Hoa kỳ triển khai chuỗi hỏa lực mới ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương

Giúp NTDVN sửa lỗi

Quân đội Hoa Kỳ xác nhận rằng một hệ thống tấn công "hỏa lực chính xác tầm xa" mới sẽ sớm được triển khai ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và có thể phóng tên lửa phòng không Standard 6 (SM-6) và tên lửa hành trình Tomahawk. Các chuyên gia nhận định rằng việc triển khai của quân đội Hoa Kỳ có thể tập trung chủ yếu ở Bán đảo Triều Tiên, nhưng mục đích thực sự là nhằm kiềm chế Trung Quốc.

Mỹ triển khai tên lửa tầm trung mới ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương

Tư lệnh Lục quân Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương, Charles Flynn, trong chuyến thăm Hàn Quốc gần đây, đã xác nhận với hãng thông tấn Yonhap và các hãng truyền thông Hàn Quốc khác vào ngày 6/4, rằng Lục quân Hoa Kỳ đã phát triển hệ thống tấn công "Hỏa lực chính xác tầm xa". Hệ thống này có khả năng phóng tên lửa phòng không SM-6 và tên lửa hành trình Tomahawk trước đây được triển khai trên tàu chiến.

Tướng Flynn cho biết hệ thống phóng trên mặt đất mới sẽ sớm được triển khai ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nhưng ông từ chối cho biết thời gian và địa điểm hệ thống này sẽ được triển khai.

Vào ngày 3/4, Tướng Flynn cũng tiết lộ với Asahi Shimbun và các phương tiện truyền thông khác tại Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Nhật Bản: “Các bệ phóng có khả năng tầm trung sắp được triển khai ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”.

Tên lửa phòng không SM-6 có tầm bắn hơn 240 km, trong khi tên lửa hành trình cận âm Tomahawk có thể bắn trúng mục tiêu cách xa 2.500 km.

Hãng thông tấn Yonhap đưa tin, hệ thống phóng tên lửa mới mà ông Flynn đề cập nhiều khả năng là hệ thống phóng tên lửa tầm trung phóng từ mặt đất có mã hiệu Typhon được Quân đội Mỹ phát triển thành công vào năm ngoái. Phạm vi tấn công của hệ thống phóng thực tế là từ 500 km đến 2.776 km.

Hệ thống Typhon là hệ thống tên lửa tầm trung đầu tiên được Quân đội Hoa Kỳ phát triển trong hơn 30 năm sau khi Hiệp ước Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF) được chấm dứt. Hệ thống có thể mang tên lửa hành trình Tomahawk và tên lửa phòng không SM-6. Quân đội Mỹ năm ngoái tuyên bố sẽ triển khai hệ thống này ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Trung tướng Trương Diên Đình, cựu Phó Tư lệnh Không quân Đài Loan, nói với The Epoch Times vào ngày 9/4, rằng SM-6 có thể đạt tốc độ tối đa gấp 10 lần tốc độ âm thanh. Nó mang tính khu vực và có thể được triển khai ở Guam hoặc căn cứ quân sự của Mỹ ở Ryukyu. Tomahawk là tên lửa hành trình cận âm đã được sử dụng trên chiến trường hơn 30 năm và đã được chứng minh hiệu quả, có thể được triển khai ở chuỗi đảo thứ nhất và thứ hai để tăng khả năng tấn công vào Trung Quốc vì đây là loại tên lửa được cải tiến với tầm bắn xa hơn.

Tiến sĩ Tô Tử Vân, Giám đốc Viện Chiến lược và Tài nguyên Quốc phòng thuộc Viện An ninh Quốc phòng Đài Loan, nói với The Epoch Times vào ngày 9/4 rằng tên lửa Tomahawk và tên lửa SM-6 do các bệ phóng mới của quân đội Hoa Kỳ mang theo nên được triển khai. Trên Bán đảo Triều Tiên, chủ yếu là tên lửa SM-6 có thể đánh chặn tên lửa đang bay tới của Triều Tiên, còn tên lửa Tomahawk có thể phản công, gián tiếp có tác dụng răn đe đối với Trung Quốc. Tại Guam, Mỹ có thể triển khai tên lửa tầm trung và tầm xa với tầm bắn xa hơn

"Hàn Quốc là địa điểm đầu tiên được xem xét cho việc triển khai hệ thống tên lửa mới của Mỹ. Nhật Bản có thể triển khai trong tương lai vì Nhật Bản cũng có yêu cầu. Đặc biệt, Nhật Bản đã mua 400 tên lửa Tomahawk của Mỹ. Bệ phóng sẽ được trao cho Nhật Bản để Lực lượng phòng vệ mặt đất của nước này có khả năng phóng tên lửa tầm trung từ mặt đất”.

Tiến sĩ Tô Tử Vân cho biết, Lực lượng mặt đất của Hoa Kỳ tại Hàn Quốc và Nhật Bản vốn chỉ có khả năng phòng thủ, phản công khi bị tấn công. Việc trang bị tên lửa tầm xa cho các lực lượng này sẽ giúp họ phối hợp với Hải quân và Không quân để thực hiện các đòn tấn công tầm xa, nhằm kiềm chế Triều Tiên và Trung Quốc.

Hãng thông tấn trung ương chính thức của Triều Tiên hôm 3/4 cho biết, Triều Tiên đã bắn thử thành công tên lửa siêu thanh nhiên liệu rắn tầm trung và tầm xa mới. Đây là lần thứ ba nước này phóng tên lửa đạn đạo trong năm nay.

Tiến sĩ Tô cho rằng, công nghệ tên lửa của Triều Tiên không thể tự phát triển, cộng đồng quốc tế nghi ngờ công nghệ của nước này đến từ Trung Quốc và Nga. Việc triển khai quân đội Mỹ sẽ giúp đạt được sự cân bằng chiến lược trên Bán đảo Triều Tiên.

"Triều Tiên vốn đã có năng lực tấn công tầm trung và tầm xa, gây mất cân bằng trong khu vực nên Hàn Quốc cho phép Mỹ triển khai tên lửa có thể thực hiện các cuộc tấn công tầm trung và tầm xa. Chỉ bằng cách này mới có thể đạt được sự cân bằng chiến lược mới", và sau đó có thể đạt được hiệu quả răn đe. Đây là ý nghĩa chính trị của việc triển khai tên lửa tầm trung và tầm xa của Hoa Kỳ.

Hoa Kỳ sử dụng chuỗi tên lửa để kiềm chế Trung Quốc ở Biển Đông

Ông Trương Diên Đình nói với The Epoch Times rằng mục đích thực sự của quân đội Hoa Kỳ là kiềm chế Trung Quốc.

“Quân đội Hoa Kỳ bố trí những đợt triển khai này trên chuỗi đảo đầu tiên để bao vây Trung Quốc. Nó có thể được bố trí ở Hàn Quốc để đối mặt với Trung Quốc, ở Nhật Bản, ở Philippines, trên các tàu chiến, ở Guam để đối mặt với Trung Quốc, tôi nghĩ nó sẽ trở thành một chuỗi tên lửa, từ Hàn Quốc, Nhật Bản đến Philippines, dùng chuỗi tên lửa để khóa chặt Trung Quốc. Nhưng câu hỏi đặt ra là mật độ và số lượng bao nhiêu mới tạo ra sức mạnh của chuỗi tên lửa”.

Gần đây, các đồng minh của Mỹ là Philippines và Trung Quốc đã cáo buộc lẫn nhau về một đợt xung đột mới ở vùng biển tranh chấp ở Biển Đông, làm trầm trọng thêm căng thẳng trong khu vực.

Nhưng ông Trương Diên Đình nói rằng Hoa Kỳ hiện đang thực hiện những điều chỉnh này, bao gồm thiết lập liên minh và triển khai vũ khí, tất cả là vì eo biển Đài Loan, và thứ hai là đối với Philippines, vì Philippines có các đảo nhỏ. “Vì lợi ích cốt lõi của Trung Quốc đại lục không phải ở Philippines hay các đảo ở Biển Đông mà lợi ích cốt lõi của nước này là vấn đề Đài Loan nên Mỹ cũng đang nhắm vào yếu tố Đài Loan”.

Tướng Charles Flynn, Tư lệnh Lục quân Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương, trong Tài liệu tầm nhìn năm 2023 được công bố vào năm ngoái, đã nêu rõ quan điểm của mình về nguyên nhân chính gây bất ổn trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Theo Tướng Flynn: Sự bất ổn trong khu vực chủ yếu xuất phát từ tham vọng của Trung Quốc trong việc phá hoại trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và thực hiện các hành động khiêu khích.

Cuối năm ngoái, tại Diễn đàn An ninh Quốc tế Halifax (HISF) tổ chức ở Canada, Tướng Flynn đã tiết lộ rằng Hoa Kỳ sẽ triển khai tên lửa tầm trung mới ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Đây là một trong những biện pháp nhằm ngăn chặn Trung Quốc xâm lược Đài Loan.

Tiến sĩ Tô Tử Vân cho rằng: “Tất cả những điều này đều do Trung Quốc ép buộc”.

Ông giải thích rằng cả Trung Quốc và Triều Tiên đều không tham gia Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung năm 1987 trong Chiến tranh Lạnh. Họ đã phát triển tên lửa tầm trung mà không bị hạn chế, trong khi Mỹ lại bị hạn chế, điều này gây ra sự mất cân bằng trong chiến lược. Vì vậy, sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp ước này vào năm 2019, sau đó đã gấp rút khôi phục năng lực tên lửa tầm trung.

Tiến sĩ Tô Tử Vân cho biết, sau khi việc triển khai quân đội Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương hoàn tất trong năm nay, Quân đội Mỹ có thể tiến hành các cuộc phản công chống lại Trung Quốc từ Nhật Bản hoặc Hàn Quốc, điều này sẽ giải phóng Hải quân và Không quân Mỹ để tập trung vào các hoạt động ở eo biển Đài Loan và Biển Đông. Tạo ra một khả năng răn đe tổng hợp với sự phối hợp của cả ba quân chủng.

Theo The Epoch Times
Lý Ngọc biên dịch

Thế giới Quân sự


BÀI CHỌN LỌC

Hoa kỳ triển khai chuỗi hỏa lực mới ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương