“Vén màn bí ẩn văn minh tiền sử”: Lời nói đầu

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bạn có biết rằng trước nền văn minh của chúng ta đã có rất nhiều thời kỳ văn minh sánh ngang với công nghệ hiện đại?

Giới thiệu sách “Vén màn bí ẩn văn minh tiền sử”

Nguồn gốc nhân loại luôn là ẩn đố đối với mỗi chúng ta. Nếu thuyết sáng tạo cho rằng Thần tạo ra con người thì thuyết tiến hóa lại khẳng định con người tiến hóa từ vượn. Tuy nhiên, rất nhiều hiện vật tiền sử được khai quật trên khắp thế giới lại cho thấy có những nền văn minh tiên tiến cách nay hàng trăm nghìn năm, thậm chí hàng chục triệu năm về trước. Những phát hiện ấy đã chỉ ra vô số sơ hở và mâu thuẫn trong thuyết tiến hóa của Darwin. Vậy, đâu mới là sự thực?

Khoa học luôn phát triển, luôn có những khám phá mới được phát hiện mỗi ngày. Những khám phá ấy vượt khỏi cái khung của khoa học hiện hữu, giúp chúng ta nhận thức mới về tự nhiên và vũ trụ. Trong nhiều thế kỷ, cơ học cổ điển Newton được coi là thành trì kiên cố không gì có thể lay chuyển. Tuy nhiên, khi các nhà vật lý tiến hành quan sát chuyển động điện tử vi mô, họ phát hiện cơ học Newton đã không còn phù hợp, họ bèn phát triển cơ học lượng tử để giải thích quỹ đạo của các electron. Nếu mãi bám chặt vào cơ học Newton thì hiển nhiên vật lý không thể có bước đột phá. Tương tự, thuyết tiến hóa chỉ là một lý thuyết, chúng ta không nên coi đó là chân lý, là khuôn vàng thước ngọc, bởi nếu không nhân loại sẽ tự hạn chế nhận thức của chính mình. Nếu cứ đóng khung trong những lý luận của một hai trăm năm trước thì khoa học sẽ không thể phát triển, và bản chất sự sống sẽ mãi mãi là ẩn đố đối với nhân loại.

Rất nhiều tri thức cổ xưa còn lưu lại cho đến nay vẫn luôn là kho tàng chưa được khám phá đầy đủ. Thái Cực, Hà Đồ, Lạc Thư, Âm Dương, Ngũ Hành… con người vẫn chưa thể hiểu được thấu đáo, nhưng đó là điều đã tồn tại từ hàng ngàn năm trước. Một số nhà khoa học đã phát hiện: Học thuyết ngũ hành với Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ và nguyên lý của Kinh Dịch rất phù hợp với khoa học hiện nay, thậm chí những tri thức trong đó còn vượt xa hiểu biết của khoa học hiện đại.

Không ít người đưa ra lời giải thích cho những hiện tượng nói trên, nhưng không ai có thể giải thích đầy đủ, vì vậy điều này đã trở thành một bí ẩn chưa có lời giải. Chúng tôi đã nghiên cứu rất nhiều tài liệu, bao gồm khám phá của các nhà khảo cổ học, bằng chứng về thảm họa thời tiền sử, các di tích tiền sử chưa giải thích được, v.v., qua đó chúng tôi tìm ra câu trả lời có thể giải đáp rất nhiều bí ẩn: Trước nền văn minh của chúng ta đã tồn tại nền văn minh tiền sử! Và đó không chỉ là một thời kỳ, mà là có rất nhiều chu kỳ văn minh khác.

Những phát hiện khoa học trên được chúng tôi sắp xếp một cách có hệ thống và chỉnh lý thành một cuốn sách mang tên “Vén màn văn minh tiền sử - Thời đại bạn chưa biết”. Cuốn sách hy vọng sẽ đưa bạn đọc bước vào hành trình khám phá đầy thú vị về nguồn gốc và sự sống của loài người.

(ảnh cuốn sách trên Minh Huệ)

Các học giả đọc “Vén màn văn minh tiền sử”

Tìm kiếm chân tướng vũ trụ bên dưới “sáu inch” (15 cm)

(Cảm nhận sau khi đọc “Vén màn văn minh tiền sử” của Giáo sư Trương Cẩm Hoa, Học viện Báo chí - Đại học Quốc gia Đài Loan)

Người sáng lập Giải thưởng Báo chí Pulitzer danh giá từng nói: Ba mục tiêu lớn của báo chí là: Thứ nhất, đưa tin đúng sự thật; Thứ hai, vẫn là đưa tin đúng sự thật; Thứ ba, vẫn là đưa tin đúng sự thật. Điều này đã nhấn mạnh tầm quan trọng của sự thật đối với nhân loại. Nhưng thế nào mới là “chân thực” đây?

Học giả người Anh Eddington từng đưa ra một ví dụ giả tưởng như sau: Có một nhà nghiên cứu sinh vật biển đánh cá ngoài đại dương bằng chiếc lưới có mắt lưới rộng sáu inch (15 cm) để nghiên cứu sinh vật biển. Sau một thời gian dài đánh cá, cuối cùng ông rút ra kết luận: Tất cả các loài sinh vật biển đều có chiều dài hơn sáu inch (15 cm)!

Ví dụ trên đã phản ánh một sự thực khôi hài và cũng rất đáng thương: Các khoa học gia dành cả đời nghiên cứu, nhưng phát hiện của họ lại không vượt khỏi cái khung hạn chế của con người, và thành quả rất có thể là “sai một li, đi một dặm”.

Điều này khiến chúng ta không khỏi đặt ra câu hỏi: Thành tựu của khoa học hiện nay chẳng phải chính là những gì mà “lưới đánh cá sáu inch” đã phát hiện được? Vậy bên dưới mắt lưới sáu tấc ấy là gì? Làm thế nào để chúng ta tìm ra chân lý?

Einstein, bậc thiên tài lỗi lạc trong giới khoa học, từng nói rằng ông chỉ là “đứa trẻ nhặt vỏ sò trên bờ biển”. Ông nói, trong suốt cuộc đời mình điều ông học được là: Toàn bộ khoa học của chúng ta nếu so với hiện thực thì đều rất sơ khai, đều chỉ là ấu trĩ.

Nội dung của “Vén màn bí ẩn văn minh tiền sử” cũng giống như những sinh vật biển “dưới sáu inch” đang trôi giạt giữa lòng đại dương và tình cờ được một em nhỏ trên bờ biển nhặt được, giống như dấu giày bên cạnh bọ ba thùy, như di tích kim tự tháp khổng lồ dưới đáy biển sâu, như lò phản ứng hạt nhân từ hai tỷ năm trước, như lịch pháp Maya đã thất truyền, như bức họa và điêu khắc con người cưỡi trên lưng khủng long, và như tàn tích của nền văn minh nhân loại từng vô cùng phát triển rồi đột ngột bị hủy diệt...

Cuốn sách tập hợp rất nhiều phát hiện khảo cổ “dưới sáu inch” với dẫn chứng vô cùng phong phú, lời văn sinh động, cùng với những hình ảnh minh họa và nguồn tư liệu thực tế. Những phát hiện này giúp chúng ta khám phá rất nhiều hiện tượng tự nhiên kỳ thú bên dưới “sáu inch”.

Chí nguyện của tôi là làm Thần Tiên

(Cảm nhận sau khi đọc “Vén màn bí ẩn văn minh tiền sử” của Phó giáo sư Chung Cốc Lan, Khoa Kinh tế, Đại học Tunghai, Đài Loan)

Phó giáo sư Chung Cốc Lan, Khoa Kinh tế, Đại học Tunghai, Đài Loan. (Ảnh minghui)

Hồi nhỏ, tôi rất thích đọc truyện, chỉ cần cho tôi một quyển sách là tôi sẽ ngoan ngoãn ngồi một chỗ nghiền ngấu cả nửa ngày. Trong đó, truyện Thần Tiên cổ đại là điều hấp dẫn tôi nhất. Những vị cao nhân có bản sự cao cường ẩn mình nơi núi sâu rừng già, họ không chỉ thần thông quảng đại, đến vô tung đi vô ảnh, mà còn trường sinh bất lão… thật khiến tôi mê say vô cùng. Vì thế, trong tâm hồn thơ ấu của tôi thời ấy, ước mơ của tôi không phải là làm giáo sư đại học mà là trở thành Thần Tiên, thành sinh mệnh siêu phàm vượt ngoài cõi thế gian.

Cuốn sách tôi say mê nhất là “Câu chuyện những vì sao”, cuốn sách đã cho tôi hiểu được sự vô biên của thương khung vũ trụ. Trong sách có đoạn khiến tôi chấn động sâu sắc: Những ánh sao xán lạn mà cặp mắt chúng ta nhìn thấy được, kỳ thực, là phát ra từ vô số vạn năm ánh sáng trước đây. Bởi vì những ngôi sao ấy cách rất xa địa cầu chúng ta đang ở, cho dù tốc độ ánh sáng nhanh cỡ nào thì vẫn cần thời gian dài mới có thể truyền đến trái đất. Tôi nghĩ: Vậy vào thời khắc này, một tinh cầu xa xôi nào đó đang phát ra ánh sáng, nhưng con người hoàn toàn không thấy được, mà chỉ các thế hệ của hàng trăm triệu năm sau mới nhìn thấy được. Đến lúc ấy tôi đã là một nắm đất vàng, đã biến mất không còn tung tích gì nữa rồi… Nghĩ đến đây toàn thân tôi toát mồ hôi lạnh, đây là lần đầu tiên tôi cảm nhận được rằng nhân loại thật quá ư bé nhỏ so với thời không vũ trụ bao la.

Sau này, chịu sự ảnh hưởng của nền giáo dục hiện đại, tôi dần dần tin vào khoa học phương Tây. Tôi coi những thứ trong sách giáo khoa là khuôn vàng thước ngọc không thể nghi ngờ, còn những câu chuyện quỷ Thần kia thảy đều là mê tín.

Nhưng khi đã có một chút kinh nghiệm nhân sinh, xem qua những yêu hận tình thù và sinh lão bệnh tử nơi hồng trần, tôi cảm nhận sâu sắc rằng cuộc sống vừa khổ vừa nhạt nhẽo. Tôi bắt đầu hiếu kỳ về câu hỏi căn bản nhất của sinh mệnh: “Con người vì sao mà sinh ra, rồi sẽ đi về đâu?”.

Tôi bắt đầu hành trình tìm kiếm ý nghĩa nhân sinh, và từng chút từng chút một, những tri thức và kinh nghiệm tích lũy đã lật đổ cái khung tư tưởng vô Thần luận từng cố hữu trong tôi. Tôi tự hỏi: Vì sao các cao tăng đắc Đạo đều có nhục thân bất hoại? Vì sao lúc sinh tiền họ có thể biết chính xác thời gian viên tịch? Vì sao một số người sinh ra đã mang theo ký ức tiền kiếp? Vì sao sau khi trải qua thôi miên người ta có thể nói rõ ràng những ký ức luân hồi từ nhiều đời trước? Vì sao một số người từng cận kề cái chết lại may mắn hồi sinh? Hơn nữa, họ đều có những trải nghiệm cận tử tương tự như nhau?

Kỳ thực, khoa học hiện đại đã chứng thực được sự tồn tại của linh hồn, luân hồi, và Thần Phật, chỉ là chúng ta quá bảo thủ cố chấp, thà an ủi bản thân trong hiểu biết cũ kỹ còn hơn phá hủy thành lũy khoa học mà họ đã dày công xây dựng. Đó thực sự là nỗi bi ai của nhân loại!

Đối với tôi, cuốn sách “Vén màn văn minh tiền sử” cũng giống như những cuốn truyện Thần Tiên thời thơ ấu. Nội dung bên trong bao la vạn tượng, vô cùng thú vị hấp dẫn, như: xác ướp mang trái tim nhân tạo, mặt trăng là con người tạo ra, khám phá văn minh Maya, những sai lầm trong thuyết tiến hóa… Điều khác biệt là, những tư liệu trân quý này đều là phát hiện của khoa học hiện nay, là kim chỉ nam phá vỡ lớp sương mù của thứ khoa học hạn hẹp mà chúng ta từng lầm tưởng, giúp chúng ta nhảy thoát khỏi cái khuôn khổ tư tưởng cũ, mở rộng tầm nhìn và suy nghĩ lại về chỗ bí ẩn thực sự của sinh mệnh.

Sống trong sai lầm

(Cảm nhận sau khi đọc “Vén màn bí ẩn văn minh tiền sử” của Giáo sư Trương Thanh Khê Khoa Kinh tế, Đại học Đài Loan)

Khủng long là động vật thời viễn cổ. Con người hiện nay cho rằng nhân loại đang tiến bộ, những gì càng viễn cổ thì càng lạc hậu. Nhưng theo thuyết tiến hóa, vào thời đại khủng long thì con người vẫn chưa tiến hóa, do đó nếu nói rằng “người cưỡi khủng long” hiển nhiên là điều không thể xảy ra!

Đó là nhận thức trong sách giáo khoa hiện nay, nhưng nhận thức này rất có thể sai lầm. Ồ, vậy thế nào mới là đúng? Con người sao có thể sống trong sai lầm được?

Cuốn sách “Vén màn bí ẩn văn minh tiền sử” đã trích dẫn rất nhiều phát hiện khoa học, đó đều là những điều không có, hoặc không giống với lời giảng trong sách giáo khoa hiện nay. Theo lý mà nói, những phát hiện này đủ để cải biến sách giáo khoa, nhưng con người lại không đủ dũng cảm để thay đổi thành kiến và đổi mới nhận thức của mình.

Hãy mở rộng trái tim, mở rộng cánh cửa nội tâm, nhận thức lại mới về thế giới này!

Nhận thức về nguồn gốc nhân loại

(Cảm nhận sau khi đọc “Vén màn văn minh tiền sử” của Giáo sư Lưu Chính Nghĩa, Đại học Chung Hsing, Đài Loan)

Thuyết tiến hóa đã trở thành dòng chính của giới học thuật, trên bề mặt có vẻ đó chỉ là chuyện riêng của giới học thuật, nhưng trên thực tế nó lại có ảnh hưởng rất lớn, rất thâm sâu. Nếu nhân loại tin rằng bản thân là vượn tiến hóa thành mà không tin có Thần Phật tồn tại, thì nhân loại sẽ không có đạo đức ước thúc, cũng không tin rằng làm việc xấu sẽ có báo ứng. Nếu con người cho rằng toàn bộ những gì mà bản thân không thể lý giải được đều là bí ẩn, là mê tín, vậy thì khoa học cũng không thể có được thành tựu đột phá. Nghiêm trọng hơn, nếu con người không tin Thần Phật thì sẽ dám làm rất nhiều việc xấu, cuối cùng đẩy nhân loại đến bên bờ tuyệt diệt.

Cuốn sách đã chỉnh lý một cách hệ thống hàng loạt các chứng cứ khảo cổ, những phát hiện khoa học và khảo cổ không thể phản bác, chỉ ra những chỗ bất cập của thuyết tiến hóa đang phổ biến hiện nay. Sau khi đọc sách, độc giả không chỉ có thêm hiểu biết về khảo cổ học, mà còn có thể bước ra khỏi cái khung tư tưởng hạn hẹp, từ đó nhận thức lại mới về nguồn gốc con người.

Trong loạt bài tiếp theo, chúng tôi sẽ lần lượt trích đăng các nội dung trong “Vén màn bí ẩn văn minh tiền sử”, mời quý độc giả chú ý đón xem.

Theo Epoch Times
Minh Tâm biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

“Vén màn bí ẩn văn minh tiền sử”: Lời nói đầu