Miền Tây gồm những tỉnh nào? Khám phá miền Tây Nam Bộ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Miền Tây (hay miền Tây Nam Bộ) được biết đến là vùng đất trù phú với những dòng sông lớn cùng những con kênh len lỏi khắp vùng đồng bằng châu thổ ở miền Nam Việt Nam. Nhiều bạn đang muốn tìm hiểu miền Tây có bao nhiêu tỉnh, miền Tây gồm những tỉnh nào. Cùng khám phá vùng đất miền Tây với những nét đặc trưng của miền sông nước trong bài viết dưới đây.

1. Miền Tây có bao nhiêu tỉnh?

Miền Tây (hay miền Tây Nam Bộ) là cách gọi gần gũi dành cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long - phần lãnh thổ nằm ở cực Nam của Việt Nam.

Nằm ở phần hạ lưu của vùng châu thổ sông Mekong rộng lớn, miền Tây là vùng đồng bằng với đất đai phì nhiêu, màu mỡ; được thiên nhiên ưu đãi nhiều điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên phong phú.

Đây cũng là miền sông nước với hệ thống sông ngòi và kênh rạch chằng chịt phủ khắp các khu vực của đồng bằng. Hình ảnh những chiếc ghe, thuyền tấp nập trong các chợ nổi trên sông, hay len lỏi dọc theo những con kênh soi bóng dưới hàng dừa nước chính là những hình ảnh quen thuộc của miền đất trù phú này.

Đến với miền Tây còn là đến với xứ sở của những cù lao, những miệt vườn có đủ loại trái cây thơm ngọt.

Về vị trí địa lý, miền Tây giáp với Campuchia, vùng Đông Nam Bộ, biển Đông và vịnh Thái Lan.

Miền Tây có bao nhiêu tỉnh?

Miền Tây có diện tích là 40.547 km2, gồm 12 tỉnh và 01 thành phố trực thuộc Trung ương.

2. Miền Tây gồm những tỉnh nào?

Miền Tây gồm những tỉnh nào là câu hỏi nhận được nhiều sự quan tâm.

Khu vực miền Tây được chia làm 2 tiểu vùng.

Vùng cao ở phía Tây của đồng bằng; bao gồm các tỉnh, thành ở đầu nguồn sông Cửu Long là:

  • TP Cần Thơ
  • Đồng Tháp
  • An Giang
  • Long An
  • Tiền Giang
  • Vĩnh Long
  • Hậu Giang
  • Kiên Giang

Vùng thấp ở khu vực duyên hải phía Đông gồm các tỉnh:

  • Bến Tre
  • Trà Vinh
  • Bạc Liêu
  • Cà Mau
  • Sóc Trăng

2.1. TP Cần Thơ

Là một trong năm thành phố trực thuộc Trung ương của Việt Nam, TP Cần Thơ là trung tâm kinh tế - giáo dục - công nghệ của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Đây là một trong những đô thị sầm uất nhất của miền Tây sông nước.

tây nam bộ gồm những tỉnh nào
Cầu Cần Thơ. (Ảnh: Tuong Lam Photos/ Wikimedia Commons/ CC BY-SA 4.0)

Đến với TP Cần Thơ, bạn sẽ có dịp trải nghiệm nhiều hoạt động trên sông nước như: đi chợ nổi Cái Răng; đi thuyền từ bến Ninh Kiều; hay tham quan nhà cổ Bình Thủy…

2.2. An Giang

An Giang mang vẻ đẹp bình yên, mộc mạc với những cánh đồng lúa trù phú và những hàng cây thốt nốt đặc trưng. Đến với An Giang, bạn có thể ghé thăm rừng tràm Trà Sư xanh mướt và ngồi trên ghe thuyền thả mình trong không gian nên thơ, mát lành dọc theo những dòng kênh xanh xanh.

An Giang còn mang vẻ đẹp cổ kính của những đền, chùa lâu đời. Bạn hãy ghé thăm An Giang để khám phá những nét kiến trúc độc đáo và một nền văn hóa bản địa lâu đời ở nơi đây; cùng với một số địa điểm du lịch nổi tiếng như: vùng Thất Sơn; núi Sam; núi Cấm; TP Châu Đốc…

13 tỉnh miền tây gồm những tỉnh nào
Miếu Bà Chúa, TP Châu Đốc, tỉnh An Giang. (Ảnh: Bùi Thụy Đào Nguyên/ Wikimedia Commons/ CC BY-SA 3.0)

2.3. Đồng Tháp

Khi tìm hiểu miền Tây gồm những tỉnh nào, bạn sẽ nhớ ngay tới tỉnh Đồng Tháp với những cánh đồng thẳng cánh cò bay; những hồ sen thơm ngát…

Đến với Đồng Tháp, bạn có thể ghé thăm rừng tràm bao la, làng hoa Sa Đéc; đồng sen Tháp Mười; Vườn Quốc gia Tràm Chim… và hòa mình trong không gian thiên nhiên thanh bình.

miền tây nam bộ gồm những tỉnh nào
Làng hoa Sa Đéc, Đồng Tháp. (Ảnh: Văn Long Bùi/ Pexels)

2.4. Long An

Là cửa ngõ nối liền miền Tây với TP HCM - trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, Long An có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển các ngành: công nghiệp, dịch vụ, thương mại. Đây là tỉnh có số lượng khu công nghiệp nhiều đứng thứ 4 cả nước.

Long An cũng là điểm đến du lịch hấp dẫn với nhiều điểm tham quan như: di chỉ văn hóa Óc Eo ở Đức Hòa; nhà Trăm Cột; chùa Tôn Thạnh…

miền tây gồm các tỉnh nào
TP Tân An, tỉnh Long An (Ảnh: Tantq1029/ Wikimedia Commons/ CC BY-SA 4.0)

2.5. Tiền Giang

Có thể nói, Tiền Giang giống như một miền Tây thu nhỏ với nhiều nét đặc trưng nhất của miền Tây Nam Bộ. Nơi đây có đất đai phì nhiêu, màu mỡ; phong cảnh hữu tình.

Đến với Tiền Giang, bạn sẽ có nhiều trải nghiệm thú vị như: tham quan cù lao Thới Sơn; khám phá miệt vườn Cái bè; đi chợ nổi Cái Bè; khám phá biển Gò Công…

TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. (Ảnh: Martino pun/ Wikimedia Commons/ CC BY-SA 4.0)

2.6. Vĩnh Long

Nằm ở vị trí trung tâm của Đồng bằng sông Cửu Long, tỉnh Vĩnh Long cũng là điểm đến hấp dẫn nhiều du khách với những cảnh sắc riêng biệt.

Đến với Vĩnh Long, bạn sẽ có dịp thưởng thức nhiều loại trái cây ngon nổi tiếng như: sầu riêng Ri 6; cam xoàn Trà Ôn; cam sành Tam Bình; bưởi Năm Roi…

Bạn cũng có thể tới tham quan một số địa điểm nổi tiếng như: làng gạch Mang Thít; khu du lịch Vinh Sang; chùa Phật Xá Lợi….

Cầu Mỹ Thuận 2 nối hai tỉnh Vĩnh Long và Tiền Giang. (Ảnh: Báo Vĩnh Long)

2.7. Hậu Giang

Hậu Giang nổi tiếng là vùng đất có khí hậu ôn hòa, mát mẻ, đất đai màu mỡ, phì nhiêu.

Đến với Hậu Giang, bạn sẽ có dịp tận hưởng những thú vui của vùng sông nước, đến với nhiều vườn cây ăn trái, di tích lịch sử lâu đời; hay công viên giải trí hiện đại Kittyd & Minnied - khu vui chơi giải trí được ví như một Disneyland thu nhỏ.

TP Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang. (Ảnh: N7HG/ Wikimedia Commons/ CC BY-SA 4.0)

2.8. Kiên Giang

Nếu bạn đã biết miền Tây gồm những tỉnh nào, hãy một lần ghé thăm Kiên Giang.

Là nơi hội tụ rất nhiều cảnh quan từ đồng bằng, núi đồi, rừng nguyên sinh tới sông ngòi, biển đảo, Kiên Giang là điểm đến hấp dẫn rất nhiều du khách trong nước và quốc tế.

Đặc biệt, Kiên Giang có rất nhiều hòn đảo xinh đẹp với bờ cát trắng trải dài, nước biển xanh trong. Trong đó, đảo ngọc Phú Quốc được biết đến là thiên đường nghỉ dưỡng tại Việt Nam. Đến với Phú Quốc, bạn có thể ghé tham quan nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng như: bãi Sao, dinh Cậu, suối Tranh…

Bãi Sao, đảo Phú Quốc (Ảnh: Trantuonglam/ Wikimedia Commons/ CC BY-SA 4.0)

2.9. Bến Tre

Bến Tre là điểm đến lý tưởng nếu bạn muốn tìm một chốn dừng chân giản dị, thanh bình. Đến với Bến Tre, bạn sẽ có dịp tới những miệt vườn cây trái, ngồi thuyền xuôi theo những dòng kênh với những hàng dừa nước xanh rì, yên ả.

Bến Tre có nhiều địa điểm du lịch nổi tiếng như: vườn trái cây Cái Mơn; cồn Phụng; cồn Quy; khu di tích Đạo Dừa; bãi biển Cồn Bửng…

Xứ dừa Bến Tre. (Ảnh: BacLuong/ Wikimedia Commons/ CC BY-SA 4.0)

2.10. Trà Vinh

Là một tỉnh duyên hải của miền Tây, được bao bọc bởi sông Tiền và sông Hậu, tỉnh Trà Vinh có nhiều địa điểm du lịch hấp dẫn với nhiều cảnh quan đa dạng. Đây cũng là nơi giao thoa văn hóa của ba dân tộc: Kinh - Khmer - Hoa.

Đến với Trà Vinh, bạn sẽ có dịp tham quan nhiều công trình kiến trúc tôn giáo độc đáo; cùng nhiều lễ hội văn hóa dân gian truyền thống tạo nên nền văn hóa đặc sắc của nơi này.

Chợ Trà Vinh. (Ảnh: Bùi Thụy Đào Nguyên/ Wikimedia Commons/ CC BY-SA 3.0)

2.11. Bạc Liêu

Khi tìm hiểu miền Tây gồm những tỉnh nào, chắc hẳn bạn đã nghe nói tới tỉnh Bạc Liêu với giai thoại về công tử Bạc Liêu giàu có.

Tỉnh Bạc Liêu còn được biết tới với nghệ thuật dân gian đờn ca tài tử. Ghé thăm những miệt vườn, cù lao ở Bạc Liêu và nghe những tiếng hát đờn ca tài tử là một trải nghiệm khám phá thú vị ở vùng đất này.

Bạn cũng có thể tới tham quan nhiều địa danh nổi tiếng khác như: nhà công tử Bạc Liêu; chùa Cù Lao - một trong những ngôi chùa Khmer đẹp nhất của vùng Đồng bằng sông Cửu Long với kiến trúc độc đáo…

Khách sạn Công tử Bạc Liêu. (Ảnh: Bùi Thụy Đào Nguyên/ Wikimedia Commons/ CC BY-SA 3.0)

2.12. Sóc Trăng

Là vùng đất giao thoa văn hóa của ba dân tộc: Kinh - Hoa - Khmer, Sóc Trăng được biết đến với những ngôi chùa cổ kính có kiến trúc độc đáo; cùng với nhiều lễ hội truyền thống và nền ẩm thực phong phú.

Đến với Sóc Trăng, bạn có thể ghé tham quan: khu du lịch sinh thái Hồ Bể; vườn cò Tân Long; chùa Som Rong; chùa Chén Kiểu; bảo tàng Khmer…

Nhà thờ Chánh tòa Sóc Trăng. (Ảnh: Bùi Thụy Đào Nguyên/ Wikimedia Commons/ CC BY-SA 3.0)

2.13. Cà Mau

Là vùng đất ở tận cùng phía Nam của đất nước, Cà Mau là điểm đến hấp dẫn rất nhiều du khách trong và ngoài nước. Cảnh quan thiên nhiên Cà Mau rất đặc thù bởi có 3 mặt giáp biển.

Miền Tây có bao nhiêu tỉnh
Mũi Cà Mau (Ảnh: Muicamau.gov.vn)

Đến với Cà Mau, bạn sẽ có dịp tới tham quan: cột mốc quốc gia, sân chim Cà Mau, rừng U Minh hạ, đảo Hòn Khoai…

Vậy là bạn đã biết miền Tây có bao nhiêu tỉnh, miền Tây gồm những tỉnh nào. Đến với miền Tây, bạn sẽ có hành trình khám phá một miền đất trù phú với những cảnh quan đặc sắc của miền sông nước nơi cực Nam của đất nước.

Mạnh Hùng

Việt Nam Xã hội

Miền Tây gồm những tỉnh nào? Khám phá miền Tây Nam Bộ