“Vén màn bí ẩn văn minh tiền sử”: Những phát hiện khảo cổ đủ để thay đổi sách giáo khoa

Giúp NTDVN sửa lỗi

Từ những di tích khảo cổ đã phát hiện, không ít người nảy sinh nghi vấn lớn trong tâm: Vì sao những phát hiện khảo cổ này lại khác biệt quá lớn với nhận thức của chúng ta, thậm chí mâu thuẫn với sách giáo khoa trong trường học?

Có lẽ đa số quý độc giả cũng cảm thấy hoài nghi: Nếu thực sự có quá nhiều chứng cứ chứng minh rằng văn minh nhân loại đã tồn tại từ hàng trăm triệu năm trước, vậy vì sao đại chúng lại không biết?

Theo sách giáo khoa chúng ta đã học từ khi còn nhỏ thì văn minh nhân loại có lịch sử không quá 10.000 năm. Nếu vậy thì vì sao từ hàng triệu năm trước đã xuất hiện các công cụ kim loại và những dấu vết của nền văn minh?

Hàng loạt câu hỏi trên cho chúng ta cơ hội nghiên cứu và xem xét lại các lý luận và học thuyết về lịch sử loài người. Nhưng đáng tiếc là rất nhiều nhà khoa học lại không coi trọng vấn đề này, đơn giản vì những phát hiện ấy đi ngược lại học thuyết mà họ rao giảng, và vì chúng thách thức cả mô hình thuyết tiến hóa của Darwin. Các lý luận và học thuyết xuất phát từ tiến hóa luận đã tồn tại hơn 100 năm qua và có ảnh hưởng sâu sắc đến khoa học và xã hội hiện đại. Nhiều nhà khoa học bị đóng khung trong những học thuyết ấy và không thể tiến xa hơn. Quan niệm ấy khiến họ không dám tiếp nhận những gì nằm ngoài thuyết tiến hóa, khiến họ hoàn toàn phản đối những khám phá này.

Dưới đây chúng tôi sẽ đưa ra một vài ví dụ:

Cố tình che giấu sự thật

Năm 1880, nhà địa chất J.D. Whitney đến từ California đã cho xuất bản một bài báo dài, trong đó mô tả các công cụ được tìm thấy trong những mỏ vàng tại California, Mỹ. Những công cụ này bao gồm mũi giáo, bát đá và chày đá. Chúng nằm sâu trong các hầm mỏ, bên dưới lớp dung nham núi lửa vẫn còn nguyên vẹn với niên đại từ 9 triệu đến 55 triệu năm.

Các nhà địa chất xác nhận rằng lớp dung nham này có thể đã hình thành từ 9 triệu đến 55 triệu năm trước. Nhưng ông W.H. Holmes, một thành viên của Smithsonian Institution, đồng thời là nhà phê bình nổi tiếng trên kênh “Khám phá California”, lại cho rằng:

"Có lẽ nếu giáo sư Whitney đánh giá đầy đủ câu chuyện về sự tiến hóa của loài người theo cách hiểu ngày nay, thì ông ấy sẽ do dự khi công bố kết luận (rằng con người đã tồn tại ở Bắc Mỹ từ hàng chục triệu năm trước), bất chấp hàng loạt bằng chứng hùng hồn mà ông phải đối mặt".

Do đó, mặc dù bằng chứng của Whitney rất thuyết phục nhưng vẫn phải bị bác bỏ.

Nói cách khác, nếu những khám phá mới không phù hợp với quan niệm phổ biến hiện nay thì cho dù bằng chứng có thuyết phục đến đâu, chúng vẫn sẽ bị bài xích và không được dòng khoa học chủ lưu chấp nhận. Những khám phá khảo cổ quan trọng này phải chịu số phận như các dữ liệu “dưới gầm bàn” chứ không thể tiết lộ ra công chúng.

Thái độ trên đã vùi dập nhiệt huyết đi tìm kiếm sự thật trong giới khoa học, đồng thời cũng cổ vũ một cách mù quáng đối với những lý thuyết có thẩm quyền.

Ngoài việc bác bỏ những bằng chứng thách thức học thuyết chính thống, một số người còn tạo ra các chứng cứ giả để bảo vệ các học thuyết đương đại, trong đó nổi tiếng nhất là vụ lừa đảo Piltdown Man.

Trò lừa Piltdown Man

Sau khi thuyết tiến hóa ra mắt, chỉ có một số ít di cốt người tiền sử được tìm thấy. Nổi tiếng nhất là người Neanderthal năm 1856, người Java năm 1891 và hàm dưới của Mauer năm 1907. Giới khoa học cho rằng đó là các hình thức chuyển tiếp đến con người hiện đại, nhưng số bằng chứng quá thưa thớt dẫn đến cả một loạt cách giải thích khác nhau, cũng như nghi vấn về con đường tiến hóa tới loài người hiện đại.

Kể từ khi hóa thạch người Neanderthal được phát hiện lần đầu vào năm 1856, cuộc chạy đua tìm kiếm hóa thạch của tổ tiên loài người đã liên tục diễn ra. Trong nửa thế kỷ tiếp theo, người ta đã tìm thấy một số hóa thạch khác nhau ở lục địa châu Âu và châu Á, nhưng vẫn còn một "mắt xích bị thiếu". Mắt xích ấy cần phải là người vượn già hơn người Neanderthal, có thể kết nối trực tiếp người hiện đại với thú vật nguyên thủy.

Tranh vẽ các nhà khoa học như G. Elliot Smith, Charles Dawson, Arthur Smith Woodward trong quá trình kiểm tra hộp sọ Piltdown Man (Tranh vẽ của John Cooke, 1915, ảnh trên Wikipedia)
Tranh vẽ các nhà khoa học như G. Elliot Smith, Charles Dawson, Arthur Smith Woodward trong quá trình kiểm tra hộp sọ Piltdown Man (Tranh vẽ của John Cooke, 1915, ảnh trên Wikipedia)

Đầu thế kỷ 20, một nhà sưu tập nghiệp dư là Charles Dawson đã phát hiện thấy một số hộp sọ người ở Piltdown. Không lâu sau, nhà cổ sinh vật học Arthur Smith Woodward đến từ Bảo tàng Anh quốc cùng với Pierre Teilhard de Chardin đã tham gia cùng Dawson trong các cuộc khai quật.

Họ tìm thấy một xương hàm vượn Orangutan và vài mẫu hóa thạch động vật có vú cổ đại. Dawson và Woodward nghĩ rằng, nếu ghép hộp sọ người Piltdown với xương hàm Orangutan, họ sẽ tạo ra một hóa thạch người nguyên thủy có vào đầu kỷ Pleistocene hay cuối kỷ Pliocene, và sự nhào nặn này sẽ là bằng chứng mạnh mẽ chứng minh thuyết tiến hóa. Họ lập tức công bố phát hiện về Piltdown Man cho giới khoa học. Trong bốn thập kỷ tiếp theo, Piltdown Man vẫn được chấp nhận như một khám phá đích thực và hòa nhập vào dòng tiến hóa của loài người.

Tuy nhiên, vào năm 1953, nhà cổ sinh vật học tại Bảo tàng Anh là Kenneth Oakley cùng với hai nhà giải phẫu học tại Oxford là Joseph S. Weiner và Wilfred Le Gros Clark đã phát hiện ra những dấu hiệu giả mạo rõ ràng: Hàm là của một con đười ươi hiện đại, những chiếc răng hàm và chiếc răng nanh đi lạc đã được mài phẳng để khiến chúng trông giống người hơn, và xương sọ là của một người hiện đại. Tất cả xương đều được ngâm trong dung dịch làm cứng và tạo ra vết ố khiến chúng trông rất cổ xưa. Sau này, câu chuyện trinh thám vạch trần vụ lừa đảo Piltdown Man cũng được J.S. Weiner nhắc lại trong một cuốn sách của ông.

J.S. Weiner cho rằng Piltdown Man là một trò lừa bịp cực kỳ thông minh được thực hiện bởi những người có chuyên môn khoa học, như: Arthur Smith Woodward từ Bảo tàng Anh, Arthur Keith từ Bảo tàng Hunterian thuộc Đại học Hoàng gia, William Sollas từ Viện Địa chất Cambridge, nhà giải phẫu học nổi tiếng Grafton Eliot Smith, cũng như Dawson và Pierre Teilhard de Chardin. Đây đều là những chuyên gia rất được trọng vọng!

Trên trang bìa của "The Piltdown Forgery", J.S. Weiner đã viết đầy mai mỉa: "Nếu người đàn ông Piltdown không tồn tại thì 'chúng ta phải phát minh ra anh ta'". Nếu một liên kết bị thiếu được tìm thấy, điều đó sẽ chứng minh rằng con người đã tiến hóa từ cùng một tổ tiên với loài vượn hiện đại!

Hình ảnh Piltdown Man được dựng lại và đặt tên là Eoanthropus dawsoni (Ảnh: Wikipedia)

Sau khi vạch trần vụ lừa đảo nói trên, J.S. Weiner cho rằng: “Đằng sau tất cả những điều đó, chúng ta đều cảm nhận được một động cơ mạnh mẽ và thôi thúc... Có thể đã có một mong muốn điên cuồng là hỗ trợ học thuyết về sự tiến hóa của loài người bằng cách cung cấp mối liên kết còn thiếu và cần thiết... Piltdown có thể đã mang lại sức hấp dẫn không thể cưỡng lại đối với một nhà sinh vật học cuồng tín nào đó.”

Không chỉ Piltdown Man, những vụ lừa đảo tương tự cũng cho thấy một số nhà khoa học đã tìm mọi cách để bù đắp lỗ hổng trong học thuyết hiện đại chỉ để đạt được chỗ đứng trong cộng đồng khoa học. Nếu các khoa học gia có thể xem xét mọi bằng chứng với thái độ khách quan và chính trực, những nghiên cứu như vậy sẽ tiết lộ bộ mặt thật của lịch sử.

Nỗi buồn Sheguiandah

Vào đầu thập niên 50 của thế kỷ XX, nhà khảo cổ Thomas E. Lee thuộc Bảo tàng Quốc gia Canada đã phát hiện những công cụ bằng đá tiên tiến nằm bên dưới lớp trầm tích từ kỷ Băng hà ở khu vực Sheguiandah trên đảo Manitoulin, phía bắc hồ Huron, Canada.

Nhà địa chất học John Sanford đến từ Đại học Wayne University cho rằng: Trong những cổ vật được phát hiện, tạo vật cổ xưa nhất có không dưới 65.000 năm lịch sử, thậm chí rất có thể có 125.000 năm tuổi. Tuy nhiên, đối với rất nhiều người thì niên đại quá xa xưa như vậy là không thể tin được.

Sau đó, Lee người phát hiện ra di chỉ này đã bị buộc phải rời khỏi vị trí công tác, phải chịu cảnh thất nghiệp suốt một thời gian dài. Những ấn phẩm xuất bản của ông bị cấm, tất cả mọi chứng cứ cũng bị tùy ý loạn dụng, hàng tấn cổ vật tiền sử bị ném vào kho lưu trữ của Bảo tàng Quốc gia Canada. Người quản lý chính của bảo tàng vì phản đối quyết định sa thải Lee mà phải chịu liên lụy, sau đó ông cũng bị khai trừ, buộc phải rời khỏi quê hương.

Không chỉ vậy, các quan chức có thẩm quyền còn áp chế sáu mẫu vật Sheguiandah mà họ chưa kịp che đậy và chuyển đổi địa điểm khảo cổ Sheguiandah thành khu du lịch. Đồng thời, họ viết lại tất cả các sách liên quan và tuyên bố với ngoại giới rằng: Những nhân vật có tiếng tăm ở đây hoàn toàn không biết gì về sự việc này. Đối với họ mà nói, sự việc này nhất định phải bị phong sát, và họ xác thực đã làm như vậy.

"Nguồn gốc bí ẩn của loài người"

Năm 1999, hãng truyền hình NBC của Mỹ phát sóng bộ phim khoa học “Mysterious Origins of Man” (Nguồn gốc bí ẩn của loài người), tiết lộ rất nhiều công trình khảo cổ chưa được biết đến, ví dụ như: Phát hiện dấu chân khủng long cùng với hóa thạch dấu chân người, xương đùi người 320 triệu năm, quả cầu sắt nhân tạo từ 2,8 tỷ năm, v.v. Ngay sau khi phát sóng, chương trình nhận được sự hưởng ứng nhiệt liệt từ đông đảo công chúng xem truyền hình.

Nhưng khác với tâm lý hiếu kỳ của đại chúng, rất nhiều nhà khoa học trứ danh cũng lần lượt lên tiếng phản đối. Họ gọi ê-kíp làm chương trình là “một lũ dối trá”, “toàn bộ bộ phim đều là rác rưởi”, “hoàn toàn không có giá trị”, v.v. Ngoài những phản hồi đầy cảm tính này, gần như không có nhà khoa học nào tiến hành thảo luận và nghiên cứu chuyên sâu hơn để làm rõ sự thực. Có lẽ bạn tin rằng các khoa học gia đều rất lý trí, nhưng khi động chạm đến những lý luận mà họ tin tưởng, một số người cố chấp sẽ phản đối kịch liệt mà hoàn toàn không suy nghĩ sâu thêm.

Trên thực tế, một học thuyết thường sẽ khó tránh khỏi bị nghi ngờ khi mới được đưa ra. Thuyết tiến hóa từng đối mặt với tình huống tương tự khi nó lần đầu tiên ra mắt công chúng, điểm khác biệt duy nhất là nó nhận được nhiều nghiên cứu tiếp theo hơn. Tuy nhiên, cơ sở cho nghiên cứu về thuyết tiến hóa có thể đã bị thay đổi, bởi vì họ không xem xét mọi bằng chứng một cách khách quan, mà cố ý loại bỏ những bằng chứng mâu thuẫn với sự tiến hóa. Tuy nhiên, nếu tỉ mỉ khảo sát và so sánh nhiều phát hiện khảo cổ, chúng có thể chỉ ra điểm hạn chế của các học thuyết hiện đại về sự phát triển của loài người. Nếu chúng ta có thể liên kết những khám phá khảo cổ như dấu chân người, di tích cổ sinh vật học, di sản văn hóa thời tiền sử và thậm chí cả lịch sử tôn giáo, thì chúng ta có thể xây dựng một con đường khác về sự phát triển của loài người.

Ví dụ như, trong kinh Phật viết rằng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã đắc Đạo từ hàng ức kiếp về trước, hay nói cách khác, người tu luyện cổ đại cho rằng nhân loại đã có lịch sử hàng trăm triệu năm. Tất nhiên, kết luận này vẫn cần được nghiên cứu thêm, nó nhắc nhở chúng ta rằng nếu con người sẵn sàng thay đổi thái độ và quan niệm của mình, thì một con đường rộng lớn hơn sẽ mở ra trước mắt. Tất nhiên, nghiên cứu này rất đáng để đầu tư thời gian và công sức!

Nếu con người không tiến hóa từ vượn, nếu những di tích tiền sử từ hàng chục triệu năm trước thực sự được lưu lại từ các chu kỳ văn minh khác nhau, thì những phát hiện này có thể giúp chúng ta giải mã về nhân loại tiền sử, rằng loài người đã phát triển như thế nào, đạt đỉnh điểm và sau đó đi tới hủy diệt ra sao. Điều này không chỉ giúp chúng ta hiểu thêm về chính mình mà còn đưa chúng ta tới một tương lai tươi sáng hơn.

Theo Epoch Times
Minh Tâm biên dịch

Tài liệu tham khảo:



BÀI CHỌN LỌC

“Vén màn bí ẩn văn minh tiền sử”: Những phát hiện khảo cổ đủ để thay đổi sách giáo khoa