Kiên Giang ở miền nào, Kiên Giang giáp tỉnh nào?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Là một trong 28 tỉnh, thành phố ven biển của Việt Nam, Kiên Giang là tỉnh phát triển mạnh kinh tế biển. Để hiểu hơn về vị trí địa lý tỉnh Kiên Giang, cùng tìm hiểu Kiên Giang ở miền nào, Kiên Giang giáp tỉnh nào… trong bài viết dưới đây!

1. Kiên Giang ở miền nào?

Tỉnh Kiên Giang ở đâu, Kiên Giang thuộc miền nào?

Kiên Giang là một tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nằm ở phía Tây Nam của Việt Nam.

Tỉnh Kiên Giang có tọa độ địa lý từ 9°23' - 10°32' vĩ độ Bắc và từ 103°30’ - 105°32' kinh độ Đông.

Tỉnh Kiên Giang có 15 thành phố và huyện là:

  • 03 thành phố: Rạch Giá; Phú Quốc; Hà Tiên
  • 12 huyện: Hòn Đất; Kiên Lương; Châu Thành; Tân Hiệp; Gò Quao; Giồng Riềng; An Minh; An Biên; Kiên Hải; Vĩnh Thuận; Giang Thành; U Minh Thượng.

Trong đó, TP Rạch Giá là trung tâm chính trị - hành chính - kinh tế - văn hoá của tỉnh.

2. Kiên Giang giáp tỉnh nào?

Khi tìm hiểu Kiên Giang ở miền nào, bạn có biết Kiên Giang giáp tỉnh nào?

Kiên Giang là tỉnh có vị trí địa lý thuận lợi kết nối với các nước trong khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là Thái Lan và Campuchia.

  • Phía Bắc của tỉnh Kiên Giang giáp với đất nước Campuchia. Đường biên giới dài 56,8 km.
  • Phía Nam giáp với hai tỉnh: Bạc LiêuCà Mau.
  • Khu vực phía Đông và Đông Nam giáp với TP Cần Thơ và hai tỉnh: An Giang, Hậu Giang.
  • Phía Tây là vịnh Thái Lan.

Kiên Giang ở đâu trên bản đồ?

kiên giang ở đâu trên bản đồ
(Ảnh: TUBS/ Wikimedia Commons/ CC BY-SA 3.0)

Ý nghĩa vị trí địa lý tỉnh Kiên Giang

Tỉnh Kiên Giang có vị trí địa lý với nhiều điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên thuận lợi; giúp tỉnh có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế với cơ cấu ngành đa dạng bao gồm: kinh tế biển - đảo; kinh tế nông - lâm nghiệp; ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng; công nghiệp chế biến nông - thủy sản; du lịch.

Với vị trí là cửa ngõ ở phía Tây Nam của Việt Nam thông ra vịnh Thái Lan, tỉnh Kiên Giang có ranh giới quốc gia trên biển giáp với các nước: Malaysia; Thái Lan. Vị trí này giúp tỉnh Kiên Giang có tiềm năng lớn phát triển kinh tế biển, hàng hải, giao lưu thương mại và an ninh quốc phòng với các nước trong khu vực và quốc tế.

3. Điều kiện tự nhiên tỉnh Kiên Giang

Vậy là bạn đã biết Kiên Giang ở miền nào. Hãy cùng tiếp tục tìm hiểu thêm về điều kiện tự nhiên và các nguồn tài nguyên thiên nhiên của địa phương này nhé!

Kiên Giang có diện tích là bao nhiêu?

Tổng diện tích tự nhiên của tỉnh Kiên Giang là 6.348 km2.

3.1. Điều kiện địa hình

Địa hình của tỉnh Kiên Giang rất đa dạng; có nhiều sông núi, kênh rạch. Tỉnh Kiên Giang có đường bờ biển dài hơn 200 km với hơn 100 hòn đảo lớn nhỏ. Trong đó, đảo Phú Quốc có diện tích 567 km2 là đảo lớn nhất tỉnh Kiên Giang; cũng là hòn đảo lớn nhất Việt Nam.

Phần đất liền của tỉnh Kiên Giang có địa hình tương đối bằng phẳng; độ cao có hướng thấp dần theo hướng Đông Bắc - Tây Nam.

Địa hình của tỉnh Kiên Giang được chia thành 4 vùng là:

  • Tứ giác Long Xuyên: là khu vực tập trung thoát lũ chính của tỉnh;
  • Vùng Tây sông Hậu: là khu vực chịu ảnh hưởng của lũ hàng năm;
  • U Minh Thượng: là khu vực địa hình thấp thường ngập lụt vào mùa mưa;
  • Vùng biển - hải đảo.

Tỉnh Kiên Giang còn có Khu dự trữ sinh quyển Thế giới với diện tích hơn 1,1 triệu ha; là khu dự trữ sinh quyển lớn nhất cả nước được UNESCO công nhận.

3.2. Đặc điểm khí hậu

Khí hậu của tỉnh Kiên Giang là khí hậu nhiệt đới gió mùa nóng ẩm quanh năm. Nhiệt độ trung bình hàng năm từ 26,4°C - 28°C. Lượng mưa trung bình hàng năm là hơn 2.100 mm. Tỉnh Kiên Giang không chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão nhưng lượng nước mưa do bão chiếm một tỷ trọng đáng kể trong tổng lượng mưa hàng năm, đặt biệt là vào cuối mùa mua.

So với các tỉnh, thành khác ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, khí hậu - thời tiết của tỉnh Kiên Giang có nhiều thuận lợi hơn như: không rét, ít thiên tai, không có bão đổ bộ trực tiếp vào lãnh thổ; nhiệt lượng và ánh sáng dồi dào. Những thuận lợi về thời tiết - khí hậu giúp tỉnh Kiên Giang nuôi trồng và phát triển nhiều loại cây trồng, vật nuôi.

3.3. Điều kiện thủy văn, sông ngòi

Tỉnh Kiên Giang có nguồn nước mặt khá dồi dào. Tuy nhiên, do vị trí ở cuối nguồn nước ngọt của nhánh sông Hậu nhưng lại ở đầu nguồn nước mặn của vịnh Rạch Giá nên trong mùa mưa (từ tháng 5 đến tháng 10), phần lớn lượng nước mặt của tỉnh đều bị nhiễm phèn mặn.

Tỉnh Kiên Giang có 3 con sông chảy qua là: sông Cái Bé (chiều dài 70 km); sông Cái Lớn (chiều dài 60 km); và sông Giang Thành (27,5 km). Hệ thống mạng lưới kênh rạch dày đặc với tổng chiều dài khoảng 2.054 km. Hệ thống kênh rạch chủ yếu phục vụ cho việc tiêu nước vào mùa lũ, tưới nước vào mùa khô; và giao thông đi lại đường thủy.

3.4. Tài nguyên biển

Tỉnh Kiên Giang có đường bờ biển dài 200 km với hơn 100 hòn đảo; trong đó có 43 hòn đảo có dân cư sinh sống.

Ngư trường khai thác thủy sản của tỉnh rộng 63.290 km2; là một trong những ngư trường khai thác trọng điểm của Việt Nam. Ở đây có nhiều kênh rạch, cửa sông đổ ra biển tạo nên nguồn thức ăn tự nhiên phong phú, cung cấp cho các loài hải sản cư trú, sinh trưởng và sinh sản.

Theo Viện Nghiên cứu Biển Việt Nam, vùng biển Kiên Giang có trữ lượng tôm, cá khoảng 500.000 tấn. Trong đó, vùng ven bờ (độ sâu khoảng 20 - 50 m) có trữ lượng chiếm 56%; trữ lượng tôm, cá ở tầng nổi (chiếm 51,5%); trữ lượng hàng năm có thể khai thác khoảng hơn 200.000 tấn.

Bên cạnh đó, các loài hải sản khác như: mực, bào ngư, hải sâm, sò huyết… cũng có trữ lượng lớn và điều kiện khai thác thuận lợi.

3.5. Tài nguyên khoáng sản

Tỉnh Kiên Giang có nguồn khoáng sản phong phú bậc nhất ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo kết quả điều tra địa chất, tỉnh Kiên Giang có khoảng hơn 150 điểm quặng và mỏ của 23 loại khoáng sản như: than bùn (nhóm khoáng sản nhiên liệu); đất sét, đá xây dựng, đá vôi… (nhóm khoáng sản phi kim loại); sắt; huyền thạch anh - opal… Trong đó, trữ lượng đá vôi của tỉnh khoảng hơn 440 triệu tấn.

4. Đặc điểm KT-XH tỉnh Kiên Giang

Khi tìm hiểu Kiên Giang ở miền nào, bạn có thể tham khảo thêm các thông tin về tình hình kinh tế - xã hội của địa phương này.

4.1. Giàu tiềm năng du lịch

Để khai thác hiệu quả tiềm năng phát triển du lịch, tỉnh Kiên Giang xây dựng 4 vùng du lịch trọng điểm là:

- Phú Quốc: là trung tâm du lịch nghỉ dưỡng trong nước và quốc tế chất lượng cao. Đảo Phú Quốc có nhiều bãi tắm đẹp như: Bãi Trường, Bãi Sao, Bãi Hòn Thơm, Bãi Đại…; xung quanh đảo còn có 26 đảo lớn nhỏ khác.

- Vùng Hà Tiên - Kiên Lương: có nhiều thắng cảnh biển, núi non nổi tiếng như: Mũi Nai; Thạch Động; núi Đá Dựng; núi Tô Châu; di tích lịch sử văn hóa núi Bình San; hòn Phụ Tử; bãi Dương; quần đảo Hải Tặc; đảo Bà Lụa…

- TP Rạch Giá và vùng phụ cận: TP Rạch giá có nhiều di tích lịch sử văn hóa; là điểm dừng chân để đi tiếp tới Phú Quốc, Hà Tiên và các địa phương khác trong tỉnh. Một số vùng phụ cận của TP Rạch Giá như: Hòn Đất; huyện đảo Kiên Hải (quần đảo Nam Du); U Minh Thượng cũng có nhiều tiềm năng phát triển du lịch.

- Vùng U Minh Thượng: là khu vực sinh thái rừng ngập mặn đặc thù trên đất than bùn. Vườn Quốc gia U Minh Thượng là khu dự trữ sinh quyển của thế giới. Đến với Khu du lịch Vườn Quốc gia U Minh Thượng, du khách có thể tham quan du lịch sinh thái kết hợp với trải nghiệm văn hóa sông nước của vùng bán đảo Cà Mau và du lịch nghiên cứu di chỉ khảo cổ Ốc Eo - Phù Nam.

4.2. Phát triển mạnh kinh tế biển

Với lợi thế về biển, đảo, ngành kinh tế biển của Kiên Giang phát triển khá toàn diện, đóng góp gần 80% GRDP của tỉnh.

Một số hoạt động có hiệu quả kinh tế cao như: khai thác hải sản xa bờ đạt sản lượng 500.000 - 600.000 tấn/năm; nuôi trồng thủy sản ở vùng ven biển đạt hơn 217.000 tấn/năm (trong đó sản lượng tôm nuôi khoảng 80.000 tấn/năm)….

Về phát triển kinh tế hàng hải, tỉnh Kiên Giang đầu tư phát triển các cảng biển trọng điểm tại Phú Quốc; Hà Tiên; Kiên Lương; Kiên Hải. Trong đó, tỉnh tập trung phát triển Cảng nước sâu Nam Du (huyện Kiên Hải); Cảng Hòn Chông (huyện Kiên Lương); Cảng tổng hợp tại Mũi Đất Đỏ và Cảng biển Vịnh Đầm (Phú Quốc); Cảnh hành khách quốc tế Dương Đông - Phú Quốc; Cảng hành khách Rạch Giá…

Trên đây là những thông tin tham khảo giúp bạn hiểu rõ hơn về tỉnh Kiên Giang khi tìm hiểu Kiên Giang ở miền nào, Kiên Giang giáp tỉnh nào… Tỉnh Kiên Giang đang tập trung phát triển đưa kinh tế biển trở thành thế mạnh của mình; kết hợp với bảo đảm an ninh - quốc phòng và bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

Hoàng Thái

Xem thêm:

Việt Nam Xã hội

Kiên Giang ở miền nào, Kiên Giang giáp tỉnh nào?