Ngoại trưởng Hàn Quốc, Đức lo ngại tình hình kinh tế Ukraine trong bối cảnh Kyiv khó xuất nông sản

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo tin từ truyền thông nhà nước Nga, TASS, Ngoại trưởng Hàn Quốc Pak Chin cho biết nước ông sẽ tiếp tục cung cấp cho Ukraine hỗ trợ tài chính, hỗ trợ xây dựng và khôi phục cơ sở hạ tầng. Hàn Quốc tái khẳng định rằng họ sẽ không cung cấp vũ khí cho Kyiv.

Chính quyền Hàn Quốc và Đức lo ngại về tình hình kinh tế đang xấu đi ở Ukraine, Ngoại trưởng Hàn Quốc Park Jin cho biết hôm thứ Bảy, sau cuộc hội đàm với người đồng cấp Đức Annalena Baerbock đang có chuyến công du ở đây.

"Hai bên bày tỏ lo ngại rằng tình hình kinh tế và nhân đạo ở Ukraine đang xấu đi. Hàn Quốc và Đức nhất trí rằng sự đoàn kết và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế hiện nay quan trọng hơn bao giờ hết. Về vấn đề này, hai nước nhất trí hợp tác trong việc thực hiện các biện pháp ngoại giao và kinh tế", Ngoại trưởng Park nói, hãng thông tấn Yonhap đưa tin.

Tuy nhiên, Ngoại trưởng nhấn mạnh Hàn Quốc không có ý định cung cấp vũ khí cho Kyiv. Trả lời một câu hỏi liên quan, Ngoại trưởng Hàn Quốc nói rõ rằng Seoul sẽ tiếp tục cung cấp hỗ trợ tài chính, hỗ trợ xây dựng và tái thiết cơ sở hạ tầng.

Lo ngại của Ngoại trưởng Hàn Quốc và Đức xuất hiện trong bối cảnh các quốc gia Trung và Đông âu đang phản đối dữ dội chính sách miễn thuế nông sản của EU dành cho Ukraine. Nông sản giá rẻ từ Ukraine tràn ngập thị trường châu Âu đang tác động tiêu cực lên ngành nông nghiệp của các quốc gia này.

Hôm qua, cả Ba Lan và Hungary đồng loạt cấm nhập khẩu nông sản từ Ukraine cho đến ngày 30/6/2023. Lý do đưa ra là để bảo vệ thị trường nông sản của hai quốc gia này.

Theo chân Ba Lan và Hungary có thể còn có thêm nhiều quốc gia khác nữa ở Trung và Đông âu.

Theo truyền thông Romania, vào đầu tháng 4/2023, nhiều nhóm nông dân đã tham gia biểu tình ở trên khắp cả nước để phản đối tình trạng nhập khẩu nông sản từ Ukraine. Trong tình trạng tương tự ở quốc gia láng giềng Bulgaria, các nhà sản xuất ngũ cốc đã chặn một số cửa khẩu biên giới bằng các phương tiện nông nghiệp để phản ứng việc nhậu khẩu hàng hóa ngũ cốc từ Ukraine.

Ukraine là một trong những nhà sản xuất ngũ cốc và dầu hướng dương lớn nhất thế giới, nhưng xuất khẩu của nước này bị hạn chế do Nga phong tỏa các cảng ở Biển Đen và sau đó đã được hỗ trợ các tuyến đường vận chuyển thay thế qua các quốc gia thuộc Liên minh Châu Âu là Ba Lan và Romania do EU hỗ trợ. Năm ngoái, Liên minh châu Âu (EU) đã miễn thuế hải quan và hạn ngạch nhập khẩu đối với các sản phẩm nông nghiệp của Ukraine cho đến tháng 6/2024 như một cách tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển đến các thị trường nước thứ ba.

Tuy nhiên, việc này cũng dẫn tới làn sóng giận dữ ngày càng gia tăng ở một số quốc gia Trung và Đông Âu bởi làn sóng nhập khẩu ngũ cốc giá rẻ của Ukraine đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến giá cả và thị trường bán hàng của các nhà sản xuất địa phương.

Theo ước tính, Ủy ban châu Âu cho biết người nông dân từ Ba Lan, Romania, Hungary, Bulgaria và Slovakia đã thiệt hại tổng cộng 417 triệu euro bởi ngũ cốc từ Ukraine có giá rẻ hơn. Hiện tại, cơ quan này đã quyết định trao khoản bồi thường trị giá 56,3 triệu euro cho nông dân các nước Ba Lan, Bulgaria, Romania và có kế hoạch bổ sung thêm nguồn hỗ trợ này trong tương lai./.

Quang Nhật tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Ngoại trưởng Hàn Quốc, Đức lo ngại tình hình kinh tế Ukraine trong bối cảnh Kyiv khó xuất nông sản