Nhiều nước trả lại gấu trúc khổng lồ - Chính sách Ngoại giao Gấu trúc của Trung Quốc đi đến hồi kết

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nhật Bản, Phần Lan, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ mới đây đã thông báo rằng họ sẽ trả những con gấu trúc khổng lồ về cho Trung Quốc. Trong nhiều thập kỷ, gấu trúc khổng lồ được đối xử như những ngôi sao ở bất cứ nơi nào chúng đến, từ đó giúp ĐCSTQ làm đẹp hình ảnh một cách hiệu quả.

Nhật Bản: Trao trả 4 gấu trúc khổng lồ

Theo hãng thông tấn Kyodo News của Nhật Bản, gấu trúc đực Eimei (30 tuổi) và 2 con gái sinh đôi Ouhin và Touhin (8 tuổi) đã rời Nhật Bản bằng máy bay vào tối ngày 22/02. Một ngày trước đó, công viên Wakayama Adventure World đã tổ chức buổi lễ chia tay chúng.

Eimei trở lại Trung Quốc để phục vụ mục đích nghiên cứu bảo tồn và nhân giống gấu trúc, trong khi 2 con gái sinh đôi của Eimei trở lại Trung Quốc để tìm bạn phối giống, Kyodo News cho biết.

Eimei sinh ra ở Bắc Kinh vào năm 1992 và đến Nhật Bản vào năm 1994, là một “ông bố siêu đẳng” có 6 con với gấu trúc cái Meimei (đã qua đời năm 2008) và 10 con với gấu trúc cái Rauhin. Eimei hiện là cha của 16 gấu trúc con.

Ngày 21/02, một con gấu trúc khổng lồ khác của Nhật Bản, Xiang Xiang, cũng đã trở về Trung Quốc. Xiang Xiang sinh ra ở Nhật Bản vào tháng 06/2017. Theo thỏa thuận giữa Trung Quốc và Nhật Bản, quyền sở hữu gấu trúc con sinh ra ở nước ngoài cũng thuộc về Trung Quốc. Do COVID-19 bùng phát, ngày trở lại của Xiang Xiang đã bị hoãn 4 lần.

Nhiều nước trả lại gấu trúc khổng lồ - Chính sách Ngoại giao Gấu trúc của Trung Quốc đi đến hồi kết
Những con gấu trúc con nằm trên một chiếc cũi, tại Trung tâm Nghiên cứu Nhân giống Gấu trúc Khổng lồ Thành Đô, ở Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, tây nam Trung Quốc, ngày 23/09/2013. (Ảnh: STR/AFP/Getty Images)

Phần Lan: Không đủ tiền nuôi gấu trúc

Vào cuối tháng 1, một sở thú tư nhân ở Phần Lan cho biết họ sẵn sàng trả lại 2 con gấu trúc khổng lồ mà họ đã thuê từ Trung Quốc, vì họ không còn khả năng chi trả để chăm sóc chúng.

Hai con gấu trúc có tên là Lumi và Pyry đã đến Phần Lan vào tháng 01/2018, ngay sau khi nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình cho Phần Lan thuê gấu trúc trong vòng 15 năm trong chuyến thăm cấp nhà nước của ông tới Phần Lan năm 2017.

Sở thú Ahtari, nằm ở miền trung Phần Lan, đã hy vọng rằng gấu trúc sẽ thu hút khách du lịch; nhưng thay vào đó, họ phải gánh những khoản nợ chồng chất khi đại dịch tấn công ngành du lịch.

Chính phủ Phần Lan đã hỗ trợ tài chính 200.000 EUR (210.000 USD) cho sở thú Ahtari vào năm 2021, nhưng đã từ chối đơn xin tài trợ 5 triệu euro (5,3 triệu USD) của sở thú này.

Theo hợp đồng thuê 15 năm, sở thú phải trả phí thường niên cho Trung Quốc. Mặc dù số tiền chưa bao giờ được tiết lộ nhưng được ước tính vào khoảng 1 triệu EUR (1,06 triệu USD). Ngoài ra, sở thú phải trả khoản chi phí đắt đỏ để nuôi dưỡng cặp gấu trúc khổng lồ này.

Vương quốc Anh: Không thể nhân giống

Tháng 1 năm nay, Vương quốc Anh cũng thông báo sẽ trả gấu trúc khổng lồ về cho Trung Quốc. Ngày 04/01, sở thú Edinburgh ở Scotland cho hay họ dự kiến sẽ gửi một cặp gấu trúc trở lại Trung Quốc vào cuối tháng 10 năm nay.

Yang Guang và Tian Tian đã đến Edinburgh vào tháng 12/2011. Sở thú Edinburgh trả 750.000 bảng Anh (900.000 USD) mỗi năm cho Trung Quốc để có được 2 con gấu trúc này.

Theo ông David Field, Giám đốc điều hành của Hiệp hội Động vật học Hoàng gia Scotland, vì là loài gấu trúc khổng lồ duy nhất tại Vương quốc Anh, chúng rất được du khách yêu thích.

Nhưng không lâu sau khi chúng đến Anh, người ta phát hiện ra rằng cặp gấu trúc không có hứng thú sinh sản. Các nhân viên đã cố gắng thụ tinh nhân tạo 8 lần, tất cả đều thất bại. Yang Guang bị ung thư tinh hoàn và đã bị thiến sau khi phẫu thuật.

Hợp đồng thuê 2 con gấu trúc trong vòng 10 năm đã hết hạn vào năm 2021, nhưng đã được gia hạn thêm 2 năm do đại dịch COVID-19. Sau năm nay, hợp đồng thuê sẽ không được gia hạn.

Mỹ: Gấu trúc chết khi ngủ

Ngày 21/12 năm ngoái, sở thú Memphis ở bang Tennessee (Mỹ) tuyên bố rằng họ sẽ trả Ya Ya và Le Le về Trung Quốc, chấm dứt hợp đồng thuê 20 năm.

Theo hợp đồng, 2 con gấu trúc này sẽ được trả lại vào ngày 07/04. Bất ngờ thay, vào đầu tháng 2, Le Le được phát hiện đã chết trong khi ngủ ở tuổi 25.

Sở thú Memphis không thể xác định nguyên nhân cái chết tại thời điểm ra thông báo. Ông Matt Thompson, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của sở thú, cho biết trong một cuộc họp báo rằng không có dấu hiệu nào cho thấy Le Le bị ốm. Đoạn băng ghi hình từ những ngày trước khi con gấu trúc này qua đời cũng không cho thấy dấu hiệu của bất kỳ vấn đề gì.

Sau khi tin tức được truyền đi, truyền thông Trung Quốc đã chỉ trích Hoa Kỳ; nhiều cư dân mạng Trung Quốc đã mạnh mẽ kêu gọi đưa Ya Ya trở lại trước ngày trở về dự kiến.

Khi cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Mỹ đã lan rộng ra nhiều lĩnh vực, cái chết bất ngờ của Le Le dường như càng làm xấu hơn quan hệ song phương giữa hai quốc gia.

Tuy nhiên, sau khi Trung Quốc cử một chuyên gia về gấu trúc khổng lồ đến Mỹ, người ta đã xác định rằng nguyên nhân sơ bộ cái chết của Le Le là một cơn đau tim. Đồng thời, đánh giá về Ya Ya cho thấy, ngoại trừ tình trạng rụng lông do mắc bệnh ngoài da, Ya Ya ăn ngon miệng và có cân nặng ổn định.

Nhiều nước trả lại gấu trúc khổng lồ - Chính sách Ngoại giao Gấu trúc của Trung Quốc đi đến hồi kết
Gấu trúc khổng lồ Tai Shan tại Vườn thú Quốc gia Smithsonian ngày 03/02/2010 ở Washington, D.C., Mỹ. Đây là một trong những ngày cuối cùng của Tai Shan ở Mỹ trước khi được chuyển về Trung tâm Nghiên cứu Nhân giống Gấu trúc Thành Đô ở Trung Quốc. Tai Shan sinh ra tại Vườn thú Quốc gia Smithsonian vào năm 2005. Theo thỏa thuận giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, đối với tất cả những con gấu trúc khổng lồ có nguồn gốc từ Trung Quốc, các sở thú nước ngoài chỉ có thể thuê; và bất kỳ con gấu trúc con nào được sinh ra ở nước ngoài cuối cùng đều phải trở về Trung Quốc. (Ảnh: Chip Somodevilla/Getty Images)

Đài Loan: Gấu trúc chết vì động kinh

Cái chết của một con gấu trúc khổng lồ khác hồi năm ngoái tại Đài Loan có tác động chính trị lớn hơn sự việc ở Mỹ.

Cuối tháng 08/2022, Tuan Tuan, một chú gấu trúc khổng lồ được Trung Quốc tặng cho Đài Loan, có dấu hiệu động kinh và sau đó được chẩn đoán là bị tổn thương não. Tình trạng sức khỏe của Tuan Tuan xấu đi nhanh chóng. Vì chưa có tiền lệ con người thực hiện phẫu thuật mở hộp sọ cho gấu trúc nên các bác sĩ thú y đã không theo đuổi phương án này. Ngày 19/11, Tuan Tuan lên 3 cơn động kinh liên tiếp. Đội ngũ y tế quyết định rằng tình trạng của Tuan Tuan là không thể cứu vãn và quyết định đưa chú gấu này vào giấc ngủ bằng cách gây mê. Chiều hôm đó, tim Tuan Tuan ngừng đập. Khi đó, Tuan Tuan 18 tuổi, tương đương với khoảng 54-55 tuổi theo tuổi của người.

Chính quyền Trung Quốc về cơ bản đã ngừng tặng gấu trúc khổng lồ cho nước ngoài kể từ năm 1982, nhưng đã nỗ lực đặc biệt để tặng Tuan Tuan và Yuan Yuan cho Đài Loan vào năm 2006.

Hai con gấu trúc ban đầu không được đặt tên như vậy, nhưng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã cố tình đổi tên của chúng với nghĩa là “đoàn tụ” và “đoàn kết”.

Nhiều cư dân mạng Trung Quốc bình luận rằng cái chết của Tuan Tuan giống như một điềm xấu cho ý định thống nhất Đài Loan của Bắc Kinh.

Ngoại giao Gấu trúc thất bại

Gấu trúc khổng lồ là loài độc nhất ở Trung Quốc, được mọi người trên khắp thế giới yêu thích vì chúng rất dễ thương và hiền lành. ĐCSTQ nhận thức rõ điều này. Từ năm 1957 đến 1982, Bắc Kinh đã tặng 23 con gấu trúc khổng lồ cho 9 quốc gia. Hoa Kỳ, Liên Xô, Anh, Pháp, Nhật Bản và Đức đều đã nhận được gấu trúc như những món quà đặc biệt.

Sau năm 1982, dưới áp lực toàn cầu trong việc bảo vệ các loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng, ĐCSTQ đã ngừng tặng gấu trúc khổng lồ. Sau đó, ĐCSTQ đã thay đổi cách tiếp cận và quyết định gửi có thời hạn các cặp gấu trúc trưởng thành ra nước ngoài. Những con gấu trúc này sẽ ở lại nước sở tại trong 10 năm (hoặc hơn) nhằm mục đích “hợp tác nghiên cứu”. Trong toàn bộ khoảng thời gian đó, bên thuê gấu trúc sẽ phải trả hàng triệu USD phí thuê hàng năm cho ĐCSTQ.

Trong nhiều thập kỷ, gấu trúc khổng lồ đã được đối xử như những ngôi sao ở bất cứ nơi nào chúng đến. Đồng thời, chúng cũng giúp ĐCSTQ làm đẹp hình ảnh một cách hiệu quả.

Ông Ji Lin, nhà bình luận các vấn đề thời sự sống ở Nhật Bản, nói với The Epoch Times vào ngày 07/03 rằng gấu trúc khổng lồ đã trở thành một loại quyền lực mềm đối với ĐCSTQ. Những quốc gia đó, bằng cách nhận gấu trúc mà Trung Quốc cho thuê, đang bày tỏ sự chấp nhận ở mức độ nào đó đối với lập trường chính trị của ĐCSTQ. Nhưng giờ đây, nhiều quốc gia không muốn duy trì cái gọi là “ngoại giao gấu trúc” này, dù là vì lý do chính trị hay lý do tài chính, ông Ji nói.

Ông Akio Yaba, Giám đốc chi nhánh Đài Bắc của tờ báo Nhật Bản Sankei Shimbun, đã viết trong một bài đăng trên Facebook vào ngày 24/02 rằng việc những con gấu trúc bị trả lại dường như nói lên rằng “chính sách ngoại giao gấu trúc” của ĐCSTQ đang dần đi đến hồi kết.

Theo The Epoch Times

Xuân Hoa biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Nhiều nước trả lại gấu trúc khổng lồ - Chính sách Ngoại giao Gấu trúc của Trung Quốc đi đến hồi kết