Giấc mộng ban ngày của danh sĩ nhà Thanh thấy rõ đời này kiếp trước

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thời nhà Thanh, danh sĩ Thẩm Bỉnh Chấn trong một lần ngủ ban ngày nằm mộng, không chỉ biết được kiếp trước, mà còn biết tương lai sẽ chuyển sinh nơi nào. Và một vụ án sát nhân vào thời nhà Minh, sau 200 năm bị trì hoãn, ông Thẩm đã thấy rõ chi tiết của vụ án trong mơ.

Khoảng năm Đạo Quang thứ 8 thứ 9 thời nhà Thanh (năm 1828~1829), Lương Cung Thìn theo phụ thân đi Giang Tô nhậm chức. Khi ấy có một vị thư ký kiêm bạn hữu là Tú tài Thẩm Tốn Phàm.

Một hôm, Thẩm Tú tài ngồi nhàn rỗi, nói về cụ tổ Thẩm Bỉnh Chấn tiên sinh. Thẩm Bỉnh Chấn (năm 1679~1737), tự Dần Ngự, hiệu Đông Phủ, là danh sĩ thời Càn Long, Khang Hy. Ông đọc nhiều hiểu rộng, là người có tài học, nhưng do ngôn từ mạnh bạo mà thi nhiều lần không đỗ, do vậy ông tránh xa khoa cử.

Thẩm Tú tài kể rằng, một ngày cụ tổ đang nghỉ ngơi trong thư phòng. Giấc ngủ ban ngày, Thẩm Bỉnh Chấn nằm mộng. Thấy được một vị áo xanh dẫn đi, đến một đình viện, nơi ấy có đặt một chiếc gương cao cả trượng. Vị ấy mời Thẩm Công đứng trước tấm gương để tự nhìn tiền kiếp. Thấy hình ảnh đầu đội khăn vuông, chân đi giày đỏ, không phải trang phục thời nhà Thanh. Thẩm Bỉnh Chấn nhìn thấy cảnh trong gương, kinh ngạc bối rối. Lúc ấy, vị áo xanh lại cho ông xem kiếp sống thứ 3 của ông, trong gương hiện mũ Ô sa, hồng bào, đai ngọc, giày da, không phải phục sức Nho gia. Lúc ấy, có một vị lính già đầu đội khăn vuông màu xanh, tiến đến quỳ xuống khấu đầu nói: “Ngài còn nhớ lão nô không? tôi đã từng đi theo ông nhậm chức Binh Bị Đạo ở Đại Đồng.” nói xong đưa lên một phong thư.

Binh Bị Đạo là một chức quan thời nhà Minh. Triều Minh cho đặt chức quan Án sát ở biên giới, và các nơi xung yếu để chỉnh đốn, theo dõi quân binh. Thông thường, chức Binh Bị Đạo do quan Phó sứ Án sát hoặc Thiêm sự đảm nhiệm, chủ yếu phụ trách quân vụ ở phân khu, đôn đốc quân đội địa phương, quản lý binh mã, tiền lương, đồn điền, duy hộ an ninh địa phương.

Thẩm Bỉnh Chấn không hiểu là chuyện gì, nên hỏi lại, lão bộc trả lời: “Kiếp trước ngài sống ở thời Minh, năm Gia Tĩnh, họ Vương, tên Tú. Hôm nay vị áo xanh kia, người phụng mệnh gọi ngài, là Văn Tín Vương của Địa Phủ, có 500 quỷ ở Đại Đồng tố cáo ông, nên đại vương mời ông tới để hỏi rõ sự tình. Lão nô vẫn nhớ sát hại 500 người đó không phải là ý của ngài. 500 người đó là hàng binh trong vụ án Lưu Thất, đầu hàng xong lại phản loạn, nên một tướng nào đó đã giết họ để ngăn chặn hậu họa.”

Vụ án Lưu Thất mà lão bộc nói phát sinh vào thời Minh Vũ Tông (năm 1491~1521). Lưu Thất tên thật là Lưu Thần, anh của ông là Lưu Lục tên gọi Lưu Sủng. Từ tháng 10 năm Chính Đức thứ 5 đến năm thứ 7 (năm 1510 - 1512) triều Minh, anh em Lưu Lục, Lưu Thất ở Bá Châu huyện Văn An tập hợp tạo phản. Quan quân nhà Minh đánh dẹp không lại, bại trận nhiều lần

Tháng 4 năm Chính Đức thứ 7, triều đình phái 10 vạn quân tiễu trừ phản loạn. Tháng 7 năm ấy, Lưu Thất chết trận. Đây là khởi nghĩa có quy mô lớn nhất từ khi nhà Minh lập quốc. Trong vòng 3 năm, Lưu Thất dấy binh đánh chiếm được 9 tỉnh Trung Quốc.

Sau khi Lưu Thất tử trận, tàn quân tan tác. Gom lại được 500 người giả hàng Đại Minh để thừa cơ phản loạn, cuối cùng bị đại quân triều đình truy sát.

Theo lời lão bộc, khi Tổng binh muốn giết những người này, Thẩm Công từng viết một phong thư, lựa lời ngăn cản Tổng binh, nhưng Tổng binh cố ý không nghe. “Lão nô e rằng ngài đã quên phong thư ấy, khó mà biện minh cho mình, cho nên mang theo thư trong ống tay áo đây để đưa cho ngài.

Qua lời lão bộc, Thẩm Công bừng tỉnh nhớ ra sự việc kiếp trước của mình, an ủi lão bộc nhiều lần.

Vị áo xanh lại hỏi: “Ngài đi bộ? hay là ngồi kiệu?”

Lão bộc trách rằng: “Sao có chuyện Giám Tư Đại lại đi bộ?”

Thế là cho gọi hai phu kiệu, kiệu Thẩm Bỉnh Chấn đi vài dặm, tới trước một cung điện. Chính giữa điện có một vị vương râu trắng, đầu đội mũ miện có tua, quan lại bên cạnh mặc áo màu đỏ, đầu đội mũ ô sa, tay cầm sổ sách, truyền gọi Binh Bị Đạo Vương Tú vào điện.

"Ngươi trở về đi. Sau khi trở về trên đó, hãy kể lại tình hình trông thấy ở dưới đây cho những người đang sống nghe".
Chính giữa điện có một vị vương râu trắng, đầu đội mũ miện có tua, quan lại bên cạnh mặc áo màu đỏ, đầu đội mũ ô sa, tay cầm sổ sách. (Phạm vi công cộng)

Vị vương nói: “Hãy khoan, nên gọi Tổng binh vào trước.

Không lâu sau, một vị mặc áo giáp nhà binh từ nhà phía Đông đi vào. Thẩm Công nhìn ra, quả đúng là vị Tổng binh ấy, là quan đồng liêu ngày xưa. Đại vương tra hỏi một lúc, cụ thể nói những gì, Thẩm Bỉnh Chấn nghe không rõ. Sau đó truyền gọi Thẩm Công vào. Thẩm Công hành lễ Đại vương xong, đứng chờ ở đó.

Đại vương nói: “Giết 500 người của Lưu Thất, là tội nghiệp mà Tổng binh đã thừa nhận. Ông có viết thư khuyên can, ta cũng đã biết. Tuy nhiên, theo luật pháp nhà Minh, thì Tổng binh chịu chế ước của Binh Bị Đạo. Ông hạ lệnh mà Tổng binh không tuân theo, là do ông nhu nhược, ông biết không?”

Thẩm Công không dám dài dòng, vâng dạ đa tạ.

Khi ấy Tổng binh bên cạnh ra sức tranh biện: “500 người ấy không giết không được, lại còn giả hàng để sau làm phản. Không giết họ sẽ làm phản, tôi vì quốc gia mà ra tay, không phải vì oán thù cá nhân mà sát nhân.”

Lời chưa nói dứt, dưới thềm bỗng phun lên một luồng khí đen như mực, tiếng rên rỉ ai oán từ xa vọng lại nghe rõ dần, mùi máu tanh xộc lên khó ngửi, chỉ thấy 500 đầu lâu lăn lóc, nhất tề nhe răng xông tới cắn Tổng binh, đồng thời cũng liếc nhìn Thẩm Bỉnh Chấn.

Đại vương lập tức đập bàn trách cứ: “Các ngươi định giả hàng xong tạo phản, có chuyện như vậy không?

Lũ quỷ trả lời : “Đúng vậy!”

Đại vương trách tội bọn họ: “Thế thì Tổng binh phải ra tay rồi, sao lại còn đến đây tranh biện ầm ỹ?”

Lũ quỷ hồn không phục, nói: “Khi ấy trá hàng, chỉ có vài thủ lĩnh chủ mưu, sau làm phản, cũng lại là họ. Chúng tôi chỉ là những người đi theo, tại sao lại giết hết chúng tôi? Vả lại Tổng binh cũng chỉ là đón ý của hoàng đế Gia Tĩnh mà nghiêm khắc trừng trị, chứ đâu phải vì nước vì dân.

Đại vương cười mà rằng: “Nói Tổng binh không vì dân thì được, nhưng nói không vì nước thì sai. Việc này đã bị trì hoãn 200 năm rồi, tóm lại đây là việc công, âm quan không thể dừng. Ta thấy Tổng binh tâm địa bất minh, không thể thành Thần mà đi, các ngươi oán khí chưa tan, lại không thể chuyển sinh làm người. Ta phải đem việc này bẩm tấu lên Thượng Đế, chờ Ngọc Đế xem xét. Duy có lỗi của Binh Bị Đạo là nhỏ, lại còn có thư tín làm bằng, có thể cho quay lại dương thế. Tương lai phạt chuyển sinh thành nữ phú gia, để trừng phạt lỗi nhu nhược.

Lúc này 500 quỷ hồn mới khấu đầu xin lỗi Đại vương.

Đại vương lệnh cho vị áo xanh dẫn Thẩm Công đi ra, lại đến chỗ chiếc gương, gọi ông nhìn: “Mời xem kiếp này.”

Lúc này, Thẩm Công bỗng nhiên giật mình tỉnh giấc, toàn thân toát mồ hôi như tắm, còn thấy gia nhân đứng xung quanh khóc lóc. Nguyên là ông đã ngủ trong phòng đọc, hôn mê một ngày một đêm rồi.

Một giấc mộng ban ngày, cho Thẩm Bỉnh Chấn biết được tiền kiếp, do kiếp trước nhu nhược mà chuyển sinh kiếp sau thành thiên kim tiểu thư nhà phú hào. Ông chưa hết thọ mệnh mà Diêm vương đã an bài xong kiếp sau cho ông.

Thật là: “Lúc ta sinh ra, ai là ta; Khi chưa sinh ra, ta là ai.

Một án cũ trì hoãn 200 năm, qua hai triều đại Minh, Thanh, hiển lộ rõ kiếp này kiếp trước. Đời người chỉ như là vở kịch, tất cả do Thần đã an bài.

Thái Bình
Theo Epochtimes



BÀI CHỌN LỌC

Giấc mộng ban ngày của danh sĩ nhà Thanh thấy rõ đời này kiếp trước