VinFast muốn công an can thiệp khi khách hàng phàn nàn

Giúp NTDVN sửa lỗi

VinFast, thương hiệu ô tô đình đám của Việt Nam đang gây chú ý quốc tế không chỉ bởi kế hoạch IPO tại Mỹ với mức vốn hóa “gây sốc” lên tới 50 tỷ USD, mà còn việc hãng này “yêu cầu” công an xử lý khách hàng phàn nàn trên Youtube về lỗi kỹ thuật của sản phẩm.

Ứng xử này gây kinh ngạc cho các hãng truyền thông nước ngoài nơi người tiêu dùng luôn được bảo vệ bởi rất nhiều luật lệ và được ưu ái bởi truyền thông, cả hãng tin Reuters và tạp chí Financial Times đều đưa tin về sự việc này.

Sự kiện và phản hồi của VinFast

Vào cuối tháng 4/2021, anh Trần Văn Hoàng, chủ kênh Youtube review GoGo TV đăng một video dài gần 30 phút liệt kê hàng loạt lỗi trên chiếc VinFast Lux A2.0 mà anh mới mua và đi được khoảng 8.000 km. Hoàng đã quay lại video với đầy đủ dẫn chứng và chủ động đẩy ra nhiều kênh khác nhau. Anh cũng nói đã đem xe tới hãng khắc phục tới 10 lần nhưng không hết lỗi. Video này hiện đã bị gỡ xuống.

Đến ngày 2/5, VinFast đã chính thức phản hồi.

"Hành vi sản xuất và lan truyền thông tin sai sự thật của ông Trần Văn Hoàng (chủ kênh YouTube Gogo TV) đã gây thiệt hại về uy tín và vật chất cho thương hiệu VinFast, đồng thời gây bất an cho những khách hàng khác của hãng", thông báo trên fanpage chính thức của hãng viết.

"Mặc dù ông Trần Văn Hoàng đã tự gỡ bỏ các clip trên, nhưng chúng tôi đã lưu đầy đủ bằng chứng và gửi cùng đơn tố cáo ra cơ quan công an. Cơ quan Công An đã tiếp nhận đơn tố cáo và có lịch mời ông Hoàng lên làm việc", Vinfast tuyên bố.

Công ty còn nhấn mạnh: "VinFast khẳng định luôn lắng nghe và sẵn sàng kiểm tra, xử lý mọi vấn đề cho khách hàng trong quá trình sử dụng. Nhưng chúng tôi cũng kiên quyết làm rõ đến cùng các hành vi sai trái, gây ảnh hưởng tới thương hiệu, và đặc biệt là gây lo lắng, hoang mang cho cộng đồng người dùng".

Theo Reuters (4/5/2021), Vinfast phản hồi hãng thông tấn này rằng đây là lần đầu tiên hãng đưa sự việc tương tự như thế này ra công an nhằm bảo vệ quyền lợi của hãng.

Trước đó, ngày 30 tháng 4, Reuters đưa tin rằng VinFast đang đặt cược lớn vào việc kinh doanh ở Bắc Mỹ và châu Âu từ năm 2022, và nữ Tổng Giám đốc của hãng, bà Nguyễn Thị Vân Anh, sẽ tới Mỹ trong tháng 5 để chuẩn bị cho kế hoạch này. Hiện đang có 100 người làm việc cho VinFast ở Mỹ.

Vụ việc của chủ xe Trần Văn Hoàng đang gây xôn xao dư luận hiện nay là một thông tin bất lợi nữa cho VinFast khi mà cách đây chưa lâu hãng này phải đối phó với việc mạng xã hội và báo chí đưa tin về một loạt xe bị rụng bánh, gãy càng tại nhiều nơi trên lãnh thổ Việt Nam hồi tháng 2 năm nay.

Trên trang Youtube của mình, anh Hoàng mới đăng một bài viết, chia sẻ: “Mình sẽ có thể bị kiện và sự việc đang rất nghiêm trọng … “.

Công an đã nhiều lần 'mời' khách hàng của Vingroup lên làm việc khi họ phàn nàn

Mặc dù Vinfast cho rằng đây là lần đầu tiên họ đưa sự việc ra công an, nhưng thực tế rất đối tác, khách hàng của tập đoàn Vingroup đã phải làm việc với công an vì các lời phàn nàn của họ trên mạng xã hội.

Năm 2017, Vinschool, một công ty con hoạt động trong lĩnh vực đào tạo đã gặp phải nhiều phàn nàn của phụ huynh học sinh về việc tăng học phí. Ngay sau đó, nhiều phụ huynh phàn nàn trên mạng xã hội về việc này đã nhận được giấy mời triệu tập của công an do Vinschool tố cáo.

Ông Lê Khắc Hiệp, Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, xác nhận với hãng truyền thông BBC rằng công ty đã gửi đơn cho công an về một số cá nhân "tung tin bịa đặt, bôi nhọ, nói xấu Vinschool và các cán bộ lãnh đạo Vingroup".

"Nhân sự kiện Vinschool tăng phí do cải cách giáo dục nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và đẳng cấp của Vinschool, một số người đã lợi dụng tình hình đó để tung tin bịa đặt, bôi nhọ, nói xấu Vinschool và các cán bộ lãnh đạo Vingroup”.

"Nhằm bảo vệ lợi ích hợp pháp và uy tín của mình, chúng tôi đã gửi đơn đến cơ quan bảo vệ pháp luật những trường hợp này. Việc này hoàn toàn không phải vì những người này phản đối việc Vinschool tăng học phí mà vì họ đã bôi nhọ, nói xấu Vinschool, thầy cô và các cán bộ lãnh đạo Vingroup".

Mẫu xe VinFast Lux A2.0. (Ảnh: Flickr)
Mẫu xe VinFast Lux A2.0. (Ảnh: Flickr)

CEO của một hãng tư vấn (người muốn giấu tên) nói với NTD Việt Nam rằng cách đây 5 năm, sau khi phát hành một một báo cáo nghiên cứu thị trường của hãng ông có đề cập đến thông tin về vụ mua bán sáp nhập liên quan tới Vingroup, có hai công an đã tới trụ sở công ty yêu cầu hãng tư vấn phải gỡ bỏ thông tin này khỏi báo cáo vì đó là bí mật kinh doanh của Vingroup. Điều phản cảm là thông tin mua bán sáp nhập đó đã được công bố bởi truyền thông nước ngoài, nơi có doanh nghiệp bán lại cho Vingroup. Vị CEO này sau đó đã lập tức rút lại thông tin trong báo cáo về vụ mua bán sáp nhập dù cảm thấy hết sức phi lý.

Chia sẻ với NTD Việt Nam, vị này cho biết: "Các bạn biết đấy, ở Việt Nam, không một doanh nghiệp nào muốn có rắc rối với bên an ninh. Có vẻ như, sức mạnh chính trị và kinh tế hậu thuẫn đằng sau đã giúp Vingroup có mối quan hệ rất tốt với an ninh. Chúng tôi không muốn tự rước lấy rắc rối".

Cộng đồng mạng dậy sóng

Những phân tích trái chiều từ các blogger nổi tiếng và những người am hiểu về xe tràn ngập trên mạng xã hội. Đa số cho rằng bức xúc của Hoàng là từ cá nhân và có căn cứ thực tế, Hoàng cũng không cố tình dìm sản phẩm của Vinfast với mục đích xấu, chẳng hạn như là được bơm tiền để bôi xấu. Và rằng mục đích của Hoàng có lẽ là xuất phát từ 2 lý do: một là bức xúc cá nhân vì gặp lỗi ở xe và hai là muốn có thêm view cho kênh Youtube.

Về phía Vinfast, mọi người cho rằng thực tế sản phẩm của Vinfast rất nhiều lỗi. Từ lúc ra mắt đến nay Vinfast đã không chỉ một lần thừa nhận lỗi của xe. Một công ty mới, 1 lĩnh vực hoàn toàn mới và 1 sản phẩm mới thì không thể không có lỗi.

Ngày 19 tháng 4 vừa qua, Telsa, con cưng của ngành công nghiệp xe điện Mỹ cũng bị một phụ nữ mặc chiếc áo phông in chữ “phanh bị hỏng” làm náo loạn cả trung tâm thương mại để yêu cầu hãng sửa chữa. Công ty này cũng đã vài lần phải thu hồi sản phẩm để sửa lỗi.

Các hãng xe uy tín như Audi, Toyota, Merc , BMW cũng có lỗi....

Nhưng vấn đề có lẽ không phải là lỗi, mà cái mà người dùng mạng xã hội quan tâm là: thái độ nhận lỗi, tinh thần cầu thị và cách xử lý của hãng.

Về thái độ nhận lỗi, Vinfast không phủ nhận lỗi và dịch vụ sửa chữa của hãng này tương đối nhanh, tất nhiên, chất lượng dịch vụ đến đâu thì vẫn còn nhiều bàn cãi.

Về tinh thần cầu thị, sau những lần bị “tố”, Vinfast đã có những cố gắng cải thiện lỗi của hãng cũng đã được nhiều người ghi nhận. Thực tế cho thấy, Vin là một tập đoàn đuổi lãnh đạo và nhân viên nhiều nhất nếu không làm đúng chất lượng cam kết, hoặc để khách hàng than phiền.

Về cách xử lý, rõ ràng Vinfast đã không ghi điểm trong trường hợp này khi đi tố cáo khách hàng và mong muốn khách hàng bị xử lý hình sự.

Một người sử dụng mạng xã hội cho rằng trong trường hợp một trong các lỗi của xe của anh Hoàng có yếu tố "tác động" từ chủ sở hữu như đã từng độ xe, độ điện, hoặc một số lỗi của Hoàng là do không biết cách dùng, hoặc chưa đọc hướng dẫn sử dụng thì rất có thể đây là các yếu tố bất lợi cho anh Hoàng.

Xử lý khủng hoảng trong kinh doanh của các 'ông lớn'

Có vẻ như Vinfast đang xử lý khá vụng về khủng hoảng trong kinh doanh, vốn luôn đồng hành cùng mọi doanh nghiệp. Khác biệt ở chỗ, Vinfast là công ty con trong một tập đoàn kinh tế tư nhân lớn nhất Việt Nam và có hậu thuẫn rất lớn về chính trị. Do đó việc xử lý khủng hoảng vụng về của hãng có quyền lực cả mềm và cứng trên thị trường có thể khiến người tiêu dùng cảm nhận về thương hiệu này "ỷ mạnh hiếp yếu".

Không chỉ vậy, việc quá mức lạm dụng dịch vụ công quyền bên an ninh trong việc xử lý khủng hoảng kinh doanh của Vingroup trong nhiều năm hoạt động là hình ảnh xấu cho cả hai phía. Điều này có thể tước đi hoàn toàn sự cảm thông và thái độ bảo vệ thương hiệu nội địa của người tiêu dùng trong nước. Nhìn xem, ai sẽ bảo vệ quyền lợi của chúng tôi khi chúng tôi sử dụng các sản phẩm nội địa chứ? Thà mua xe của hãng lớn, ứng xử chuyên nghiệp của họ và không dính líu tới rủi ro với công an chẳng phải tốt hơn sao?

Vinfast trong câu chuyện này là một công ty khởi nghiệp. Khi muốn khởi nghiệp thành công người ta cần cố gắng làm tốt hết sức mình với tâm thái chấp nhận có sai sót, và khởi nghiệp không thể thành công nếu không quyết tâm sửa sai sót mà người tiêu dùng đã chỉ ra. Nên nhớ, các sai sót trong phòng thí nghiệm không bao giờ phản ánh đủ lỗi của sản phẩm cho tới khi nó thực sự vận hành trên các địa hình, điều kiện thời tiết khác nhau.

Tại Việt Nam, Vinfast có thể dễ dàng xử lý truyền thông, nhưng hãng này đang có chiến lược bơi ra thị trường khó tính nhất và lâu năm nhất về ô tô trên toàn cầu là Mỹ. Nếu không có cách xử lý khủng hoảng truyền thông đúng cách thì khả năng thất bại sau một đêm là rất lớn.

Người dùng mạng xã hội cho rằng, nếu Vinfast giải quyết bằng tâm thế cầu thị: hỗ trợ nhiệt tình, cải tổ sản phẩm thì sự việc có lẽ sẽ không đi quá xa. Dù kết quả việc này thế nào, thì Vinfast cũng nên làm rõ và minh bạch những lỗi vi phạm (nếu có) của ông Hoàng để những khách hàng tương lai thấy và yên tâm hơn.

Nếu doanh nghiệp Việt có tâm thái cầu thị, nếu người Việt có tâm thái bao dung và tin tưởng rằng mình luôn được cả doanh nghiệp và cả chính phủ bảo vệ quyền lợi tiêu dùng thì lo gì nền kinh tế Việt Nam không vượt qua thử thách? Bởi vì, suy cho cùng, thái độ kinh doanh của doanh nghiệp, niềm tin của người tiêu dùng vốn phụ thuộc rất lớn vào sự liêm chính của chính quyền.

Thanh Đoàn - Ngọc Minh



BÀI CHỌN LỌC

VinFast muốn công an can thiệp khi khách hàng phàn nàn