Mối quan hệ tay ba giữa Trung Quốc, Nga và Triều Tiên

Giúp NTDVN sửa lỗi

Vào ngày 17/4, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson đã tuyên bố rằng, lãnh đạo Trung Quốc, Nga và Iran là ‘trục tà ác’. Ở đây, ông Mike Johnson nói về mối quan hệ ba bên khiến thế giới lo lắng. Trên thực tế, còn có một mối quan hệ ba bên khác cũng rất đáng chú ý.

Vào ngày 22/5, tờ WSJ đăng bài viết với tiêu đề: ‘Trung - Nga - Triều đang diễn mối tình tay ba, nhưng ông Tập lại hy vọng một đối một’. Tác giả bài viết là cô Ngụy Linh Linh, phóng viên trưởng chuyên mục Trung Quốc của WSJ. Đây là bản tóm tắt được lấy từ chuyên mục ‘China Insight’ của WSJ đăng vào thứ Tư hàng tuần.

Mở đầu bài viết, cô Ngụy Linh Linh nói rằng, ‘tình tay ba’ từ trước đến nay luôn là một vấn đề rắc rối. Đối mặt với Nga và Bắc Hàn - hai đối tác địa chính trị quan trọng nhất nhưng cũng khó lường nhất, Trung Quốc cảm thấy lo sợ nếu bị cuốn vào trục ba bên này.

Từ ngày 16 đến ngày 17/5, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chọn Trung Quốc là điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến thăm nước ngoài của ông sau khi bắt đầu nhiệm kỳ mới, và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã trải thảm đỏ cho chuyến thăm của ông Putin. Trong những năm qua, ông Tập Cận Bình đã thiết lập tình bạn cá nhân sâu sắc với ông Putin. Khi phương Tây ngày càng thù địch với chính quyền của ông Putin, thì ông Tập Cận Bình lại mở rộng vòng tay chào đón người bằng hữu lâu năm.

Nhưng cô Ngụy Linh Linh cho rằng, điều mà ông Tập Cận Bình và giới thân cận của ông ấy không muốn thấy, đó là việc ông Putin tới Triều Tiên để gặp ông Kim Jong Un ngay sau chuyến thăm Trung Quốc. Nói cách khác, Trung Quốc hy vọng duy trì một mối quan hệ ‘một đối một’ với Nga và Triều Tiên. Vì sao?

Vào ngày 21/5, tờ WSJ đăng bài viết với tiêu đề: ‘Đằng sau sự đoàn kết Trung - Nga: Trung Quốc cảm thấy bất an trước chuyến thăm tiếp theo của ông Putin đến Triều Tiên’. Trong đó đã giải thích vì sao Trung Quốc cảm thấy bất an về chuyến thăm Triều Tiên của ông Putin có thể diễn ra vào tháng 9 năm nay.

WSJ cho rằng, nếu ông Putin liên tiếp thăm Trung Quốc và Triều Tiên, điều này có thể làm trầm trọng thêm mối lo ngại của phương Tây về trục chuyên chế ba bên. Chuyện này có thể dẫn đến việc chính phủ Trung Quốc sẽ bị cô lập hơn nữa về mặt ngoại giao với các nước Âu - Mỹ.

Nếu ông Putin đến thăm Triều Tiên ngay sau chuyến thăm Trung Quốc, điều đó sẽ tạo ấn tượng cho ngoại giới về một liên minh ba bên giữa Nga, Trung Quốc và Triều Tiên.

Dù chính phủ Trung Quốc có thích hay không thì ‘mối tình tay ba’ này ngày càng trở nên rõ ràng đối với thế giới. Ngoại giới đều thấy rằng, mối quan hệ Trung - Nga ngày càng thân thiết hơn, mối quan hệ Nga - Triều tiếp tục phát triển, và mối quan hệ Trung - Triều có lịch sử lâu dài.

Kể từ khi xâm lược Ukraine vào tháng 2/2022, ông Putin đã tăng cường mối quan hệ chặt chẽ với một số quốc gia. Iran cung cấp tên lửa và máy bay không người lái cho Nga. (Tất nhiên công nghệ máy bay không người lái của Iran là từ Trung Quốc). Còn Bắc Hàn đã gửi đạn dược và các vũ khí khác cho Nga.

Thách thức của Trung Quốc hiện nay là duy trì ảnh hưởng đối với cả Nga và Bắc Hàn mà không làm mất lòng bên nào.

Chuyến thăm Trung Quốc của ông Putin chắc chắn đã tăng cường mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước Trung - Nga, nhưng yêu cầu của ông Putin vẫn chưa được đáp ứng đầy đủ. Điều này cho thấy Bắc Kinh mong muốn sử dụng ảnh hưởng của mình đối với Moscow để có lợi cho Trung Quốc.

Ví dụ, hai nước Trung - Nga đã đàm phán trong nhiều năm về việc xây dựng đường ống mang tên Sức mạnh Siberia 2 (Power of Siberia 2, gọi tắt là PS2) để vận chuyển khí đốt tự nhiên từ miền Bắc nước Nga đến Trung Quốc. Nhưng hiện tại, hai nước vẫn chưa ký kết hợp đồng này. Cho dù hai nước có ký đi chăng nữa, thì từ lúc thi công cho đến khi vận hành phải mất ít nhất từ 3 đến 4 năm. Đường ống Nord Stream 2 phải mất 5 năm xây dựng (từ năm 2016 đến năm 2021) mới hoàn thành.

Ông Putin đang trông cậy vào sự hỗ trợ về kinh tế và ngoại giao của Tập Cận Bình, nhưng Tổng thống Nga cũng đang hướng tới ông Kim Jong Un, với hy vọng rằng Triều Tiên có thể giúp Nga bổ sung số vũ khí đã cạn kiệt của mình. Còn Trung Quốc thì lo ngại rằng, việc Moscow ngày càng phụ thuộc quân sự vào Bình Nhưỡng có thể sẽ đe dọa nghiêm trọng đến ảnh hưởng của Bắc Kinh đối với cả hai nước Nga, - Triều.

WSJ cho rằng, đối với ông Tập Cận Bình, trong mối quan hệ ba bên này, ông Kim Jong Un khó đoán hơn ông Putin.

Niềm tin giữa ông Tập Cận Bình và ông Kim Jong Un đã suy yếu so với mối quan hệ giữa những người lãnh đạo Trung Quốc trước đây và với bố của ông Kim Jong Un. Đây không phải là điều bí mật gì ở Bắc Kinh hay Bình Nhưỡng.

Kể từ lên nắm quyền vào năm 2011, ‘cậu bé tên lửa’ Kim Jong Un (Kim Chính Ân) đã tiến hành những vụ thử tên lửa với số lượng nhiều gấp ba lần so với bố mình (là ông Kim Chính Nhật) và ông nội (là ông Kim Nhật Thành) cộng lại.

Một cựu quan chức tình báo Mỹ là ông Dennis Wilder đã nói với tác giả Ngụy Linh Linh rằng, Bắc Kinh cũng có thể đang lo lắng rằng, ông Putin có thể khuyến khích ông Kim Jong Un tạo ra một cuộc khủng hoảng nào đó nhắm vào đồng minh của Mỹ là Hàn Quốc trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11, từ đó khiến ông Biden mất mặt, và sau đó ảnh hưởng đến cuộc bầu cử Mỹ, khiến ông Trump đắc cử.

Trong bài viết của WSJ vào ngày 3/5 với tiêu đề: ‘Trung Quốc chuẩn bị cho khả năng ông Trump trở lại Nhà Trắng’ đề cập rằng, mặc dù ông Biden cũng đã gây khó khăn cho Trung Quốc, nhưng nếu so sánh, thì việc ông Trump trở lại Nhà Trắng có thể sẽ mang lại rắc rối cho Trung Quốc còn lớn hơn nữa.

Thuần Phong tổng hợp

Thế giới Góc nhìn


BÀI CHỌN LỌC

Mối quan hệ tay ba giữa Trung Quốc, Nga và Triều Tiên