Washington tìm cách loại trừ Trung Quốc khỏi chuỗi cung ứng xe điện Mỹ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Washington vừa có một động thái có thể làm xói mòn vị thế thống trị chuỗi cung ứng xe điện của Trung Quốc. Pin hoặc khoáng chất có nguồn gốc bị kiểm soát bởi các nước như Trung Quốc, Nga, Triều Tiên hoặc Iran sẽ không đủ điều kiện nhận tín dụng thuế.

Chính phủ Mỹ đang có động thái mở đường để loại trừ Trung Quốc khỏi chuỗi cung ứng xe điện (EV) của Mỹ.

Theo hướng dẫn đề xuất về các điều khoản dành cho phương tiện sử dụng năng lượng sạch của Đạo luật Giảm lạm phát, do Bộ Tài chính và Sở Thuế vụ Mỹ ban hành vào ngày 1/12, người tiêu dùng có thể nhận khoản tín dụng thuế lên tới 7.500 USD khi mua phương tiện sử dụng năng lượng sạch.

Tuy nhiên, các hướng dẫn mới làm rõ rằng bắt đầu từ năm 2024, các phương tiện sử dụng năng lượng sạch sẽ không đủ điều kiện nếu chúng chứa bất kỳ bộ phận pin nào do một thực thể nước ngoài gây lo ngại (FEOC) sản xuất hoặc lắp ráp, có nguồn gốc từ Trung Quốc, Nga, Triều Tiên hoặc Iran. Bắt đầu từ năm 2025, các phương tiện sử dụng năng lượng sạch sẽ không đủ điều kiện nếu chúng chứa bất kỳ khoáng chất quan trọng nào được FEOC khai thác, xử lý hoặc tái sử dụng.

Bộ Tài chính Mỹ cho biết những điều khoản này dự kiến sẽ hướng tới “giảm chi phí cho người tiêu dùng, thúc đẩy sự bùng nổ trong sản xuất của Mỹ và tăng cường an ninh năng lượng bằng cách xây dựng chuỗi cung ứng vững chắc với các đồng minh và đối tác”.

Quy định này sẽ phải trải qua một khoảng thời gian lấy ý kiến công chúng trong vài tuần và cuối cùng sẽ có hiệu lực vào ngày 1/1 năm sau.

Theo ông John Podesta, cố vấn cấp cao của tổng thống về Đổi mới và Áp dụng Năng lượng Sạch, động thái này nằm trong số những nỗ lực của chính quyền Biden nhằm “đảo ngược xu hướng kéo dài hàng thập kỷ đối với việc để việc làm và nhà máy chuyển ra nước ngoài tới Trung Quốc”.

Ông Podesta cho biết trong một thông cáo báo chí vào ngày 1/12: “Nhờ kế hoạch Đầu tư vào Mỹ và hướng dẫn quan trọng ngày hôm nay từ Bộ Tài chính và Bộ Năng lượng, chúng tôi đang giúp đảm bảo rằng tương lai xe điện sẽ được sản xuất ở Mỹ”.

Washington tìm cách loại trừ Trung Quốc khỏi chuỗi cung ứng xe điện Mỹ
Tổng thống Joe Biden đến nhà máy lắp ráp xe điện Factory ZERO của General Motors ở Detroit, Michigan, Mỹ, vào ngày 17/11/2021. (Ảnh: Nic Antaya/Getty Images)

Vào ngày 16/8, chính quyền Biden đã ký Đạo luật Giảm lạm phát với các biện pháp cắt giảm khí thải trị giá 369 tỷ USD dành cho xe điện và nguồn năng lượng carbon thấp. Kể từ khi đạo luật được ban hành, khu vực tư nhân được cho là đã công bố lượng đầu tư gần 100 tỷ USD vào các phương tiện sử dụng năng lượng sạch và chuỗi cung ứng pin của Mỹ.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington chỉ trích các quy định mới của Mỹ là “một ví dụ khác về việc thực hành chủ nghĩa đơn phương và bắt nạt kinh tế của Mỹ”.

Trung Quốc là nước sản xuất pin cho xe điện lớn nhất thế giới. Các nhà máy sản xuất pin của Trung Quốc đã xử lý hơn một nửa lượng lithium, coban, than chì và khoáng chất toàn cầu cần thiết để sản xuất pin trong thập kỷ qua.

Thực thể nước ngoài gây lo ngại là gì?

Bộ Năng lượng Mỹ (DOE) tuyên bố trong quy tắc đề xuất ngày 4/12 rằng “một thực thể nước ngoài là FEOC nếu nó 'thuộc sở hữu, được kiểm soát hoặc nằm dưới thẩm quyền hoặc sự chỉ đạo của chính quyền một quốc gia nước ngoài là quốc gia được bao gồm'”. DOE chỉ định “các quốc gia được bao gồm” là Trung Quốc, Nga, Bắc Triều Tiên và Iran.

Về mức độ có thể được coi là bị “kiểm soát”, DOE đã đề xuất các quy tắc định nghĩa chi tiết bao gồm việc nắm giữ 25% trở lên đối với hội đồng quản trị, quyền biểu quyết hoặc cổ phần trong tổ chức hoặc có giấy phép hoặc hợp đồng trao quyền tương đương.

Đề xuất của DOE về việc xác định FEOC đang chờ thời gian tham vấn 30 ngày trước khi được hoàn thiện.

Với các quy định mới, các nhà sản xuất ô tô Mỹ sẽ cần xác định rõ mức độ họ có thể sử dụng các bộ phận hay linh kiện từ các công ty Trung Quốc trong chuỗi cung ứng của mình.

Vấn đề chuỗi cung ứng giữa 2 cường quốc

Tổng thống Joe Biden vào ngày 27/11 tuyên bố thành lập Hội đồng Tòa Bạch Ốc về sự vững bền của chuỗi cung ứng và đưa ra gần 30 sáng kiến mới mà ông hy vọng sẽ củng cố chuỗi cung ứng, vốn là yếu tố quan trọng nhất đối với nền kinh tế và an ninh quốc gia Mỹ.

Lệnh hành pháp của Tổng thống Biden yêu cầu xem xét lại các chuỗi cung ứng cụ thể trong 100 ngày, bao gồm các lĩnh vực như chất bán dẫn, pin xe điện, khoáng sản đất hiếm và dược phẩm.

Trong khi đó, nhà nước Trung Quốc đã tổ chức Hội chợ triển lãm Chuỗi cung ứng Quốc tế Trung Quốc lần thứ nhất tại Bắc Kinh từ ngày 28/11 đến ngày 2/12. Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường phát biểu tại lễ khai mạc rằng ông phản đối chủ nghĩa bảo hộ và mọi hình thức “tách rời” và hy vọng làm sâu sắc thêm các mối quan hệ hợp tác với tất cả các quốc gia trong chuỗi cung ứng. Ông Lý Cường cũng nói rằng Bắc Kinh “sẽ hội nhập sâu hơn vào hệ thống chuỗi cung ứng và công nghiệp toàn cầu” và “cung cấp nhiều sự thuận tiện hơn và sự đảm bảo tốt hơn cho các công ty từ khắp nơi trên thế giới đến đầu tư và hoạt động tại Trung Quốc”. Trong bối cảnh quá trình tách rời giữa Mỹ và Trung Quốc đang được đẩy mạnh, các công ty nước ngoài tìm cách rời xa Trung Quốc, chính quyền Bắc Kinh hẳn đang rất muốn xúc tiến quảng bá cho chuỗi cung ứng Trung Quốc.

Vào ngày 30/11, Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc đã công bố một bài báo ví những khoáng chất thiết yếu không thể thay thế trong vật liệu mới, năng lượng mới, công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học, hoạt động sản xuất thiết bị cao cấp, công nghiệp quốc phòng và quân sự với “vitamin”.

Cơ quan an ninh hàng đầu của nhà nước Trung Quốc nhấn mạnh chiến lược toàn cầu của nước này trong việc nắm giữ các nguồn tài nguyên khoáng sản thiết yếu, nói rằng tài nguyên khoáng sản nên tập trung hóa cao ở một số quốc gia vì khi công nghệ tiên tiến càng được sử dụng rộng rãi trong ngành này thì thế giới càng phụ thuộc nhiều hơn vào các khoáng chất.

Trong số các khoáng sản quan trọng được liệt kê trong bài viết, có 21 khoáng sản trùng với các khoáng sản mà Mỹ quan tâm.

Vào tháng 7, chính quyền Trung Quốc đã công bố việc hạn chế xuất khẩu gallium và germanium, hai khoáng sản được sử dụng trong chất bán dẫn, tấm pin mặt trời và hệ thống tên lửa. Điều này đã nâng cao nhận thức của phương Tây về các mối đe dọa đang nổi lên do sự thống trị của Trung Quốc trong lĩnh vực tài nguyên khoáng sản.

Trung Quốc sắp mất đi vị thế thống trị chuỗi cung ứng xe điện?

Washington tìm cách loại trừ Trung Quốc khỏi chuỗi cung ứng xe điện Mỹ
Người dân ngồi thử lên xe điện tại gian hàng của Geely trong Hội chợ triển lãm Chuỗi cung ứng Quốc tế Trung Quốc (CISCE) tại Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 1/12/2023. (Ảnh: Jade Gao /AFP qua Getty Images)

Giống như trường hợp của phần lớn nguyên liệu thô quan trọng cho nhiều ngành công nghiệp, Trung Quốc thống trị chuỗi cung ứng xe điện, với 80% việc tinh chế nguyên liệu thô toàn cầu trong chuỗi cung ứng pin lithium-ion, 77% công suất pin trên thế giới, và 60% sản lượng linh kiện trong ngành của thế giới. Đây chính là đầu mối của nhiều lo ngại.

Doanh số bán xe điện tăng đột ngột trong thời kỳ bùng phát dịch bệnh COVID-19 kết hợp với căng thẳng địa chính trị leo thang xuất phát từ xung đột Nga-Ukraine và căng thẳng Mỹ-Trung đã làm tăng thêm lo lắng của ngành xe điện về sự kiểm soát của Trung Quốc đối với chuỗi cung ứng xe điện.

Nhưng sự thống trị của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng xe điện có thể sắp chấm dứt.

“Lợi thế của Trung Quốc có thể không duy trì được quá lâu vì các quốc gia khác đã nhận ra sự thống trị của Trung Quốc [trong lĩnh vực xe điện] và đẩy mạnh các phản ứng để né tránh nó, với ví dụ điển hình nhất là [đạo luật] IRA của Mỹ”, một ghi chú nghiên cứu được Natixis công bố hôm thứ 5 (23/11) cho biết. IRA chính là Đạo luật Giảm lạm phát được Tổng thống Joe Biden ký vào tháng 8/2022.

“EV có thể là chiến trường địa chính trị tiếp theo sau chất bán dẫn, đặc biệt là về pin”, ghi chú cho biết thêm, đồng thời chỉ ra rằng IRA sẽ “hạn chế khả năng mở rộng của Trung Quốc và làm lợi cho các quốc gia khác, chẳng hạn như Hàn Quốc”.

Theo Natixis, bên cạnh địa chính trị, vị thế dẫn đầu về xe điện của Trung Quốc đang phải đối mặt với những cơn gió ngược khác, bao gồm sự cạnh tranh từ các quốc gia khác và thực tế là "cân bằng cung cầu [ở Trung Quốc] có thể bị lệch lạc cùng với những thách thức về lợi nhuận". Natixis đồng thời nói thêm rằng “Cuộc chiến giá của xe điện gần đây ở Trung Quốc cho thấy những rủi ro tiềm ẩn về tỷ suất lợi nhuận thấp hơn. Bất kỳ sự gia tăng nhanh chóng nào về công suất kết hợp với nhu cầu giảm đều có thể làm tăng mối lo ngại về tình trạng dư thừa công suất”.

Các quốc gia như Mỹ, Đức, Nauy, Nhật Bản và Hàn Quốc, những nước đang phát triển thị trường xe điện và hứa hẹn có tiềm năng đáng kể, cũng đang tạo ra sự cạnh tranh đáng kể đối với sự thống trị về xe điện của Trung Quốc.

Trong khi các nhà sản xuất xe điện của Mỹ như Tesla, General Motors và Ford có mặt ở Trung Quốc, thì không có chiếc xe điện nào của Trung Quốc được sản xuất tại Mỹ. Hơn nữa, các thương hiệu xe điện hạng sang của châu Âu, bao gồm Mercedes, BMW và Volkswagen, bán khoảng 1/3 số xe điện của họ tại Trung Quốc.

“Con đường dẫn đến thành công của các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc có thể sẽ phải đối mặt với những hạn chế từ các chính sách của chính phủ nước ngoài, chẳng hạn như đối xử ưu đãi đối với việc di chuyển sản xuất sang các nước thân thiện và an ninh chuỗi cung ứng”, ghi chú của Natixis cho biết.

Washington tìm cách loại trừ Trung Quốc khỏi chuỗi cung ứng xe điện Mỹ
Những chiếc ô tô điện BYD đang chờ xếp lên tàu tại bến container quốc tế của Cảng Tô Châu, tỉnh Giang Tô phía đông của Trung Quốc, vào ngày 11/9/2023. (Ảnh: -/AFP qua Getty Images)

Bắc Kinh nỗ lực ngăn chặn việc chuỗi cung ứng bị tách rời

Bình luận về hội chợ triển lãm chuỗi cung ứng, ông Phùng Sùng Nghĩa (Feng Chongyi), phó giáo sư tại Đại học Công nghệ Sydney, cho rằng trong lúc tình hình hiện giờ đang hỗn loạn, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) muốn tổ chức lại chuỗi cung ứng và giữ các chuỗi cung ứng quan trọng ở Trung Quốc.

Ông Tô Tử Vân (​​Su Ziyun), Giám đốc Viện Chiến lược và Nguồn lực của Viện Nghiên cứu An ninh Quốc phòng Quốc gia Đài Loan, cũng cho biết vào ngày 29/11 rằng việc Bắc Kinh tổ chức triển lãm chuỗi cung ứng phản ánh những khó khăn mà Bắc Kinh đang gặp phải. Bởi vì các nhà sản xuất trong các ngành khác nhau thường tự kết nối với các đối tác thượng nguồn và hạ nguồn trong chuỗi cung ứng nên không cần phải tổ chức các triển lãm đặc biệt để quảng bá. ​​Ông Tô cho rằng hội chợ này nêu bật điểm yếu của Bắc Kinh.

Hiện ngày càng có nhiều quốc gia bày tỏ lo ngại về sự phụ thuộc của chuỗi cung ứng vào Trung Quốc.

Trong năm qua, Mỹ và Liên minh châu Âu đã kêu gọi giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc trong các lĩnh vực cụ thể và “giảm thiểu rủi ro” trong chuỗi cung ứng. Đồng thời, họ cũng cố gắng cắt đứt khả năng tiếp cận các chất bán dẫn tiên tiến của các công ty Trung Quốc.

Bảo Nguyên tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Washington tìm cách loại trừ Trung Quốc khỏi chuỗi cung ứng xe điện Mỹ