Apple chuyển việc phát triển sản phẩm iPad từ Trung Quốc sang Việt Nam

Giúp NTDVN sửa lỗi

Động thái của Apple đánh dấu một sự chuyển dịch đáng chú ý đối với chuỗi cung ứng toàn cầu. Việt Nam và Đông Nam Á đang nổi lên như một điểm đến của các công ty nước ngoài.

Truyền thông Nhật Bản Nikkei Asia hôm thứ Sáu (8/12) đưa tin gã khổng lồ điện thoại thông minh Mỹ Apple đang chuyển nguồn lực phát triển sản phẩm đối với iPad sang Việt Nam.

Bài báo cho biết Apple đang hợp tác với một trong những đối tác Trung Quốc, BYD, để chuyển nguồn lực phục vụ giới thiệu sản phẩm mới (NPI) sang Việt Nam. BYD là hãng ô tô Trung Quốc, đồng thời tham gia lắp ráp sản phẩm iPad cho Apple. Quá trình NPI liên quan đến việc một công ty công nghệ như Apple cộng tác với các nhà cung cấp về thiết kế và phát triển sản phẩm mới để đảm bảo các bản thiết kế là khả thi.

Nikkei Asia cho biết đây là lần đầu tiên Apple chuyển nguồn lực NPI sang Việt Nam cho một thiết bị cốt lõi như vậy. Việt Nam đang nhanh chóng trở thành điểm đến chuyển giao chuỗi cung ứng.

Quá trình xác minh kỹ thuật sản xuất thử nghiệm mẫu iPad mới sẽ bắt đầu vào khoảng giữa tháng 2 và mẫu này sẽ được ra mắt vào nửa cuối năm sau.

Các nhà cung cấp chính của Apple tại Trung Quốc, Luxshare Precision và Foxconn, đã bắt đầu chuyển một số hoạt động ra khỏi Trung Quốc vào đầu năm nay để đa dạng hóa sản xuất. Đông Nam Á là mục tiêu ưa thích của họ.

Trong những năm gần đây, thế giới đã trải qua 3 năm căng thẳng vì đại dịch. Trong khi đó, mối quan hệ Mỹ - Trung đã xấu đi. Người ta có thể cảm thấy rằng Trung Quốc, “công xưởng của thế giới” với vai trò là mắt xích quan trọng trong chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu, là không đáng tin cậy. Bắc Kinh dựa vào quyền kiểm soát các sản phẩm và linh kiện của mình để gây áp lực kinh tế lên các quốc gia khác, biến lợi thế này thành đòn bẩy quan trọng chống lại Mỹ và châu Âu cũng như trong việc kiểm soát các quốc gia khác.

Trong đại dịch kéo dài ba năm, Bắc Kinh đã thực hiện chính sách zero-Covid, tùy tiện đóng cửa các thành phố, đồng thời làm gián đoạn hoạt động sản xuất và cung cấp các bộ phận và linh kiện. Điều này dẫn đến tình trạng thiếu nguyên liệu và bộ phận sản phẩm ở nhiều nước trên thế giới và trở thành nguyên nhân chính khiến lạm phát tăng phi mã.

Do đó, Mỹ, Liên minh Châu Âu và nhiều quốc gia khác đã bắt đầu “giảm thiểu rủi ro”, chuyển giao phần lớn nguồn lực sản xuất và vốn ban đầu đặt tại Trung Quốc sang các quốc gia phù hợp với các giá trị phương Tây. Kết quả là làn sóng chuỗi sản xuất và cung ứng dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc đã xuất hiện.

Việt Nam có vị trí địa lý ở gần Trung Quốc nhất, có sự cải cách và mở cửa mạnh mẽ hơn Trung Quốc, cùng với môi trường kinh doanh thoải mái hơn. Đây là nước hưởng lợi một cách tự nhiên từ làn sóng này.

Nikkei Asia đưa tin, quyết định chuyển nguồn lực phát triển sản phẩm ra khỏi Trung Quốc của Apple chủ yếu là do sự bất ổn về địa chính trị. Ngoài Việt Nam, Apple cũng đang chuẩn bị chuyển nguồn lực phát triển và sản xuất iPhone sang Ấn Độ, nền dân chủ lớn nhất thế giới.

Apple là nhà sản xuất máy tính bảng lớn nhất thế giới, với thị phần toàn cầu là 36,6% trong ba quý đầu năm nay. Hiện tại, số lượng iPad sản xuất tại Việt Nam chiếm 10% tổng sản lượng của Apple, còn lại vẫn ở Trung Quốc.

Apple chuyển nguồn lực phát triển sản phẩm iPad từ Trung Quốc sang Việt Nam
Những chiếc iPad của Apple được trưng bày khi mọi người xem các sản phẩm mới của Apple tại One Hanson Place sau một sự kiện đặc biệt tại Học viện m nhạc Brooklyn, Nhà hát Opera Howard Gilman, vào ngày 30/10/2018. (Ảnh: TIMOTHY A. CLARY/AFP qua Getty Images)

Ông Ivan Lam, nhà phân tích kỹ thuật cao cấp của công ty nghiên cứu thị trường Counterpoint Research có trụ sở tại Hong Kong, cho biết: “Việt Nam luôn có vai trò chiến lược quan trọng trong sản xuất, đóng vai trò là trung tâm và có khả năng trở thành một trong những trung tâm sản xuất toàn cầu tiếp theo”.

Động thái của Apple đánh dấu một bước dịch chuyển đáng chú ý đối với chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trong khi đó, chính quyền Bắc Kinh đang nỗ lực quảng bá cho chuỗi cung ứng Trung Quốc, tìm cách ngăn chặn chuỗi cung ứng bị tách rời cũng như níu kéo các công ty nước ngoài.

Các công ty nước ngoài tìm đến Đông Nam Á thay vì Trung Quốc

Theo dữ liệu từ Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển, trong giai đoạn từ 2017 đến 2022 khi xung đột thương mại Trung Quốc - Mỹ leo thang, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tới 11 nước Đông Nam Á đã tăng 40%, vượt mức tăng đầu tư nước ngoài vào các khu vực như Trung Quốc, Mỹ Latinh và châu Phi.

Mỹ là quốc gia dẫn đầu thế giới về các dự án đầu tư vốn ở Đông Nam Á, chi 74,3 tỷ USD để xây dựng nhà máy cũng như tài trợ các dự án khác từ năm 2018 đến năm 2022, theo Hệ thống theo dõi đầu tư trực tiếp nước ngoài xuyên biên giới của Financial Times.

Các công ty Mỹ ở Đông Nam Á chủ yếu tập trung đầu tư vào các ngành liên quan đến chất bán dẫn ở các quốc gia như Singapore và Malaysia.

Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết trong một tuyên bố sau chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Biden vào tháng 9: “Việt Nam dự kiến sẽ là đối tác trong việc đảm bảo tính đa dạng và khả năng vững bền của chuỗi cung ứng chất bán dẫn”.

Đáp lại, các công ty Mỹ như Marvell Technology và Synopsys đã bày tỏ sự háo hức đầu tư vào Việt Nam.

Amkor Technology đã khai trương nhà máy sản xuất chất bán dẫn tại tỉnh Bắc Ninh, miền Bắc Việt Nam vào tháng 10. Nhà máy trị giá 1,6 tỷ USD này được thiết kế để trở thành cơ sở sản xuất lớn nhất thế giới của công ty Hoa Kỳ này và tạo ra khoảng 10.000 việc làm.

Mục đích chính của các công ty Mỹ khi tăng cường đầu tư vào Đông Nam Á là giảm sự phụ thuộc quá mức vào chuỗi cung ứng của Trung Quốc và tìm kiếm sự đa dạng hóa chuỗi cung ứng.

Thứ 2 (27/11), Tòa Bạch Ốc đã công bố gần 30 biện pháp mới nhằm tăng cường chuỗi cung ứng quan trọng, nhấn mạnh việc hợp tác với các đồng minh. Các lĩnh vực bao gồm là y học, chất bán dẫn, năng lượng và khoáng sản quan trọng.

Doanh nghiệp Trung Quốc hướng sang Đông Nam Á để né tránh căng thẳng

Đồng thời, đầu tư của Trung Quốc vào Đông Nam Á cũng ngày càng tăng. Từ năm 2018 đến năm 2022, đầu tư của Trung Quốc vào các nước Đông Nam Á đạt 68,5 tỷ USD, theo sát Mỹ. Các công ty Trung Quốc chủ yếu tham gia các dự án như xe điện ở Thái Lan và đầu tư khai thác mỏ ở Indonesia.

Vào tháng 7, Malaysia cho biết nhà sản xuất ô tô lớn của Trung Quốc Chiết Giang Geely Holding Group sẽ đầu tư 10 tỷ USD để xây dựng cơ sở sản xuất ô tô ở bang Perak phía tây Malaysia. Công ty cũng đang xem xét xây dựng một nhà máy sản xuất xe điện ở Thái Lan.

Các công ty Trung Quốc hy vọng sẽ tiếp tục duy trì xuất khẩu sang Mỹ và châu Âu thông qua các nhà máy ở các nước Đông Nam Á trong bối cảnh tình hình tiếp tục căng thẳng và xấu đi trong quan hệ Mỹ - Trung và châu Âu - Trung Quốc. [Các công ty Trung Quốc chuyển hoạt động sản xuất sang Đông Nam Á để né tránh căng thẳng trong mối quan hệ giữa các khu vực].

Apple chuyển nguồn lực phát triển sản phẩm iPad từ Trung Quốc sang Việt Nam
Các container được nhìn thấy tại bến container của Cảng Liên Vân Cảng, thuộc tỉnh Giang Tô phía đông Trung Quốc, vào ngày 13/7/2023. (Ảnh: STRINGER/AFP qua Getty Images)

Đầu tư từ Đài Loan chuyển hướng

Bộ trưởng Bộ Kinh tế Đài Loan Wang Meihua gần đây đã tham gia một cuộc phỏng vấn độc quyền với "Nikkei Asia" và chỉ ra rằng "Đầu tư của Đài Loan vào Đông Nam Á và Nam Á thực sự đã vượt quá đầu tư vào Trung Quốc lần đầu tiên vào năm 2022. Chúng tôi tin rằng do tác động từ căng thẳng trong quan hệ thương mại Mỹ-Trung, xu hướng này sẽ chỉ tiếp tục [trong tương lai]”.

Năm 2018, sau khi cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang, các nhà cung cấp công nghệ lớn của Đài Loan đã đẩy mạnh việc đa dạng hóa ra khỏi Trung Quốc. Và nhiều khách hàng Mỹ đang yêu cầu các nhà cung cấp của họ xây dựng năng lực sản xuất tại Đài Loan và các nước Đông Nam Á như Việt Nam hay Thái Lan và Ấn Độ.

Bà Wang Meihua cho rằng xu hướng này đã trở nên sắc nét hơn trong năm nay. Bà chỉ ra rằng trong 9 tháng đầu năm 2023, đầu tư của các công ty Đài Loan vào Đông Nam Á và Ấn Độ đạt 4,3 tỷ USD, trong khi đầu tư vào Trung Quốc trong cùng kỳ chỉ là 1,26 tỷ USD.

Việt Nam đã thu hút đầu tư từ các nhà sản xuất lớn như Hon Hai, Wistron, Quanta, Pegatron, Compal và Inventec và trở thành trung tâm lớn của ngành công nghiệp điện tử. Các quan chức của Bộ Kinh tế Đài Loan phân tích, chi phí lao động thấp của Việt Nam, lợi thế về địa lý khi nằm ngay cạnh Trung Quốc và nhiều hiệp định ưu đãi được ký kết với nhiều nước sẽ hỗ trợ đẩy nhanh tốc độ di dời cơ sở sản xuất của các nhà sản xuất linh kiện điện tử sang Việt Nam.

Gần đây, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã mở một cuộc điều tra về cái gọi là rào cản thương mại của Đài Loan và tuyên bố sẽ hoàn thành vụ điều tra trước cuộc bầu cử tổng thống Đài Loan vào ngày 13/1 năm sau. Bà Wang Meihua chỉ ra rằng động thái này "rất có động cơ chính trị". Bà cảnh báo: "Chúng tôi dự đoán các biện pháp gây áp lực kinh tế của Trung Quốc (Đảng Cộng sản Trung Quốc) sẽ chỉ tăng chứ không giảm".

Ảo tưởng hào nhoáng do Bắc Kinh dựng nên

Apple chuyển nguồn lực phát triển sản phẩm iPad từ Trung Quốc sang Việt Nam
Những chiếc ô tô điện BYD đang chờ xếp lên tàu tại bến container quốc tế của Cảng Tô Châu, tỉnh Giang Tô phía đông của Trung Quốc, vào ngày 11/9/2023. (Ảnh: -/AFP qua Getty Images)

Sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Trung tại San Francisco và cuộc họp APEC, Bắc Kinh đã tổ chức một hội chợ triển lãm chuỗi cung ứng như một động thái thể hiện sự không tách rời với thế giới và nhằm thúc đẩy đầu tư nước ngoài. Một chuyên gia cho rằng, qua hội chợ triển lãm này, chính quyền Trung Quốc đang cố gắng dựng lên một ảo tưởng hào nhoáng về thị trường Trung Quốc.

Các chuyên gia phân tích rằng trong cuộc khủng hoảng kinh tế, Bắc Kinh đang thực hiện tuyên truyền quy mô lớn nhằm cố gắng giữ chân đầu tư nước ngoài và kiểm soát chuỗi cung ứng. Một số người sẽ bị lừa, nhưng việc phương Tây rời xa chuỗi cung ứng của Trung Quốc đã trở thành xu hướng chung. Đồng thời, sự cai trị toàn trị của Bắc Kinh đang đẩy nhanh việc rút vốn của nước ngoài.

​Vào ngày 28/11, Bắc Kinh đã tổ chức lễ khai mạc Hội chợ triển lãm xúc tiến chuỗi cung ứng quốc tế Trung Quốc lần thứ nhất. Theo Tân Hoa Xã, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường tuyên bố trong bài phát biểu rằng ông sẽ phản đối chủ nghĩa bảo hộ và mọi hình thức "tách rời và mất kết nối". Ông Lý Cường cũng nói rằng Bắc Kinh “sẽ hội nhập sâu hơn vào hệ thống chuỗi cung ứng và công nghiệp toàn cầu” và “cung cấp nhiều sự thuận tiện hơn và sự đảm bảo tốt hơn cho các công ty từ khắp nơi trên thế giới đến đầu tư và hoạt động tại Trung Quốc”.

Ông Phùng Sùng Nghĩa (Feng Chongyi), phó giáo sư tại Đại học Công nghệ Sydney, cho biết vào ngày 29/11 rằng Bắc Kinh hiện đang gặp khó khăn về kinh tế và một số lượng lớn đầu tư nước ngoài đang rút khỏi Trung Quốc. Chính quyền đang tổ chức loại hội chợ này để xúc tiến đối ngoại, cố gắng tạo ra ảo tưởng hào nhoáng rằng thị trường Trung Quốc vẫn được ưa chuộng, thu hút vốn nước ngoài.

Theo ông Phùng, khi tình hình hiện giờ đang hỗn loạn, ĐCSTQ muốn tổ chức lại chuỗi cung ứng và giữ các chuỗi cung ứng quan trọng ở Trung Quốc.

Ông Tô Tử Vân (​​Su Ziyun), Giám đốc Viện Chiến lược và Nguồn lực của Viện Nghiên cứu An ninh Quốc phòng Quốc gia Đài Loan, cũng cho biết vào ngày 29/11 rằng việc Bắc Kinh tổ chức triển lãm chuỗi cung ứng phản ánh những khó khăn mà Bắc Kinh đang gặp phải. Bởi vì các nhà sản xuất trong các ngành khác nhau thường tự kết nối với các đối tác thượng nguồn và hạ nguồn trong chuỗi cung ứng nên không cần phải tổ chức các triển lãm đặc biệt để quảng bá. ​​Ông Tô cho rằng hội chợ này nêu bật điểm yếu của Bắc Kinh.

Hiện ngày càng có nhiều quốc gia bày tỏ lo ngại về sự phụ thuộc của chuỗi cung ứng vào Trung Quốc.

Trong năm qua, Mỹ và Liên minh châu Âu đã kêu gọi giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc trong các lĩnh vực cụ thể và “giảm thiểu rủi ro” trong chuỗi cung ứng. Đồng thời, họ cũng cố gắng cắt đứt khả năng tiếp cận các chất bán dẫn tiên tiến của các công ty Trung Quốc.

Vào ngày 30/3, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu von der Leyen đã chỉ ra rằng “sự kết hợp rõ ràng giữa các lĩnh vực quân sự và thương mại” của Bắc Kinh đã mang lại rủi ro cho an ninh châu Âu và do đó cần phải giảm thiểu rủi ro.

Ngay trước khi khai mạc hội chợ triển lãm chuỗi cung ứng của Bắc Kinh, Tổng thống Mỹ Biden đã thành lập “Hội đồng Tòa Bạch Ốc về sự vững bền của chuỗi cung ứng” vào ngày 27/11 và công bố gần 30 biện pháp mới nhằm củng cố chuỗi cung ứng, thứ đóng vai trò then chốt trong an ninh quốc gia và nền kinh tế của Mỹ.

Ông Tô Tử Vân cho rằng việc Mỹ tăng cường sự vững bền của chuỗi cung ứng bắt nguồn từ yêu cầu của Tổng thống Trump vào năm 2017. Ông Trump đã đề nghị Bộ Quốc phòng Mỹ nộp báo cáo an ninh về việc làm vững mạnh chuỗi cung ứng quốc phòng của Mỹ. Sau khi ông Biden nhậm chức, một báo cáo khác vào năm 2021 được đưa ra nhằm củng cố chuỗi cung ứng của Mỹ, tăng khả năng phục hồi kinh tế. Thoát khỏi chuỗi cung ứng của Trung Quốc là một xu hướng lớn.

Theo ông Tô, phương hướng chung trong chính sách của Mỹ đã được đặt ra. 30 biện pháp của ông Biden là nhằm thoát khỏi chuỗi cung ứng của Trung Quốc và đảm bảo rằng chuỗi cung ứng sẽ không bị ĐCSTQ kiểm soát.

Ngoài ra, căng thẳng địa chính trị, đặc biệt là từ cuộc chiến của Nga ở Ukraine và những lo ngại rằng Trung Quốc có thể xâm chiếm Đài Loan, đã khiến các công ty có vốn nước ngoài chọn không mở rộng chuỗi cung ứng ở Trung Quốc mà chuyển sang các quốc gia khác có quan hệ tốt hơn với Mỹ, chẳng hạn như như Ấn Độ, Mexico và Việt Nam.

Bảo Nguyên tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Apple chuyển việc phát triển sản phẩm iPad từ Trung Quốc sang Việt Nam