Ba Lan, Hungary đồng loạt cấm nhập khẩu nông sản từ Ukraine

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hungary đã theo chân Ba Lan, cấm nhập khẩu ngũ cốc, hạt có dầu và một số các loại sản phẩm nông nghiệp khác từ Ukraine cho đến ngày 30/6/2023, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Hungary, ông Istvan Nagy cho biết hôm thứ Bảy, ngày 15/4/2023.

Lý do Hungary đưa ra lệnh cấm nhập khẩu nông sản từ Ukraine được Bộ Nông nghiêp nước này giải thích là: "Chính phủ [Hungary] cam kết bảo vệ lợi ích của cộng đồng nông dân Hungary, vì vậy trong trường hợp không có bất kỳ biện pháp có ý nghĩa nào của EU, Hungary sẽ tạm thời cấm nhập khẩu ngũ cốc và hạt có dầu, cũng như một số sản phẩm nông nghiệp khác được sản xuất từ ​​Ukraine sắp tới, vào Hungary, như Ba Lan đã làm", tuyên bố viết.

Theo tuyên bố, lệnh cấm sẽ được duy trì cho đến ngày 30/6/2023. Đến thời điểm đó, Budapest mong muốn Liên minh châu Âu đưa ra các biện pháp hỗ trợ nông dân châu Âu và sửa đổi các quy định về nhập khẩu nông sản miễn thuế từ Ukraine.

Trước đó vào thứ Bảy, Ba Lan cũng cấm nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp có nguồn gốc thực vật và động vật của Ukraine cho đến ngày 30/6/2023, theo một sắc lệnh của Bộ trưởng Bộ Phát triển Kinh tế và Công nghệ.

"Dựa trên ... luật ngày 16/4/2004 'Về quản lý ngoại thương' ... việc nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp sản xuất tại hoặc nhập khẩu từ Ukraine vào lãnh thổ Cộng hòa Ba Lan bị cấm cho đến ngày 30/6/2023", theo một tuyên bố chính sách từ chính quyền Ba Lan. Văn bản chính sách này đưa ra phụ lục danh mục các sản phẩm nông sản bị cấm nhập khẩu; gồm các loại ngũ cốc, đường, trái cây và rau quả, rượu vang, nhiều loại thịt, sữa và các sản phẩm từ sữa, trong số các mặt hàng khác.

Trước sắc lệnh này, nội các Ba Lan đã tổ chức một cuộc họp tại Warsaw, nơi Bộ trưởng Nông nghiệp Robert Telus đã vạch ra những vấn đề hiện tại liên quan đến dòng nông sản giá rẻ từ Ukraine tràn vào không kiểm soát được.

Chính quyền Ba Lan đưa ra biện pháp này để bảo vệ nông dân và người tiêu dùng nội địa, cũng như ổn định thị trường nông sản.

Theo chân Ba Lan và Hungary có thể còn có thêm nhiều quốc gia khác nữa ở Trung và Đông âu.

Theo truyền thông Romania, vào đầu tháng 4/2023, nhiều nhóm nông dân đã tham gia biểu tình ở trên khắp cả nước để phản đối tình trạng nhập khẩu nông sản từ Ukraine. Trong tình trạng tương tự ở quốc gia láng giềng Bulgaria, các nhà sản xuất ngũ cốc đã chặn một số cửa khẩu biên giới bằng các phương tiện nông nghiệp để phản ứng việc nhậu khẩu hàng hóa ngũ cốc từ Ukraine.

Ukraine là một trong những nhà sản xuất ngũ cốc và dầu hướng dương lớn nhất thế giới, nhưng xuất khẩu của nước này bị hạn chế do Nga phong tỏa các cảng ở Biển Đen và sau đó đã được hỗ trợ các tuyến đường vận chuyển thay thế qua các quốc gia thuộc Liên minh Châu Âu là Ba Lan và Romania do EU hỗ trợ. Năm ngoái, Liên minh châu Âu (EU) đã miễn thuế hải quan và hạn ngạch nhập khẩu đối với các sản phẩm nông nghiệp của Ukraine cho đến tháng 6/2024 như một cách tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển đến các thị trường nước thứ ba.

Tuy nhiên, việc này cũng dẫn tới làn sóng giận dữ ngày càng gia tăng ở một số quốc gia Trung và Đông Âu bởi làn sóng nhập khẩu ngũ cốc giá rẻ của Ukraine đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến giá cả và thị trường bán hàng của các nhà sản xuất địa phương.

Theo ước tính, Ủy ban châu Âu cho biết người nông dân từ Ba Lan, Romania, Hungary, Bulgaria và Slovakia đã thiệt hại tổng cộng 417 triệu euro bởi ngũ cốc từ Ukraine có giá rẻ hơn. Hiện tại, cơ quan này đã quyết định trao khoản bồi thường trị giá 56,3 triệu euro cho nông dân các nước Ba Lan, Bulgaria, Romania và có kế hoạch bổ sung thêm nguồn hỗ trợ này trong tương lai./.

Quang Nhật tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Ba Lan, Hungary đồng loạt cấm nhập khẩu nông sản từ Ukraine