Trung Quốc: BĐS hạng sang không tránh khỏi xu hướng lao dốc của ngành

Giúp NTDVN sửa lỗi

Lĩnh vực bất động sản hạng sang của Trung Quốc đang chứng kiến những thông tin tiêu cực: doanh số giảm mạnh, người mua hủy hợp đồng, các khu vực đắc địa mất đi sức hấp dẫn.

Sự đi xuống của lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc đã ảnh hưởng đến bất động sản hạng sang ở các thành phố lớn.

Một dại lý bất động sản nhà ở cao cấp ở Bắc Kinh đã công bố một báo cáo vào tháng trước về thị trường bất động sản cao cấp của thủ đô, cho thấy trong tháng 10, doanh bất động sản mới giảm 46% so với cùng kỳ năm ngoái và giá trung bình giảm 8,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Chính quyền Trung Quốc đang bơm thêm tiền cho thị trường bất động sản đang trì trệ của đất nước, nhằm mục đích củng cố nền kinh tế trì trệ vốn đã suy giảm kể từ đại dịch COVID-19. Lĩnh vực bất động sản đang suy giảm mạnh khi doanh số bán hàng tiếp tục giảm và các nhà phát triển bất động sản phải vật lộn với khoản nợ cao.

Những thách thức

Tại Bắc Kinh, ngày càng nhiều người mua bất động sản hạng sang hủy hợp đồng do lo ngại thị trường bất động sản sụp đổ. Theo cổng thông tin Sina, ông Zhang Dawei, nhà phân tích chính tại Đại lý bất động sản Centaline ở Trung Quốc, cho biết: “Khoảng 30% số bất động sản được bán từ đầu tháng 9 đã bị người mua hủy bỏ”.

Trong một ví dụ, theo Sina, việc hủy hợp đồng như vậy sẽ dẫn đến việc chịu thiệt hại tương đương 20% tổng giá trị bất động sản. Bất chấp thua lỗ, các đại lý bất động sản ở Bắc Kinh cho biết khách hàng chọn hủy hợp đồng như vậy do lo ngại thị trường bất động sản lao dốc.

Ngoài ra còn có những lý do khác khiến người mua rút lui khỏi hợp đồng. Đặc biệt, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng ảnh hưởng đến khả năng thanh toán thế chấp của chủ nhà.

Bất động sản tại các khu trường học danh giá ở Bắc Kinh cũng đang đối mặt với thách thức. Những khu vực có trường học tốt nhất thường được coi là vị trí đắc địa trên thị trường bất động sản.

Xu hướng tương tự cũng được thấy ở Thượng Hải, nơi bất động sản ở khu vực trường học tốt nhất đã mất đi sức hấp dẫn đối với người mua nhà. Theo dữ liệu bán bất động sản, trung tâm tài chính này đã bán được 13.300 bất động sản cũ trong tháng 10, giảm 19% so với một năm trước đó.

Vào tháng 9, Bắc Kinh đưa ra các chính sách kích thích dành cho thị trường bất động sản để thúc đẩy doanh số bán hàng. Ban đầu, doanh số bán hàng tăng trở lại nhưng xu hướng này kéo dài không quá hai tuần. Vào tháng 10, giá bất động sản lại giảm mạnh.

Theo cổng thông tin Sohu của Trung Quốc, nhà nghiên cứu chính sách bất động sản Li Yujia làm việc tại Trung Quốc nói: “Tốc độ suy giảm nhìn chung đang mở rộng. Gói kích thích tháng 9 đã chứng kiến doanh số bán hàng phục hồi trong thời gian ngắn, nhưng đến tháng 10, nó lại giảm và với tốc độ ngày càng nhanh”.

Sự thiếu niềm tin của người tiêu dùng góp phần đáng kể vào sự suy thoái thị trường bất động sản Trung Quốc vào tháng trước. Hơn nữa, vấn đề vỡ nợ của các nhà phát triển bất động sản khổng lồ như Country Garden và Evergrande chỉ làm tăng thêm rủi ro trên thị trường.

Trung Quốc: BĐS hạng sang không tránh khỏi xu hướng chung của ngành
Các tòa nhà của nhà phát triển Trung Quốc Country Garden Holdings ở Tú Thiên, tỉnh Giang Tô phía đông Trung Quốc, vào ngày 18/10/2023. (Ảnh: STR/AFP qua Getty Images)

Lĩnh vực bất động sản Trung Quốc đang sụp đổ

Bất động sản đóng góp khoảng 30% nền kinh tế Trung Quốc, trở thành lĩnh vực đóng góp lớn nhất cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Theo một số chuyên gia, do các nhà phát triển bất động sản lớn của Trung Quốc là các công ty niêm yết tại Mỹ, việc thị trường bất động sản Trung Quốc đang sụp đổ có thể sẽ ảnh hưởng đến các thị trường trên toàn thế giới.

Vào ngày 15/11, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc đã công bố báo cáo về tình hình lĩnh vực bất động sản từ tháng 1 đến tháng 10, cho biết đầu tư vào phát triển bất động sản trong giai đoạn này đã giảm 9,3% so với cùng kỳ năm ngoái và doanh số bán bất động sản giảm 7,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Một báo cáo công bố ngày 15/11 của công ty dịch vụ tài chính Nhật Bản Nomura Securities cho biết số lượng dự án xây dựng chưa hoàn thiện ở Trung Quốc “khổng lồ đến mức đáng báo động”. Giám đốc điều hành của Nomura và nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc, ông Ting Lu, ước tính có khoảng 20 triệu công trình bán trước chưa hoàn thiện ở Trung Quốc, và sẽ tốn khoảng 3,2 nghìn tỷ CNY (nhân dân tệ) (khoảng 449 tỷ USD) để hoàn thành tất cả các dự án này.

Trung Quốc: BĐS hạng sang không tránh khỏi xu hướng chung của ngành
Thành phố Du lịch Văn hóa Evergrande, một khu phát triển khu dân cư-bán lẻ-giải trí hỗn hợp, ở Thái Thương, thành phố Tô Châu, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc, vào ngày 17/9/2021. (Ảnh: Vivian Lin/AFP qua Getty Images)

Báo cáo của Nomura cũng cho biết, lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc đang "sụp đổ" và các nhà phát triển nói chung đang chìm trong khủng hoảng tín dụng nghiêm trọng, khiến họ không thể hoàn thành việc xây dựng nhà trả trước cho hàng triệu người mua. Khả năng bất ổn xã hội nảy sinh từ tình trạng này trở thành mối lo ngại đáng kể đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Năm tồi tệ nhất

Doanh nhân Trung Quốc Meng Jun làm việc tại Mỹ gần đây nói với The Epoch Times rằng năm 2023 có thể là năm tồi tệ nhất đối với nền kinh tế Trung Quốc so với những năm xảy ra đại dịch COVID-19.

Ông nói: “Chúng ta đã chứng kiến sự rút đi gần như hoàn toàn của vốn ngoại khỏi thị trường Trung Quốc”.

Ông Meng ước tính rằng “hơn một nửa số công ty và doanh nghiệp tư nhân đã đóng cửa, đặc biệt là trong lĩnh vực bất động sản”.

Ông nói thêm: "Về cơ bản, hiện nay, thị trường bất động sản đã rơi vào tình cảnh hỗn loạn. Tuy nhiên, truyền thông nhà nước Trung Quốc không được phép đưa ra thông tin trung thực về vấn đề này".

Cách tiếp cận trên thực tế của ĐCSTQ đối với bất kỳ cuộc khủng hoảng nào có thể làm tổn hại đến hình ảnh của nó trước công chúng là che giấu thông tin. Ví dụ, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) hồi tháng 8 tuyên bố sẽ ngừng công bố dữ liệu thất nghiệp của thanh niên trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên tăng cao, lên mức cao kỷ lục 21,3% trong tháng 6. Đây được coi là một nỗ lực của chính quyền nhằm che đậy các vấn đề kinh tế của Trung Quốc và đàn áp dư luận.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc: BĐS hạng sang không tránh khỏi xu hướng lao dốc của ngành