Cà Mau ở miền nào, Cà Mau giáp tỉnh nào?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Là địa phương có vị trí địa lý đặc biệt với ba mặt giáp biển, tỉnh Cà Mau trong những năm qua thu hút ngày càng nhiều du khách trong và ngoài nước. Cùng tìm hiểu Cà Mau ở miền nào, Cà Mau giáp tỉnh nào… để hiểu rõ hơn về vị trí địa lý tỉnh Cà Mau trong bài viết dưới đây!

1. Cà Mau ở miền nào?

Cà Mau ở đâu? Tỉnh Cà Mau thuộc miền nào, Cà Mau thuộc đồng bằng nào của nước ta?

Cà Mau là một trong 13 tỉnh, thành thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long - miền Tây, là tỉnh cực Nam của Việt Nam.

Cà Mau nằm ở vĩ độ bao nhiêu?

Tỉnh Cà Mau có tọa độ địa lý từ 8°37' - 9°33' vĩ độ Bắc và từ 104°43’ - 105°25' kinh độ Đông.

Tỉnh Cà Mau có 09 đơn vị hành chính cấp huyện là:

  • 01 thành phố: Cà Mau.
  • 08 huyện: Ngọc Hiển; Đầm Dơi; Năm Căn; Thới Bình; Phú Tân; U Minh; Cái Nước; Trần Văn Thời.

>> Xem thêm: Tỉnh Cà Mau có bao nhiêu huyện, xã, phường, thị trấn?

2. Cà Mau giáp tỉnh nào?

Khi tìm hiểu Cà Mau ở miền nào, nhiều bạn chưa biết Cà Mau giáp tỉnh nào.

  • Phía Bắc của tỉnh Cà Mau giáp với tỉnh Kiên Giang.
  • Phía Đông Bắc tiếp giáp với tỉnh Bạc Liêu.
  • Khu vực phía Đông và Đông Nam giáp với biển Đông.
  • Khu vực phía Tây tiếp giáp với vịnh Thái Lan.

Cà Mau cách TP HCM bao nhiêu km?

Tỉnh Cà Mau cách TP HCM khoảng 300 km; cách TP Cần Thơ khoảng 150 km.

Cà Mau ở đâu trên bản đồ?

cà mau ở đâu, cà mau ở đâu trên bản đồ
(Ảnh: TUBS/ Wikimedia Commons/ CC BY-SA 3.0)

3. Điều kiện tự nhiên tỉnh Cà Mau

Khi tìm hiểu Cà Mau ở miền nào, Cà Mau giáp tỉnh nào, nhiều bạn cũng muốn biết thêm về điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên của tỉnh ở điểm cực Nam đất nước.

Cà Mau có diện tích là bao nhiêu?

Tỉnh Cà Mau có tổng diện tích phần đất liền là 5.294,87 km2 (bằng 12,97% diện tích của toàn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long).

3.1. Điều kiện địa hình

Tỉnh Cà Mau có địa hình thấp, bằng phẳng; thường xuyên bị ngập nước. Độ cao trung bình của địa hình khoảng 0,5 - 1,5 m so với mực nước biển. Địa hình có hướng nghiêng dần từ Bắc xuống Nam và từ Đông Bắc xuống Tây Nam.

Phần lớn diện tích đất đai ở Cà Mau ở vùng đất trẻ do phù sa bồi tụ qua nhiều năm tạo thành. Đất đai màu mỡ thích hợp cho việc trồng lúa; nuôi trồng thủy sản; trồng rừng ngập mặn, nước lợ…

Khu vực bờ biển phía Đông của tỉnh Cà Mau từ khu vực cửa sông Gành Hào (thuộc huyện Đầm Dơi) đến khu vực cửa sông Rạch Gốc (thuộc huyện Ngọc Hiển) hàng năm bị xói lở. Có nơi mỗi năm bị xói lở hơn 20 m. Trong khi đó, vùng Bãi Bồi thuộc Mũi Cà Mau được phù sa bồi đắp hàng năm từ 50 - 80 m.

3.2. Đặc điểm khí hậu

Tỉnh Cà Mau có khí hậu nội chí tuyến bắc bán cầu, cận xích đạo; đồng thời nằm trong khu vực chịu ảnh hưởng của gió mùa châu Á. Do vậy, tỉnh Cà Mau có khí hậu nhiệt đới gió mùa, ôn hòa thuộc vùng cận xích đạo. Khí hậu trong năm có hai mùa nắng mưa rõ rệt.

Nhiệt độ trung bình năm khoảng 26,6°C - 27,7°C.

3.3. Điều kiện thủy văn, sông ngòi

Tỉnh Cà Mau có hệ thống mạng lưới sông ngòi, kênh rạch chằng chịt. Hệ thống kênh rạch bằng 3,02% diện tích tự nhiên của tỉnh. Trong đó, nhiều sông lớn có mực nước sâu có vai trò dẫn phù sa bồi đắp vào sâu trong khu vực đất liền như: sông Tam Giang, sông Gành Hào; Đầm Dơi; Trèm Trẹm; Sông Đốc; Cái Tàu…

Bên cạnh hệ thống sông ngòi và kênh rạch, ở Cà Mau còn có nhiều đầm. Trong đó, đầm lớn nhất là đầm Bà Tường - cũng là một thắng cảnh và là nơi du lịch sinh thái hấp dẫn ở Cà Mau.

Nguồn nước mặt của tỉnh Cà Mau (bao gồm nước mặt sông, kênh rạch, ruộng đồng, ven biển) chủ yếu là nước mưa. Nguồn nước này là nước ngọt, chủ yếu tập trung ở khu vực sản xuất nông nghiệp nằm ở phía Bắc của huyện Trần Văn Thời, huyện Thới Bình và khu vực rừng tràm U Minh Hạ. Đây là nguồn nước thích hợp cho việc trồng trọt, nuôi cá đồng và chăn nuôi.

Nguồn nước mặt là nước lợ, nước mặn (bao gồm nước được đưa từ biển vào hoặc pha trộn cùng với nguồn nước mưa): đây là phần lớn nguồn nước mặt của tỉnh. Nguồn nước này thích hợp cho việc nuôi trồng thủy sản.

3.4. Tài nguyên đất

Tỉnh Cà Mau là vùng đất mới do phù sa bồi tụ. Đất đai ở đây nhận phù sa của sông Cửu Long bồi đắp, được hình thành bởi hai dòng hải lưu ở vịnh Thái Lan và biển Đông.

Tài nguyên đất của tỉnh Cà Mau nhìn chung là đất trẻ, mới được khai thác sử dụng. Đất có độ phì nhiêu trung bình khá với hàm lượng chất hữu cơ cao. Tuy nhiên, đất ở đây bị nhiễm mặn, nhiễm phèn nên thích hợp với việc nuôi trồng thủy sản; trồng rừng ngập lợ, ngập mặn.

3.5. Tài nguyên rừng

Tỉnh Cà Mau có 3 loại rừng chính là:

Rừng ngập mặn (rừng đước): có diện tích gần 69.000 ha; có hệ sinh thái đa dạng và độc đáo, đứng thứ 2 trên thế giới (sau rừng Amazon ở khu vực Nam Mỹ). Rừng ngập mặn tập trung ở các huyện: Năm Căn; Phú Tân; Ngọc Hiển; Đầm Dơi; bao gồm nhiều loài thực vật như: đước, bần, mắm, vẹt, chà là, dây leo, dương xỉ… Trong đó, đước là loài thực vật chiếm đại đa số và mang lại giá trị kinh tế cao.

Rừng ngập lợ (rừng tràm U Minh): có diện tích khoảng 35.000 ha; phân bố ở các huyện: Thới Bình; Trần Văn Thời; và U Minh. Rừng tràm U minh có vai trò quan trọng giúp ổn định đất, thủy văn; trữ nguồn nước ngọt, cung cấp nước ngọt cho con người và động vật hoang dã; ngăn cản quá trình chua hóa đất đai; điều hòa khí hậu…

Rừng trên đảo Hòn Đá Bạc, Hòn Chuối, Hòn Khoai: có nhiều loại gỗ quý và động vật sinh sống.

3.6. Tài nguyên biển

Tỉnh Cà Mau có chiều dài bờ biển hơn 254 km (bằng ⅓ chiều dài bờ biển vùng Đồng bằng sông Cửu Long). Đường bờ biển của tỉnh Cà Mau có nhiều cửa sông đổ ra biển như: Gành Hào; Ông Đốc; Khánh Hội; Bồ Đề…

Biển Cà Mau có diện tích thăm dò khai thác khoảng 71.000 km2; là một trong 4 ngư trường trọng điểm của Việt Nam với trữ lượng hải sản lớn và phong phú về chủng loại.

Theo ước tính, trữ lượng cá nổi ở đây có khoảng 320.000 tấn; cá đáy: 530.000 tấn; nhiều loại hải sản khác có giá trị và sản lượng lớn như: tôm, ghẹ, mực, cá thu, cá bớp, cá chim, cá hồng, cá mú… Vùng mặt nước ven biển thuận lợi nuôi các loại thủy sản như: sò huyết, nghêu, hàu, tôm nước mặn… có giá trị kinh cao. Sản lượng khai thác hàng năm ước khoảng 300.000 tấn.

Tỉnh Cà Mau có vùng biển tiếp giáp với các nước: Thái Lan; Campuchia; Malaysia; Indonesia; Singapore; gần tuyến đường biển quốc tế nên có nhiều thuận lợi cho việc giao lưu, hợp tác kinh tế thông qua đường biển; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế biển, khai thác dầu khí và các tài nguyên khác trong lòng biển.

4. Đặc điểm KT-XH tỉnh Cà Mau

Với thông tin tìm hiểu Cà Mau ở miền nào, những thông tin về đặc điểm kinh tế - xã hội Cà Mau sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về địa phương này.

Với vị trí địa lý là tỉnh cuối cùng nằm ở cực Nam của đất nước, mũi Cà Mau có cột mốc tọa độ quốc gia nên là điểm du lịch tham quan hấp dẫn nhiều du khách trong và ngoài nước.

Tỉnh Cà Mau có nhiều di tích lịch sử và lễ hội truyền thống văn hóa đặc sắc như: lễ hội nghinh Ông; đua ghe Ngo; lễ hội vía Bà…

Hệ sinh thái rừng ngập mặn, ngập lợ đan xen những dòng sông uốn lượn cùng các vườn cây ăn trái và sân chim tự nhiên tạo nên nhiều vùng và tuyến du lịch sinh thái hấp dẫn.

Bài viết trên đây là những thông tin giải đáp câu hỏi Cà Mau ở miền nào, Cà Mau giáp tỉnh nào... Đến với Cà Mau, bạn sẽ có dịp vui chơi, trải nghiệm nghe đờn ca tài tử, đi thuyền trên sông nước, thưởng thức những món ăn đặc sản… của nơi đây.

Hoàng Thái

Việt Nam Xã hội

Cà Mau ở miền nào, Cà Mau giáp tỉnh nào?