Trung Quốc không phải yếu tố duy nhất quyết định mối quan hệ Mỹ - Ấn

Giúp NTDVN sửa lỗi

Mối quan hệ song phương đang được củng cố giữa Mỹ và Ấn Độ rất năng động và phức tạp, và Trung Quốc không phải là yếu tố duy nhất quyết định điều đó.

Trong bối cảnh sự phản đối đang ngày càng gia tăng đối với chính quyền Trung Quốc, chuyến đi gần đây của nhà lãnh đạo Ấn Độ tới Mỹ được một số nhà quan sát coi là một sự kiện địa chính trị mang tính bước ngoặt.

Chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nêu bật vai trò lãnh đạo của ông, quan hệ đối tác chiến lược Mỹ - Ấn Độ và các thỏa thuận kinh doanh giữa hai quốc gia.

Các chuyên gia nói với The Epoch Times rằng, sợi dây cơ bản dẫn đến mối quan hệ song phương đang phát triển là các giá trị được chia sẻ và các mối đe dọa chung. Ngoài ra, tình hình chính trị trong nước cũng đóng một vai trò trong việc định hình mối quan hệ thân thiện giữa ông Modi và các nhà lãnh đạo Mỹ, cho dù đó là Tổng thống Joe Biden hay cựu Tổng thống Donald Trump.

Ông Akhil Ramesh, một thành viên thường trú cấp cao tại Diễn đàn Thái Bình Dương có trụ sở tại Honolulu, nói với The Epoch Times trong một email: “Mối quan hệ Mỹ - Ấn Độ phần lớn được xây dựng trên nền tảng của các giá trị và mối đe dọa được chia sẻ". “Mối quan hệ này thường bị chỉ trích vì không phát triển với tốc độ như mong đợi nhưng nhìn vào mối quan hệ một cách riêng rẽ, mối quan hệ thương mại và quốc phòng đã phát triển theo cấp số nhân trong hai thập kỷ qua”.

Ông Ramesh tin rằng Ấn Độ là một yếu tố mạnh mẽ tạo ra cân bằng trong khu vực cho Mỹ ở Ấn Độ Dương với một số yếu tố độc đáo mà không đối tác nào trước đây có thể cung cấp.

“Sự chỉ trích lặp đi lặp lại về các đồng minh của Mỹ ở châu Âu và Đông Á nằm ở việc sự phụ thuộc của họ vào Mỹ để bảo vệ các lãnh thổ có chủ quyền của chính họ. Ấn Độ thì hoàn toàn ngược lại, và đối với nhiều chuyên gia quốc phòng và chiến lược (đặc biệt là trong cộng đồng theo chủ nghĩa hiện thực và kiềm chế), những người không muốn trút bỏ gánh nặng từ các quốc gia nước ngoài, thì Ấn Độ là một giấc mơ trở thành hiện thực”, ông Ramesh nói.

Theo ông Ramesh, Ấn Độ không muốn có sự hiện diện của Mỹ trên mảnh đất của mình, trong khi Mỹ cung cấp cho Ấn Độ công nghệ và vốn để nước này có thể trở thành một phần của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

“Và quan trọng hơn, [Mỹ cung cấp] công nghệ tiên tiến và quan trọng cần thiết để tự vệ trước sự gây hấn của Trung Quốc”, ông Ramesh nói.

Trung Quốc không phải yếu tố duy nhất quyết định mối quan hệ Mỹ - Ấn
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi phát biểu trước Quốc hội Mỹ tại Tòa nhà Quốc hội Mỹ ở Washington, Mỹ, vào ngày 22/06/2023. (Ảnh: Mandel Ngan/AFP qua Getty Images)

Không chỉ là Trung Quốc

Các chuyên gia tin rằng, Trung Quốc không phải là yếu tố duy nhất thúc đẩy quan hệ Ấn Độ - Mỹ. Thị trường Ấn Độ rộng lớn và tình hình chính trị trong nước ở Ấn Độ và Mỹ cũng đóng một vai trò trong quan hệ song phương.

Ông Ramesh nói rằng Ấn Độ gần đây đã vượt qua Trung Quốc để trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới. Điều này thu hút được mối quan tâm của nền kinh tế lớn của Mỹ.

“Nhân khẩu học thuận lợi (độ tuổi 18 - 35) và dân số đông khiến thị trường Ấn Độ trở thành một thị trường hấp dẫn đối với tất cả các doanh nghiệp đang tìm cách mở rộng và [rất] quan trọng đối với những doanh nghiệp đã đạt đến mức bão hòa tại quê nhà hoặc đã bị trục xuất khỏi các thị trường lớn khác như Trung Quốc (hãy nghĩ về giới công nghệ của Thung lũng Silicon)", ông Ramesh nói.

Vào ngày 21/06, ông Abhijit Iyer-Mitra, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Hòa bình và Xung đột, nói với The Epoch Times rằng ông Modi rất nổi tiếng với cộng đồng hơn 5 triệu người Ấn Độ ở Mỹ và chuyến thăm của ông sẽ làm lợi cho chính ông trong cuộc bầu cử quốc gia năm 2024 của Ấn Độ và cũng sẽ làm lợi cho Biden trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024.

“Đảng Dân chủ đang cố tạo ra một chuyến thăm cấp nhà nước. Các chuyến thăm cấp nhà nước rất tốt giống như các trường hợp với ông Anthony Albanese ở Úc và Boris Johnson! Toàn bộ màn diễn này, thứ này hoạt động rất tốt. … Vì vậy, họ đang tìm kiếm một số phiếu bầu trước cuộc bầu cử cho ông Biden”, ông Iyer-Mitra nói.

Chuyến thăm Mỹ gần đây nhất của ông Modi là vào tháng 09/2019, khi ông Modi phát biểu trước đám đông 50.000 người tại Sân vận động NRG ở Houston, Texas, trong “Xin chào, Modi”, sự kiện mà ông đã xuất hiện cùng với ông Trump.

Ông Iyer-Mitra cho biết: “Nếu bạn để ý đến các con số phiếu bầu, đã có nhiều người Ấn Độ bỏ phiếu cho ông Trump hơn bao giờ hết".

Chỉ hai ngày trước khi ông Modi bắt đầu chuyến thăm cấp nhà nước tới Mỹ, Ngoại trưởng Antony Blinken đã gặp nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình vào ngày 19/06 tại Bắc Kinh và cho biết Mỹ ủng hộ chính sách “Một Trung Quốc” và không ủng hộ nền độc lập của Đài Loan.

Chuyến đi Trung Quốc của ông Blinken ban đầu được lên kế hoạch vào tháng 2, nhưng nó đã bị trì hoãn do sự cố khinh khí cầu do thám Trung Quốc.

Ông Iyer-Mitra gọi “công thức” ngôn từ của ông Blinken là “sai” và nói rằng nó tương đương với việc bật đèn xanh cho chính quyền Trung Quốc xâm lược Đài Loan.

“Bạn ưu tiên mối đe dọa đó hơn mối đe dọa chiến lược, đó là một trò chơi mà Trung Quốc chơi. Bạn biết đấy, bạn không thể thoát khỏi nền sản xuất của Trung Quốc hoặc đối kháng hoàn toàn với Trung Quốc”, ông nói.

Thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc là 690 tỷ USD vào năm 2022 và giữa Ấn Độ và Trung Quốc là 135,9 tỷ USD trong cùng thời kỳ. Ông Iyer-Mitra bày tỏ hoài nghi về việc New Delhi và Washington sẽ làm bất cứ điều gì thực sự cụ thể để kiềm chế Trung Quốc.

“Điều này chỉ cho thấy rằng Ấn Độ và Mỹ có thể đối phó với Trung Quốc nếu họ muốn, nhưng tôi không nghĩ rằng một trong hai chúng ta có ý chí để làm điều đó”, ông nói.

Tuy nhiên, ông cảm thấy Bắc Kinh xem chuyến đi của ông Modi tới Mỹ là một vấn đề nghiêm trọng. Điều này được thể hiện qua việc các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc đã cố gắng hạ thấp ý nghĩa sự kiện này.

Trung Quốc không phải yếu tố duy nhất quyết định mối quan hệ Mỹ - Ấn
Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar (phải) nói chuyện với người đồng cấp Trung Quốc Tần Cương bên lề cuộc họp của Hội đồng Bộ trưởng Ngoại giao Tổ chức Hợp tác Thượng Hải tại Benaulim, Ấn Độ, vào ngày 04/05/2023. (Ảnh: Bộ Ngoại giao Ấn Độ/AFP qua Getty Images)

Tình hình đã thay đổi

Nga là nhà cung cấp vũ khí chính của Ấn Độ. Trong trật tự thế giới cũ, Ấn Độ liên minh với Nga, trong khi Mỹ gần gũi hơn với Pakistan. Những điều này được xác định bởi sự hội tụ của các lợi ích. Các chuyên gia cho biết, với sự xuất hiện của một chế độ Trung Quốc hiếu chiến ngày càng đe dọa Mỹ và thế giới tự do mà nó dẫn đầu, tình hình đã thay đổi với việc Ấn Độ và Mỹ hợp tác với nhau trong khi Trung Quốc, Pakistan và Nga hình thành một liên minh bất đối xứng.

Tiến sĩ Satoru Nagao, một thành viên không thường trú tại Viện Hudson có trụ sở tại Washington, nói với The Epoch Times rằng trong ma trận địa chính trị trước đây, Nga là đối tác quốc phòng chính của Ấn Độ và ngày nay, mặc dù người Nga nói rằng mối quan hệ của họ không phải là bị ảnh hưởng bởi quan hệ song phương Ấn Độ - Mỹ, nhưng quan hệ Ấn - Nga đã thay đổi và bị hủy hoại bởi thực tế của một trật tự thế giới mới.

“Sau Chiến tranh Lạnh, Nga bắt đầu xuất khẩu vũ khí sang Trung Quốc, vốn là mối đe dọa an ninh nghiêm trọng đối với Ấn Độ. Nga cũng đang xuất khẩu vũ khí sang Pakistan. Ví dụ, động cơ của máy bay chiến đấu JF-17 do Trung Quốc và Pakistan hợp tác phát triển là sản phẩm của Nga. Nga cũng đã bán trực thăng tấn công Mi-35 cho Pakistan”.

Ấn Độ và Pakistan đã trải qua bốn cuộc chiến tranh trong bảy thập kỷ qua. Ấn Độ và Trung Quốc từng xảy ra xung đột lớn vào năm 1962 và đã có nhiều cuộc giao tranh ở biên giới, bao gồm cả cuộc xung đột đẫm máu ở Galwan vào năm 2020.

Trong thập kỷ gần đây, Pakistan nghiêng hẳn về phía Trung Quốc. Trung Quốc, kể từ năm 2015, đã xây dựng Hành lang kinh tế Trung Quốc - Pakistan chạy qua lãnh thổ tranh chấp giữa Ấn Độ và Pakistan. Trong khi đó, căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc đã gia tăng ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

“Bởi vì Pakistan có liên hệ với các phần tử Hồi giáo cực đoan, hình ảnh của Ấn Độ trong mắt Mỹ là một nạn nhân của chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo. Ngoài ra, nếu Pakistan không hợp tác với Trung Quốc, Pakistan cũng sẽ là [lựa chọn hợp tác] tương đối tốt đối với Mỹ”, ông Nagao nói.

Ông Ramesh cho rằng, quan hệ Trung Quốc - Pakistan không liên quan nhiều đến mối quan hệ chặt chẽ của Ấn Độ với Mỹ.

“Mối quan hệ của Ấn Độ với Mỹ được xây dựng trên nền tảng/trụ cột của thương mại công nghệ, cộng đồng người di cư và quốc phòng. Câu hỏi về Trung Quốc hay trục Trung Quốc - Pakistan chỉ là một phần của mối quan hệ lớn hơn [giữa Mỹ và Ấn Độ]”, ông Ramesh nói.

Trung Quốc và Pakistan đã ký một thỏa thuận trị giá 4,8 tỷ USD vào ngày 20/06 để xây dựng một nhà máy điện hạt nhân 1.200 megawatt ở Pakistan. Trong khi nó trùng khớp với chuyến công du Mỹ của ông Modi, ông Iyer-Mitra cho biết không có gì ngạc nhiên khi Bắc Kinh thực hiện một động thái như vậy.

Ông nói: “Trung Quốc đã hết đòn bẩy chiến thuật đối với Ấn Độ".

Ông Nagao nói rằng trong bối cảnh tình hình địa chính trị đang thay đổi này, việc phụ thuộc vào Nga sẽ không mang lại lợi ích tốt nhất cho Ấn Độ và chính phủ Ấn Độ đã bắt đầu đa dạng hóa nguồn cung vũ khí của mình. Ấn Độ gần đây đã nhập khẩu nhiều vũ khí từ Mỹ, Vương quốc Anh, Pháp và Israel hơn Nga.

Theo ông Nagao, kể từ khi cuộc chiến Nga - Ukraine nổ ra vào tháng 02/2022, New Delhi đã bắt đầu ít phụ thuộc hơn vào Moscow, bởi vì Nga cần vũ khí và không thể đáp ứng tất cả các yêu cầu vũ khí của Ấn Độ.

“Tình trạng thiếu vũ khí [đòi hỏi] Nga phải nhập khẩu các bộ phận vũ khí từ Trung Quốc và đạn dược từ Iran và Triều Tiên. Và các biện pháp trừng phạt chống lại Nga hạn chế Nga có được các bộ phận (đặc biệt là chất bán dẫn) để chế tạo vũ khí. Nga không thể xuất khẩu vũ khí, bộ phận sửa chữa và đạn dược sang Ấn Độ mặc dù gần một nửa số vũ khí mà Ấn Độ sở hữu vẫn có xuất xứ từ Nga”, ông Nagao nói.

Tình trạng này đã đẩy Ấn Độ tới việc sản xuất vũ khí trong nước. Tuy nhiên, trong chuỗi cung ứng phức tạp và phụ thuộc lẫn nhau ngày nay, Ấn Độ cần những đối tác đáng tin cậy như Mỹ.

“Ấn Độ muốn tăng cường các loại vũ khí sản xuất trong nước như máy bay chiến đấu Tejas, xe tăng Arjun, v.v. Tuy nhiên, họ không thể tự sản xuất tất cả các bộ phận của các loại vũ khí sản xuất trong nước này. Ví dụ, động cơ của máy bay chiến đấu Tejas là do Mỹ sản xuất. Ấn Độ cần có khả năng tự chế tạo vũ khí”, ông Nagao nói.

Ông cho rằng, trong tình hình mới này, sự hợp tác Ấn Độ - Mỹ sẽ mang lại lợi ích cho cả hai nước. Trong quá khứ, Mỹ đã miễn cưỡng chia sẻ công nghệ quốc phòng nhạy cảm của mình với Ấn Độ.

“Tuy nhiên, lần này, Mỹ đã chấp nhận yêu cầu chia sẻ công nghệ của Ấn Độ. Vì vậy, Ấn Độ và Mỹ có thể cùng nhau chế tạo động cơ”, ông Nagao nói và cho biết thêm rằng Washington đồng ý hợp tác với New Delhi vì nếu Ấn Độ sử dụng vũ khí của Mỹ thay vì vũ khí của Nga thì điều đó có lợi cho Mỹ.

Trung Quốc không phải yếu tố duy nhất quyết định mối quan hệ Mỹ - Ấn
Các hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga di chuyển qua Quảng trường Đỏ trong cuộc duyệt binh Ngày Chiến thắng ở Moscow, Nga, vào ngày 09/05/2021. (Ảnh: Kirill Kudryavtsev/AFP qua Getty Images)

Ngoại lệ dành cho Ấn Độ

Việc Ấn Độ mua hệ thống tên lửa S-400 của Nga đã được đưa tin vào năm ngoái. Việc mua hệ thống tên lửa vướng phải các biện pháp trừng phạt theo Đạo luật Chống lại các đối thủ Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA), thứ được áp dụng đối với Thổ Nhĩ Kỳ, một đồng minh của NATO. Tuy nhiên, Ấn Độ đã được miễn trừ. Các chuyên gia nói với The Epoch Times rằng việc miễn trừ trừng phạt chứng tỏ rằng Mỹ hiểu các giá trị và mối quan tâm của Ấn Độ và có sự tin tưởng vào quan hệ đối tác.

Thượng nghị sĩ Ted Cruz (Cộng hòa - Texas) đã gọi bất kỳ nỗ lực nào nhằm trừng phạt Ấn Độ là “cực kỳ điên rồ” trong phiên điều trần về các đề xuất của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện vào năm ngoái. Ngay sau bài phát biểu của ông Modi trước Quốc hội vào ngày 22/06, ông Cruz nói với The Epoch Times rằng Ấn Độ là nền dân chủ lớn nhất thế giới và điều quan trọng là phải có tình hữu nghị và liên minh với Ấn Độ.

“[During] Hai năm đầu tiên của chính quyền Biden, Tòa Bạch Ốc đã thực hiện nhiều bước đẩy Ấn Độ rời xa chúng ta, bao gồm cả việc đe dọa trừng phạt Ấn Độ một cách kỳ lạ. Tôi đã đề xuất dự luật tại Thượng viện để ngăn chính quyền Biden trừng phạt Ấn Độ”, ông Cruz nói.

“Tôi rất vui vì Chủ tịch hạ viện đã mời Thủ tướng Modi đến đây và tôi nghĩ việc ông ấy gặp Tổng thống Biben là điều quan trọng để tiếp tục thúc đẩy tình bạn của chúng ta”.

Ông Ramesh nói rằng mục tiêu tự sản xuất vũ khí của Ấn Độ không hề dễ để thực hiện và Mỹ hiểu điều đó.

Ông Ramesh nói: “Vì vậy, [Mỹ] đang cho [Ấn Độ] thời gian để đa dạng hóa và Ấn Độ đã đa dạng hóa trong thập kỷ qua".

“Hơn nữa, các miễn trừ CAATSA là sự công nhận các hành động có trách nhiệm của Ấn Độ trên trường thế giới và lịch sử duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ của Ấn Độ. Nó [Ấn Độ] không hề vi phạm luật pháp hay vùng biển quốc tế như Trung Quốc ở Biển Đông, cũng không xâm phạm lãnh thổ nước ngoài”.

Ông Nagao nói rằng tình hình đã thay đổi do xung đột Ukraine và người Ấn Độ sẽ ngừng mua hệ thống tên lửa S-400 vì người Nga cần nó cho chính họ.

“Chỉ có 3 tiểu đoàn sẽ đến Ấn Độ mặc dù 5 tiểu đoàn đã được thống nhất giữa Ấn Độ và Nga”, ông Nagao nói.

Lực lượng Không quân Ấn Độ (IAF) đã nói với ủy ban quốc hội Ấn Độ vào tháng 3 rằng, do chiến tranh Ukraine, Nga không thể duy trì nguồn cung quốc phòng cho Ấn Độ.

“Vì vậy, chúng ta [đáng lẽ] đã có một đợt giao hàng lớn trong năm nay, điều sẽ không diễn ra. Họ đã gửi văn bản cho chúng tôi rằng họ không thể chuyển giao nó", đại diện IAF nói, theo một báo cáo do Hạ viện Ấn Độ công bố.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc không phải yếu tố duy nhất quyết định mối quan hệ Mỹ - Ấn