Long An thuộc miền nào, Long An giáp tỉnh nào?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Là tỉnh có số lượng khu công nghiệp nhiều thứ 4 ở Việt Nam, tỉnh Long An thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước cùng với nhiều dự án lớn. Cùng tìm hiểu Long An thuộc miền nào, Long An giáp tỉnh nào, Long An thuộc miền Tây hay miền Nam; Long An thuộc miền Đông hay miền Tây… trong bài viết dưới đây!

1. Long An thuộc miền nào?

Long An ở đâu? Tỉnh Long An thuộc miền nào, Long An có thuộc miền Tây không?

Long An là một trong 13 tỉnh, thành ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long - miền Tây Nam Bộ của Việt Nam.

Vị trí địa lý của tỉnh Long An khá đặc biệt bởi tuy nằm ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long nhưng tỉnh Long An lại thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đây là vùng kinh tế được xác định là vùng kinh tế động lực có vai trò đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển nền kinh tế của Việt Nam.

Tỉnh Long An có tọa độ địa lý từ 10°23' - 11°02' vĩ độ Bắc và từ 105°30’ - 106°47' kinh độ Đông.

Tỉnh Long An có 15 đơn vị hành chính cấp huyện là:

  • 01 thành phố: Tân An;
  • 01 thị xã: Kiến Tường;
  • 13 huyện: Cần Giuộc; Đức Hòa; Cần Đước; Bến Lức; Châu Thành; Tân Thạnh; Vĩnh Hưng; Tân Hưng; Mộc Hóa; Thạnh Hóa; Tân Trụ; Thủ Thừa; Đức Huệ.

Trong đó, TP Tân An là trung tâm chính trị - hành chính - kinh tế - văn hóa của tỉnh.

2. Long An giáp tỉnh nào?

Khi tìm hiểu Long An thuộc miền nào, có nhiều bạn cũng chưa biết Long An giáp tỉnh nào; Long An gần tỉnh nào.

  • Phía Bắc của tỉnh Long An tiếp giáp với Campuchia. Đường biên giới dài 132,977 km. Có hai cửa khẩu quốc tế là: Bình Hiệp (huyện Mộc Hóa) và Tho Mo (huyện Đức Huệ).
  • Phía Đông tiếp giáp với tỉnh Tây Ninh và TP HCM.
  • Khu vực phía Tây tiếp giáp với tỉnh Đồng Tháp.
  • Khu vực phía Nam tiếp giáp với tỉnh Tiền Giang.

Long An cách TP HCM bao nhiêu km?

Tỉnh Long An cách trung tâm TP HCM khoảng 50 km theo tuyến đường Quốc lộ 1A.

Long An cách Đồng Tháp bao nhiêu km: Khoảng 80 km.

Long An ở đâu trên bản đồ?

long an ở đâu, long an ở đâu trên bản đồ
(Ảnh: TUBS/ Wikimedia Commons/ CC BY-SA 3.0)

Ý nghĩa vị trí địa lý tỉnh Long An

Tỉnh Long An có vị trí địa lý là cửa ngõ kết nối khu vực Đông Nam Bộ với Đồng bằng sông Cửu Long. Các tuyến đường bộ quan trọng đi qua tỉnh là: tuyến Quốc lộ 1A, tuyến Quốc lộ 50…

Là tỉnh tiếp giáp với TP HCM, tỉnh Long An có mối liên hệ chặt chẽ với Vùng phát triển kinh tế trọng điểm phía Nam. Đặc biệt, TP HCM giữ vai trò là đối tác đầu tư; chuyển giao công nghệ; và là thị trường tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp lớn nhất của Đồng bằng sông Cửu Long.

3. Điều kiện tự nhiên tỉnh Long An

Khi tìm hiểu Long An thuộc miền nào, bạn có thể tham khảo thêm những thông tin về điều kiện tự nhiên của tỉnh này.

Long An có diện tích là bao nhiêu?

Tỉnh Long An có tổng diện tích tự nhiên là 4.493,8 km2; bằng 11,06% diện tích của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và bằng 1,35% diện tích của cả nước.

3.1. Điều kiện địa hình

Tỉnh Long An có địa hình bằng phẳng; độ cao trung bình của địa hình chỉ khoảng 2 - 3 m so với mực nước biển. Các khu vực trong toàn tỉnh không có sự chênh lệch lớn về độ cao địa hình.

Địa hình của tỉnh Long An có xu hướng thấp dần từ Tây lên Bắc, ra phía Đông và phía Nam. Địa hình được chia thành ba khu vực chính là:

  • Khu vực phù sa cổ: phân bố dọc biên giới, ở khu vực đồng bằng ngập nước và cửa sông Vàm Cỏ từ phía Bắc của tuyến Quốc lộ 1A xuống phía Đông Nam. Vùng này có địa hình bằng phẳng, không bị ảnh hưởng bởi lũ lụt.
  • Khu vực giáp với TP HCM và tỉnh Tây Ninh: có địa hình gò, đồi cao hơn.
  • Ở phía Tây của tỉnh có dạng địa hình đầm lầy là một phần của khu vực Đồng Tháp Mười, ở đây quanh năm ngập nước.

3.2. Đặc điểm khí hậu

Tỉnh Long An có khí hậu nhiệt đới gió mùa ẩm, trong năm có hai hướng gió chính thịnh hành là: gió mùa Tây Nam (hoạt động từ tháng 5 đến tháng 9); và gió mùa Đông Bắc (hoạt động từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau).

Nhiệt độ trung bình năm của tỉnh Long An khoảng từ 27°C - 28°C.

3.3. Tài nguyên nước

Tỉnh Long An là tỉnh duy nhất trong các tỉnh, thành của miền Tây Nam Bộ không có dòng Cửu Long chảy qua. Tuy nhiên, tỉnh này lại có hai dòng sông là Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây chảy qua gắn liền văn hóa, lịch sử và đời sống của người dân Long An.

Cả hai dòng sông đều bắt nguồn từ Campuchia. Mỗi sông chảy qua một số khu vực của tỉnh Long An rồi hợp lưu thành sông Vàm Cỏ và đổ ra biển tại cửa sông Soài Rạp. Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây tuy riêng biệt nhưng lại có nhiều dòng kênh nối liền hai dòng sông với nhau.

Hai sông Vàm Cỏ là cung đường thủy quan trọng nhất của tỉnh Long An; đồng thời có vai trò lớn trong việc cung cấp nước ngọt cho đời sống dân cư; giúp xả phèn; và góp phần thoát lũ cho một số địa phương trong tỉnh. Cùng với đó, hai dòng sông này và những hoạt động vùng sông nước là tiềm năng du lịch đặc biệt tạo nên sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh Long An.

4. Đặc điểm KT-XH tỉnh Long An

Một số thông tin về đặc điểm kinh tế - xã hội tỉnh Long An dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn khi tìm hiểu Long An thuộc miền nào.

Nhờ vị trí địa lý của mình, tỉnh Long An có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội.

Phát triển công nghiệp - thương mại

Nằm tiếp giáp với TP HCM và là “cầu nối" giữa TP HCM với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, các khu công nghiệp của tỉnh Long An được hưởng lợi rất nhiều khi được kết nối với các trung tâm logistics và thị trường tiêu thụ rộng lớn.

Theo báo cáo của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) năm 2022, Long An là tỉnh có nhiều khu công nghiệp thứ 4 cả nước. Tính đến năm 2023, Long An có 18 khu công nghiệp đang hoạt động. Theo quy hoạch của tỉnh, đến năm 2030, Long An sẽ có thêm 17 khu công nghiệp thành lập mới; nâng tổng số khu công nghiệp tại tỉnh Long An lên 51 khu với tổng diện tích quy hoạch gần 12.500 ha.

Hướng tới sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

Tỉnh Long An đang thực hiện nhiều giải pháp phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao kết hợp với tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Tỉnh Long An có nhiều đặc sản nông nghiệp nổi tiếng như: gạo Nàng Thơm Chợ Đào; dứa Bến Lức; thanh long Châu Thành; dưa hấu Long Trì; rau Cần Giuộc; mía Thủ Thừa; đậu phộng Đức Hòa… Đặc biệt, trong nhiều năm qua, lúa gạo chất lượng cao là sản phẩm nông nghiệp chủ lực trong cơ cấu xuất khẩu của tỉnh.

Trên đây là những thông tin giải đáp thắc mắc Long An thuộc miền nào, Long An giáp tỉnh nào… Là một trong những tỉnh thuộc Vùng phát triển kinh tế trọng điểm phía Nam, tỉnh Long An đang đầu tư hơn nữa cho các ngành công nghiệp - dịch vụ - thương mại và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Hoàng Thái

Việt Nam Xã hội

Long An thuộc miền nào, Long An giáp tỉnh nào?