Báo động về khí hậu khiến Ngân hàng Trung ương Anh quên mất lạm phát

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một quan chức BoE đang bị chỉ trích vì khuyên người dân nên chấp nhận tình cảnh khó khăn. Trong khi đó, chính những chính sách chống biến đổi khí hậu của BoE đã góp phần khiến tình cảnh của Vương Quốc Anh trở nên tồi tệ.

Tiêu đề trên The Sun: “Đúng là một lãnh đạo ngân hàng - Quan chức BoE [Ngân hàng Trung ương Anh] với mức lương 190 nghìn GBP [bảng Anh] nói rằng người Anh phải chấp nhận rằng họ đang ở trong tình trạng tồi tệ hơn và chấm dứt yêu cầu tăng lương”. The Mail đồng tình: “Lãnh đạo BoE có nguy cơ đối mặt với cơn thịnh nộ khi nói rằng người Anh phải chấp nhận rằng họ nghèo hơn”. Các tờ báo trên đã phẫn nộ về một podcast của Trường Luật Columbia với lời phát biểu của ông Huw Pill, nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Trung ương Anh và là thành viên của Ủy ban Chính sách Tiền tệ ấn định lãi suất. Ông Pill đã đưa ra một quan điểm rõ ràng rằng giá năng lượng cao hơn đang khiến tình cảnh của người Anh trở nên tồi tệ hơn. Tuy nhiên, ông cho rằng, những nỗ lực của người lao động và các công ty nhằm phục hồi sức chi tiêu thực mà họ đã mất có nguy cơ khiến lạm phát trở nên nghiêm trọng hơn.

Ông Pill đã đưa ra một quan điểm tương tự trong một bài phát biểu tại Geneva hồi đầu tháng này. Đối với một nước nhập khẩu năng lượng như Vương quốc Anh, giá khí đốt tự nhiên tăng tác động đáng kể tới hoạt động nhập khẩu, khiến người dân bình thường của Vương quốc Anh đối mặt với nhiều khó khăn hơn. Các công ty và hộ gia đình sẽ tìm cách chuyển những chi phí cao hơn đó cho khách hàng và ông chủ của họ. Nhưng ở cấp độ tổng thể, “những nỗ lực chuyển chi phí không thể tránh khỏi cho người khác là tự chuốc lấy thất bại”, ông Pill lập luận. “Tất cả những gì họ đạt được là tạo thêm áp lực nhu cầu trên danh nghĩa, thứ cuối cùng sẽ tạo ra lạm phát và gây nguy hiểm cho việc đạt được mục tiêu lạm phát”.

Sai lầm của ông Pill không nằm ở phân tích của ông. Nó nằm ở việc ông ấy đã hướng những bình luận này đến nhầm đối tượng. Tương tự như vậy, những nỗ lực của các chính trị gia nhằm giảm lạm phát trong những năm 1970 cuối cùng đã khiến họ trở thành đối tượng chế giễu. “Hỡi đồng bào Mỹ”, Tổng thống Ford nói với Quốc hội trong bài diễn văn Whip Inflation Now [Đánh bại Lạm phát Ngay bây giờ] vào tháng 10/1974, “mười ngày trước, tôi đã yêu cầu các bạn bắt đầu mọi việc bằng cách lập ra danh sách 10 cách thức để chống lạm phát và tiết kiệm năng lượng, để trao đổi danh sách của bạn với hàng xóm, và gửi cho tôi một bản sao". Việc các đối tượng kinh tế sử dụng sức mạnh thị trường của bản thân để cố gắng chuyển chi phí gia tăng sang các bên khác là điều hợp lý. Không có bài diễn văn nào, dù dài ngắn đến đâu, có thể thay đổi điều đó. Vòng xoáy giá cả - tiền lương không phải là lỗi của những đối tượng kinh tế đó; trách nhiệm thuộc về những người đã đánh giá sai sự dai dẳng của áp lực lạm phát. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi những nhận xét của ông Pill đã nhận được những tiêu đề thù địch.

Phân tích của ông Pill lẽ ra phải nhắm vào các đồng nghiệp của ông là các quan chức Ngân hàng Trung ương, những người đã để lạm phát trở nên mất kiểm soát. Trong bài phát biểu tại Geneva, ông Pill nói rằng các Ngân hàng Trung ương cần đánh giá các yếu tố cơ cấu có khả năng ngăn chặn lạm phát quay trở lại mức mục tiêu. Ông lập luận: “Nếu việc tăng giá năng lượng được coi là vĩnh viễn, thì nó có nhiều khả năng gây ra lạm phát lớn hơn trong nội tại". Nếu đúng như vậy, nó sẽ “biện minh cho việc thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh mẽ hơn”. Tuy nhiên, Ông Pill không đề cập đến tác động của chính sách khí hậu và phát thải ròng bằng 0 đối với chi phí và giá cả năng lượng, và tình trạng lạm phát kéo dài đối với một nền kinh tế đang phải tuân theo chương trình khử cacbon kéo dài nhiều thập kỷ.

Báo động về khí hậu khiến Ngân hàng Trung ương Anh quên mất lạm phát
Thủ tướng Rishi Sunak có bài phát biểu về việc chấm dứt "tư duy phản đối toán học" trong nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, vào ngày 17/04/2023 tại London, Anh Quốc. (Ảnh: Kirsty Wigglesworth - WPA Pool/Getty Images)

Hậu quả do chính sách biến đổi khí hậu

Chính sách khí hậu làm tăng chi phí năng lượng thông qua hai kênh. Đầu tiên là các chính sách buộc các công ty năng lượng phải thay thế hydrocarbon bằng các giải pháp thay thế ít carbon hơn, kém hiệu quả hơn, đặc biệt là gió và mặt trời. Nếu những công nghệ như vậy vượt trội và có khả năng mang lại hiệu quả cao hơn, thì sẽ không cần sự can thiệp của chính phủ để thúc đẩy việc áp dụng chúng. Kênh thứ hai là thông qua việc hạn chế dần các nguồn cung cấp năng lượng. Ví dụ như các tiêu chí Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG) ngăn cản việc đầu tư vào các mỏ dầu và khí đốt mới, theo đó làm tăng thị phần năng lượng của OPEC và Nga.

Trong trường hợp của Anh, việc bỏ qua than đá đồng nghĩa với việc gia tăng sự phụ thuộc vào khí đốt tự nhiên để duy trì hệ thống điện. Như ông Pill lưu ý, tất cả các giao dịch trên thị trường đều liên quan đến việc phân phối một số “thặng dư kinh tế” giữa các bên; “người bán càng thành công trong việc trích xuất thặng dư kinh tế, thì giá trị kinh tế thu được sẽ càng cao”. Thật không may cho Anh và phần còn lại của châu Âu, ông Vladmir Putin và Gazprom hiểu rõ hơn nhiều về cách thức hoạt động của các thị trường năng lượng so với các chính trị gia phương Tây. Họ [các chính trị gia phương Tây] đang khiến lục địa của họ dễ bị khai thác thặng dư thông qua việc theo đuổi phát thải ròng bằng 0 một cách thiển cận.

Với Ngân hàng Trung ương Anh, họ không phải là thiển cận mà đã cố tình làm ngơ trước sự liên hệ giữa chính sách khí hậu và lạm phát. Bà Sarah Breeden, giám đốc điều hành của ngân hàng về ổn định và rủi ro tài chính, đã có một bài phát biểu vào tháng này với câu hỏi không hề có tính mỉa mai “Hành động khí hậu: bước ngoặt?”. Trong đó, bà mô tả vai trò của ngân hàng này là nhằm tạo ra một khung pháp lý khuyến khích thị trường “phân bổ vốn để hỗ trợ quá trình khử cacbon của nền kinh tế thực”, tức là, làm trầm trọng thêm những hạn chế đối với hoạt động cung cấp năng lượng hydrocacbon. Tại cuộc họp G20 vào tháng 11/2022 ở Bali, Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh, Ngài Dave Ramsden, đã nói về sự cần thiết phải ngăn chặn thảm họa khí hậu. “Trong số tất cả những cú sốc - nhiều cú sốc là chưa từng có - mà nền kinh tế toàn cầu phải đối mặt ngày nay, thách thức biến đổi khí hậu là sâu sắc nhất và có ảnh hưởng sâu rộng nhất”, Ngài Dave tuyên bố. Đấy cũng là chính là tháng có thông báo rằng lạm phát giá tiêu dùng ở Anh đã lên tới 11,1%. .

Từ Thống đốc trở xuống, Ngân hàng Anh bị ám ảnh bởi việc coi bóng ma rủi ro khí hậu là mối đe dọa đối với sự ổn định tài chính. Đồng thời, cơ quan này lờ đi mọi khả năng mà trong đó chính sách biến đổi khí hậu có thể đe dọa việc đạt được mục tiêu về lạm phát. Chưa đầy hai năm trước, ông Andrew Bailey, Thống đốc ngân hàng, đã nói về phát thải ròng bằng 0 như một cách để tái tạo vốn và nâng cao năng suất. Ông Bailey khẳng định: “Những tác động tích cực này sẽ lớn hơn ở các quốc gia như Vương quốc Anh, những nước nhập khẩu năng lượng ròng [nhập khẩu năng lượng nhiều hơn xuất khẩu]”. Đây là điều trái ngược với những gì nhà kinh tế trưởng của ngân hàng này [ông Pill] hiện đang nói.

Chuông báo động nên vang lên ở Phố Threadneedle [phố đặt trụ sở Ngân hàng Anh]. Ra làm chứng cho cuộc điều tra của Thượng viện Anh (House of Lords) về sự độc lập của Ngân hàng Anh, cựu Bộ trưởng Tài chính George Osborne bày tỏ sự nghi ngờ về việc biến các mục tiêu khí hậu trở thành một trong những mục tiêu của ngân hàng. Ông Ed Balls, đối thủ đảng Lao động trước đây của ông Osborne, là người đã góp phần thiết kế các dàn xếp giúp ngân hàng này trở nên độc lập vào năm 1997. Ông Balls còn đi xa hơn, lập luận rằng không có ý nghĩa gì khi giao cho ngân hàng một vai trò mà nó không có công cụ để xử lý. Ông Balls cho rằng, khí hậu đã khiến ngân hàng bị phân tâm khỏi nhiệm vụ cốt lõi của nó về giá cả và sự ổn định tài chính. Khí hậu còn tồi tệ hơn cả sự phân tâm: đánh giá sai và phân tích sai chính sách biến đổi khí hậu là yếu tố chính khiến Ngân hàng Trung ương Anh mất kiểm soát lạm phát.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTD Việt Nam.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch

Tác giả Rupert Darwall là thành viên cấp cao của Tổ chức RealClear và là tác giả của các cuốn sách “Thời đại nóng lên toàn cầu: Lịch sử”, “Chế độ độc tài xanh: Phơi bày nguồn gốc độc tài của tổ hợp công nghiệp khí hậu” và “Đi qua các chuyển động: Sách xanh chiến lược công nghiệp”. Ông Darwall cũng là tác giả của các báo cáo “Thòng lọng khí hậu: Kinh doanh, Phát thải ròng bằng 0, và Chủ nghĩa chống tư bản của IPCC”, “Công bố rủi ro khí hậu: Cái cớ mỏng manh để giành lấy quyền lực xanh”, và “Ngân hàng Chống Phát triển: Các Chính sách Năng lượng Kéo lùi phát triển của Ngân hàng Thế giới”.



BÀI CHỌN LỌC

Báo động về khí hậu khiến Ngân hàng Trung ương Anh quên mất lạm phát