“Vén màn bí ẩn văn minh tiền sử”: Bí mật nền văn minh Maya

Giúp NTDVN sửa lỗi

Từ những tàn tích cự thạch và vô số tác phẩm nghệ thuật còn sót lại, người ta phát hiện trình độ công nghệ và kỹ thuật của Maya đã đạt đến mức cao siêu nằm ngoài tầm với của công nghệ ngày nay. 

Xem lại: “Vén màn bí ẩn văn minh tiền sử”: Lời nói đầu

Nhắc đến văn minh Maya, trong ấn tượng chúng ta thường hiện ra hình ảnh về một nhóm người Anh-điêng (Indians) trong trang phục lông chim sặc sỡ, đứng thành vòng tròn tiến hành các nghi thức thần bí dưới ánh trăng.

Maya là tên gọi chung để chỉ một nhóm sắc tộc sống ở vùng Trung Mỹ, nền văn minh của họ đã đạt được nhiều thành tựu vượt bậc về cả nghệ thuật, kiến ​​trúc, toán học, lịch pháp, và chiêm tinh học. Trong những khu rừng rậm âm u hẻo lánh ngày nay, người ta vẫn còn phát hiện tàn tích về các điện thờ thần bí của người Maya. Từ những tàn tích cự thạch và vô số tác phẩm nghệ thuật còn sót lại, người ta phát hiện trình độ công nghệ và kỹ thuật của Maya đã đạt đến mức cao siêu nằm ngoài tầm với của công nghệ ngày nay.

Hôm nay, chúng ta hãy ngược dòng thời gian để cùng khám phá những bí ẩn về dân tộc và nền văn minh huy hoàng của Maya.

Vào thế kỷ XVI, Đế quốc Tây Ban Nha bắt đầu khai phá Trung Bộ châu Mỹ và tiến hành các chiến dịch xâm lược dồn dập, dẫn đến sự sụp đổ của thị quốc NojPetén vào năm 1697, đặt dấu một chấm hết cho lịch sử nghìn năm văn hiến của dân tộc Maya.

(Quân Tây Ban Nha đánh chiếm Quahtemallan, Ảnh: Lienzo de Tlaxcala / Wikipedia)

Lúc ấy, các bộ lạc thổ dân Trung Mỹ và Nam Mỹ đang sống cuộc sống nông nghiệp thô sơ, hoàn toàn không có sức kháng cự trước tàu thuyền và súng ống của người phương Tây. Người Tây Ban Nha không chỉ mang súng đạn mà còn đem theo cả tín ngưỡng đến vùng đất này. Theo đoàn quân viễn chinh còn có hai nhà truyền giáo, họ cho rằng thổ dân bản địa mê tín vào Vu thuật nên đã đốt lửa thiêu hủy toàn bộ điển tịch cổ xưa mà người bản địa cất giữ.

Đáng tiếc là, những cuốn cổ thư ấy không phải Vu thuật, mà là kho tàng tri thức cổ xưa đã được truyền từ đời này qua đời khác, bên trong ghi chép tường tận về nền văn hóa và những thành tựu khoa học của họ lúc đương thời. Âu cũng là Thiên ý, tất cả những bí ẩn về một thời vàng son giờ chỉ còn tro bụi! Ngày nay khi nghiên cứu văn minh Maya, người ta chỉ có thể chắp vá từ những mảnh vụn còn sót lại để biết được sự rực rỡ của Maya khi ấy.

Di tích cự thạch trong rừng sâu

Có thể nói, kim tự tháp Maya là kiến trúc kim tự tháp trứ danh nhất chỉ đứng sau kim tự tháp Ai Cập. So với đại kim tự tháp của Ai Cập, kim tự tháp Maya thấp hơn một chút, cũng được xây dựng từ những viên cự thạch chồng xếp lên nhau. Nhưng nếu như kim tự tháp của Ai Cập có màu vàng kim, đáy hình tứ giác, bốn mặt là hình tam giác, đỉnh hình chóp nhọn… thì kim tự tháp Maya lại có màu trắng xám, đỉnh tháp bằng phẳng, trên cùng là điện thờ để tế Thần. Bốn mặt kim tự tháp có bốn cầu thang dài, mỗi cầu thang gồm 91 bậc, tổng cộng bốn cầu thang thêm vào một bậc thang ở trên cùng là 365 bậc (91×4+1 = 365), bằng với số ngày trong một năm.

Người Maya đặc biệt chú trọng các chữ số thiên văn, bất cứ kiến trúc nào cũng đều thể hiện các con số liên quan đến quy luật vận hành của thiên thể. Mỗi mặt kim tự tháp có 52 phù điêu (52 panels), đại biểu cho số năm cần thiết để lặp lại một ngày tròn (Calendar Round date) theo lịch Maya.

Đài thiên văn Maya cũng là kiến trúc vô cùng đặc sắc. Xét cả về chức năng hay hình thức thì đài thiên văn Maya rất giống với đài thiên văn hiện nay. Nổi tiếng nhất là đài thiên văn El Caracol nằm ở Chichén Itzá, thuộc phía đông Mexico ngày nay.

(Đài thiên văn El Caracol. Ảnh: Wikipedia)

Nằm trên nền kiến trúc vuông với các bậc thang từng bước từng bước dẫn lên bình đài rộng lớn là một tòa nhà hình trụ gọi là El Caracol. Cái tên “El Caracol” nghĩa là ‘con ốc sên’, bên trong có cầu thang đá xoắn. Công trình này là một đài quan sát thiên văn hình trụ, bên trên là phần mái hình bán cầu, trong thiết kế đài thiên văn hiện nay, mái che này là chỗ kính viễn vọng nhìn ra ngoài để quan sát thiên thể.

Bốn cửa ở tầng trệt đối ứng với bốn phương vị, kết hợp với cửa sổ và hành lang hình thành nên sáu vị trí quan sát thiên văn. Trong đó, các cửa được dùng để quan sát thời điểm xuân phân, những điểm lệch lớn nhất của Mặt Trăng ở phía bắc và phía nam, và các sự kiện thiên văn khác. Người Maya lợi dụng bóng râm do ánh sáng Mặt Trời chiếu qua cửa để dự đoán thời điểm xảy ra các điểm Hạ chí, Đông chí. Quanh góc của El Caracol là những chiếc chén đá lớn được đổ đầy nước để quan sát ánh phản chiếu của các ngôi sao trên bầu trời.

El Caracol là đài quan sát thiên văn lớn nhất từng được phát hiện, một số di tích khác cũng có những kiến trúc tương tự. Giới khảo cổ cho rằng các nhà thiên văn Maya đã kiến lập được một mạng lưới quan trắc thiên văn rộng lớn có tính toàn khu vực.

Ví dụ nói về kim tự tháp Maya, các khối đá cực lớn đã được đẽo tạc như thế nào, vận chuyển vào sâu trong rừng ra sao, và làm thế nào để xếp những khối đá nặng mấy chục tấn ấy chồng khít lên nhau, đạt đến độ cao lên tới 70m! Nếu không có mạng lưới giao thông tiên tiến và thiết bị nâng hiện đại thì khó có thể thực hiện được nhiệm vụ này. Những người Maya sinh sống trong rừng rậm từ mấy ngàn năm trước, vì sao có thể xây dựng được mạng lưới quan trắc thiên văn rộng lớn đến nhường ấy?

Lịch sử ghi chép rằng, kính viễn vọng được Galileo phát minh vào thế kỷ XVII, sau đó bắt đầu xuất hiện một số đài thiên văn quy mô lớn. Có thể nói, mãi đến thời cận đại con người mới có ý tưởng về mạng lưới quan trắc thiên văn, quan niệm ấy có thể nói là đã rất tiên tiến rồi. Vậy mà ý tưởng ấy lại được người Maya thực hiện từ gần 4000 năm trước! Từ đó có thể thấy trình độ khoa học kỹ thuật của họ không hề thua kém so với ngày nay.

Lịch pháp thiên văn đã thất truyền

Chúng ta học về các con số từ thời tiểu học, và không ai trong chúng ta cho đó là điều gì xuất sắc! Tuy nhiên, chính nhờ sự sắp xếp của mười con số 0, 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9 mà chúng ta có thể nhận biết và miêu tả về thế giới xung quanh, rất nhiều kiến thức về tự nhiên và khoa học nhờ đó mà trở nên trực quan, dễ hiểu hơn bao giờ hết. Nhưng bạn có biết không, vào thời cổ đại người châu Âu không có khái niệm về con số giản đơn như thế, khái niệm về số 0 mãi sau này mới được người Ả rập mang từ Ấn Độ đến châu Âu. Người Hy Lạp rất giỏi phát minh, nhưng khi chưa có con số họ phải dùng chữ cái để biểu thị số lượng. Người La Mã đã biết sử dụng số, nhưng họ phải dùng đồ hình với bốn ký tự để đại biểu.

Khi các nhà khảo cổ nghiên cứu hệ thống số của người Maya, họ phát hiện cách biểu đạt chữ số Maya cũng kỳ diệu như phím trên bàn tính. Người Maya sử dụng ba phù hiệu: một chấm, một vạch ngang, và một hình vỏ sò đại biểu cho số 0. Kết hợp ba phù hiệu này sẽ có thể biểu thị bất kỳ chữ số nào, thậm chí cả các chữ số thiên văn, nguyên lý kết hợp cũng tương tự với “hệ nhị phân” được ứng dụng trong máy vi tính hiện nay.

File:Maya.svg
Chữ số của người Maya (Ảnh: Wikimedia)

Lịch pháp của người Maya vô cùng phức tạp, mỗi lịch pháp khác nhau lại có một chu kỳ khác nhau: Lịch Tzolkin có chu kỳ 260 ngày, lịch Thái dương có chu kỳ 365 ngày, lịch Thái âm có chu kỳ 6 tháng, Thái âm Nguyệt lịch lấy 29 hoặc 30 ngày làm chu kỳ, v.v. Người hiện đại thông qua quan trắc thiên văn biết rằng một năm có 365,2422 ngày, nhưng từ xa xưa người Maya đã tính ra một năm có 365,2420 ngày, có thể nói đã đạt đến độ chính xác rất cao.

Người Maya tính toán rằng, thời gian Trái Đất quay một vòng quanh Mặt Trời là 365,2420 ngày, xác suất sai số chỉ có 1 ngày trong 5000 năm. Cách tính của người Maya chính xác hơn 1200 lần so với lịch của người Ai Cập, hơn 40 lần so với lịch Julius và chính xác hơn 1,5 lần so với lịch Gregory mà chúng ta đang dùng hiện nay.

Người Maya đã đưa ra công thức sao Kim nổi tiếng:

Mặt Trăng: 20×13 = 260 260×2×73 = 37.960

Mặt Trời: 8×13 = 104 104×5×73 = 37.960

Sao Kim: 5×13 = 65 65×8×73 = 37.960

Theo công thức trên, chu kỳ của các vì tinh tú là 37.960, nghĩa là cứ sau 37.960 ngày chúng sẽ gặp nhau trên cùng một đường thẳng, khi ấy vị Thần sẽ đến một nơi yên bình để nghỉ ngơi.

Người Maya phát hiện rằng, trải qua 8 năm địa cầu (8 năm = 2920 ngày) thì sao Kim đi được 5 vòng quanh Mặt Trời. Lấy 2920 ngày chia cho 5 vòng thì mỗi vòng là 584 ngày, như vậy một năm sao Kim có 584 ngày, trong khi năm Trái Đất là 365 ngày. Ngày nay, các nhà khoa học tính toán được con số ấy là 583,92 ngày, tỷ lệ sai số chưa đến 12 giây/ngày, 6 phút/tháng. Cách chúng ta mấy ngàn năm, người Maya đã tính toán ra lịch sao Kim với độ chính xác cao như thế thực là việc khó có thể nghĩ bàn.

Các đơn vị tính thời gian của người Maya vô cùng đáng kinh ngạc, có thể biểu thị các con số thiên văn:

1 unial = 20 ngày

18 unial = 360 ngày = 1 tun (khoảng 1 năm)

20 tun = 7200 ngày = 1 katun (khoảng 20 năm)

20 katun = 144.000 ngày = 1 baktun (khoảng 394 năm)

20 baktun = 2.880.000 ngày = 1 pictun (khoảng 7885 năm)

20 pictun = 57.600.000 ngày = 1 calabtun (khoảng 158.000 năm)

20 calabtun = 1.152.000.000 ngày = 1 kinchiltun (khoảng 3 triệu năm)

20 kinchiltun = 23.040.000.000 ngày = 1 alautun (khoảng 63 triệu năm)

Vì sao phải cần đến những đơn vị số lớn đến như thế? Đơn vị này lớn đến mức ngay cả người hiện đại cũng không sử dụng tới. Dùng nhãn quan của khoa học hiện nay mà xét, con số lớn như thế thường chỉ ứng dụng trong lĩnh vực thiên văn. Các nhà thiên văn học cần dùng đơn vị số rất lớn để biểu thị khoảng cách giữa các thiên hà, chỉ có “chữ số thiên văn” mới lớn đến như thế.

Dự ngôn Maya

Trong hệ thống lịch Maya có một loại lịch pháp gọi là “Tzolkin”, lịch Tzolkin lấy chu kỳ 260 ngày làm một năm. Điều kỳ lạ là không có hành tinh nào trong Thái Dương hệ có chu kỳ này. Căn cứ theo lịch Tzolkin, nếu quả thực có một hành tinh chuyển động theo chu kỳ 260 ngày thì vị trí của hành tinh ấy sẽ nằm ở giữa sao Kim và Trái Đất. Biểu tượng này biểu đạt hạch tâm Ngân Hà mà người Maya miêu tả, nó cũng tương tự với đồ hình âm dương Thái Cực mà chúng ta quen thuộc.

Có học giả tin rằng, lịch Tzolkin ghi chép quy luật vận hành của “mùa Ngân Hà”. Theo lịch Tzolkin, Trái Đất hiện đang ở “kỷ Mặt Trời thứ 5”, cũng là kỷ Mặt Trời cuối cùng. Trong thời kỳ mùa Ngân Hà, hệ Mặt Trời của chúng ta đang trải qua đại chu kỳ kéo dài hơn 5100 năm, từ năm 3113 TCN đến năm 2012 SCN. Trong đại chu kỳ này, hệ Mặt Trời bao gồm cả Trái Đất của chúng ta sẽ đi qua một chùm tia vũ trụ phát ra từ trung tâm của hệ Ngân Hà. Đường kính mặt cắt ngang của chùm tia này là 5125 năm, nói cách khác, Trái Đất cần 5125 năm mới đi qua chùm tia này.

(Sự vận động của hệ mặt trời trong Baktun thứ 13 theo lịch pháp Maya. Zhengjian)

Người Maya phân chia “đại chu kỳ” thành 13 giai đoạn, quá trình diễn hóa của mỗi giai đoạn đều được ghi chép vô cùng chi tiết. Trong đó, mỗi giai đoạn lại phân thành 20 thời kỳ diễn hóa, mỗi thời kỳ kéo dài ước chừng 20 năm.

Quá trình tuần hoàn nói trên cũng tương tự với “Thiên can” và “Địa chi” của người phương Đông, toàn bộ lịch pháp là một vòng tuần hoàn vô tận chứ không giống như năm kỷ nguyên của phương Tây vốn chỉ là một đường thẳng không có điểm dừng. Người Maya cho rằng, từ khi sáng thế, Trái Đất đã trải qua bốn kỷ Mặt Trời. Khi các ngôi sao trong hệ Mặt Trời hoàn thành xong đại chu kỳ dưới tác dụng của chùm tia Ngân Hà thì sẽ phát sinh một biến hóa to lớn, người Maya gọi đó là “đồng hóa hệ Ngân Hà”.

Đại chu kỳ trong dự ngôn Maya đã đi gần đến điểm kết thúc. Trong khoảng thời gian 20 năm từ 1992 đến 2012, Trái Đất đã tiến nhập vào thời kỳ cuối cùng của giai đoạn cuối cùng trong đại chu kỳ. Người Maya cho rằng đây là thời khắc then chốt ngay trước giai đoạn “đồng hóa hệ Ngân Hà”, vì khi ấy Địa Cầu sẽ canh tân, Trái Đất sẽ đạt đến sự tịnh hóa hoàn toàn. Sau thời kỳ canh tân, Trái Đất sẽ bước ra khỏi chùm tia Ngân Hà và tiến nhập vào giai đoạn mới: “đồng hóa hệ Ngân Hà”.

Trong hoàn cảnh ô nhiễm nghiêm trọng, thiên tai nhân họa liên tiếp xảy ra như ngày nay, rốt cuộc dự ngôn của người Maya muốn nhắc nhở chúng ta điều gì?

Phù điêu hỏa tiễn

Trải qua nhiều năm nghiên cứu, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy không ít văn vật Maya, rất nhiều trong số ẩn chứa nội hàm và ý nghĩa thâm sâu mà người ngày nay khó có thể lý giải tường tận. Và điều khiến người ta kinh ngạc nhất là, trong đó có những bằng chứng cho thấy công nghệ của người Maya rất gần với khoa học kỹ thuật mũi nhọn ngày nay.

undefined
(Ảnh ngôi đền “The Temple of the Inscriptions”. Wikipedia)

Từ năm 1948 đến 1952, nhà khảo cổ học người Mexico là Alberto Ruz Lhuillier đã phát hiện những văn tự và hình khắc trong Thần điện “The Temple of the Inscriptions” (tên tiếng Việt: Ngôi đền của những câu khắc). Trên bức tường đá trong thạch thất khổng lồ, Lhuillier tìm thấy hình khắc về chín vị Thần quan ăn vận quý phái và bức phù điêu về một vị thanh niên đội trang sức trên đầu. Sau khi quan sát kỹ lưỡng, ông phát hiện hình vẽ trên bức phù điêu rất tương đồng với tàu vũ trụ hiện nay.

Đồ hình trên phù điêu mô tả một thanh niên đang vận hành cỗ máy cơ khí, trên đó có những thứ giống như khí cụ đo lường và nhiều thiết bị tinh xảo khác. Người thanh niên đang cúi lưng và khụy gối, hai tay đang vận hành một số cần điều khiển, bàn tay ở vị trí cao hơn đang điều chỉnh một thứ trông giống như tay cầm, còn bàn tay ở vị trí thấp hơn đang thao tác bảng điều khiển, hai mắt nhìn về phía trước, bàn chân trái đặt trên bàn đạp. Phía sau người thanh niên là một thiết bị tương tự với động cơ đốt trong, từ vỏ động cơ có thể thấy đang phóng ra tia lửa.

Bức tranh một phi hành gia lái tàu vũ trụ
Bức phù điêu trong Thần điện: Cửa khí nạp, ống xả, cần điều khiển, bàn đạp, bánh lái, ăng-ten, ống mềm và các loại khí cụ khác nhau của tàu vũ trụ vẫn có thể nhìn thấy rõ. (Ảnh qua: annoyzview.wordpress.com)

Những phát hiện của Giáo sư Lhuillier có quan hệ mật thiết với văn tự khắc trên bia đá của người Maya. Trong các văn tự đã được giải đọc có một đoạn mô tả như sau: “Đứa con của Mặt Trời màu trắng, phỏng theo Thần Sấm phun ra lửa từ trong hai tay…”.

Suy nghĩ kỹ hơn một chút, bức phù điêu này có nhiều điểm tương đồng với cảnh tàu vũ trụ hạ cánh trên Mặt Trăng. Nếu quả thực bức phù điêu mô phỏng cỗ máy mà người Maya kiến tạo, vậy chứng tỏ họ đã có năng lực thám hiểm không gian vũ trụ. Có lẽ những lịch pháp có độ chính xác cao kể trên là công cụ, cũng có thể là thành quả từ những chuyến du hành không gian của người Maya.

Những hộp sọ pha lê

Sau khi nền văn minh Maya biến mất và trước khi nền văn minh hiện đại xuất hiện, nhà tiên tri đại tài người Pháp Nostradamus đã viết trong cuốn sách tiên tri “Các Thế Kỷ” nổi tiếng của ông rằng: “…mười ba hộp sọ pha lê sẽ dẫn bạn tìm đến ‘đại lục thứ 6’ bị thất lạc…”

Tổ tiên người Maya cũng có truyền thuyết về 13 hộp sọ pha lê, rằng chúng biết nói chuyện, ca hát, và ẩn giấu những trí tuệ bí mật. Câu chuyện kỳ lạ ấy đã được người đời sau ví như truyện cổ tích Thần thoại. Mãi tới đầu những năm 1990, hai nhà làm phim người Anh đã tìm thấy hộp sọ pha lê đầu tiên trong ngôi miếu cổ ở giữa rừng già Guatemala, phát hiện ấy khiến người người chấn động! Nhiều năm sau đó, các hộp sọ pha lê cũng lần lượt xuất hiện trên thế giới. Rất nhiều đều nhắc lại lời tiên tri của người Maya năm xưa: Khi 13 hộp sọ pha lê đoàn tụ cùng nhau thì chính là lúc giao thời giữa thế giới cũ và mới, cũng là giai đoạn tịnh hóa của Địa Cầu.

Chiếc hộp sọ pha lê được phát hiện năm 1927 trong di chỉ của người Maya ở Belize cho thấy hộp sọ được chế tác bằng đá thạch anh, cao 12,7cm, nặng 5,2 kg, được điêu khắc theo hộp sọ của một người phụ nữ.

Mỗi hộp sọ pha lê không chỉ sống động y như thật, mà kết cấu bên trong cũng tương tự với cấu tạo hộp sọ của con người. Trình độ công nghệ của họ rất cao, lăng kính ẩn trong đáy kết hợp với thấu kính mài thủ công trong hốc mắt giúp hộp sọ có thể phát ra ánh quang huy chói lọi.

Chúng ta biết, kỹ nghệ quang học hiện đại khởi đầu vào thế kỷ XVII, đến thế kỷ XVIII khi giải phẫu học hưng khởi thì nhân loại mới có thể nhận thức chuẩn xác về kết cấu xương người. Vậy mà chiếc hộp sọ pha lê cách chúng ta mấy ngàn năm lại được điêu khắc dựa trên nguyên lý quang học và giải phẫu học cơ thể người. Người Maya cổ đại sao có thể nắm rõ tri thức ở mức cao thâm đến như vậy?

undefined
Hộp sọ pha lê (Ảnh: Wikipedia)

Pha lê là tinh thể thạch anh có độ cứng rất cao, chỉ đứng sau kim cương và đá hoa cương, không thể dùng các công cụ bằng đồng, sắt hoặc đá để chế tác được. Ngày nay nếu muốn điêu khắc trên pha lê thì chỉ có thể sử dụng các công cụ bằng chất liệu có độ cứng cao như kim cương, v.v. Người ta đã chứng thực được rằng, những chiếc hộp sọ pha lê này cần một loại lực va chạm cực mạnh mới có thể điêu khắc thành, nhưng khoa học kỹ thuật hiện nay vẫn chưa thể làm chủ được công nghệ này.

Từ những chiếc hộp sọ pha lê có thể thấy người Maya đã nắm bắt được công nghệ kỹ thuật vô cùng cao siêu. Những thành tựu công nghệ mà người hiện đại lấy làm tự hào vẫn còn kém xa khi so sánh với những chiếc hộp sọ pha lê này. Với tốc độ phát triển của kỹ thuật hiện nay, e rằng sẽ cần ít nhất 50 năm hoặc hơn 100 năm nữa mới theo kịp được trình độ khoa học kỹ thuật của người Maya 4000 năm về trước.

Nhưng thành tựu văn minh Maya không phải là duy nhất, vẫn còn rất nhiều thời kỳ huy hoàng và bí ẩn từ tiền sử mà chúng ta chưa biết. Hãy cùng chúng tôi tiếp tục khám phá những ẩn đố ấy trong kỳ tiếp theo của “Vén màn bí ẩn văn minh tiền sử”, mời quý độc giả cùng đón đọc.

Theo Epoch Times
Minh Tâm biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

“Vén màn bí ẩn văn minh tiền sử”: Bí mật nền văn minh Maya