Trung Quốc có thể mất đi vị thế thống trị chuỗi cung ứng xe điện

Giúp NTDVN sửa lỗi

Lợi thế của Trung Quốc trong lĩnh vực xe điện có thể sẽ không duy trì được quá lâu vì các quốc gia khác đã nhận ra và đang tìm kiếm các biện pháp để đối phó với sự thống trị của Trung Quốc trong ngành. Xe điện có thể là chiến trường địa chính trị tiếp theo sau chất bán dẫn.

Trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị toàn cầu và nhu cầu giảm thiểu rủi ro về nguồn cung ứng, các quốc gia như Mỹ và các doanh nghiệp trên toàn thế giới đang tìm kiếm các lựa chọn thay thế Trung Quốc cho nguồn nguyên liệu thô của họ, đặc biệt là nguyên liệu để sản xuất xe điện (EV).

Khi phần lớn thế giới phương Tây cố gắng tránh xa nhiên liệu hóa thạch và hướng tới các nguồn năng lượng thay thế, ngành công nghiệp xe điện đã nổi lên như một phần thiết yếu của nỗ lực này.

Tuy nhiên, giống như trường hợp của phần lớn nguyên liệu thô quan trọng cho nhiều ngành công nghiệp, Trung Quốc thống trị chuỗi cung ứng xe điện, với 80% việc tinh chế nguyên liệu thô toàn cầu trong chuỗi cung ứng pin lithium-ion, 77% công suất pin trên thế giới, và 60% sản lượng linh kiện trong ngành của thế giới.

Nhưng sự thống trị của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng xe điện có thể sắp chấm dứt.

“Lợi thế của Trung Quốc có thể không duy trì được quá lâu vì các quốc gia khác đã nhận ra sự thống trị của Trung Quốc [trong lĩnh vực xe điện] và đẩy mạnh các phản ứng để né tránh nó, với ví dụ điển hình nhất là [đạo luật] IRA của Mỹ”, một ghi chú nghiên cứu được Natixis công bố hôm thứ 5 (23/11) cho biết. IRA chính là Đạo luật Giảm lạm phát được Tổng thống Joe Biden ký vào tháng 8/2022.

“EV có thể là chiến trường địa chính trị tiếp theo sau chất bán dẫn, đặc biệt là về pin”, ghi chú cho biết thêm, đồng thời chỉ ra rằng IRA sẽ “hạn chế khả năng mở rộng của Trung Quốc và làm lợi cho các quốc gia khác, chẳng hạn như Hàn Quốc”.

Theo Natixis, bên cạnh địa chính trị, vị thế dẫn đầu về xe điện của Trung Quốc đang phải đối mặt với những cơn gió ngược khác, bao gồm sự cạnh tranh từ các quốc gia khác và thực tế là "cân bằng cung cầu [ở Trung Quốc] có thể bị lệch lạc cùng với những thách thức về lợi nhuận". Natixis đồng thời nói thêm rằng “Cuộc chiến giá của xe điện gần đây ở Trung Quốc cho thấy những rủi ro tiềm ẩn về tỷ suất lợi nhuận thấp hơn. Bất kỳ sự gia tăng nhanh chóng nào về công suất kết hợp với nhu cầu giảm đều có thể làm tăng mối lo ngại về tình trạng dư thừa công suất”.

Các quốc gia như Mỹ, Đức, Nauy, Nhật Bản và Hàn Quốc, những nước đang phát triển thị trường xe điện và hứa hẹn có tiềm năng đáng kể, cũng đang tạo ra sự cạnh tranh đáng kể đối với sự thống trị của xe điện của Trung Quốc.

Trung Quốc có thể mất đi vị thế thống trị chuỗi cung ứng xe điện
Những chiếc ô tô điện BYD đang chờ xếp lên tàu tại bến container quốc tế của Cảng Tô Châu, tỉnh Giang Tô phía đông của Trung Quốc, vào ngày 11/9/2023. (Ảnh: -/AFP qua Getty Images)

Trong khi các nhà sản xuất xe điện của Mỹ như Tesla, General Motors và Ford có mặt ở Trung Quốc, thì không có chiếc xe điện nào của Trung Quốc được sản xuất tại Mỹ. Hơn nữa, các thương hiệu xe điện hạng sang của châu Âu, bao gồm Mercedes, BMW và Volkswagen, bán khoảng 1/3 số xe điện của họ tại Trung Quốc.

Ngoài ra, Đức đã phát triển các công nghệ quan trọng cho các bộ phận cụ thể của chuỗi giá trị công nghệ pin EV, chẳng hạn như tái chế, và đi đầu trong việc thử nghiệm các hóa chất pin cải tiến như trong pin natri-ion.

Mối lo ngại trước vị thế thống trị của Trung Quốc

Doanh số bán xe điện tăng đột ngột trong thời kỳ bùng phát dịch bệnh COVID-19 kết hợp với căng thẳng địa chính trị leo thang xuất phát từ xung đột Nga-Ukraine và căng thẳng Mỹ-Trung đã làm tăng thêm lo lắng của ngành xe điện về sự kiểm soát của Trung Quốc đối với chuỗi cung ứng xe điện.

Sự nguy hiểm của việc tập trung hoá quá mức trong ngành công nghiệp thường trở nên trầm trọng hơn do sự thiếu hụt về thay thế và tái chế. Ví dụ, trong pin EV, không có nguyên liệu nào thay thế nào cho lithium. Úc, Chile và Trung Quốc chiếm hơn 80% sản lượng lithium toàn cầu, trong đó Trung Quốc cũng kiểm soát hơn 50% hoạt động chế biến và tinh chế toàn cầu.

Trong khi đó, mặc dù thực tế là doanh số bán ô tô điện mới có khả năng đạt mức kỷ lục 9% (tăng từ 7% vào năm 2022) trong tổng số các phương tiện chở khách ở Mỹ trong năm nay, theo Atlas Public Policy, quốc gia này vẫn tụt hậu so với các nước như Đức, Trung Quốc và Nauy.

Trong khi Mỹ đã thực hiện một số bước để thúc đẩy việc sử dụng xe điện và tiến tới tự cung tự cấp, các nhà lập pháp Mỹ cũng lo lắng về “các hành động bất lợi” của Trung Quốc, những thứ ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng của nước này.

Trong vài tháng qua, Trung Quốc đã hạn chế xuất khẩu các nguyên liệu quan trọng cho pin xe điện, điều này được hiểu là để trả đũa những hạn chế của Mỹ đối với việc bán công nghệ cho Trung Quốc.

Ví dụ, vào thứ 2 (20/11), Chủ tịch Ủy ban Năng lượng và Thương mại Hạ viện Cathy McMorris Rodgers (Cộng hòa - Washington), Chủ tịch Tiểu ban Năng lượng, Khí hậu và An ninh Lưới điện Jeff Duncan (Cộng hòa - South Carolina), và Chủ tịch Tiểu ban Môi trường, Khí hậu và An ninh Lưới điện Bill Johnson (Cộng hòa - Ohio) đã viết thư cho Bộ trưởng Bộ Năng lượng Jennifer Granholm bày tỏ lo ngại về những động thái gần đây của Trung Quốc nhằm cắt đứt “sự tiếp cận của Mỹ đối với các khoáng sản quan trọng có vai trò đáng kể” đối với an ninh, kinh tế và nguồn năng lượng của Mỹ.

Ngoài ra, để đáp ứng mục tiêu của Tổng thống Biden là có 50% tổng doanh số bán xe mới là xe điện vào năm 2030, Tòa Bạch Ốc đã công bố một gói cam kết vào tháng 4 trong khuôn khổ Thử thách Tăng tốc Xe điện nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang xe điện của ngành ô tô Mỹ. Những cam kết này được đưa ra như một phần của kế hoạch Đầu tư vào Mỹ, nhằm mục đích tăng cường sản xuất trong nước, củng cố chuỗi cung ứng, tăng khả năng cạnh tranh của Mỹ và tạo ra những việc làm được trả lương cao.

Trung Quốc có thể mất đi vị thế thống trị chuỗi cung ứng xe điện
Công nhân lắp ráp mẫu xe thể thao đa dụng chạy điện (SUV) Volkswagen ID.4 tại nhà máy VW vào ngày 18/9/2020 ở Zwickau, Đức. (Ảnh: Jens Schlueter/Getty Images)

Tương tự, châu Âu ngày nay gần như hoàn toàn phụ thuộc vào Trung Quốc ở một số phần nhất định của chuỗi cung ứng xe điện, chẳng hạn như trong lĩnh vực tinh chế nguyên liệu thô.

Do đó, vào tháng 9, Liên minh châu Âu đã cam kết bảo vệ ngành công nghiệp ô tô trong khu vực khỏi “cuộc đua xuống đáy” [giảm chất lượng hoặc lợi ích để giảm giá thấp hơn đối thủ] bằng cách điều tra các khoản trợ cấp của nhà nước Trung Quốc cho các nhà sản xuất xe điện.

Bà Ursula von der Leyen, người đứng đầu Ủy ban châu Âu, cũng bày tỏ lo ngại rằng trợ cấp nhà nước của Trung Quốc cho các nhà sản xuất ô tô của nước này có thể làm suy yếu khả năng cạnh tranh trong khối và đe dọa lĩnh vực sản xuất của châu Âu.

Do các các thương hiệu Trung Quốc đã cung cấp các mẫu xe rẻ hơn, những chiếc xe này có khả năng giành được thị phần ở Tây Âu và thu hút "sự can thiệp điều tiết tiềm tàng - tức là áp đặt mức thuế cao hơn đối với các thương hiệu Trung Quốc", một ghi chú do ING đưa ra vào đầu tháng 11 cho biết.

Các chuyên gia cho rằng các chính sách phát thải ròng bằng 0 đang thúc đẩy sự chuyển dịch sang giao thông điện khí hóa và ngành ô tô thế giới đang chịu áp lực ngày càng tăng để thích ứng với sự thay đổi này. Điều này đang thúc đẩy các chính trị gia và doanh nghiệp tập trung một cách chiến lược vào cách bảo vệ lợi ích kinh tế đi kèm và xây dựng chuỗi cung ứng cần thiết.

Trong bối cảnh đó, “Con đường dẫn đến thành công của các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc có thể sẽ phải đối mặt với những hạn chế từ các chính sách của chính phủ nước ngoài, chẳng hạn như đối xử ưu đãi đối với việc di chuyển sản xuất sang các nước thân thiện và an ninh chuỗi cung ứng”, ghi chú của Natixis cho biết.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc có thể mất đi vị thế thống trị chuỗi cung ứng xe điện