Lợi ích bất ngờ của nhai thức ăn đối với não bộ, đừng bỏ qua cách làm mềm thực phẩm của chuyên gia dinh dưỡng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ăn được cũng là một loại phúc! Khi tuổi tác ngày càng cao, bạn không thể coi thường tình trạng răng miệng kém hoặc bệnh tật ảnh hưởng đến chức năng nhai. Trên thực tế, khả năng nhai có liên quan mật thiết đến chức năng của não bộ.

Bài viết này sẽ hướng dẫn bạn xử lý độ cứng của thức ăn một cách chính xác, thông qua một số mẹo vặt để làm mềm các loại ngũ cốc nguyên hạt, thịt và rau, ngay cả khi răng miệng kém vẫn có thể dễ dàng hấp thụ đủ chất dinh dưỡng!

Khi tuổi tác tăng lên, nhu cầu về các chất dinh dưỡng cũng tăng theo, nhưng tình trạng suy giảm khả năng ăn uống gây ảnh hưởng đáng kể, không chỉ tác động đến chất lượng cuộc sống, mà còn gây sụt cân, suy dinh dưỡng, thậm chí ảnh hưởng đến chức năng nhận thức.

Nhai kích thích chức năng não bộ, làm chậm quá trình thoái hóa

Trong quá khứ, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng khả năng nhai và chức năng nhận thức của não bộ có mối liên hệ chặt chẽ. Một nghiên cứu được thực hiện tại Hàn Quốc cũng phát hiện ra rằng những người có khả năng nhai tốt có khả năng nhận thức và khả năng vận động hàng ngày tốt hơn.

Điểm quan trọng là nhai kỹ không chỉ giúp chúng ta nghiền nhỏ thức ăn, dễ tiêu hóa và hấp thụ hơn, mà còn có thể kích thích lưu lượng máu đến não, kích thích hồi hải mã, làm chậm quá trình thoái hóa chức năng nhận thức.

Do đó, nếu khả năng nhai bị ảnh hưởng bởi vấn đề răng miệng, bạn nên tích cực điều trị, đồng thời điều chỉnh độ cứng của thức ăn, không nên thay thế trực tiếp bằng thức ăn lỏng, nhằm tránh làm tăng tốc độ thoái hóa của não.

Lựa chọn độ cứng thức ăn phù hợp để tận hưởng thời gian ăn uống

Khi răng miệng không còn tốt như trước, thức ăn quá cứng thì không đủ sức nhai, thức ăn quá mềm thì lại thấy không ngon miệng, vì vậy việc lựa chọn độ cứng thức ăn phù hợp là rất quan trọng!

Nếu khả năng nhai và nuốt bình thường, bạn nên lựa chọn "thức ăn mềm" dễ nhai, tức là dựa trên chế độ ăn uống thông thường, tránh các loại thức ăn cứng, xơ, khó tiêu hóa và khó nuốt.

Khi chuẩn bị bữa ăn, ngoài việc lựa chọn các loại thực phẩm mềm, bạn cũng có thể làm mềm thực phẩm bằng những cách khác nhau. Dưới đây là ba mẹo giúp bạn điều chỉnh độ cứng của thực phẩm.

1. Làm mềm các loại ngũ cốc nguyên hạt

Các loại ngũ cốc nguyên hạt rất giàu chất xơ và dinh dưỡng, nhưng chúng thường cứng và khó nhai. Để làm mềm các loại ngũ cốc nguyên hạt, bạn có thể thực hiện theo các bước sau:

  • Ngâm các loại ngũ cốc nguyên hạt trong nước qua đêm.
  • Cho chúng vào tủ lạnh, bảo quản trong 24 giờ, sau đó vớt ra và để ráo nước.
  • Sau khi vớt ra, bạn có thể cho các loại ngũ cốc nguyên hạt vào nồi cơm điện nấu chín hoặc trộn chung với gạo trắng.

Ngoài ra, bạn cũng có thể thay thế các loại ngũ cốc nguyên hạt bằng các loại củ (như khoai tây, khoai lang, bí đỏ), sau khi nấu chín sẽ mềm và giàu dinh dưỡng.

2. Làm mềm thịt

Thịt gia cầm hoặc thịt động vật thường khó mềm khi nấu chín. Bạn có thể làm mềm thịt bằng các cách sau:

  • Loại bỏ gân và màng dai trên thịt, hoặc dùng chày đập thịt.
  • Sử dụng nước ép dứa tươi để ướp thịt, dùng tay vỗ nhẹ hoặc bóp thịt để thịt mềm ra, trước khi nấu có thể rửa sạch hoặc nấu trực tiếp.

Lưu ý: Nước ép dứa cần lấy từ quả dứa tươi, bạn có thể cho nước ép vào hộp đựng, chia nhỏ và bảo quản trong tủ đông hoặc làm thành viên đá để dùng dần.

Nếu xử lý thịt quá phức tạp, các chuyên gia dinh dưỡng cũng khuyên bạn có thể sử dụng cá, đậu phụ hoặc trứng hấp để bổ sung protein.

3. Làm mềm rau củ

Các loại rau củ có nhiều xơ hoặc khó nhừ như ớt chuông, bông cải và cần tây, nếu nấu quá lâu sẽ ảnh hưởng đến vẻ ngoài và hương vị. Bạn có thể làm mềm các loại rau củ này bằng cách sau:

  • Rửa sạch rau củ, cắt thành đoạn nhỏ, sau đó vớt ráo nước.
  • Cho rau củ vào tủ lạnh, bảo quản trong 1-3 ngày.
  • Khi lấy ra khỏi tủ lạnh, bạn không cần rã đông mà có thể nấu trực tiếp.

Lưu ý: Các loại rau lá và nấm không phù hợp với cách làm này.

Khi chuẩn bị bữa ăn cho người lớn tuổi, bạn có thể dùng đũa, nĩa hoặc muỗng để ấn nhẹ thức ăn, kiểm tra độ mềm cứng của thức ăn, đảm bảo thức ăn dễ nhai với người lớn tuổi. Ngay cả khi răng miệng không tốt, bạn vẫn có thể ăn uống lành mạnh, cân bằng và ngon miệng.

Nếu người lớn tuổi gặp khó khăn trong việc ăn uống, gia đình có thể tham khảo ý kiến ​​của các chuyên gia y tế như chuyên gia dinh dưỡng cộng đồng, bác sĩ gia đình, bác sĩ phục hồi chức năng hoặc bác sĩ y học cho người cao tuổi. Việc đánh giá của các chuyên gia sẽ giúp bạn có những lựa chọn tốt nhất cho người thân của mình.

Theo Song Yun - Aboluowang
Chấn Hưng biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Lợi ích bất ngờ của nhai thức ăn đối với não bộ, đừng bỏ qua cách làm mềm thực phẩm của chuyên gia dinh dưỡng