Khoa học giải mã bí ẩn về ‘hố trọng lực’ siêu lớn ở Ấn Độ Dương

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các nhà khoa học đã bối rối về nguồn gốc của một ‘hố trọng lực’ siêu lớn rộng đến 3 triệu km2 ở Ấn Độ Dương trong nhiều năm. Giờ đây, các nhà nghiên cứu cho rằng sự tồn tại của một đại dương cổ đại đã mất có thể là nguyên nhân.

Các nhà khoa học cuối cùng có thể đã xác định được nguồn gốc của một "hố trọng lực" siêu lớn ở Ấn Độ Dương - một khu vực bí ẩn, nơi mà lực hấp dẫn của Trái đất yếu hơn hẳn so với các khu vực khác trên hành tinh của chúng ta.

Ấn Độ Dương Geoid Low (IOGL) hay còn gọi là ‘hố trọng lực' Ấn Độ Dương, là một vùng lõm rộng 3 triệu km2 nằm cách 1.200 km về phía Tây Nam của Ấn Độ. So với khu vực xung quanh, lực hấp dẫn của vùng này thấp đến mức một lượng lớn nước của nó đã bị hút đi — khiến mực nước biển ở ‘hố trọng lực' này thấp hơn 106 mét so với mức trung bình toàn cầu.

Trái Đất không phải là khối cầu hoàn hảo về trọng lực, trọng lực ở các cực là bằng phẳng, nhưng có những chỗ phình ra dọc theo xích đạo, và trọng lực cũng thay đổi tùy vị trí. Kể từ khi được phát hiện vào năm 1948, nguồn gốc của hố trọng lực Ấn Độ Dương này đã khiến các nhà khoa học bối rối.

Giờ đây, một nghiên cứu được công bố vào ngày 5 tháng 5 trên tạp chí Geophysical Research Letters cho thấy IOGL được hình thành bởi một lớp magma mật độ thấp bị đẩy vào Ấn Độ Dương, khi mà đáy của một đại dương cổ đại bị nhấn chìm vào lớp phủ Trái đất.

Các nhà nghiên cứu đã sử dụng 19 mô hình máy tính mô phỏng chuyển động của lớp phủ và các mảng kiến tạo trong khu vực trong suốt thời gian của 140 triệu năm.

Sáu mô hình mô phỏng tốt nhất về IOGL có chung một đặc điểm: các chùm magma nóng, mật độ thấp dâng lên để thay thế vật chất có mật độ cao hơn bên dưới vùng IOGL, làm giảm khối lượng của khu vực này và làm suy yếu lực hấp dẫn của nó.

Những chùm magma này là những đợt phun trào của lớp phủ đá bắt nguồn từ một vùng nhiễu động cách châu Phi 1.000 km về phía Tây. Được gọi là "đốm màu châu Phi", bong bóng vật chất kết tinh dày đặc bên trong lớp phủ bên dưới châu Phi có kích thước bằng một lục địa và cao gấp 100 lần đỉnh Everest.

Các nhà khoa học tin rằng các mảng kiến tạo là "các phiến Tethyan" hay tàn dư của đáy biển từ đại dương Tethys cổ đại, tồn tại giữa các siêu lục địa Laurasia và Gondwana hơn 200 triệu năm trước đã đẩy các chúm magma này xuống Ấn Độ Dương.

Các nhà nghiên cứu cho rằng sau khi mảng Ấn Độ tách ra khỏi Gondwana để va chạm với mảng Á-Âu, nó đã vượt qua mảng Tethys, hút chìm nó - đẩy nó xuống dưới mảng Ấn Độ. Khi nó bị đẩy vào lớp phủ gần Đông Phi ngày nay, những mảnh vỡ của Đại dương Tethys cổ đại bắt đầu từ từ chìm sâu hơn vào lớp phủ bên dưới.

Cuối cùng, khoảng 20 triệu năm trước, các mảng Tethyan đang chìm xuống đã dịch chuyển một số magma bị mắc kẹt của đốm màu châu Phi để tạo thành các chùm magma này.

Các nhà nghiên cứu viết: “Những đám magma này, cùng với cấu trúc lớp phủ ở vùng lân cận, chịu trách nhiệm cho sự hình thành ‘hố trọng lực' dị thường này”.

Tuy nhiên, vẫn còn những nhà nghiên cứu khác tỏ ra chưa hoàn toàn nhất trí với báo cáo này, họ cho rằng giữa mô hình và thực tế là một khoảng cách lớn. Vì vậy, cần có thêm các cuộc nghiên cứu sâu hơn để có thể đưa ra kết luận về nguyên nhân của sự tồn tại "hố trọng lực" Ấn Độ Dương siêu lớn này.

Theo Live Science



BÀI CHỌN LỌC

Khoa học giải mã bí ẩn về ‘hố trọng lực’ siêu lớn ở Ấn Độ Dương