Phát hiện các hóa chất gia dụng phổ biến trong gia đình đang tấn công các tế bào não quan trọng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các sản phẩm được thiết kế để bảo vệ chúng ta có thực sự đang làm suy yếu sức khỏe não bộ hay không?

Nghiên cứu mới chỉ ra rằng các hóa chất thông thường được sử dụng trong chất chống cháy và chất khử trùng là thủ phạm gây hại.

Trong một nghiên cứu gần đây, các nhà khoa học đã thử nghiệm hàng nghìn hóa chất có khả năng gây nguy hiểm và phát hiện ra hai loại cụ thể gây hại cho tế bào não, Paul Tesar, người có bằng tiến sĩ về sinh học tế bào gốc và phát triển, đồng thời là nhà nghiên cứu chính của nghiên cứu, nói với The Epoch Times.

Hàng triệu người mắc bệnh thần kinh với nguyên nhân chưa biết

Mặc dù các rối loạn thần kinh ảnh hưởng đến hàng triệu người - con số đó vẫn đang gia tăng - chỉ một phần nhỏ các trường hợp bắt nguồn từ nguyên nhân di truyền, cho thấy các yếu tố môi trường góp phần vào sự gia tăng của chúng.

Để xác định các yếu tố rủi ro này, nhóm của ông Tesar tập trung vào các hóa chất ảnh hưởng xấu đến oligodendrocytes - tế bào thần kinh quan trọng tạo ra lớp vỏ myelin cách điện xung quanh các dây thần kinh trong não và tủy sống, cho phép truyền tín hiệu đúng cách.

Phân tích tác động của hơn 1.800 hóa chất lên sự phát triển của oligodendrocytes ở chuột trong nuôi cấy tế bào, các nhà nghiên cứu đã xác định được 292 hóa chất có thể giết chết các tế bào này và 49 hóa chất ức chế sự phát triển của chúng.

Một nghiên cứu gần đây được công bố trên Nature Neuroscience đã xác định được hai nhóm hóa chất có hại: chất chống cháy organophosphate, được sử dụng trong thuốc nhuộm và nhựa; và các hợp chất amoni bậc bốn (QAC), được tìm thấy trong chất khử trùng.

Chất chống cháy thường được sử dụng trong đồ nội thất, sản phẩm từ xốp, vật liệu xây dựng và thiết bị điện tử. QAC được sử dụng trong các chất tẩy rửa bề mặt, nước rửa tay sát khuẩn, xà phòng, dầu gội, dầu xả và nước xả vải.

Các vật dụng hàng ngày khiến trẻ em phơi nhiễm với hóa chất gây hại cho não bộ

QAC, được tìm thấy trong nhiều sản phẩm chăm sóc cá nhân và chất khử trùng - vốn được sử dụng tăng vọt trong đại dịch COVID-19; trong khi chất chống cháy organophosphate, có trong các thiết bị điện tử và đồ nội thất, cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Ông Tesar cho biết: “Những hóa chất này có thể tìm thấy trong các sản phẩm mà chúng ta thường sử dụng trong nhà, nơi chúng đóng vai trò quan trọng, nhưng chúng ta cần cân nhắc mức độ tiếp xúc nào là an toàn và mức độ nào có thể ảnh hưởng đến sức khỏe não bộ".

Oligodendrocytes tiếp tục phát triển từ giai đoạn phôi thai đến trưởng thành, khiến chúng dễ bị tổn thương do hóa chất độc hại.

Các nhà nghiên cứu đã liên kết việc tiếp xúc với chất chuyển hóa của chất chống cháy - bis (1,3-dichloro-2-propyl) phosphate (BDCIPP) - với kết quả thần kinh kém ở trẻ em trên toàn quốc (Hoa Kỳ).

Phân tích dữ liệu từ năm 2013 đến năm 2018, nhóm nghiên cứu đã tìm thấy BDCIPP trong 1.753 trên 1.763 mẫu nước tiểu của trẻ em từ 3 đến 11 tuổi.

So với nhóm thấp nhất, trẻ em có mức BDCIPP trong nước tiểu cao nhất có nguy cơ cần giáo dục đặc biệt gấp đôi và nguy cơ được chẩn đoán rối loạn chức năng vận động tổng hợp gấp sáu lần.

Bằng chứng đã liên kết các hóa chất với bệnh đa xơ cứng

Nghiên cứu từ năm 2020 cho thấy số ca mắc bệnh đa xơ cứng trên toàn thế giới đã tăng kể từ năm 2013.

Căn bệnh suy nhược mãn tính này gây tổn thương myelin, dẫn đến yếu cơ, các vấn đề về thị lực, tê liệt và các vấn đề về trí nhớ. "Quá trình mất oligodendrocytes là nền tảng của bệnh đa xơ cứng và các bệnh thần kinh khác", ông Tesar cho biết trong một thông cáo báo chí.

Bằng chứng đã liên kết các chất độc môi trường như chì và nhôm với bệnh đa xơ cứng.

Vào năm 2023, các nhà khoa học đã xuất bản một bài báo tổng quan trên Frontiers in Molecular Neuroscience cho rằng việc tiếp xúc với khói thuốc lá, ô nhiễm không khí và thuốc trừ sâu có thể làm suy yếu sức khỏe não bộ, làm tăng nguy cơ suy giảm nhận thức và các bệnh thoái hoá thần kinh.

Phát hiện của nhóm ông Tesar cho thấy các hóa chất cụ thể trong sản phẩm tiêu dùng có thể gây tổn hại trực tiếp đến các tế bào sản xuất myelin, là yếu tố nguy cơ trước đây chưa được công nhận đối với các bệnh về thần kinh.

"Tuy nhiên, cần có thêm nhiều nghiên cứu để đánh giá mức độ tiếp xúc và thời gian tiếp xúc trước khi có thể rút ra những kết nối rõ ràng giữa việc tiếp xúc và bệnh tật ở người", ông nói.

Cần nghiên cứu thêm để thiết lập mức độ an toàn cho các hóa chất cần thiết

Ông Tesar cho biết nghiên cứu của ông nhằm mục đích hiểu rõ hơn những tác động tiềm ẩn của hóa chất môi trường đối với sức khỏe não bộ.

Ông Tesar giải thích: “Chúng tôi đã kiểm tra nghiêm ngặt các hóa chất này trong phòng thí nghiệm để chứng minh rằng ở nồng độ nhất định, chúng có thể gây hại cho các tế bào não. Thật thú vị là chúng tôi phát hiện thấy các hóa chất này không nhắm vào các tế bào thần kinh, mà nhắm vào các tế bào khác trong não".

Ông Tesar cho biết nghiên cứu của ông nhấn mạnh rằng một số hóa chất trong các sản phẩm gia dụng hàng ngày có thể gây hại cho sức khỏe con người.

Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo rằng những phát hiện này không gợi ý rằng chúng ta nên loại bỏ các hóa chất gia dụng khỏi môi trường hoặc nhà ở.

Nghiên cứu đặt nền móng cho các công trình tương lai nhằm xác định mức độ phơi nhiễm nguy hiểm, từ đó cung cấp thông tin tốt hơn cho các chính sách và thực tiễn, ông Tesar lưu ý.

Đây là sự khởi đầu, chứ không phải lời kêu gọi loại bỏ ngay lập tức các hóa chất này, ông nói thêm.

Theo George Citroner - The Epoch Times
Bảo Vy

George Citroner viết các bài báo về sức khỏe và y học, bao gồm các chủ đề ung thư, bệnh truyền nhiễm và tình trạng thoái hóa thần kinh. Anh đã được trao giải thưởng Media Orthopaedic Reporting Excellence (MORE) vào năm 2020 cho một câu chuyện về nguy cơ loãng xương ở nam giới.



BÀI CHỌN LỌC

Phát hiện các hóa chất gia dụng phổ biến trong gia đình đang tấn công các tế bào não quan trọng