An Giang ở miền nào, An Giang có thuộc miền Tây không?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Là vùng đất ở vị trí đầu nguồn nơi dòng sông Mekong chảy vào lãnh thổ Việt Nam, tỉnh An Giang có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội. An Giang ở miền nào, An Giang có thuộc miền Tây không; An Giang giáp tỉnh nào… là những câu hỏi nhận được nhiều sự quan tâm. Cùng tìm hiểu về vị trí địa lý tỉnh An Giang trong bài viết dưới đây!

1. An Giang ở miền nào?

An Giang ở đâu? Tỉnh An Giang thuộc miền nào? An Giang có thuộc miền Tây không?

An Giang là một trong 13 tỉnh ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long - khu vực miền Tây của Việt Nam. Đây là tỉnh duy nhất ở Đồng bằng sông Cửu Long có diện tích nằm ở cả hai bờ của sông Hậu.

Tỉnh An Giang có tọa độ địa lý từ 10°12' - 10°57' vĩ độ Bắc và từ 104°46’ - 105°35' kinh độ Đông.

Với vị trí địa lý là đầu nguồn sông Mekong phần chảy vào lãnh thổ Việt Nam, tỉnh An Giang được ví là “vùng đất màu xanh" mang nhiều nét đặc trưng của vùng đất Tây Nam Bộ.

Tỉnh An Giang có 11 đơn vị hành chính cấp huyện là:

  • 02 thành phố: Long Xuyên; Châu Đốc
  • 01 thị xã: Tân Châu
  • 08 huyện: Tịnh Biên; Châu Thành; An Phú; Tri Tôn; Chợ Mới; Châu Phú; Phú Tân; Thoại Sơn.

2. An Giang giáp tỉnh nào?

Khi tìm hiểu An Giang ở miền nào, nhiều bạn cũng muốn biết thêm An Giang giáp tỉnh nào.

  • Phía Bắc và phía Đông của tỉnh An Giang giáp với tỉnh Đồng Tháp.
  • Phía Nam và Tây Nam tiếp giáp với tỉnh Kiên Giang.
  • Khu vực phía Đông Nam tiếp giáp với TP Cần Thơ.
  • Khu vực phía Bắc và Tây Bắc tiếp giáp với hai tỉnh: Takeo và Kandal của Campuchia với đường biên giới gần 100 km.

An Giang cách TP HCM bao nhiêu km?

Tỉnh An Giang cách TP HCM khoảng 180 km.

An Giang ở đâu trên bản đồ?

an giang ở đâu, an giang ở đâu trên bản đồ
(Ảnh: TUBS/ Wikimedia Commons/ CC BY-SA 3.0)

3. Điều kiện tự nhiên của tỉnh An Giang

Nhiều bạn khi tìm hiểu An Giang ở miền nào cũng muốn biết thêm những thông tin về điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên của tỉnh này.

An Giang có diện tích là bao nhiêu?

Tỉnh An Giang có tổng diện tích tự nhiên là 2.536,7 km2.

3.1. Điều kiện địa hình

Tỉnh An Giang vừa có địa hình đồng bằng, vừa có đồi núi.

Khu vực địa hình đồi núi có diện tích là 33 ha (gần bằng 10% diện tích tự nhiên của tỉnh). Địa hình đồi núi phân bố chủ yếu ở địa phận hai huyện: Tịnh Biên và Tri Tôn. Nơi đây nổi tiếng nhất với vùng Thất Sơn với 7 ngọn núi lớn là: núi Cấm (Thiên Cẩm Sơn), núi Cô Tô (Phụng Hoàng Sơn); núi Tượng (Liên Hoa Sơn), núi Nước (Thủy Đài Sơn), núi Két (Anh Vũ Sơn), núi Dài Năm Giếng (Ngũ Hồ Sơn); núi Dài (Ngọa Long Sơn).

Khu vực địa hình đồng bằng là toàn bộ phần diện tích còn lại bao gồm hai khu vực là:

  • Vùng cù lao: gồm bốn huyện nằm giữa sông Hậu và sông Tiền: huyện Chợ Mới; huyện Tân Châu; An Phú; Phú Tân.
  • Vùng Tứ giác Long Xuyên: bao gồm TP Long Xuyên; TP Châu Đốc; các huyện: Thoại Sơn; Châu Thành; Châu Phú và phần đất thấp còn lại ở huyện Tịnh Biên và huyện Tri Tôn.

3.2. Đặc điểm khí hậu

Tỉnh An Giang có khí hậu nhiệt đới gió mùa với hai mùa rõ rệt trong năm là mùa mưa và mùa khô.

Nhiệt độ trung bình hàng năm là 27°C. Lượng mưa trung bình hàng năm khoảng hơn 1.100 mm. Điều kiện khí hậu cơ bản thuận lợi cho hoạt động phát triển nông nghiệp.

3.3. Điều kiện thủy văn, sông ngòi

Tỉnh An Giang là một trong hai tỉnh đầu nguồn sông Mekong (phần chảy vào Việt Nam) theo hai nhánh: sông Tiền và sông Hậu.

Cùng với hai nhánh sông lớn, tỉnh An Giang có hệ thống kênh rạch tự nhiên và kênh đào tạo nên một mạng lưới giao thông đường thủy, thủy lợi chằng chịt với 280 tuyến; mật độ 1,72 km/km2 - là mức mật độ cao nhất so với các tỉnh, thành khác ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Chế độ thủy văn ở tỉnh An Giang gắn liền với chế độ nước của sông Mekong. Hàng năm, tỉnh An Giang có khoảng 70% diện tích tự nhiên bị ngập lụt từ 1 - 2,5 m trong thời gian từ 2,5 - 4 tháng. Mặc dù vậy, vào mùa lũ này, nước lũ đem phù sa bồi đắp cho đất đai của tỉnh; kết hợp với điều kiện khí hậu và thời tiết mát mẻ rất thuận lợi cho hoạt động sản xuất nông nghiệp.

Cùng với đó, hệ thống sông và kênh rạch ở tỉnh An Giang đều chảy qua các khu vực có di tích lịch sử; danh lam thắng cảnh; các làng nghề… tạo điều kiện thuận lợi để tỉnh phát triển loại hình du lịch trên sông.

Do vị trí địa lý đặc biệt của tỉnh, người dân An Giang đã thích nghi sống chung với lũ; hạn chế ở mức thấp nhất những thiệt hại do lũ lụt đồng thời khai thác nhiều nguồn lợi từ lũ mang đến.

3.4. Tài nguyên đất

Tỉnh An Giang có 37 loại đất khác nhau được chia thành 6 nhóm đất chính. Trong đó, nhóm đất chủ yếu là đất phù sa với hơn 151.600 ha (bằng 44,5% diện tích của tỉnh).

Tài nguyên đất của tỉnh An Giang phần lớn màu mỡ do 72% diện tích là đất phù sa hoặc đất có phù sa. Cùng với địa hình bằng phẳng, tài nguyên đất của tỉnh An Giang thích hợp với nhiều loại cây trồng.

3.5. Tài nguyên rừng

Tỉnh An Giang có hơn 583 ha rừng tự nhiên là loại rừng ẩm nhiệt đới với đa số là cây lá rộng. Trong đó có hơn 150 loài cây quý hiếm thuộc 54 họ. Tỉnh An Giang còn có 3.800 ha rừng tràm cùng với nhiều loại động vật rừng phong phú, có nhiều loại quý hiếm.

3.6. Tài nguyên khoáng sản

So với các tỉnh, thành khác ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, tỉnh An Giang có tài nguyên khoáng sản khá phong phú. Nhiều loại khoáng sản có trữ lượng khá như: đá granite có trữ lượng hơn 7 tỷ m3; cao lanh có trữ lượng 2,5 triệu tấn; đá cát kết có trữ lượng 400 triệu m3; than bùn có trữ lượng 16,4 triệu tấn; vỏ sò có trữ lượng 30 - 40 triệu m3. Bên cạnh đó còn có những loại khoáng sản khác như: cát sỏi; bentonite; fenspat; puzolan…

4. Đặc điểm KT-XH tỉnh An Giang

Vậy là bạn đã biết An Giang ở miền nào. Bạn có biết An Giang có đặc điểm kinh tế - xã hội như thế nào?

4.1. Kết nối giao thương quốc tế

Với vị trí tiếp giáp Campuchia, tỉnh An Giang có vai trò quan trọng trong việc kết nối giao lưu quốc tế, phát triển thương mại giữa hai nước. Quốc lộ 91 qua tỉnh An Giang nối với tuyến Quốc lộ 2 của đất nước Campuchia.

Hai con sông lớn là sông Tiền và sông Hậu cùng với mạng lưới kênh rạch là những tuyến giao lưu đường thủy quan trọng kết nối tỉnh An Giang với các tỉnh, thành thuộc Đồng bằng sông Cửu Long và Biển Đông; đồng thời kết nối với Lào, Campuchia và Thái Lan qua cửa khẩu Tịnh Biên (huyện Tịnh Biên) và cửa khẩu Vĩnh Xương (huyện Tân Châu).

Đây là những điều kiện thuận lợi để tỉnh An Giang phát triển kinh tế cửa khẩu, kinh tế biên giới; hội nhập kinh tế với các tỉnh ở khu vực Nam Bộ cùng với các tỉnh, thành khác trong cả nước; và đặc biệt là với các nước trong khu vực Đông Nam Á.

4.2. Tiềm năng phát triển du lịch

Tỉnh An Giang là một trong 10 vùng du lịch trọng điểm của Việt Nam. Địa phương này có nhiều tiềm năng phát triển du lịch với các dạng địa hình đồng bằng, sông, kênh rạch, rừng; và những núi cao gắn liền với nền văn hóa bản địa lâu đời. Một số điểm du lịch nổi tiếng như: dãy núi Thất Sơn ở hai huyện: Tri Tôn - Tịnh Biên; dãy núi Sam (huyện Châu Đốc); núi Sập gắn với khu di chỉ văn hóa Óc Eo; rừng tràm Trà Sư; hồ Thoại Sơn; cù lao Giêng…

An Giang là một trong những tỉnh nằm trong hệ thống vùng du lịch Nam Trung Bộ và Nam Bộ. Lợi thế này tạo thuận lợi cho tỉnh An Giang đón khách du lịch nội địa từ các tỉnh, thành khác; đặc biệt là khách du lịch từ TP HCM.

Với vị trí nằm gần biên giới Tây Nam của đất nước nên An Giang còn có lợi thế đón khách du lịch quốc tế từ Lào, Campuchia qua các tour du lịch tiểu vùng sông Mekong kết nối Việt Nam, Campuchia và Lào.

Trên đây là những thông tin giúp bạn hiểu rõ hơn về tỉnh An Giang khi tìm hiểu An Giang ở miền nào, An Giang giáp tỉnh nào… Đến với An Giang, bạn hãy dừng chân ghé thăm những ngôi đền, chùa cổ kính ở các địa điểm nổi tiếng như: núi Cấm; núi Sam; Châu Đốc; Tịnh Biên… để cảm nhận nét văn hóa đặc sắc của nơi đây nhé!

Hoàng Thái

Việt Nam Xã hội

An Giang ở miền nào, An Giang có thuộc miền Tây không?