Hơn 30 nền văn minh tiên tiến đã sụp đổ trước đây - chúng ta thì sao? Một nghiên cứu của NASA

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một nghiên cứu do NASA tài trợ đã phát hiện rằng hơn 30 nền văn minh tiên tiến cổ đại từng tồn tại trên Trái đất hàng nghìn năm trước đã bị sụp đổ. Liệu nền văn minh của chúng ta hiện nay có thể đang rơi vào tình trạng tương tự không?

Nếu nhìn lại những cuốn sách lịch sử, chúng ta sẽ thấy chúng hoàn toàn không đầy đủ, vẫn có những điều mà khoa học chưa thể giải thích. Trong quá khứ xa xôi, có biết bao nhiêu nền văn minh đã phát triển rực rỡ và sau đó tàn lụi.

Một nghiên cứu do NASA tài trợ một phần gọi là Mô hình “Động lực của con người và thiên nhiên (HANDY): Mô hình hóa sự bất bình đẳng và sử dụng tài nguyên trong sự sụp đổ hoặc bền vững của xã hội” (Human and Nature Dynamical - HANDY) là mô hình xây dựng trên cơ sở tư duy 4 biến về sự tương tác giữa con người và thiên nhiên.

Trọng tâm của mô hình là dự đoán hành vi xã hội ở mức độ dài hạn chứ không dự báo ngắn hạn. Mô hình cho thấy rằng, việc khai thác quá mức Lao động hoặc Tài nguyên thiên nhiên sẽ dẫn đến sự sụp đổ xã hội.

Mô hình đã cung cấp cho chúng ta bằng chứng rằng có một số đặc điểm hỗn loạn chung hiện diện trong các nền văn hóa cổ xưa trên Trái đất hàng ngàn năm trước và cuối cùng khiến cho các nền văn hoá đó biến mất.

Điều này được coi là bằng chứng khẳng định rõ ràng rằng các nền văn minh cổ đại đã được thiết lập lại vô số lần, phát triển và diệt vong, còn gọi là các nền văn minh tiền sử.

Một số nền văn minh tiêu biểu phát triển rực rỡ và biến mất bí ẩn

Chẳng hạn gần đây nhất, vào thế kỷ 18, hai nước Anh và Pháp được coi là những siêu cường thế giới. Họ đã chiếm hữu nhiều vùng lãnh thổ rộng lớn, dẫn đến vượt quá tầm kiểm soát, sự hỗn loạn đã xảy ra và cuối cùng họ đã trả lại các thuộc địa để thu gọn về chính quốc như hiện nay.

Mặc dù hiện nay Anh và Pháp không biến mất hoàn toàn khỏi lịch sử nhưng đó là bằng chứng về một mô hình hỗn loạn hiện diện gần nhất trong xã hội hiện đại.

Các nhà nghiên cứu tin rằng cách thức hỗn loạn này cũng đã hiện diện trong các nền văn minh khác từ hàng ngàn năm về trước.

Nếu nhìn lại thời gian hơn 10.000 năm trước, chúng ta sẽ phát hiện rằng nhiều nền văn minh tiên tiến trên Trái đất đã phát triển rực rỡ nhưng cuối cùng đã biến mất một cách bí ẩn không dấu vết.

Sự sụp đổ kịch tính của Đế chế La Mã, tiếp theo sau là nhiều thế kỷ suy giảm dân số, suy thoái kinh tế, suy thoái trí tuệ và sự giảm sút của tỷ lệ người dân biết đọc biết viết. Nhưng đây không phải là chu kỳ trỗi dậy và sụp đổ đầu tiên ở châu Âu.

Trước sự trỗi dậy của nền văn minh Hy Lạp - La Mã Cổ điển, cả nền văn minh Minoan và Mycenaean đều đã trỗi dậy, đạt đến trình độ văn minh rất tiên tiến và sau đó gần như sụp đổ hoàn toàn (Morris, 2006, Redman, 1999). Lịch sử của Lưỡng Hà - cái nôi của nền một số văn minh đã phát triển đến mức độ của xã hội phức tạp và đời sống đô thị - thể hiện một loạt thăng trầm của lịch sử.

Có thể kể đến những nền văn minh của người Sumer, người Akkadian, người Assyrian, người Babylon, người Achaemenid, người Seleucid, người Parthian, người Sassanid, người Umayyad, và Đế chế Abbasid (Redman và cộng sự, 2004, Yoffee, 1979).

Ở nước láng giềng Ai Cập, chu kỳ này cũng xuất hiện nhiều lần. Ở cả Anatolia và Thung lũng Indus, nền văn minh Hittite và Harrapan rất rộng lớn và lâu đời đều sụp đổ hoàn toàn đến mức người ta không biết đến sự tồn tại của chúng cho đến khi khảo cổ học hiện đại khám phá lại chúng.

Các chu kỳ trỗi dậy và sụp đổ tương tự xảy ra nhiều lần ở Ấn Độ, đáng chú ý nhất là với Đế chế Mauryan và Gupta (Edwards và cộng sự, 1971, Edwards và cộng sự, 1973; Jansen và cộng sự, 1991; Kenoyer, 1998; Thapar, 2004) .

Tương tự, Đông Nam Á đã trải qua “các lịch sử sụp đổ và tái sinh đa dạng và chồng chéo” trong hơn 15 thế kỷ, đỉnh điểm là Đế quốc Khmer với trụ sở tại Angkor, nơi mà dân số bị suy giảm và bị rừng nuốt chửng trong Thế kỷ 15 (Stark, 2006).

Lịch sử Trung Quốc, rất giống lịch sử Ai Cập, đầy những chu kỳ thăng trầm lặp đi lặp lại, với mỗi đế chế Chu, Hán, Đường và Tống, theo sau là sự sụp đổ rất nghiêm trọng về quyền lực chính trị và tiến bộ kinh tế xã hội (Chu và Lee, 1994, Lee, 1931, Needham và Wang, 1956).

Sự sụp đổ của nền văn minh Maya được nhiều người biết đến và gợi lên sự say mê rộng rãi, cả vì bản chất tiên tiến của xã hội Maya và vì mức độ sụp đổ sâu sắc của nó (Demerest et al., 2004, Webster, 2002). Như Diamond (2005) đã nói, thật khó để bỏ qua “sự biến mất của khoảng 90 đến 99% dân số Maya sau năm 800 sau Công Nguyên… và sự biến mất của các vị vua, lịch Long Count và các thể chế văn hóa và chính trị phức tạp khác”.

Di tích cổ Tikal ở Guatemala - một trong hơn 30 nền văn minh tiên tiến đã sụp đổ trước chúng ta - Chúng ta có phải là nền văn minh kế tiếp? Hình ảnh: Wikipedia/Phạm vi công cộng

Ở vùng cao nguyên trung tâm gần đó của Mexico ngày nay, một số nền văn minh hùng mạnh cũng đã vươn lên mức quyền lực và thịnh vượng cao rồi nhanh chóng sụp đổ, Teotihuacan (thành phố lớn thứ sáu trên thế giới vào thế kỷ thứ 7 C) và Monte Alban chỉ là thành phố lớn nhất trong số này, cũng đã trải qua sự sụp đổ nghiêm trọng, với số lượng cộng đồng dân cư giảm xuống còn khoảng 20–25% so với thời kỳ đỉnh cao chỉ sau vài thế hệ (Tainter, 1988).

Chúng ta biết về nhiều sự sụp đổ khác bao gồm các nền văn minh Mississippi như Cahokia, các nền văn hóa Pueblo và Hohokam ở Tây Nam Hoa Kỳ hiện nay, các nền văn minh Andean như Tiwanaku, các nền văn minh cận Sahara như Great Zimbabwe ngày nay, và nhiều sự sụp đổ trên khắp Quần đảo Thái Bình Dương, chẳng hạn như Đảo Phục sinh.

Cũng có khả năng những sự sụp đổ khác cũng đã xảy ra ở những xã hội chưa đạt đến mức độ phức tạp đủ để tạo ra các ghi chép bằng văn bản hoặc bằng chứng khảo cổ học.

Tìm hiểu nguyên nhân sụp đổ của các nền văn minh

Một số lượng lớn các giải thích đã được đưa ra cho từng trường hợp sụp đổ cụ thể, bao gồm một hoặc nhiều lý do sau: núi lửa, động đất, hạn hán, lũ lụt, thay đổi dòng chảy của sông, suy thoái đất (xói mòn, cạn kiệt, nhiễm mặn, v.v.); các hoạt động của con người như: phá rừng, biến đổi khí hậu, di cư của các bộ lạc, xâm lược nước ngoài, thay đổi công nghệ của vũ khí chiến tranh (chẳng hạn như sự ra đời của nghệ luyện sắt, kỵ binh, bộ binh bọc thép hoặc kiếm dài), những thay đổi trong mô hình thương mại, cạn kiệt tài nguyên khoáng sản (ví dụ: mỏ bạc), suy thoái văn hóa và suy thoái xã hội, các cuộc nổi dậy của quần chúng và nội chiến...

Tuy nhiên, những giải thích này mang tính chất riêng cho từng trường hợp sụp đổ cụ thể hơn là khám phá ra một nguyên nhân tổng quát chung nào đó. Hơn nữa, ngay cả đối với một số trường hợp cụ thể, những sự kiện này chỉ cản trở sự phát triển mà không dẫn đến sụp đổ của cả nền văn minh.

Ví dụ, xã hội Minoan đã nhiều lần trải qua những trận động đất phá hủy các cung điện và họ chỉ đơn giản là xây dựng lại chúng lộng lẫy hơn trước. Quả thực, nhiều xã hội trải qua hạn hán, lũ lụt, núi lửa, xói mòn đất và nạn phá rừng mà không gây ra sự gián đoạn xã hội lớn nào (Tainter, 1988).

Các điều kiện chính trị, kinh tế, sinh thái và công nghệ khiến các nền văn minh sụp đổ rất khác nhau. Những vụ sụp đổ riêng lẻ có thể liên quan đến một loạt các yếu tố cụ thể, với những nguyên nhân cụ thể, nhưng vẫn khó có thể đưa ra lời giải thích chung.

Có một mô hình nào gây ra sự hỗn loạn chung trong các nền văn minh không?

Trong mô hình HANDY, nhà toán học ứng dụng Safa Motesharri của Đại học Maryland khẳng định rằng “quá trình trỗi dậy và sụp đổ thực sự là một chu kỳ lặp đi lặp lại trong suốt lịch sử Trái đất; điều quan trọng là phải thiết lập một cách giải thích chung về quá trình này”.

Một nghiên cứu gần đây (Shennan và cộng sự, 2013) về thời kỳ đồ đá mới ở châu Âu đã chỉ ra rằng “trái ngược với tốc độ tăng trưởng dân số ổn định, việc phát triển nông nghiệp ở châu Âu kéo theo mô hình bùng nổ và sụp đổ đối với dân số trong khu vực”.

“Hầu hết các khu vực đều có nhiều hơn một mô hình bùng nổ - sụp đổ về dân số”, và ở hầu hết các khu vực, dân số giảm “ở mức 30–60%”. Các tác giả cũng lập luận rằng, thay vì biến đổi khí hậu hay bệnh tật, thời điểm và bằng chứng chỉ ra nguyên nhân nội sinh.

Nguyên nhân chung dẫn đến sự sụp đổ ở 19 trên 23 trường hợp được nghiên cứu, cho thấy khả năng “tăng trưởng dân số nhanh chóng do sự phát triển nông nghiệp gây ra dẫn đến mức xã hội không bền vững”.

“Sự sụp đổ của Đế chế La Mã, Nhà Hán, Mauryan, và Gupta, cũng như rất nhiều các Đế chế khác ở Lưỡng Hà, đều là bằng chứng cho thực tế rằng các nền văn minh tiên tiến, phức tạp và sáng tạo có thể vừa mong manh vừa vô thường.”

Hơn nữa, thông qua phân tích wavelet của dữ liệu khảo cổ học đã chỉ ra rằng độ dài trung bình của các chu kỳ bùng nổ và sụp đổ như vậy chỉ là khoảng 300–500 năm.

Motesharri cho biết trong nghiên cứu: “Thay đổi công nghệ có thể nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, nhưng nó cũng có xu hướng tăng cả mức tiêu thụ tài nguyên và quy mô khai thác tài nguyên; do đó, nếu không có tác động của các chính sách chung hợp lý, mức tăng tiêu thụ tài nguyên thường dẫn đến vượt quá nguồn cung tài nguyên.”

Sự thiếu hụt nguồn cung cấp tài nguyên để đáp ứng nhu cầu của con người, sự suy giảm dân số và sự phân tầng kinh tế mạnh mẽ, hoàn toàn có thể là nguyên tổng quát chung dẫn đến sự sụp đổ của bất kỳ nền văn minh nào.

Nền văn minh hiện tại của chúng ta thì sao?

Điều này đặt ra câu hỏi liệu nền văn minh hiện đại của chúng ta hiện nay có dễ bị ảnh hưởng tương tự hay không. Có thể tin rằng nền văn minh hiện đại, được trang bị năng lực công nghệ, kiến thức khoa học và nguồn năng lượng lớn hơn, sẽ có thể tồn tại và chịu đựng được các cuộc khủng hoảng về nguồn tài nguyên.

Nhưng sự phân tầng xã hội gây ra các mâu thuẫn xã hội vẫn luôn hiện hữu, có thể sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường. Vì vậy nhân loại cần có một chiến dịch nào đó để mỗi chính phủ và người dân trên hành tinh này đều thực hiện cuộc sống vui vẻ, với phong thái đạo đức cao và không dẫn đến bất cứ cuộc chiến tranh nào nữa.

Theo Ancient Code



BÀI CHỌN LỌC

Hơn 30 nền văn minh tiên tiến đã sụp đổ trước đây - chúng ta thì sao? Một nghiên cứu của NASA