Tìm hiểu kỹ thuật "hồi sinh tim phổi" cứu người

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tình trạng ngưng tim ngưng thở có thể xảy ra đột ngột. Người bị ngưng tim, ngưng thở rất cần được sơ cứu ép tim, thổi ngạt trước khi chuyển vào bệnh viện. Nếu thực hiện ép tim không đúng cách sẽ dẫn đến gãy xương sườn và một số biến chứng đáng tiếc khác.

Để trang bị những kỹ năng và kiến thức cơ bản, bạn có thể bình tĩnh hỗ trợ hoặc xử lý được những tình huống xảy ra bất ngờ, như vụ giẫm đạp cướp đi nhiều sinh mạng đáng tiếc ở Itaewon, Seoul, Hàn Quốc.

Tai nạn xảy ra, nhiều người được cấp cứu và đặt nằm xuống đất để hồi sức tim phổi (CPR), còn được gọi là “hồi sinh tim phổi". Sự cần thiết của CPR là gì và các bước thực hiện ra sao? Những kiến thức cần biết để bạn có thể hỗ trợ tham gia cứu nạn.

Các bước CPR (CPR) đơn giản

Hồi sinh tim phổi (CPR) là một phương pháp sơ cứu giúp bệnh nhân bất tỉnh, không thể thở hoặc gần như không thở để duy trì chức năng não. Động tác chủ yếu là “ép ngực” nhằm phục hồi hô hấp và tuần hoàn máu cho nạn nhân, tùy theo các nhóm tuổi.

“Ép ngực” nhằm phục hồi hô hấp và tuần hoàn máu cho nạn nhân. (Ảnh: pixabay.com)

Mạng thông tin toàn cầu của Bộ Nội vụ Đài Loan chia sẻ phiên bản hồi sinh tim phổi (CPR) cho người lớn trên 8 tuổi, các bước đơn giản như sau:

Do thời gian rất cấp bách, mạng sống của người bị nạn có thể chỉ còn tính bằng phút nên người cứu nạn cần nắm rõ được các bước:

  1. Xác nhận an toàn tại chỗ.

Trước khi đến bên cạnh nạn nhân để cứu nạn, bạn hãy chắc chắn rằng môi trường xung quanh nạn nhân được an toàn. Nếu môi trường không an toàn lắm, bạn nên tìm người giúp đỡ tạo không gian an toàn tùy theo khả năng của mình.

  1. "Cuộc gọi" đầu tiên: xác nhận ý thức và độ tỉnh táo của nạn nhân.

Phản ứng của nạn nhân với những kích thích bên ngoài có thể được đánh giá bằng cách gọi nạn nhân và vỗ vào vai. Nếu không có bất kỳ cử động nào, kể cả không chớp mắt, không cử động chân tay, không phát ra âm thanh… thì có thể khẳng định bệnh nhân không tỉnh.

  1. "Cuộc gọi" thứ hai: kêu cứu, bấm số 119, cố gắng lấy máy AED.

Khi bạn gọi cho nạn nhân mà nạn nhân hoàn toàn không phản hồi, hãy la hét để tạo chú ý và được giúp đỡ. Lập tức gọi cấp cứu khẩn cấp 119, (Việt Nam là 115 và đừng gác máy). Cố gắng lấy AED (là Máy khử rung tim bên ngoài tự động), có thể được nhìn thấy ở nhiều nơi công cộng như nhà ga, trung tâm mua sắm lớn, trường học… mỗi khi ai đó tim đột ngột dừng đập, AED sẽ được điều động ngay lập tức và trở thành một công cụ quan trọng để cứu người.

Hãy la hét để tạo chú ý và được giúp đỡ. Lập tức gọi cấp cứu khẩn cấp 119, (Việt Nam là 115 và đừng gác máy). (Ảnh: pixabay.com)

AED chủ yếu để cấp cứu y tế cho bệnh nhân không có mạch trước khi đến bệnh viện. Hy vọng sẽ khôi phục lại trạng thái bình thường cho bệnh nhân như nhịp tim và mạch do sốc điện và làm theo hướng dẫn của nhân viên 119.

  1. Đánh giá nhịp thở

Cẩn thận quan sát xem nạn nhân có thở bình thường bằng mũi và miệng không, lồng ngực và bụng có lên xuống không. Nếu nạn nhân hoàn toàn không thở hoặc khó thở, hãy ép ngực ngay lập tức. Đặt Người bệnh nằm ngửa trên một mặt phẳng cứng, có thể để chân cao hơn đầu.

  1. Bắt đầu ép ngực

Công thức: "Ấn mạnh, ấn nhanh, lực nẩy ngực, không ngắt quãng".

(1) Quỳ về phía bệnh nhân, hai đầu gối càng gần cơ thể bệnh nhân càng tốt, hai đầu gối mở rộng và rộng bằng vai.

(2) Đặt một lòng bàn tay lên nửa dưới của xương ức (trung tâm của đường nối hai núm vú), với các ngón tay hướng về phía đối diện và lòng bàn tay còn lại chồng lên mu bàn tay đầu tiên, làm cho hai tay chồng lên nhau song song hoặc lồng vào nhau. Duỗi thẳng khuỷu tay và nghiêng vai về phía trước trên bàn tay.

CPR - còn được gọi là “hồi sinh tim phổi". (Ảnh: pixabay.com)

(3) Dùng trọng lượng của phần trên cơ thể đè xuống theo phương thẳng đứng và tập trung lực vào lòng bàn tay. Nhấn xuống độ sâu 5-6 cm và nhấn với tốc độ 100-120 nhịp/1 phút (khoảng 2 nhịp mỗi giây). Sau mỗi lần ấn, gốc lòng bàn tay không được rời khỏi lồng ngực mà phải thả lỏng để lồng ngực bệnh nhân có thể đàn hồi trở lại độ dày ban đầu. Cố gắng tránh làm động tác ép ngực bị gián đoạn, thời gian gián đoạn không quá 10 giây.

Ghi chú:

(*) Tỷ lệ giữa ép ngực và thổi ngạt là 30/2 (30 lần ép tim và 2 lần thổi ngạt), các bước ép ngực và thổi ngạt được thực hiện xen kẽ và không bị gián đoạn cho đến khi bệnh nhân cử động hoặc thở bình thường và xe cấp cứu đến.

Lặp lại ép ngực và theo dõi AED cho đến khi bệnh nhân lấy lại các dấu hiệu quan trọng hoặc nhân viên xe cấp cứu tiếp nhận. (Ảnh: pixabay.com)

(*) Nếu người cứu không thực hiện thủ công thổi ngạt bằng miệng cho nạn nhân, thì cũng không sao, chỉ cần tiếp tục ấn ngực.

Sử dụng thiết bị sốc điện giả (AED)

Công thức sử dụng AED:

  • Bật (mở hộp AED, bật nguồn)
  • Miếng dán (miếng dán AED được dán vào ngực trần của bệnh nhân) và cắm phích của máy vào nguồn điện.
  • Máy AED sẽ tự động phân tích nhịp tim và đưa ra hướng dẫn bằng giọng nói. Khi AED khuyến cáo sốc điện, phải xác nhận rằng không ai chạm vào người bệnh trước khi nhấn nút sốc điện)
  • Ngay sau khi sốc, phải tiến hành ép ngực mà không cần tháo miếng dán AED. AED tự động thực hiện phân tích nhịp tim hai phút một lần và việc ép ngực chỉ có thể tạm dừng trong vài giây trong quá trình phân tích nhịp tim. Lặp lại ép ngực và theo dõi AED cho đến khi bệnh nhân lấy lại các dấu hiệu quan trọng hoặc nhân viên xe cấp cứu tiếp nhận.
    • Máy AED sẽ tự động phân tích nhịp tim và đưa ra hướng dẫn bằng giọng nói. (Ảnh: unsplash.com)

Tham khảo thêm tư liệu hướng dẫn ở Việt Nam:

Khi nạn nhân có các dấu hiệu sau thì cần phải tiến hành ép tim, thổi ngạt:

  • Nạn nhân nằm bất động, người tím tái.
  • Nạn nhân có dấu hiệu ngừng thở: không nghe tiếng thở của nạn nhân, lồng ngực nạn nhân không di động, khi dùng miếng bông hoặc tờ giấy mỏng đặt lên mũi nạn nhân không thấy di động.
  • Không nghe được tiếng tim của nạn nhân cùng với động mạch cảnh hay động mạch cánh tay nạn nhân không đập.

Nếu chỉ có một mình thì trước hết hãy gọi cấp cứu 115. Sau đó đặt nạn nhân trên mặt phẳng cứng, để nạn nhân nằm ngửa, tốt nhất là dùng vải, gỗ... chèn để giữ đầu nạn nhân nằm cố định nhằm tránh tổn thương cột sống cổ, rồi bắt đầu thực hiện sơ cứu.

Xác định vị trí đặt tay ép tim, tốc độ và cường độ ép là rất quan trọng. Khi ép tim sai vị trí, sai kỹ thuật hay làm quá thô bạo có thể gặp một số biến chứng sau: Gãy xương sườn, gãy xương ức, tràn khí màng phổi, đụng dập phổi.

Với nạn nhân nam thì điểm ép là điểm giao giữa đường thẳng dọc xương ức với đường nối giữa 2 đầu ngực. Với nạn nhân nữ thì phải xác định điểm nằm phía trên phần mỏm mũi kiếm của xương ức rồi ép ở điểm phía trên khoảng 2 khoát ngón tay.

Ép với độ sâu khoảng 4-5 cm và tốc độ 100 - 120 lần/phút. Bạn cần lưu ý bảo đảm ngực nạn nhân đã kịp đàn hồi trở lại giữa 2 lần ép. Bạn có thể ép tim 30 lần và thổi ngạt 2 lần, có thể chỉ ép tim trong trường hợp người thực hiện sơ cứu không rành thổi ngạt hoặc ngại sơ cứu cho người lạ. Một điểm nữa cần lưu ý là người ép phải dùng sức của cả 2 tay ép theo hướng vuông góc với cơ thể nạn nhân.

Mạn Nhu

(Tổng hợp theo secretchina.com - ​​vinmec.com)



BÀI CHỌN LỌC

Tìm hiểu kỹ thuật "hồi sinh tim phổi" cứu người