Máy bay chiến đấu sử dụng tên lửa Mái vòm sắt để săn UAV

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hệ thống tên lửa phòng không Iron Dome (Mái vòm sắt) của Israel đã trở nên nổi tiếng trong trận chiến đầu tiên trước các cuộc tấn công bằng tên lửa của Hamas và Hezbollah. Khi các máy bay chiến đấu ngày càng được giao nhiệm vụ đánh chặn các máy bay không người lái (UAV), thì những tên lửa đánh chặn giá rẻ và đã được chứng minh như Tamir có thể trở nên rất hữu ích.

Hải quân và Không quân Hoa Kỳ đang xem xét lắp đặt loại tên lửa này trên các máy bay chiến đấu để chống lại UAV và các tên lửa hành trình nhằm giải quyết vấn đề về chi phí cao khi phải sử dụng các tên lửa đánh chặn giá trị cao để đối phó với các mục tiêu giá trị thấp.

Hệ thống phòng thủ tên lửa Iron Dome được phát triển chung bởi các công ty Hệ thống Phòng thủ Tiên tiến Rafael, Công ty Công nghiệp Hàng không Vũ trụ Israel (IAI) và Raytheon (RTX). Trọng tâm của hệ thống này là tên lửa đánh chặn Tamir, một loại tên lửa cực kỳ linh hoạt và chính xác.

Về cơ bản nó là một tên lửa đánh chặn nhằm vào các mục tiêu di chuyển nhanh trên không. Khi phóng từ mặt đất, nó là một tên lửa đất-đối-không; khi phóng từ trên không, nó là một tên lửa chiến đấu không-đối-không thực thụ. Trong trận chiến với Hamas, nó đã bắn hạ hàng nghìn tên lửa và các loại đạn pháo khác, cho thấy tỷ lệ đánh chặn thành công rất cao. Hải quân Mỹ cho rằng, loại vũ khí tương đối rẻ tiền và đã được chứng minh hiệu quả này, có thể giúp giải quyết bài toán cấp bách là đối phó với các mục tiêu tấn công với chi phí thấp theo số lượng lớn.

Gần đây, một trong những chủ đề nhận được nhiều sự quan tâm nhất trong lĩnh vực quốc phòng và công nghệ quân sự của Mỹ là chi phí và tính sẵn sàng của các tên lửa phòng không. Các tên lửa phòng không hiện tại có chu kỳ mua sắm dài và giá cả đắt đỏ, do đó số lượng tồn kho rất hạn chế, khiến các đơn vị đối mặt với nguy cơ hết vũ khí trong các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa hành trình với số lượng lớn. Rủi ro do tỷ lệ chi phí trao đổi tiềm năng (Cost-exchange ratio) không cân xứng này là vấn đề được Mỹ thảo luận nhiều gần đây. Các xung đột đang diễn ra ở Ukraine, ven biển Yemen và Israel đã đẩy chủ đề này lên một tầm cao mới.

Các tên lửa không-đối-không điển hình được trang bị cho máy bay chiến đấu của Mỹ bao gồm tên lửa không-đối-không tầm ngắn AIM-9X Sidewinder và Tên lửa không đối không tầm trung tiên tiến AIM-120 (ARAAM), có giá từ 500.000 USD đến hơn một triệu USD. Sử dụng những tên lửa này để đánh chặn các mục tiêu như máy bay không người lái và tên lửa giá trị chỉ vài nghìn hoặc nhiều nhất là vài chục nghìn USD là rõ ràng không hiệu quả về mặt chi phí, đây chính là tỷ lệ chi phí trao đổi tiềm năng (Cost-exchange ratio) không cân xứng.

Về vấn đề này, A-rập Xê-út đã cảm thấy "đau đớn" nhiều hơn bất kỳ ai khác, họ gần như đã cạn kiệt kho dự trữ tên lửa AIM-120 để đối phó với các cuộc tấn công liên tục bằng máy bay không người lái và tên lửa hành trình giá rẻ nhưng vẫn rất đáng lo ngại của lực lượng Houthi. Có lẽ nạn nhân lớn nhất của tình trạng khó chịu này, giống như A-rập Xê-út, là nhóm tàu sân bay tấn công USS Eisenhower của Hải quân Hoa Kỳ hoạt động ở Vịnh Ba Tư và các phi đội chiến đấu cơ của Không quân Hoa Kỳ đóng quân tại Trung Đông. Họ phải sử dụng hệ thống phòng thủ tên lửa trên các tàu khu trục để đánh chặn tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo của phiến quân Houthi tấn công các tàu đi qua Biển Đỏ, hoặc sử dụng tên lửa không-đối-không do máy bay tiêm kích F-15E mang theo để bắn hạ máy bay không người lái tấn công tầm xa của Iran tấn công Israel. Tóm lại, sử dụng tàu chiến và máy bay chiến đấu để tấn công máy bay không người lái tấn công tầm xa (còn gọi là máy bay không người lái kamikaze) hay tên lửa hành trình cấp thấp là phương thức tác chiến không bền vững, tốn kém và nhanh chóng tiêu tốn tài nguyên.

Tất nhiên, quân đội Mỹ vẫn cần phải chi hàng tỷ USD trong nhiều năm để bổ sung cho kho tên lửa không-đối-không tiên tiến vốn sẽ không thể thiếu trong một cuộc xung đột cấp cao với Trung Quốc ở khu vực Thái Bình Dương rộng lớn.

Nếu có thể sử dụng vũ khí năng lượng định hướng như laser và hệ thống vi sóng công suất cao để đối phó với những mối đe dọa giá rẻ và cấp thấp này, đó sẽ là một giải pháp tốt. Chi phí mỗi lần kích hoạt những loại vũ khí này chỉ khoảng vài chục đô-la, thay vì hàng chục hoặc hàng trăm nghìn đô-la. Tuy nhiên, những vũ khí này chỉ có thể phát huy tác dụng trong phạm vi gần, và cũng dễ bị phá hủy.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là các hệ thống năng lượng định hướng không thể chiếm được vị trí trong lĩnh vực phòng không. Ví dụ, Hệ thống phòng không Iron Beam của Israel đã trở thành một phần bổ sung quan trọng cho hệ thống phòng không Iron Dome. Những hệ thống hoàn toàn khác nhau này cũng đang tiếp tục chiếm nhiều thị phần hơn trong hệ thống phòng thủ khi công nghệ phát triển và sức mạnh tăng lên. Đặc biệt đối với các mục tiêu đến chậm hơn như máy bay không người lái hoặc tên lửa hành trình xuyên qua mạng lưới phòng thủ tầm xa vào vòng phòng thủ ở giữa hoặc bên trong, chúng vẫn có cơ hội phát huy hiệu quả.

Tuy nhiên, có nhiều cuộc giao tranh chống lại các mục tiêu đang đến diễn ra ở phạm vi rộng lớn hơn, đó là lúc các tên lửa đất-đối-không và máy bay chiến đấu phát huy tác dụng, đó là nguyên nhân vì sao tên lửa đất-đối-không tầm trung và tầm xa cũng như tên lửa không-đối-không trên không lại tiêu tốn số tiền khổng lồ.

Khả năng cơ động và linh hoạt của máy bay tiêm kích khiến chúng trở thành một thành phần thiết yếu trong giải pháp phòng thủ nhiều lớp, đặc biệt hiệu quả trong bối cảnh số lượng và tần suất tấn công gia tăng nhanh chóng, ví dụ như các cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo liên tiếp của phiến quân Houthi nhằm vào Israel. Loại máy bay F-15E đã chứng minh điều này trong quá trình bảo vệ Israel và trên thực tế, hình thức nhiệm vụ tác chiến phòng không này đã tồn tại trong nhiều năm.

Máy bay không người lái tấn công một chiều tầm xa và tên lửa hành trình tầm thấp là những loại vũ khí tương đối thô sơ và rẻ tiền. Chúng chỉ có thể bay theo đường cố định đã được lập trình sẵn và dễ dàng bị phát hiện. Chúng không thể cơ động né tránh, phản công hoặc sở hữu bất kỳ biện pháp chống trả nào.

Do số lượng nhiều và chi phí thấp, kẻ thù không ngại sử dụng chúng để tiêu hao kho dự trữ tên lửa phòng không của đối phương. Tuy nhiên, chúng vẫn rất nguy hiểm, chỉ cần một vài quả xâm nhập thành công là có thể gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho các mục tiêu giá trị cao.

Đối với những mối đe dọa này, rõ ràng là không khôn ngoan nếu Mỹ và các đối tác phương Tây vẫn sử dụng máy bay chiến đấu phóng tên lửa AIM-120 hoặc Sidewinder để đánh chặn chúng, mặc dù có hiệu quả.

Điều này đương nhiên khiến quân đội Mỹ liên tưởng đến loại tên lửa đánh chặn Tamir thuộc hệ thống Iron Dome của Israel. Israel đã cải tiến tên lửa Tamir dựa trên kinh nghiệm thực tế trên chiến trường. Nó thậm chí có thể nói là loại tên lửa phòng không tầm ngắn hoàn thiện nhất hiện nay. Như chúng ta đã biết, tỷ lệ đánh chặn thành công của nó là hơn 90% và thành tích ấn tượng của nó đủ để khiến mọi người tin tưởng vào nó. Nếu loại tên lửa phóng từ mặt đất này được đặt trên máy bay, nó có thể giải quyết vấn đề máy bay chiến đấu sử dụng tên lửa không-đối-không đắt tiền để tấn công máy bay không người lái giá rẻ. Người Mỹ gọi tên lửa Tamir được cải tiến thành loại phóng từ trên không là ‘Sky Hunter’ (Thợ săn trên bầu trời).

Tên lửa Tamir dài khoảng 3 mét, đường kính 0,16 mét và nặng 90 kg, thân rất giống tên lửa Sidewinder nên thích hợp để tích hợp vào máy bay chiến đấu. Sự khác biệt lớn nhất so với thiết bị tìm kiếm hình ảnh hồng ngoại (IIR) của Sidewinder là Tamir sử dụng thiết bị tìm kiếm radar chủ động. Đối với các máy bay không người lái có tín hiệu hồng ngoại tương đối nhỏ, tên lửa dẫn hướng radar hiệu quả hơn so với đầu dẫn hướng hồng ngoại. Nó được trang bị cảm biến quang điện và nhiều mặt bánh lái lệch, cho khả năng cơ động cao. Tamir cũng được trang bị ngòi nổ gần và đầu đạn phân mảnh hình nón, khiến nó trở nên lý tưởng để tấn công máy bay không người lái và tên lửa hành trình. Sidewinder cũng có đầu đạn và khả năng liên kết dữ liệu tương tự.

Tuy nhiên, sự khác biệt thực sự giữa hai loại vũ khí này nằm ở chi phí. Tamir chỉ có giá bằng một phần ba so với Sidewinder. Giá hiện tại cho mỗi quả Tamir ước tính từ 50.000 đến 150.000 USD. Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ đã mua một số lượng nhỏ tên lửa Tamir với giá 220.000 USD mỗi quả, nhưng nội dung và thành phần chi phí cụ thể vẫn chưa được công khai. Mặc dù vậy, chi phí của Tamir vẫn chưa bằng một nửa so với Sidewinder, và việc sử dụng Tamir thay thế cho Sidewinder sẽ rõ ràng làm giảm tỷ lệ chi phí trao đổi (Cost-exchange ratio) tiềm năng.

Đã gần 15 năm kể từ khi tên lửa Tamir được đưa vào sản xuất hàng loạt. Sản xuất số lượng lớn là một lợi thế then chốt, vì có thể mở rộng sản xuất mà không cần quá nhiều thời gian và chi phí. Trên thực tế, một nhà máy ở bang Arkansas sẽ tăng sản lượng tên lửa Tamir lên trong thời gian ngắn. Hiện tại, ngoài Không quân Israel, những quốc gia sử dụng tên lửa Tamir phóng từ trên không còn có Không quân, Hải quân Hoa Kỳ và các khách hàng quốc tế khác trong đó có Đức. Điều này sẽ tạo ra lợi thế kinh tế quy mô lớn và giảm hơn nữa chi phí của Tamir.

Một thời gian trước, tên lửa Tamir đã từng bị máy bay chiến đấu đắt tiền xem nhẹ, nhưng nay nó có thể tham gia vào không chiến như những tên lửa không-đối-không đắt tiền. Với vai trò là một loại vũ khí mới kết hợp với máy bay chiến đấu, nó có thể ứng phó linh hoạt và hiệu quả hơn với mối đe dọa từ máy bay không người lái và tên lửa hành trình. Từ các cuộc đối đầu với rủi ro thấp, quy mô nhỏ, đến các cuộc đối đầu với rủi ro cực cao, quy mô lớn, tên lửa Tamir có thể giúp các máy bay chiến đấu tấn công nhiều mục tiêu trên không hơn trong một chiến dịch.

Điểm nổi bật chính của tên lửa Tamir không-đối-không nằm ở khả năng mang lại hiệu quả kinh tế chưa từng có trong các chiến dịch chống máy bay không người lái và tên lửa hành trình, mà không ảnh hưởng đến tốc độ tiêu diệt những mục tiêu này. Tất cả những ưu điểm này càng được củng cố bởi tính ứng dụng thực tiễn, được chứng minh qua quá trình sản xuất quy mô lớn.

Tên lửa Tamir mở ra một nguồn cung tên lửa không-đối-không mới, đóng góp thiết thực vào việc bổ sung kho dự trữ đạn dược một cách nhanh chóng khi cần thiết. Nhu cầu cấp thiết cho loại vũ khí này đã được minh chứng qua các cuộc xung đột tại Ukraine và Trung Đông, và tiềm năng ứng dụng trong các cuộc đối đầu tiềm ẩn ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cũng không thể loại trừ. Nhờ lợi thế vượt trội về mặt hiệu quả chi phí, Tamir đã khẳng định vị trí của mình trong danh sách vũ khí của Lầu Năm Góc.

Theo Thời sự Quân sự
Lý Ngọc biên dịch

Thế giới Quân sự


BÀI CHỌN LỌC

Máy bay chiến đấu sử dụng tên lửa Mái vòm sắt để săn UAV