Cảnh báo đáng sợ về ngân hàng Mỹ của chuyên gia kinh tế hàng đầu

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nhà kinh tế học đáng kính nhất thế giới, vị giáo sư đã cảnh báo đúng và chính xác cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, là người đã hết lòng lên tiếng cảnh báo về "mẹ của các cuộc khủng hoảng", bóng ma khủng hoảng "nợ - đình trệ - lạm phát" đang tới gần trong năm 2023. Gần đây, ông tiếp tục đưa ra bức tranh hết sức tiêu cực về các ngân hàng Mỹ. Khủng hoảng tồi tệ và đổ vỡ dây chuyền là khó tránh.

Fed đang câu giờ

Một trong những nhà kinh tế học đáng kính nhất thế giới, ông Nouriel Roubini, giám đốc điều hành của công ty tư vấn Roubini Macro Associates, đã lập luận vào hôm 31/3/2023 vừa qua rằng hệ thống tài chính không thể đối phó với quy mô nợ công và tư khổng lồ đã được tích luỹ. Một bộ ba bất khả thi mới, theo phân tích của ông Roubini, là ổn định giá cả, tăng trưởng kinh tế và ổn định tài chính không thể xảy ra cùng một lúc.

Các phân tích chỉ ra rằng cuộc khủng hoảng ngân hàng thực sự của Mỹ đang ở phía trước. Ông cũng phản đối các nhà chức trách Hoa Kỳ và ECB đang "câu giờ" bằng các khẳng định rằng hệ thống ngân hàng "lành mạnh".

Ông nói với Bloomberg Television: "Chúng ta không thể đạt được sự ổn định về giá cả, duy trì tăng trưởng kinh tế [và] ổn định tài chính cùng một lúc. Vì vậy, cuối cùng, chúng ta sẽ gặp phải sự sụp đổ về kinh tế và tài chính".

Vấn đề ở các ngân hàng là các khoản đầu tư thiếu lành mạnh, các khoản đầu tư đó quá rủi ro với lãi suất. Mà lãi suất không thể không tăng sau khi lạm phát bùng nổ bởi suốt 13 năm Fed bơm tiền không giới hạn. Gần đây nhất, vào tháng 8/2021, như NTDVN đã đưa ra bài phân tích về việc chính sách tiền tệ của Fed vẫn là bơm tiền không giới hạn, có hiệu lực vĩnh viễn cho các ngân hàng Phố Wall; đảm bảo các ngân hàng của Mỹ thoải mái dùng tiền rẻ với bầu sữa không giới hạn từ Fed, đầu cơ và đầu tư tìm kiếm lợi nhuận ở bất kỳ tài sản rủi ro vào.

Khối tài sản rủi ro của các ngân hàng Mỹ đã nóng lên khi Fed xoay chiều tăng lãi suất chỉ sau đó vài tháng. Cho đến nay, các nhà chức trách của Mỹ ước tính, việc tăng lãi suất thêm 4,75% nữa của Fed trong hơn 1 năm qua khiến hệ thống ngân hàng mất 620 tỷ USD.

Hệ thống ngân hàng Mỹ mất 80,9% vốn chủ sở hữu

Nhưng dù vậy, chuyên gia kinh tế Roubini, Tiến sỹ Doom ở Phố Wall, đưa ra lời khuyên rằng Hoa Kỳ không chỉ nên tập trung vào khoản lỗ 620 tỷ USD từ các khoản mất mát trong tài sản tài chính nhạy cảm với lãi suất. Bởi vì, vấn đề của ngân hàng Hoa Kỳ lớn hơn như thế nhiều.

Chiến dịch tăng lãi suất của Fed trong 13 tháng qua có nghĩa là danh mục cho vay dài hạn của các ngân hàng vào thị trường bất động sản, chính là chứng khoán nợ có tài sản đảm bảo MBS, đã cạn kiệt. Giá trị của các loại chứng khoán nợ có tài sản thế chấp và lãi suất cố định ngày càng bị bào mòn, ít giá trị hơn.

Rủi ro này khi đưa vào phương trình tính toán, con số thiệt hại thực tế (nhưng chưa hạch trên sổ sách do chưa giao dịch) là 1,75 nghìn tỷ USD. Đây là một công cố đầu tháng 3/2023 từ Trường Kinh doanh Stern, Đại học New York, nơi ông Roubini là giáo sư danh dự.

Vốn chủ sở hữu cộng dồn của toàn bộ hệ thống ngân hàng Mỹ hiện là 2,1 nghìn tỷ USD. Khoản lỗ 1,7 tỷ USD nhìn thấy chiếm 80,9%.

Roubini nói trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg: "Hàng trăm ngân hàng nhỏ thực sự mất khả năng thanh toán, đó mới là vấn đề mấu chốt. Khi lãi suất tăng cao hơn, giá trị của chứng khoán và các khoản vay thấp hơn, và sau đó chúng ta gặp vấn đề về thanh khoản và khả năng thanh toán hàng loạt".

Chủ tịch ngân hàng ECB đang 'đánh thuốc mê' bằng các nhận định lạc quan

GS. Roubini nói với Bloomberg rằng ông không đồng ý với chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Christine Lagarde, người đã lập luận vào tuần trước rằng ổn định giá cả (tức là việc tăng lãi suất và kiềm chế lạm phát) và ổn định tài chính không loại trừ lẫn nhau. Tức là các NHTW vừa có thể thoải mái tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát, vừa yên tâm rằng các ngân hàng của họ ổn định. Lý do Chủ tịch của ECB đưa ra là "vì các ngân hàng được quản lý tốt, lành mạnh, có thể nhận ra và chặn khủng hoảng tín dụng hoặc thanh khoản như các nhà chức trách cảnh báo".

Trong khi nhà kinh tế học đáng kính nhất thế giới không chỉ ra mâu thuẫn trong bình luận của Chủ tịch ECB, ông chỉ đơn giản nói rằng các ngân hàng dùng ngắn nuôi dài, đầu vào các lớp tài sản dài hạn rủi ro với lãi suất và do vậy vấn đề thanh khoản sẽ trở thành quả cầu tuyết. Càng kéo dài thời gian, quả cầu tuyết càng lớn, lăn càng nhanh và lở tuyết là điều mà chúng ta có thể hình dung.

Ông cảnh báo: “Suy thoái kinh tế sẽ dẫn chúng ta từ rủi ro thời hạn và thị trường sang rủi ro tín dụng".

Theo NTDVN, việc Chủ tịch ECB vỗ về thị trường các NHTM đang quản lý tốt bản thân họ và họ không gặp rủi ro như đánh một liều thuốc mê cho thị trường.

Có thể một NHTM, bản thân mỗi NHTM không có rủi ro. Nhưng NHTM chẳng hoạt động một mình, chúng luôn là công ty con trong một tổ hợp tài chính, nơi có công ty chứng khoán, quỹ đầu tư mạo hiểm, ngân hàng đầu tư. Tổ hợp như vậy lấy tiền huy động từ dân cư đổ vào các khoản đầu tư dài hạn, rủi ro và thậm chí là đầu cơ trên thị trường phái sinh.

Tồi tệ hơn, các NHTM còn cho vay nợ và lập tức bán nợ ra thị trường mua bán nợ. Các chứng khoán nợ có tài sản đảm bảo và lãi cố định như MBS là một ví dụ. Chính Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) đã đầu tư vào các khoản chứng từ nợ này (trên 40% tổng tài sản) và sụp đổ vì lỗ khi lãi suất tăng. SVB cũng sụp đổ vì cả tổ hợp liều lĩnh. Một bảng cân đối của NHTM trong cái tổ hợp đó lại không phải vấn đề.

Hãy hình dung, khối nợ các NHTM cho vay rồi bán ra thị trường, các quỹ đầu tư, các quỹ bảo hiểm mua bán và bảo hiểm lẫn nhau. Khối nợ đó đã rất lớn và rủi ro. Ai là người phải trả nợ cuối cùng? Họ có khả năng trả nợ không? Ai là kẻ bảo hiểm cho các rủi ro này trên thị trường phái sinh? Năm 2008, Fed phải cứu một AIG với số tiền gần 200 tỷ USD vì bảo hiểm rủi ro nợ cho Phố Wall. Lần này, năm 2023, các quỹ Hedge Funds nào đang đánh bạc cùng Phố Wall như AIG hồi đó?

Mất khả năng trả nợ: Khối nợ/GDP gấp 4,2 lần hồi khủng hoảng đình - lạm 1970

Cuộc khủng hoảng và đổ vỡ của tổ hợp ngân hàng - tài chính SVB sẽ buộc những người cho vay khác trong khu vực cắt giảm nguồn cung cấp tín dụng của họ cho doanh nghiệp và hộ gia đình. Tăng trưởng tín dụng sẽ giảm dần, từ 10% hàng năm sẽ về mức gần 0%. Điều này sẽ làm GDP của Mỹ bị thu hẹp, nền kinh tế chìm trong nợ nần sẽ không còn khả năng trả nợ cho các NHTM nữa (khi bị mất việc, thu nhập giảm).

Ông Roubini bình luận: "Vào những năm 1970, khi chúng ta trải qua cú sốc lạm phát đình trệ dẫn đến lạm phát và suy thoái, tỷ lệ nợ ở các nền kinh tế tiên tiến chỉ bằng khoảng 100% GDP; gồm cả nợ công và nợ tư nhân. Ngày nay, con số này là 420%," ông nói.

Sau khủng hoảng 2008-2009, tiêu dùng bị thu hẹp và tầng lớp trung lưu giảm mạnh đã góp phần làm giá cả giảm. Điều này cho phép Cục Dự trữ Liên bang cắt giảm lãi suất về mức gần 0% để kích thích tăng trưởng. Họ đã in rất nhiều tiền, bơm rất nhiều tiền một cách phi truyền thống như gói nới lỏng định lượng QE.

Với rất ít dấu hiệu cho thấy giá tiêu dùng trong tương lai gần sẽ quay trở lại tốc độ tăng trưởng mục tiêu 2% của Fed, ông Roubini tin rằng cả ngân hàng trung ương Hoa Kỳ và chính phủ liên bang đang mắc nợ sẽ không có dư địa cần thiết để kích thích đủ nền kinh tế.

“Vì vậy, chúng ta đang trải qua giai đoạn tồi tệ nhất của thập niên 70 về cú sốc nguồn cung tiêu cực, giảm tăng trưởng và lạm phát, đồng thời chúng ta có tỷ lệ nợ cao hơn nhiều so với sau cuộc đại khủng hoảng tài chính”, ông Roubini nói. "Hoa Kỳ buộc phải hạ cánh cứng”.

Quang Nhật tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Cảnh báo đáng sợ về ngân hàng Mỹ của chuyên gia kinh tế hàng đầu