Ông Trump bị chỉ trích vì muốn từ bỏ NATO nhưng nhiều người ủng hộ ông vì một lý do

Giúp NTDVN sửa lỗi

Như mọi khi, ông Trump luôn đi ngược chiều với quan điểm của đảng Dân chủ, những người cấp tiến, và truyền thông dòng chính. Lần này tuyên bố của ông Trump về việc nước Mỹ có thể sẽ rút hẳn khỏi NATO nếu ông bước vào Nhà Trắng một lần nữa khiến báo giới rung động. Nhưng ông có nhiều lý do để tuyên bố như vậy.

Theo Reuters, một số đảng viên đảng Cộng hoà Hoa Kỳ cũng lên tiếng chỉ trích cựu Tổng thống Donald J. Trump sau tuyên bố muốn từ bỏ liên minh NATO của ông.

Trong một cuộc mít tinh vận động bầu cử hôm thứ Bảy (10/2/2024) tại Nam Carolina, ông Trump đã phàn nàn rằng nhiều trong số 31 thành viên NATO không thực hiện đúng cam kết chi tiêu cho quân sự, là 2% GDP; ám chỉ rằng gánh nặng chi tiêu quân sự cho khối này đang dồn lên vai của Hoa Kỳ. Quan điểm của ông Trump là nước Mỹ không thể bảo vệ các thành viên nếu họ không thực hiện đúng cam kết. Ông Trump nói rằng "Không, tôi sẽ không bảo vệ bạn [các thành viên khác của NATO]. Tôi sẽ khuyến khích họ [Nga] làm bất cứ điều gì họ muốn. Các thành viên của NATO cần phải trả tiền [để được bảo vệ]", theo Reuters. Một ước tính của NATO cho thấy, chỉ 11 trong số 31 quốc gia thành viên đang thực hiện đúng cam kết này.

Nhà Trắng lập tức chỉ trích tuyên bố này, nhận xét là "kinh khủng và vô căn cứ". Các quan chức hàng đầu khác của phương Tây, chủ yếu là các nước thuộc liên minh NATO, cũng phản ứng tương tự.

Nặng lời hơn, cựu ứng cử viên tổng thống đảng Cộng hòa Chris Christie nói trong một cuộc phỏng vấn với chương trình “Meet the Press” của NBC rằng: “Đây là lý do tại sao tôi đã nói từ lâu rằng ông ấy không thích hợp làm tổng thống Mỹ”.

Nhưng đây không phải lần đầu tiên ông Trump tỏ rõ thái độ về khối NATO. Ông đã từng đe dọa rút khỏi NATO khi còn tại vị trong Nhà Trắng (2016-2020). Rất có thể, bàn cờ địa chính trị thế giới đã thay đổi khó có thể hình dung nếu điều này thực sự xảy ra cách đây hơn 4 năm về trước.

Nhưng vấn đề của NATO rõ ràng không chỉ vì các thành viên muốn được bảo vệ nhưng không chi trả đủ tiền cho quân sự. Ông Trump có lý do để không hài lòng với NATO. Nhiều chuyên gia cũng đồng thuận như vậy. Và đây mới là lý do thực sự.

NATO lạc lối sau khi Liên Xô tan rã

Chúng ta đều biết rằng khối liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu, NATO, vốn ra đời với mục tiêu ngăn chặn sự phát triển ảnh hưởng của chủ nghĩa cộng sản đang lan khắp Châu Âu; đối thủ đứng đầu là Liên Xô. Ngay sau khi NATO được thành lập năm 1949, để đối trọng, các nước cộng sản thành lập khối Warszawa. Hai khối này không ngừng mở rộng và chạy đua vũ trang; trở thành hai lực lượng chính của Chiến tranh lạnh trong suốt nửa thế kỷ 20.

Tượng Lenin bị kéo đổ ở Kharkiv. (Nguồn: Ảnh chụp màn hình Internet)

Chúng ta cũng đều biết, 31/12/1991, lá cờ Liên Xô cuối cùng bị hạ xuống khỏi điện Kremlin. Với sự tan rã của Liên Xô và nếu kiên định với mục tiêu ban đầu là chống lại sự bành trướng của chủ nghĩa cộng sản, NATO phải để cho Nga một đường lui đồng thời hướng tới giám sát và kiềm chế thế lực cộng sản còn sót lại của thế giới: Trung Quốc.

Đáng tiếc, các đời tổng thống Mỹ, những người quá kiêu ngạo trước sự tan rã của Liên Xô, vẫn tiếp tục đe doạ an ninh Nga trong khi để xổng con quái vật Frankenstein Trung Quốc ra ngoài thế giới.

Xem thêm:

Kỳ 1: 100 năm ĐCSTQ - Hội chứng kinh tế Stockholm và nền kinh tế quái vật

Kỳ 2: Cái giá cay đắng của Mỹ vì thỏa hiệp với quái vật Frankenstein Trung Quốc

Các vấn đề nghiêm trọng bắt đầu khi nhóm chính sách đối ngoại của Clinton thúc đẩy việc mở rộng NATO do Hoa Kỳ thống trị về phía đông của nước Nga. Chiến lược đã thay đổi hoàn toàn lời hứa của chính quyền của George H. W. Bush với Moscow trong những tháng cuối cùng của Liên Xô; khi đó Mỹ từng hứa với Nga rằng NATO sẽ không vượt ra ngoài biên giới phía đông của một nước Đức thống nhất.

Bill Clinton đã không giữ lời hứa. NATO tấn công về phía đông của nước Nga non trẻ ngay cả khi Liên Xô đã tan rã. Washington đã vận động thành công để đưa ba quốc gia thuộc Khối Warszawa trước đây là Ba Lan, Cộng hòa Séc và Hungary gia nhập NATO vào năm 1998. Tệ hơn, sự phát triển đó chỉ là giai đoạn đầu tiên NATO xâm phạm vào lĩnh vực an ninh của Nga.

Các quan chức chính quyền Clinton tỏ ra khinh thường lợi ích của Nga theo nhiều cách. Chẳng hạn, khi Nam Tư có khủng hoảng, Washington đã tận dụng mọi cơ hội để can thiệp. Sự can thiệp này của Mỹ vào Nam Tư khi đó làm suy yếu đối tác chính trị và tôn giáo lâu đời của Nga, Serbia. Các cuộc can thiệp quân sự phô trương của Mỹ - NATO ở Bosnia và Kosovo dường như được tính toán để nhấn mạnh rằng Moscow đã thua trong Chiến tranh Lạnh và do đó, phải nhẹ nhàng chịu đựng bất kỳ sự sỉ nhục nào mà các cường quốc phương Tây quyết định gây ra.

NATO mở rộng đến đâu, bất bình của Nga tăng lên đến đó

Tuy nhiên, sự mở rộng của NATO đã sớm trở thành mối bất bình chính của Điện Kremlin đối với Hoa Kỳ và các đồng minh. Các quan chức chính quyền Mỹ, đương nhiên, luôn khẳng định rằng việc mở rộng không nhằm vào Nga và các nhà lãnh đạo Nga. Trong hồi ký của mình, ngoại trưởng của Clinton, bà Madeleine Albright, khẳng định rằng mục tiêu của Mỹ, NATO và các thành viên NATO mới gia nhập từ khối Hiệp ước Warsaw (của Liên Xô cũ) đều để ‘tạo ra một phạm vi lợi ích chung, trong đó mọi quốc gia sẽ sống trong an ninh".

Không có khả năng bà Albright thực sự tin rằng việc NATO tiến về phía đông không nhằm vào Nga. Càng không có khả năng các nhà lãnh đạo Nga, quan chức Nga tin rằng sự mở rộng của NATO là vô hại với Nga. Ngay khi Ba Lan tham gia khối NATO, dàn tên lửa phòng không của Mỹ đã lập tức được đặt sát biên giới Ba Lan; nơi gần nhất với xương sườn phía đông của nước Nga.

Tại sao Mỹ lại đặt Nga vào vị thế không đáng tin cậy như các nền dân chủ khác mới phôi thai ở Đông Âu sau khi Liên Xô tan rã bằng cách cam kết ban đầu là NATO sẽ không vượt qua biên giới Đông Đức?

Cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ từng cảnh báo “Nga sẽ từ bỏ nền dân chủ và quay trở lại các kiểu hành vi đe dọa với hoà bình quốc tế mà đôi khi đã từng là đặc trưng của lịch sử nước này; đặc biệt là dưới thời Liên Xô. Không thể tránh khỏi sự không chắc chắn về tương lai của Nga là một trong những yếu tố cần tính đến khi định hình các quyết định về an ninh châu Âu".

Putin là nhà lãnh đạo thế giới đầu tiên đồng ý tham dự Thế vận hội Mùa đông 2021 tại Trung Quốc sau khi các quan chức hàng đầu ở các nước khác tẩy chay. (Ảnh: Getty Images)

Mỹ không sai. Khi Nga không được tin tưởng và hỗ trợ, khi NATO thần tốc tiến về phía sườn đông của nước Nga, khi ảnh hưởng của Nga ở Nam Tư bị Mỹ giễu cợt; Nga quả là khó lòng xây dựng một nền dân chủ như Mỹ kêu gọi. Nga không có nguồn lực đó. Nga khó lòng tiến lên dân chủ mà không có sự ủng hộ của Mỹ và cộng đồng quốc tế.

Vấn đề chỉ ở chỗ, Mỹ góp phần thúc đẩy Nga vào con đường phát triển phi dân chủ, nhà nước chuyên quyền, chạy đua vũ trang. Mỹ đẩy Nga buộc phải thân thiết với kẻ thù của Mỹ là Trung Quốc, các quốc gia ủng hộ khủng bố ở Trung Đông. Bắt đầu từ thời Bill Clinton, Mỹ thực sự thành công khi biến Nga thành một đối thủ thay vì đồng đội của mình.

Thật khó để tưởng tượng tại sao bất kỳ ai lại tin rằng việc mở rộng liên minh quân sự hùng mạnh nhất trong lịch sử thế giới đến biên giới của một cường quốc bị suy yếu nghiêm trọng sẽ không bị coi là một hành động thù địch.

Bất chấp vị thế siêu cường của Washington, các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ và người dân Hoa Kỳ sẽ không phản ứng tích cực nếu một cường quốc khác, chẳng hạn như Trung Quốc, tìm cách đưa Canada hoặc Mexico vào một liên minh quân sự mà Bắc Kinh thống trị. Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách của chính quyền Clinton nhấn mạnh rằng một nước Nga yếu hơn nhiều không có gì phải lo sợ trước sự di chuyển của NATO về phía đông. Nga không nên phản kháng Mỹ và NATO như những gì họ đã làm.

Cựu Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Xô Jack F. Matlock Jr. trích dẫn tác động tiêu cực mà sự mở rộng của NATO (và các cuộc can thiệp quân sự do Hoa Kỳ dẫn đầu ở Balkan) đối với thái độ của Nga đối với Hoa Kỳ và phương Tây: “Ảnh hưởng đối với lòng tin của người Nga đối với Hoa Kỳ thật khủng khiếp. Năm 1991, các cuộc thăm dò chỉ ra rằng khoảng 80% công dân Nga có cái nhìn thiện cảm với Mỹ; vào năm 1999, gần như cùng một tỷ lệ phần trăm có quan điểm tiêu cực”.

Ông Ted Galen Carpenter, thành viên cấp cao về nghiên cứu chính sách đối ngoại và quốc phòng tại Viện Cato, nhận xét “chính sách kiêu ngạo, hoàn toàn câm điếc của chính quyền Clinton đã lãng phí cơ hội cho mối quan hệ hữu nghị lâu dài giữa phương Tây và Nga. Khi những năm 1990 kết thúc, động lực tiến tới một cuộc chiến tranh lạnh mới lại diễn ra và nó ngày càng trở nên tồi tệ hơn trong những thập kỷ tiếp theo.”

NATO đã lạc lối suốt hơn 4 thập kỷ, quên đi sứ mệnh đầu tiên của khối [là phá huỷ hệ thống cộng sản chủ nghĩa đang mạnh lên ở Trung Quốc] trong khi thành công "hắc hoá" nước Nga sau khi Liên Xô đổ vỡ. "Thành công" lớn nhất của NATO có lẽ là thúc đẩy cuộc chiến tranh uỷ nhiệm cho Ukraine, nơi Mỹ và các thành viên NATO tiêu dùng huỷ được lượng lớn vũ khí tồn kho trên mảnh đất đau thương này. "Thành công" lớn thứ hai của NATO là biến Nga thành sát nhân máu lạnh, nhanh chóng trở thành bạn bè và là vũ khí sắc bén của chế độ Bắc Kinh.

Quang Nhật



BÀI CHỌN LỌC

Ông Trump bị chỉ trích vì muốn từ bỏ NATO nhưng nhiều người ủng hộ ông vì một lý do