22 tổng chưởng lý kêu gọi Tối cao Pháp viện trì hoãn phiên tòa của ông Trump

Giúp NTDVN sửa lỗi

Vào thứ Sáu (16/2), tổng chưởng lý của 22 tiểu bang đã yêu cầu Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ hoãn phiên tòa xét xử hình sự đối với vụ án can thiệp bầu cử ngày 6/1/2020 của cựu Tổng thống Trump.

Một bản tóm tắt ý kiến của các tổng chưởng lý cho biết, 30 tháng sau sự kiện "6/1", công tố viên đặc biệt Jack Smith vẫn chưa truy tố ông Trump. Cho đến gần cuộc bầu cử năm 2024, ông Smith mới cố gắng đẩy nhanh tốc độ xét xử vụ án và cho rằng xét xử nhanh chóng là vì "lợi ích cộng đồng", "nhưng chưa bao giờ giải thích lý do tại sao ông Smith không truy tố trong nhiều năm".

"Sự cấp bách đột ngột này đã dấy lên nghi ngờ của công chúng rằng vụ án có thể có mục đích không chính đáng - ảnh hưởng đến cuộc bầu cử năm 2024", các tổng chưởng lý cho biết, họ "đại diện cho hàng triệu người Mỹ, trong đó nhiều người lo ngại rằng thời điểm truy tố lần này là nhằm đàn áp hoặc giam cầm đối thủ chính trị của Tổng thống Biden”.

Các tổng chưởng lý viết: "Dù đúng hay sai, nỗi sợ hãi này có tác động ăn mòn sâu sắc. Việc tòa án cấp dưới chấp nhận cho tiến hành xét xử vội vàng chỉ càng làm gia tăng quan điểm của mọi người về hành vi sai trái. Việc từ chối tạm hoãn sẽ tạo điều kiện cho các công tố viên tiến hành với tốc độ chóng mặt, bật đèn xanh để đưa ứng cử viên tổng thống hàng đầu ra xét xử trước cuộc bầu cử".

"Việc chấp thuận hoãn xét xử sẽ xoa dịu dư luận, an tâm cho công chúng và cho phép tiến hành xem xét bình thường và có trật tự đối với những vấn đề trọng đại này", các tổng chưởng lý cho hay.

22 tổng chưởng lý này đến từ các bang đã bỏ phiếu cho ông Trump trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 bao gồm Ohio, Florida, Texas, v.v.

Cựu Tổng thống Trump đã yêu cầu hoãn phiên tòa cho đến sau cuộc bầu cử tổng thống năm 2024, nhưng Thẩm phán Tanya Chutkan của Washington, D.C. từ chối. Ban đầu bà dự định bắt đầu phiên tòa vào ngày 4/3, một ngày trước khi nhiều tiểu bang đồng thời tổ chức bầu cử sơ bộ tổng thống, nhưng ngày đó đã bị đẩy lùi khi ông Trump lại kháng cáo về quyền miễn trừ của tổng thống.

Công tố viên đặc biệt Smith cũng yêu cầu Tối cao Pháp viện nhanh chóng xét xử kháng cáo nhưng thẩm phán đã từ chối yêu cầu của ông.

Vào ngày 6/2, Tòa phúc thẩm Liên bang ở Washington, D.C., đã bác bỏ kháng cáo của ông Trump, giữ nguyên phán quyết của tòa cấp dưới rằng ông Trump không còn được hưởng quyền miễn trừ tổng thống. Ngày 12/2, ông Trump lại kháng cáo lên Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ với hy vọng ngăn chặn quyết định của tòa phúc thẩm liên bang.

Tài liệu này được đệ trình lên các thẩm phán trong một cuộc họp kín vào thứ Sáu.

Cách xử lý yêu cầu này của Tối cao Pháp viện sẽ là một bước ngoặt quan trọng, vì ông Trump đang phải đối mặt với 4 vụ truy tố hình sự, nhiều vụ kiện dân sự và nỗ lực cấm ông tham gia bỏ phiếu với cáo buộc nổi loạn.

Theo Epoch Times
Lý Ngọc biên dịch

Thế giới Mỹ


BÀI CHỌN LỌC

22 tổng chưởng lý kêu gọi Tối cao Pháp viện trì hoãn phiên tòa của ông Trump