6 ca đột quỵ chỉ trong một đêm - Bác sĩ: Lưu ý các triệu chứng sớm của đột quỵ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đêm 21/3, người đàn ông (32 tuổi) ở Hà Nội nhập viện trong tình trạng liệt nửa người trái, không nói được. Qua chia sẻ của người thân, nam thanh niên đột ngột bị liệt nửa người khi đang chơi cầu lông với bạn.

Trả lời trong một cuộc phỏng vấn ngày 29/3, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ tại Bệnh viện Bạch Mai, cho biết sau 40 phút kể từ thời điểm vào viện, nam bệnh nhân được chẩn đoán nhồi máu não do tắc động mạch và cần dùng thuốc để tiêu huyết khối. May mắn, chỉ sau 30 phút can thiệp, động mạch não đã được tái thông.

Ông Tôn nói rằng thời gian nhập viện nhanh chóng kết hợp với việc điều trị tái tưới máu tích cực bằng hai phương pháp tiêu huyết khối và can thiệp lấy huyết khối, đã giúp nam bệnh nhân nói trên hồi phục gần như hoàn toàn.

Xu hướng đột quỵ ở người trẻ

Bác sĩ Tôn cũng cảnh báo về tình trạng đột quỵ ở người trẻ.

Theo ông, chỉ trong duy nhất một ca trực đêm tại trung tâm, các bác sĩ đã tiếp nhận tổng cộng 6 bệnh nhân đột quỵ cấp cứu, độ tuổi dao động từ 32 - 45.

Ca bệnh 32 tuổi tiếp theo là một nữ bệnh nhân, quê Hưng Yên. Cô nhập viện trong tình trạng liệt nửa người trái hoàn toàn và nói ngọng.

Sau khi kiểm tra, cô được chẩn đoán nhồi máu não cấp do tắc động mạch. Bệnh nhân được chỉ định dùng thuốc tiêu huyết khối sau 35 phút nhập viện.

Sau điều trị, bệnh nhân đã hết nói khó, chỉ còn yếu nhẹ nửa người trái, tình trạng cải thiện.

Dấu hiệu đột quỵ

Các dấu hiệu có thể xuất hiện và biến mất nhanh chóng, nhưng lặp lại thường xuyên, bao gồm:

  • Mệt mỏi, cảm thấy không có sức lực, tê cứng mặt hoặc nửa mặt, nụ cười méo mó.
  • Khó cử động hoặc không thể cử động chân tay, tê liệt một bên cơ thể. Dấu hiệu chính xác nhất là không thể nâng hai cánh tay qua đầu cùng lúc.
  • Phát âm khó, không nói rõ chữ, dính chữ khi nói, nói ngọng bất thường.
  • Chóng mặt, hoa mắt, mất thăng bằng đột ngột.
  • Giảm thị lực, mờ mắt và nhìn không rõ.
  • Đau nhức đầu dữ dội, cơn đau đến rất nhanh và có thể gây buồn nôn hoặc nôn.

Biện pháp phòng, tránh đột quỵ

Bác sĩ Tôn khuyến cáo người trẻ tuổi nên thường xuyên tập luyện, vận động, kiểm soát cân nặng, từ bỏ thói quen hút thuốc và ăn uống không lành mạnh.

Ngoài ra, đột quỵ còn liên quan đến các yếu tố nguy cơ khác như: tim mạch, huyết áp, mỡ máu, tiểu đường… Đây cũng là những khía cạnh cần kiểm soát.

Ông Tôn cũng nhắc nhở, nếu thấy người nhà có dấu hiệu đột quỵ, cần nhanh chóng đưa người bệnh đến các trung tâm điều trị đột quỵ để chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Đột quỵ não là bệnh rất nguy hiểm. Đây là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Việt Nam trong nhiều năm qua.

Mặc dù không ít bệnh nhân được cứu sống, nhưng đột quỵ cũng để lại di chứng nặng nề, từ mức độ nhẹ như rối loạn cảm giác, thay đổi tính cách để mức độ nặng như liệt vận động, không thể đi lại, gặp khó khăn trong giao tiếp, nhận thức suy giảm, thậm chí có thể hôn mê và sống thực vật…

Theo bác sĩ, 270 phút là thời gian và trong điều trị đột quỵ nếu sử dụng thuốc tiêu huyết khối. Nếu lấy huyết khối cơ học trong trường hợp tắc động mạch lớn trong não, thì thời gian vàng sẽ dao động từ 6-8 giờ.

Bệnh nhân càng được điều trị sớm trong khoảng thời gian này thì khả năng phục hồi và ít để lại di chứng càng cao.

Hoàng Tuấn (tổng hợp)



BÀI CHỌN LỌC

6 ca đột quỵ chỉ trong một đêm - Bác sĩ: Lưu ý các triệu chứng sớm của đột quỵ