Khí trong cơ thể quyết định tình trạng sức khoẻ con người, vậy khí là gì và cơ thể thiếu khí sẽ ra sao?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Qi, còn được gọi là "khí" - mô tả tất cả các loại năng lượng sống của con người. Trong ký tự tiếng Trung của chữ Khí (氣), phần trên tượng trưng cho các năng lượng như không khí và phần dưới tượng trưng cho các thực phẩm như gạo.

Trong y học Trung Hoa cổ đại, ký tự này chỉ ra hai nguồn Khí mà cơ thể cần để tồn tại và phát triển: không khí và thức ăn.

Do đó, để tồn tại, phát triển, sinh sản và hoạt động, chúng ta cần ăn uống và hít thở. Bạn có thể hiểu một cách nôm na về Khí như sau: Nó là một dạng năng lượng sống song song với các chất hóa học quan trọng mà cơ thể cần, chẳng hạn như vitamin.

Bảo vệ nguồn khí trong cơ thể

Hệ thống hô hấp mang không khí vào và ra khỏi cơ thể. Khi hít không khí vào, hệ thống tim mạch chịu trách nhiệm lưu thông oxy khắp cơ thể và được các cơ quan và mô sử dụng, đồng thời đưa carbon dioxide trở lại phổi để chúng thoát ra ngoài.

Hệ thống tiêu hóa đảm nhiệm nhiệm vụ tiêu hóa và hấp thụ thức ăn. Nó chuyển hóa thức ăn được hấp thụ thành dạng năng lượng trong một quá trình, hóa sinh hiện đại gọi nó là “Chu trình Krebs”.

Khí nhận được từ không khí và thức ăn được gọi là Khí hậu sinh.

Tuy nhiên, cuộc sống của một người bắt đầu khi họ được thụ thai. Sau khi trứng của người mẹ được thụ tinh (từ người cha), một dạng năng lượng sống sẽ hình thành và khởi đầu quá trình thụ thai cũng như phát triển của thai nhi, tiếp đó, thai nhi sẽ tiếp nhận thêm nguồn khí của người mẹ trong quá trình mang thai. Đây được gọi là Khí tiền sinh, rất quan trọng để hỗ trợ sự phát triển ban đầu của trẻ. Vì vậy, sức khỏe của cha mẹ rất quan trọng đối với sức khỏe của con mình.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng tuổi của người cha càng cao thì nguy cơ sẩy thai hoặc thai chết lưu cũng tăng cao hơn một chút. Ngoài ra, còn có thể xuất hiện một số dị tật bẩm sinh hiếm gặp (bao gồm các khuyết tật về phát triển hộp sọ, tứ chi và tim), rối loạn phổ tự kỷ, tâm thần phân liệt và bệnh bạch cầu lymphoblastic cấp tính ở trẻ em. Tất nhiên, nếu cha mẹ hút thuốc hoặc uống rượu thì càng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của thai nhi.

Nhận thức được trạng thái khí của bạn

Khí, giống như không khí hoặc điện, là vô hình đối với mắt người. Tuy nhiên, miễn là bạn còn sống, bạn sẽ có những trải nghiệm về các chức năng của Khí.

Nhiệt độ cơ thể là một trong số đó. Khi Khí cân bằng và đầy đủ, nhiệt độ cơ thể ở mức bình thường và có thể tự điều chỉnh trước sự thay đổi của khí hậu. Khi nhiệt độ cơ thể cao hơn hoặc thấp hơn bình thường một độ, người ta cảm thấy khó chịu. Nhiệt độ cơ thể cao hơn có thể là dấu hiệu nhiễm trùng; nhiệt độ cơ thể thấp hơn có thể là do chức năng tuyến giáp và tuyến thượng thận không đủ.

Nhịp tim là một chức năng quan trọng khác của Khí. Nhịp tim đưa máu đến mọi bộ phận của cơ thể, bao gồm da, cơ, cơ quan nội tạng, tứ chi và não. Khi đo hoạt động của tim bằng điện tâm đồ, chúng ta thực sự đang đo Khí của tim. Khi khí của tim bị thiếu hụt, người đó có thể bị lưu thông máu kém, khó thở và nghiêm trọng hơn là suy tim. Khi khí trong tim bị ứ đọng hoặc bị tắc nghẽn, người đó có thể bị đau hoặc đau thắt ngực. Đây có thể là dấu hiệu báo trước của một cơn đau tim toàn diện.

Tiêu hóa tốt liên quan đến khả năng vận động của hệ tiêu hóa, thực quản, ruột và túi mật. Đây là một chức năng khác của Khí. Các cơ quan này có thể bị tê liệt khi thiếu Khí.

Các tế bào thần kinh giao tiếp thông qua các đường truyền điện tử trong não và hệ thần kinh. Quá trình này phụ thuộc vào khí của mọi cơ quan nội tạng để hoạt động bình thường. Mỗi hệ thống cơ quan nội tạng đều đóng góp cụ thể vào chức năng riêng biệt của não.

Ví dụ, thận và bàng quang phối hợp và hỗ trợ các chức năng nhận thức như trí nhớ, sự tập trung và động lực; những cơ quan này giúp nghe và cảm thấy sợ hãi trong những tình huống nguy hiểm. Gan và túi mật hỗ trợ các chức năng điều hành như lập kế hoạch, lập chiến lược, ưu tiên, tổ chức và ra quyết định. Sự kết hợp này giúp điều chỉnh giấc ngủ, tầm nhìn và cảm giác tức giận trong những tình huống bất công.

Chúng ta có thể đo Khí của não (được các cơ quan nội tạng cung cấp) thông qua điện não đồ định lượng (qEEG) và sự thiếu hụt năng lượng này có thể góp phần gây rối loạn chức năng não và tâm thần; chẳng hạn như trầm cảm, lo lắng, rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD), rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD), mất trí nhớ, thiếu tập trung (ADHA) và rối loạn giấc ngủ.

Khí của các cơ quan nội tạng còn cung cấp dinh dưỡng và chức năng miễn dịch cho toàn bộ cơ thể. Khi bạn bị nhiễm trùng hoặc cảm thấy không khỏe, bạn cần xem xét điều gì đã làm tổn hại đến Khí của các cơ quan nội tạng, đặc biệt là khía cạnh cảm xúc tiêu cực và lối sống kém lành mạnh.

Khi bạn có một bức tranh rõ ràng về Khí của mình, bạn có thể chăm sóc nó tốt hơn nhiều. Có người nói rằng bạn là những gì bạn ăn và nghĩ, thực ra, chúng tạo nên Khí của bạn. Còn có một khía cạnh nữa: bạn cũng là những gì bạn thở. Nói một cách ngắn gọn, bạn chính là Khí!

Theo Jingduan Yang - The Epoch Times
Chấn Hưng biên dịch

TS.BS Jingduan Yang là một bác sĩ tâm thần chuyên về y học tổng hợp và y học cổ truyền Trung Hoa cho các bệnh mãn tính về tâm thần, hành vi và thể chất. Ông đã đóng góp cho các cuốn sách "Integrative Psychiatry", "Medicine Matters" và "Integrative Therapies for Cancer". Đồng tác giả "Facing East: Ancient Secrets for Beauty+Health for Modern Age" của HarperCollins và "Clinical Acupuncture and Ancient Chinese Medicine" của Oxford Press. Bác sĩ Yang cũng là người sáng lập Viện Y học Tích hợp Yang và Viện Châm cứu Lâm sàng Hoa Kỳ, đồng thời là Giám đốc điều hành của Trung tâm Y tế Phương Bắc (Middletown, New York) kể từ tháng 7 năm 2022.



BÀI CHỌN LỌC

Khí trong cơ thể quyết định tình trạng sức khoẻ con người, vậy khí là gì và cơ thể thiếu khí sẽ ra sao?