai ngư dân còn sống của Trung Quốc chỉ có thể nói tiếng phổ thông với giọng Tứ Xuyên nặng. Một số chuyên gia đặt câu hỏi, rằng vụ việc này là tai nạn hay là màn dạo đầu để Trung Quốc tìm cớ kích động chiến tranh.

Theo thông tin từ Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Đài Loan vào khoảng 1 giờ chiều ngày 14/2, một tàu cao tốc của Trung Quốc đã vượt qua biên giới và đi vào vùng biển dài 1,2 dặm về phía đông đảo Bắc Định thuộc huyện Kim Môn (0,5 dặm trong vùng nước cấm) để đánh bắt cá. Cảnh sát biển Kim Môn lập tức tiến lên, tàu cao tốc Trung Quốc vô tình bị lật úp khi đang cố gắng trốn tránh sự truy đuổi, khiến cả 4 người trên tàu đều rơi xuống biển. Hai người được giải cứu thành công và bị tạm giữ để điều tra, hai người còn lại được đưa đến bệnh viện Kim Môn và sau đó được xác nhận đã tử vong.

Cảnh sát biển Đài Loan ngày 15/2 chỉ ra rằng tàu liên quan trong vụ việc này là tàu ‘Ba không’, nghĩa là không có tên tàu, không có giấy chứng nhận tàu và không đăng ký tàu tại cảng đăng kiểm. Những loại tàu ‘Ba không’ này là mối quan tâm chung của liên ngành thực thi pháp luật hợp tác ở eo biển. Cả hai bên sẽ tăng cường lệnh cấm đối với các tàu như vậy.

Văn phòng Các vấn đề Đài Loan của Trung Quốc đã phản đối vụ việc tối 14/12 của Đài Loan nhưng không giải thích lý do vì sao 4 người Trung Quốc dùng tàu cao tốc vượt qua biên giới để “đánh cá” thay vì sử dụng tàu đánh cá thông thường.

Trưa ngày 15/2, Văn phòng Các vấn đề về Đại Lục của Đài Loan bày tỏ ủng hộ các cơ quan có thẩm quyền thực thi nghiêm minh pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích của người dân, đồng thời cho biết vô cùng lấy làm tiếc về sự việc xảy ra và mong các cơ quan có thẩm quyền ở Trung Quốc có thể hạn chế những hành vi tương tự của người dân đại lục.

United Daily News của Đài Loan đưa tin ngày 14/2, 4 thuyền viên bị nghi ngờ không phải là ngư dân tỉnh Phúc Kiến. Trong quá trình giam giữ và thẩm vấn, hai ngư dân còn sống sót được phát hiện nói tiếng Phúc Kiến không tốt và chỉ có thể nói tiếng Quan Thoại bằng tiếng phổ thông giọng Tứ Xuyên nặng. Được biết, vì cả hai đều từ chối thẩm vấn vào ban đêm nên hiện tại không thể biết rõ tên, tuổi và được ai thuê. Nhân viên tuần tra bờ biển Đài Loan cho biết, họ cảm thấy hai người đàn ông này không quen biết nhau.

Đảo Kim Môn cách xa đảo chính Đài Loan nhưng lại rất gần tỉnh Phúc Kiến. Một ngư dân Đài Loan làm việc gần đảo Kim Môn nói với truyền thông Đài Loan, rằng thời tiết trong những ngày qua rất tốt, các tàu đánh cá của Trung Quốc rất hung hãn và thường xuyên đến đánh cá.

Ngày 15/2, ông Tô Tử Vân, Giám đốc Viện Nghiên cứu An ninh Quốc phòng Đài Loan, nói với The Epoch Times rằng, đây trước tiên là một sự việc đáng tiếc, nhưng Lực lượng Tuần tra Bờ biển Đài Loan đã hành động theo luật pháp, và rõ ràng là ngư dân Trung Quốc đã lật thuyền khi cố gắng trốn chạy.

“Nhìn nhận vấn đề ngoài khuôn khổ của hai bờ eo biển, trong vài năm qua, ngư dân Trung Quốc đã có nhiều xung đột với cảnh sát biển Hàn Quốc trên biển, thậm chí có trường hợp bị cảnh sát biển Hàn Quốc bắn chết hoặc bị thương. Trong tình huống này, Văn phòng Các vấn đề Đài Loan của Trung Quốc nên xem xét lại vấn đề quản lý ngư dân của họ, và việc đổ lỗi cho người khác sẽ không hợp lý vì Lực lượng Tuần tra Biển Đài Loan không sử dụng vũ lực”.

Ông Tô Tử Vân cũng cho rằng các phương pháp đánh bắt cá mà ngư dân Trung Quốc sử dụng sẽ tàn phá hệ sinh thái ngư nghiệp xung quanh và đánh bắt quá mức, họ còn sử dụng thuyền bơm cát gây tổn hại quá mức đến hệ sinh thái và các quan chức Trung Quốc phải quản lý hợp lý.

Ông Trần Phá Không (Chen Pokong), một nhà bình luận chính trị tại Hoa Kỳ, cho rằng vụ việc này có điều gì đó đáng ngờ, rất giống với vụ việc chính quyền Trung Quốc cố tình “sa chân” vào nguy hiểm.

"Thời của Đặng Tiểu Bình, Trung Quốc đã xung đột với Việt Nam. Trước khi tiến hành cuộc xung đột, ngày nào ông ấy cũng đăng bài về việc Việt Nam khiêu khích Trung Quốc như thế nào, Việt Nam bắt giữ ngư dân Trung Quốc, Việt Nam trục xuất Hoa kiều… Họ tìm nhiều lý do để gây chiến với Việt Nam. Bây giờ chính quyền Trung Quốc đang có ý định tấn công Đài Loan, tôi thấy họ cũng đang sử dụng phương pháp như vậy”.

Ông Chen Pokong chỉ ra hai động thái “rắc rối” gần đây của Trung Quốc đối với Đài Loan: “Một động thái là thay đổi tuyến hàng không dân dụng (thay đổi một chiều tuyến M503), tuyến này từng bay dọc theo tuyến trung tâm của eo biển về phía tây và gần Trung Quốc. Bây giờ tuyến này bỏ qua đường trung tâm của eo biển, và bay về phía đông, về phía Đài Loan. Nếu có chuyện gì xảy ra với hàng không dân dụng, Trung Quốc sẽ đổ lỗi cho Đài Loan, cho rằng Đài Loan đang khiêu khích, Đài Loan là nguyên nhân khiến máy bay dân dụng rơi, đây là một hành động ‘vừa đánh trống vừa la làng’, sau đó lấy cớ để phát động một cuộc chiến tranh xuyên eo biển Đài Loan”.

Một động thái khác là cố tình để ngư dân Trung Quốc vượt biên đánh cá, ông Chen Pokong nói: “Bây giờ họ không quan tâm đến đường trung tâm, cũng không quan tâm đến các quy định bất thành văn giữa Trung Quốc và Đài Loan, họ để ngư dân vượt biên đánh cá, sau đó đội thực thi pháp luật của Kim Môn đuổi họ đi. Trong quá trình này, tàu đánh cá của Trung Quốc bị lật, khiến hai người thiệt mạng, Trung Quốc mượn cớ này mà lớn giọng, đó là dấu hiệu của xung đột".

Ông Chen Pokong lo lắng rằng có thể ngày càng có nhiều sự cố như vậy, ĐCSTQ sẽ có thể kiếm cớ cho cuộc chiến ở eo biển Đài Loan, giống như trước khi ĐCSTQ phát động cuộc chiến chống Việt Nam, bầu không khí rất giống nhau.

Cuộc bầu cử tổng thống Đài Loan vừa kết thúc với chiến thắng thuộc về ông Lại Thanh Đức, một người có tư tưởng chống Trung Quốc mạnh mẽ. Thế giới bên ngoài đã lo ngại rằng Trung Quốc có thể có những động thái đe dọa chống lại Đài Loan trong khoảng thời gian ông Lại Thanh Đức lên nắm quyền.

Bộ Quốc phòng Đài Loan từng chỉ ra rằng quân đội Trung Quốc sử dụng các phương thức ‘dùng dân che quân’ như tàu câu cá, tàu khảo sát hải dương để hoạt động ở khu vực xung quanh eo biển Đài Loan, đồng thời dân quân trên biển cũng phối hợp với hải quân và cảnh sát biển Trung Quốc tiến hành huấn luyện liên hợp, làm tăng gánh nặng ứng phó của lực lượng tuần tra biển của Đài Loan.

Theo Epoch Times
Lý Ngọc biên dịch

Thế giới Góc nhìn


BÀI CHỌN LỌC

Dùng tàu cao tốc vượt biên đánh cá, 2 người Trung Quốc thiệt mạng, chuyên gia phân tích nguyên nhân